Các yếu tố bảo đảm chất lượng xây dựng pháp luật ở Việt Nam

[VPLUDVN] Thực hiện “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” theo Nghị quyết 48/NQ-TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị, thời gian qua hệ thống pháp luật nước ta ngày càng được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, sự tác động của hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho kinh tế – xã hội có nhiều biến đổi, đòi hỏi hệ thống pháp luật cần tiếp tục hoàn thiện phù hợp với thực tế. Bài viết luận giải các yếu tố bảo đảm chất lượng xây dựng pháp luật và đề xuất một số giải pháp bảo đảm chất lượng xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay.
Các yếu tố bảo đảm chất lượng xây dựng pháp luật ở Việt Nam

Xây dựng pháp luật là hoạt động của các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền thực hiện theo trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo quy định. Theo đó, sản phẩm của quá trình xây dựng pháp luật là các VBQPPL, tạo lập hệ thống VBQPPL điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi nói đến chất lượng xây dựng pháp luật cần nói đến các tiêu chí đánh giá chất lượng xây dựng pháp luật được quy định tại Hiến pháp năm 2013, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Đó là các tiêu chí về tính hợp pháp, hợp lý, tính khả thi, dân chủ, minh bạch và kỹ thuật xây dựng pháp luật. Để bảo đảm chất lượng xây dựng pháp luật cần có các yếu tố sau đây:

Một là, yếu tố chính trị. Trong xây dựng pháp luật, yếu tố chính trị thể hiện ở sự ổn định bền vững của thể chế chính trị và môi trường chính trị đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý xã hội của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; tạo niềm tin của các cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và người dân đối với Đảng, Nhà nước, từ đó quán triệt, tin tưởng và nghiêm chỉnh thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, bảo đảm mọi quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng đối với chiến lược xây dựng pháp luật, xây dựng pháp luật cho từng lĩnh vực phải được đề ra kịp thời, phù hợp yêu cầu khách quan, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn quản lý của Nhà nước, bởi đây là cơ sở để Nhà nước thể chế hóa thành các quy định pháp luật. Mặt khác, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc sự cần thiết xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, toàn diện, là cơ sở xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân chung tay tham gia góp ý kiến, kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật. Về ý thức chính trị thể hiện ở việc các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền xây dựng quy phạm pháp luật phải quán triệt, thấm nhuần nhiệm vụ chính trị của mình, các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát từng giai đoạn trong quy trình xây dựng pháp luật. Qua đó sẽ giúp cho hoạt động xây dựng pháp luật đạt chất lượng, hiệu quả cao, góp phần tạo niềm tin, tạo ý thức, trách nhiệm chính trị của các chủ thể khác trong quá trình xây dựng pháp luật. Về sự ảnh hưởng của dân chủ XHCN trong hoạt động xây dựng pháp luật. Khi xã hội có nền dân chủ rộng rãi, người dân được tiếp cận thông tin đa dạng, nhiều chiều, công khai, chủ động tham gia góp ý kiến trong các giai đoạn của quy trình xây dựng pháp luật; đồng thời, các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền xây dựng pháp luật phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến, phản hồi ý kiến của người dân công khai minh bạch; trường hợp tiếp thu ý kiến thì cụ thể ý kiến về nội dung gì, nếu không tiếp thu thì phải giải trình rõ tại sao không tiếp thu. Qua đó, một mặt bảo đảm quyền dân chủ của người dân trong xây dựng pháp luật, mặt khác, những ý kiến góp ý từ người dân, từ cộng đồng sẽ giúp các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền xây dựng VBQPPL bảo đảm đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, phản ảnh được ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.

Hai là, yếu tố pháp luật. Ở mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, yếu tố pháp luật được hiểu là tổng thể các yếu tố tạo nên đời sống pháp luật của mỗi quốc gia, đó là hệ thống pháp luật, các quan hệ pháp luật, ý thức pháp luật, văn hóa pháp luật, v.v.. Trong xây dựng pháp luật, sự ảnh hưởng của yếu tố pháp luật đến chất lượng xây dựng pháp luật thể hiện ở các khía cạnh sau:

– Hệ thống các quy định của pháp luật về xây dựng pháp luật, như các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, trách nhiệm cá nhân có thẩm quyền xây dựng và ban hành VBQPPL. Ngoài ra, các quy định pháp luật ghi nhận, bảo đảm các quyền tham gia xây dựng pháp luật của các cơ quan, tổ chức và người dân. Ở Việt Nam, hoạt động xây dựng pháp luật phải căn cứ các quy định tại Hiến pháp năm 2013, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trường hợp các văn bản đó quy định khoa học, lôgíc, chặt chẽ, hợp lý sẽ làm cho quy trình xây dựng pháp luật được bảo đảm, các quy phạm pháp luật ra đời có tính khả thi, hợp hiến, hợp pháp…, ngược lại sẽ ảnh hưởng tới chất lượng xây dựng pháp luật.

– Sự ảnh hưởng của văn hóa pháp luật đối với xây dựng pháp luật thể hiện thông qua hành vi pháp luật, sự tuân thủ pháp luật của từng chủ thể có thẩm quyền trong quá trình xây dựng pháp luật, đó là sự nghiêm chỉnh thực hiện đúng, đủ, kịp thời các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành VBQPPL. Bên cạnh đó, các yếu tố cổ hủ lạc hậu, sự tồn tại tư tưởng thờ ơ hoặc coi thường pháp luật ở một số nơi, một số người sẽ có tác động tiêu cực tới hoạt động xây dựng pháp luật trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, ý thức, niềm tin của người dân đối với pháp luật, đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền cũng có ảnh hưởng quan trọng đối với hoạt động xây dựng pháp luật nói chung và chất lượng xây dựng pháp luật nói riêng.

Ba là, yếu tố nguồn nhân lực (yếu tố con người). Nguồn nhân lực trong xây dựng pháp luật là các chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, gồm: các cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan có thẩm quyền và các cá nhân có thẩm quyền xây dựng và ban hành VBQPPL theo quy định. Ngoài ra, các cá nhân là những đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, các chuyên gia trong từng lĩnh vực và người dân tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật ở từng giai đoạn nhất định. Để bảo đảm chất lượng xây dựng pháp luật, các chủ thể trên phải đáp ứng các yêu cầu về số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với từng giai đoạn của quy trình xây dựng pháp luật, như yêu cầu về biên chế và vị trí việc làm được duyệt, về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, về tính chuyên nghiệp, mẫn cán và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của mỗi chủ thể v.v..

Bốn là, các yếu tố chi phí lợi ích và cơ sở vật chất. Trong mọi hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều cần có kinh phí và cơ sở vật chất để tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, các yếu tố này ảnh hưởng lớn tới hiệu lực, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan. Đối với xây dựng pháp luật, yếu tố kinh phí và cơ sở vật chất có tác động lớn tới chất lượng xây dựng pháp luật của các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền bởi nếu kinh phí, cơ sở vật chất không đủ, không phù hợp thì các chủ thể có thẩm quyền khó có thể bảo đảm tiến độ triển khai nhiệm vụ, cũng như các cơ quan, tổ chức và người dân khó có thể thực hiện quyền tham gia xây dựng pháp luật theo quy định.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *