Bổ sung một số quy định nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát của QH và HĐND như: quy định rõ hoạt động giám sát của QH và HĐND là hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước, bổ sung quy định về hoạt động giám sát chuyên đề của QH và HĐND, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH và HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đồng thời, quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, bổ sung quy định nhằm xác định rõ thời hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện yêu cầu, kiến nghị giám sát của chủ thể giám sát. Đây là điểm mới được bổ sung nhằm làm rõ tính chất giám sát của Quốc hội, HĐND, làm rõ mối liên hệ giữa hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu QH và đại biểu QH; giữa HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND trong việc bảo đảm hiệu quả của hoạt động giám sát.

Về hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ QH và Thường trực HĐND: Luật bỏ quy định về chương trình giám sát hàng quý, chỉ quy định chương trình giám sát hàng năm. Đồng thời, bổ sung một số loại hoạt động giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội như: xem xét báo cáo và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, giám sát việc bầu cử Ủy ban Thường vụ QH, đại biểu Hội đồng nhân dân xem xét kiến nghị giám sát của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội; kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Bổ sung quy định về hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó, quy định về việc thành lập Đoàn giám sát để giám sát chuyên đề, xác định rõ thành phần của Đoàn giám sát khi thực hiện giám sát chuyên đề, bổ sung quyền trưng cầu giám định về những vấn đề Đoàn giám sát thấy cần thiết.

Đối với hoạt động giám sát của thường trực HĐND, luật quy định rõ hình thức, trình tự thực hiện giám sát của thường trực HĐND như: xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND, việc giải trình tại phiên họp thường trực HĐND, việc ban hành văn bản QPPL, việc giải quyết kiến nghị của cử tri và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của thường trực HĐND.

            Về hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH, Ban của HĐND: quy định rõ hơn về nội dung Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH giám sát văn bản QPPL, bổ sung quy định về giám sát chuyên đề, hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH, việc kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH xem xét trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Ngoài ra, Luật còn quy định cụ thể các hoạt động giám sát của các ban của HĐND như thẩm tra các báo cáo do HĐND hoặcThường trực HĐND phân công, giám sát văn bản QPPL của UBND cùng cấp và HĐND cấp dưới trực tiếp, giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Về hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH, ĐBQH và Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND: Luậ quy định về việc tổ chức để ĐBQH chất vấn tại kỳ họp QH và phiên họp Ủy ban Thường vụ QH, cách thức xác định số lượng ĐBQH cần thiết để kiến nghị QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Luật còn bổ sung các quy định về hoạt động giám sát của đại biểu HĐND như trình tự, thủ tục tiến hành chất vấn, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, việc thi hành pháp luật tại địa phương, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đồng thời quy định về Tổ đại biểu HĐND tổ chức để đại biểu HĐND giám sát việc thi hành pháp luật trên địa bàn đại biểu ứng cử.

Ngoài ra, Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015 còn bổ sung, quy định về trách nhiệm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, như yêu cầu Hội đồng dân tộc, Ủy ban của quốc hội hàng năm báo cáo về dự kiến chương trình, nội dung, kế hoạch giám sát của Hội đồng, Ủy ban và điều chỉnh chương trình, kế hoạch, thời gian, địa điểm thực hiện giám sát của mình để tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung, địa điểm giám sát; yêu cầu Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phối hợp thực hiện hoạt động giám sát ở cùng một địa phương, cơ quan, đơn vị để đảm bảo chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát (Đ36). Quy định Thường trực HĐND có trách nhiệm điều hòa phối hợp hoạt động giám sát (Đ75).

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016./.

                                                                                                                                        Thu Huyền (PTP Hương Sơn)