Đại diện bên sử dụng lao động trong quan hệ lao động

1. Thế nào là tổ chức đại diện người lao động?

1.1. Khái niệm

Tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp được xác định là tổ chức xã hội đơn thuần, chỉ làm chức năng đại diện bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động.

Theo Khoản 3 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019: “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”.

1.2. Cơ sở thành lập

Bộ luật Lao động năm 2019 đưa ra khái niệm về tổ chức đại diện người lao động trên cơ sở xác định cách thức thành lập và mục đích hoạt động của tổ chức này. Theo đó, tổ chức đại diện người lao động được hình thành dựa trên cơ sở sự tự nguyện của những người lao động trong cùng một đơn vị sử dụng lao động, sự tự nguyện này được hiểu là sự tự do ý chí của người lao động khi tham gia, thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện người lao động. Hoạt động của tổ chức đại diện người lao động phải nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đây là chức năng chủ yếu của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Tổ chức đại diện người lao động thực hiện chức năng bảo vệ người lao động thông qua con đường chủ yếu là thương lượng tập thể, bên cạnh đó có thể sử dụng các hình thức nếu được pháp luật cho phép hoặc thừa nhận.
Tổ chức đại diện người lao động có thể tồn tại dưới hai hình thức: Công đoàn và loại hình khác với tên gọi là tổ chức của người lao động. Công đoàn là tổ chức trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là loại hình tổ chức đại diện cho người lao động đã và đang tồn tại ở nước ta và là tổ chức duy nhất được coi là tổ chức đại diện cho người lao động cho đến nay. Từ 01/01/2021, pháp luật thừa nhận thêm một loại hình tổ chức đại diện cho người lao động đó là tổ chức của người lao động. Như vậy, tổ chức của người lao động ở đây được hiểu là các tổ chức đại diện cho người lao động khác so với tổ chức công đoàn. Quy định này đã mở rộng hơn quyền tự do liên kết của người lao động trong quan hệ lao động, theo đó, thay vì chỉ được lựa chọn gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức công đoàn như hiện nay thì từ năm 2021, pháp luật cho phép người lao động trong doanh nghiệp được quyền lựa chọn thành lập, gia nhập vào tổ chức công đoàn hoặc một tổ chức của người lao động khác.

2. Về cơ cấu tổ chức

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định có hai loại hình tổ chức đại diện đó là tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Cơ cấu tổ chức của tổ chức công đoàn được xác định theo Luật Công đoàn năm 2012.
Cơ cấu tổ chức của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp được quy định trong điều lệ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Theo đó, tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp sẽ bao gồm: Ban lãnh đạo và thành viên. Ban lãnh đạo do thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bầu. Trong điều lệ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải nêu rõ nhiệm kỳ, người đại diện của tổ chức. Do nằm ngoài hệ thống Liên đoàn Lao động Việt Nam nên tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp sẽ không chịu sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Việt Nam trừ trường hợp tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập công đoàn Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012.
Như vậy, khi Bộ Luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, người lao động sẽ chính thức được thành lập các tổ chức đại diện cho mình, thay vì chỉ được lựa chọn tham gia vào tổ chức công đoàn như lâu nay. Đây là điểm mới quan trọng trong Bộ luật Lao động năm 2019, thể hiện việc nội luật hóa các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *