Những hình thức tương tác trong quan hệ lao động

[VPLUDVN] Có thể nói là nếu không có hoạt động tương tác thì không tồn tại bất kỳ mối quan hệ nào, hay ngược lại là đã có quan hệ thì ắt sẽ phải có tương tác, có thể là dưới hình thức này hay hình thức khác, thậm chí là tương tác vô hình. Ví dụ như khi xét các mối quan hệ đời thường như quan hệ mẹ con, quan hệ bạn bè, quan hệ thầy trò, thậm chí quan hệ với kẻ thù thì thấy trong các mối quan hệ này đều xảy ra các tương tác với các hình thức biểu hiện khác nhau, với các mục đích khác nhau và vói các sắc thái tình cảm khác nhau.

Trong quan hệ lao động, để đơn giản hóa chúng ta thường nói gọn lại sự tương tác giữa người lao động (hay những người lao động) với chủ sử dụng lao động chỉ là hành động đối thoại, thương lượng (một số tài liệu chính thức của nước ngoài dùng từ “mặc cả”). Hai bên tương tác với nhau chủ yếu về ba vấn đề:

  • Thứ nhất là những công việc mà người lao động làm thuê phải thực hiện;
  • Thứ hai là những quyền lợi mà người lao động làm thuê được hưởng từ việc thực hiện những công việc đó;
  • Thứ ba là điều kiện để thực hiện những công việc đó.

Tuy nhiên, thương lượng (mặc cả) trong quan hệ lao động là một sự mặc cả không đơn giản, đặc biệt là sự mặc cả mang tính tập thể. Nếu chia nhỏ ra thì quá trình mặc cả mang tính tập thể này là một quá trình bao gồm những hình thức tương tác sau (lưu ý từ quá trình là một từ quan trọng trong quan hệ lao động):

  • Hình thức tương tác đầu tiên trong quan hệ lao động là  đối thoại, trao đổi. Đây là sự tương tác đơn giản nhất của sự mặc cả, đơn giản đến nỗi có thể người ta cũng không nhận ra đó là một phần của quá trình mặc cả. Quá trình này đơn giản bởi cả hai bên đối thoại dường như đều đã hiểu nhau và chấp nhận cả 3 nội dung mà nhẽ ra họ phải mặc cả như nêu ở phần trên. Đối thoại ở đây chỉ với mục đích làm cho hai bên hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau hơn để giữ cho mối quan hệ được yên bình.
  • Đến một thời điểm nhất định thì một bên hoặc cả hai bên có thể sẽ có nhu cầu mặc cả thực sự. Khi đó sẽ xuất hiện hình thức tương tác thứ hai là mặc cả hay thương lượng tập thể về một, hai hoặc cả ba nội dung nêu trên, trong đó nội dung thứ hai về những quyền lợi mà người lao động làm thuê được hưởng thường là phần cốt lõi nhất và cũng là “gay cấn” nhất của quá trình mặc cả.
  • Khi thương lượng tập thể thành công thì hai bên sẽ chuyển sang hình thức tương tác thứ ba là ký thỏa ước lao động tập thể. Thỏa ước có thể bao gồm một, hai hoặc cả ba nội dung nói trên nhưng thường thì người ta đặt trọng tâm vào nội dung thứ hai, tức những quyền lợi mà người thuê lao động đồng ý trả cho tập thể người lao động làm thuê.
  • Trong quá trình diễn ra quan hệ lao động có thể diễn ra tranh chấp giữa hai bên về quyền hay lợi ích. Đặc biệt là trong quá trình thương lượng tập thể thì người thuê lao động có thể không đồng ý với yêu sách về lợi ích nào đó của tập thể người lao động đưa ra, dẫn đến tranh chấp giữa hai bên về lợi ích. Như vậy, tranh chấp lao động là hình thức tương tác thứ tư diễn ra trong quan hệ lao động tập thể.
  • Để giải quyết tranh chấp, về lý thuyết thì hai bên sẽ chuyển sang hình thức tương tác hòa giải. Hai bên có thể tự hòa giải hoặc cũng có thể hòa giải vói sự tham gia của bên thứ ba với tư cách trung gian hòa giải. Như vậy, hòa giải là hình thức tương tác thứ năm.
  • Có thể trong một vụ tranh chấp, sau tất cả những nỗ lực đàm phán, hòa giải nhưng hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận, tức tranh chấp chưa được giải quyết thì vụ việc sẽ đưa lên Trọng tài lao động để phán xét. Như vậy, trọng tài có thể coi là hình thức tương tác thứ sáu của quan hệ lao động.
  • Trong một số trường hợp, vụ việc tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp liên quan tới quyền công đoàn và thủ tục đình công có thể đưa lên tòa án lao động. Quá trình tố tụng có thể coi là hình thức tương tác thứ bảy.. Tuy nhiên, hình thức này chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các vụ việc được xử lý thông qua hòa giải và trọng tài.
  • Sự tranh chấp có thể dẫn tới việc tập thể người lao động tổ chức đình công để gây sức ép đối với người sử dụng lao động, hoặc ngược lại người sử dụng lao động bế xưởng để gây sức ép đối với tập thể người lao động. Về bản chất thì hành động bế xưởng là hành động ngược lại của đình công và ít khi xảy ra trong thực tế nên để giản lược, thường người ta chỉ đề cập đến đình công như một hình thức tương tác thứ tám.
  • Đình công xảy ra thì ắt phải có giải quyết đình công. Bởi vậy giải quyết đình công có thể coi là hình thức tương tác thứ chín trong quan hệ lao động. Thực ra, việc coi giải quyết đình công là một hình thức tương tác riêng trong quan hệ lao động là hơi mang tính khiên cưỡng, bởi bản thân quá trình này về lý thuyết đã bao gồm các hình thức tương tác đã được liệt kê ở phần trên, bao gồm hòa giải, trọng tài và tòa án. Tuy nhiên, trong bối cảnh ở Việt Nan, khi tất cả các cuộc đình công đến nay đều không tuân theo trình tự thủ tục pháp luật quy định, nghĩa là đều không qua cả ba quá trình trên thì tự nhiên hình thành một quá trình có tên gọi chung là giải quyết đình công (tự phát) với những cơ chế riêng.
  • Cuối cùng, hình thức tương tác thứ mười là hình thức xảy ra trong suốt quá trình quan hệ lao động là tham vấn, bao gồm tham vấn hai bên tại nơi làm việc và tham vấn ba bên ở cấp quốc gia và cấp địa phương.

Mười quá trình nêu trên có thể chia thành hai nhóm:

  • Nhóm thứ nhất mới thực sự là bản thân quá trình mặc cả, bao gồm 7 quá trình : 1. đối thoại, 2. thương lượng, 3.ký thỏa ước lao động tập thể, 4. tranh chấp lao động, 5.đình công, 6. tự hòa giải và 7. tham vấn hai bên. Bảy quá trình tương tác này là những hình thức biểu hiện cụ thể của cơ chế hai bên trong quan hệ lao động, nghĩa là do hai bên là người lao động là người sử dụng lao động thực hiện.
  • Nhóm thứ hai gọi là các quá trình hỗ trợ mặc cả, bao gồm 5 quá trình: 1.trung gian hòa giải, 2.trọng tài, 3.tòa án, 4.giải quyết đình công, 5. tham vấn ba bên. Có thể thấy là rong năm quá trình này, luôn có sự hiện diện của bên thứ ba nên năm quá trình này chính là những hình thức biểu hiện cụ thể của cơ chế ba, trong đó bên thứ ba là đại diện cho nhà nước, với các “vai” khác nhau tùy vào tác nghiệp cụ thể và được gắn với các thiết chế tương ứng.

Có thể thấy là nếu nói ngắn thì thường người ta chỉ nói là hai bên thương lượng (hay mặc cả) với nhau về những điều kiện để hai bên thiết lập và duy trì mối quan hệ lao động. Nhưng khi đi sâu phân tích thì thấy quá trình thương lượng là một quá trình phức tạp và gồm nhiều hình thức tương tác khác nhau tương ứng với từng gian đoạn. Luật pháp về quan hệ lao động quy định quyền hạn và trách nhiệm của các bên có liên quan trong từng giai đoạn nói trên.

Nguồn: quanhelaodong.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *