Nạn nhân và vai trò của nạn nhân trong cơ chế của hành vi phạm tội

1. Nạn nhân là gì?

Nạn nhân là Cá nhân bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc tài sản do hậu quả của một tai họa xã hội, thiên tai, địch họa, một xã hội bất công, phân biệt chủng tộc.

Nạn nhân của tội phạm là những cá nhân, tổ chức bị hành vi phạm tội trực tiếp xâm hại, gây ra những thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc các quyền, lợi ích hợp pháp khác.

2. Vai trò của nạn nhân trong cơ chế của hành vi phạm tội

Khi đánh giá về vai trò của nạn nhân trong cơ chế hành vi phạm tội, không nên quan niệm sai lầm cho rằng trong các vụ án hình sự, do nạn nhân có lỗi nên mới xảy ra hành vi phạm tội. Trong một số trường hợp, vai trò của nạn nhân là nguyên nhân làm phát sinh hoặc thúc đẩy tội phạm được thực hiện.

Một số trường hợp làm phát sinh, thúc đẩy tội phạm được thực hiện có liên quan đến nạn nhân:

+ Nạn nhân thiếu hiểu biết, nhận thức hạn chế;

+ Sự phô trương tài sản hoặc mất cảnh giác, sơ hở trong bảo vệ tài sản; .

+ Tính hám lợi hoặc tính phản trác, bội bạc của nạn nhân;

+ Khả năng tự bảo vệ bản thân của nạn nhân còn hạn chế;

+ Sự dễ dãi hoặc quá tự tin với an ninh của bản thân;

+Nạn nhân có lối sống vô đạo đức hoặc có hành vi trái pháp luật.

Ví dụ: Nạn nhân đã có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội; hành vi này đã thúc đẩy người phạm tội rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh dẫn đến người phạm tội có hành vi giết người hoặc trường hợp có người do tham lam nên đã dễ dàng trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc trường hợp có người do phô trương, khoe khoang tài sản quá mức nên đã trở thành nạn nhân của vụ cướp giật tài sản…

Ở một khía cạnh khác, vai trò của nạn nhân của tội phạm có thể là hạn chế được phần nào tội phạm xảy ra trên thực tế.

Cụ thể nâng cao ý thức cảnh giác, có ý thức bảo vệ tài sản của mình cũng như bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của bản thân thì điều này có thể đưa đến việc từ bỏ ý định phạm tội cũng như từ bỏ việc thực hiện hành vi phạm tội của người phạm tội.

Ví dụ như hành vi luôn khoá kĩ nhà trước khi ra khỏi nhà sẽ hạn chế nguy cơ của tội trộm cắp tài sản hoặc hành vi không đi một mình đến những nơi vắng vẻ sẽ hạn chế nguy cơ của một sô tội như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, tội hiếp dâm (nêu người đó là nữ giới)… Trong trường hợp này, người phạm tội sẽ thây không có cơ hội hoặc khó có cơ hội để phạm tội, từ đó có thể từ bỏ ý định phạm tội, không thực hiện tội phạm nữa.

Cần lưu ý là trong một số trường hợp ngay cả khi một người luôn có ý thức bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản… của mình nhưng họ vẫn có thể trở thành nạn nhân của tội phạm nếu người phạm tội quá ranh ma, xảo quyệt, ngoan cố, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng hoặc trong trường hợp khác khi người phạm tội không quan tâm đến nạn nhân của tội phạm là ai mà chỉ muốn đạt được mục đích của mình, sẵn sàng bất chấp tất cả, trường hợp này, nạn nhân của tội phạm vẫn xảy ra (trường hợp ngẫu nhiên trở thành nạn nhân của tội phạm).

Ví dụ như ở tội khủng bố, bọn phạm tội đã đặt bom ở nhà ga, nơi tập trung nhiều người qua lại làm chết, bị thương rất nhiều hành khách cũng như huỷ hoại tài sản của những người đó. Trường hợp này, nhiều người đã ngẫu nhiên trở thành nạn nhân của tội phạm, người phạm tội không quan tâm đến nạn nhân là ai, sẵn sàng giết chết hoặc làm bị thương thường dân bất kì để đạt được mục đích chính trị của mình.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *