Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII thông qua Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 (BLHS năm 2015), Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành BLHS năm 2015; Bộ Luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 (BLTTHS năm 2015), Nghị quyết số 110/2015/QH13 về việc thi hành BLTTHS năm 2015; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016 với những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn liên quan đến việc bắt, tạm giữ, tạm giam. Cụ thể như sau:
– Điều 303 BLHS năm 1999 về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật” quy định hai tình tiết định tội là: (1) Không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật; (2) Không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật. Điều 377 BLHS năm 2015 về tội này tiếp tục quy định 02 tình tiết định tội nêu trên, đồng thời bổ sung 03 tình tiết định tội mới là: (1) Quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của luật; (2) Thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành; (3) Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn.
– So với BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 quy định chặt chẽ hơn, cụ thể hơn căn cứ áp dụng biện pháp bắt, giữ, giam. Cụ thể như sau: Thay cụm từ “Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” (điểm a Khoản 1 Điều 81 BLTTHS năm 2003) về bắt người trong trường hợp khẩn cấp bằng cụm từ “Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” (điểm a Khoản 1 Điều 110 BLTTHS năm 2015) về giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
– BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định quyết định tạm giữ phải ghi rõ giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ; người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát (Khoản 2 và Khoản 4 Điều 117 BLTTHS năm 2015); bổ sung quy định trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Viện kiểm sát đã gia hạn tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ (Khoản 3 Điều 118); cụ thể hóa căn cứ tạm giam “có căn cứ cho rằng người đó có thể cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử” (điểm b Khoản 1 Điều 88 BLTTHS năm 2003) bằng quy định “khi có căn cứ xác định người đó có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này” (điểm đ, Khoản 2 Điều 119 BLTTHS năm 2015).
– So với Điều 120 và Điều 303 BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 rút ngắn thời hạn tạm giam để điều tra đối với tội phạm nghiêm trọng là 01 tháng, đối với tội phạm rất nghiêm trọng là 02 tháng (Khoản 2 Điều 173 BLTTHS năm 2015); rút ngắn thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, theo đó thời hạn này bằng hai phần ba (2/3) thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên và bổ sung quy định chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Khi không còn căn cứ để tạm giữ, tạm giam thì cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác (Điều 419 BLTTHS năm 2015). Đồng thời, Bộ luật quy định rõ mọi biện pháp ngăn chặn đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp: a) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; b) Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; c) Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can; d) Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ (Khoản 1 Điều 125 BLTTHS năm 2015); và quy định rõ “ Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định; trong thời hạn 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, trừ biện pháp tạm giữ do Viện kiểm sát phê chuẩn, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn này phải thông báo cho Viện kiểm sát để quyết định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn khác” (Khoản 2 Điều 125 BLTTHS năm 2015).
Để kịp thời thực hiện các nội dung sửa đổi, bổ sung lớn liên quan đến việc bắt, tạm giữ, tạm giam nêu trên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp thực hiện ngay các công việc sau đây:
1. Các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp rà soát đầy đủ, chính xác các bị can, bị cáo đang bị tạm giam theo thời hạn quy định của BLTTHS năm 2003 nhưng đến ngày 01/7/2016 không được tạm giam theo thời hạn quy định của BLTTHS năm 2015 hoặc thời hạn tạm giam vượt quá thời hạn theo quy định của BLTTHS năm 2015 để đề nghị Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền (nếu vụ án đang ở giai đoạn điều tra, truy tố) hoặc yêu cầu Chánh án, Phó Chánh án Tòa án có thẩm quyền (nếu vụ án đang ở giai đoạn xét xử) quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Kể từ ngày 01/7/2016, nếu có bị can, bị cáo chưa được hủy bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng hoặc chưa được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác theo hướng dẫn này thì VKSND các cấp phải tổng hợp danh sách, gửi về VKSND tối cao (Vụ 8) và Viện kiểm sát quân sự các cấp phải tổng hợp danh sách, gửi về Viện kiểm sát quân sự Trung ương (Phòng 4) để xem xét, giải quyết.
2. Kể từ ngày 01/7/2016, các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra các vụ án hình sự phải kiểm sát chặt chẽ các căn cứ và thời hạn áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam theo các quy định mới của BLTTHS năm 2015. Trường hợp xét thấy việc bắt, tạm giữ, tạm giam không có căn cứ hoặc không cần thiết theo quy định của BLTTHS năm 2015; hoặc trong trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để xem xét việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn lệnh tạm giam theo quy định tại Khoản 5 Điều 119 và Khoản 3 Điều 179 BLTTHS năm 2015 nhưng cơ quan này không bổ sung được chứng cứ, tài liệu làm căn cứ cho việc phê chuẩn thì Viện kiểm sát thực hiện thẩm quyền theo quy định của BLTTHS để ra quyết định hủy bỏ hoặc quyết định không phê chuẩn lệnh, quyết định và yêu cầu Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trả tự do ngay cho người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam. Đối với các lệnh, quyết định bắt, tạm giam của Tòa án thì các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự phải kiểm sát chặt chẽ các căn cứ và thời hạn áp dụng biện pháp này. Trường hợp xét thấy việc bắt, tạm giam không có căn cứ hoặc không cần thiết theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì Viện kiểm sát thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị Tòa án theo quy định của BLTTHS.
3. Kể từ ngày 01/7/2016, trong quá trình áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam, các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự phải thường xuyên kiểm sát về thời hạn áp dụng các biện pháp này để kịp thời hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác (nếu vụ án ở giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố) hoặc yêu cầu Tòa án hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác (nếu vụ án ở giai đoạn xét xử) khi hết thời hạn luật định.
4. Đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam phải kiểm sát chặt chẽ số người đang bị tạm giữ, tạm giam gần hết thời hạn và việc thông báo bằng văn bản của cơ sở giam giữ cho cơ quan đang thụ lý vụ án 01 ngày trước khi hết thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ, 05 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, 10 ngày trước khi hết thời hạn gia hạn tạm giam và yêu cầu cơ quan đang thụ lý vụ án giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện cơ sở giam giữ không thông báo hoặc thông báo không đúng quy định này thì lập ngay biên bản vi phạm và kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ sở giam giữ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam tăng cường công tác kiểm sát, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử để giải quyết những trường hợp đang bị tạm giữ, tạm giam sắp hết thời hạn giam, giữ trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đã được cơ sở giam giữ thông báo gần hết thời hạn, nhằm chấm dứt ngay việc quá hạn tạm giữ, tạm giam.
Đối với những trường hợp quá hạn tạm giữ, tạm giam do chậm gửi các lệnh, quyết định tạm giữ, tạm giam, đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu xử lý vi phạm.
Kể từ ngày 01/7/2016, khi đã hết thời hạn tạm giữ, tạm giam thì người bị tạm giữ, tạm giam phải được trả tự do ngay, nếu họ không bị giam, giữ về một hành vi vi phạm pháp luật khác. Trường hợp xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Trong trường hợp lệnh, quyết định tạm giữ; lệnh, quyết định tạm giam ghi rõ: “Hết thời hạn tạm giữ, tạm giam này, cơ sở giam giữ có trách nhiệm trả tự do cho người bị tạm giữ, tạm giam nếu họ không bị giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật khác”; thì đến ngày cuối cùng của thời hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định của BLTTHS, đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam phải tiến hành kiểm sát, nếu cơ sở giam giữ không trả tự do thì ra văn bản yêu cầu cơ sở giam giữ trả tự do ngay cho người đang bị tạm giữ, tạm giam. Trong văn bản yêu cầu nêu rõ: Cơ sở giam giữ không trả tự do ngay cho người đang bị tạm giữ, tạm giam là vi phạm pháp luật và chịu hoàn toàn trách nhiệm với những hậu quả có thể xảy ra.
Tăng cường công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp tạm giữ, tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật. Nếu phát hiện việc tạm giữ, tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật, đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam phải:
+ Lập biên bản vi phạm về việc tạm giữ, tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật;
+ Báo cáo và tham mưu cho Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp căn cứ Khoản 2 Điều 22 Luật tổ chức VKSND năm 2014 và điểm d Khoản 2 Điều 42 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, tạm giam; đồng thời báo cáo ngay về VKSND tối cao (Vụ 8) để quản lý, chỉ đạo thống nhất;
+ Kháng nghị, kiến nghị cơ quan đang thụ lý vụ án, cơ sở giam giữ (nếu có vi phạm), đồng thời thông báo cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao hoặc Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương xem xét, xử lý đối với cá nhân có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật.
5. Kể từ ngày 01/7/2016, khi nhận được khiếu nại, tố cáo liên quan đến hành vi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố thì các đơn vị kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo giải quyết ngay trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại, tố cáo. Trường hợp cần phải có thời gian để xác minh thêm thì thời hạn giải quyết không được quá 03 ngày (Khoản 1 Điều 474 và Khoản 4 Điều 481 BLTTHS năm 2015). Đối với khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam phải giải quyết theo thời hạn quy định tại Điều 50 và Khoản 2 Điều 60 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo Chương XXXIII BLTTHS năm 2015, Chương IX Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Trong quá trình xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hành vi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam nếu thấy có dấu hiệu tội phạm, phải thông báo, chuyển đơn và tài liệu, chứng cứ liên quan đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao (nếu thuộc thẩm quyền của VKSND); đến Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương (nếu thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát quân sự) để xem xét, giải quyết.
Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời tất cả các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến hành vi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam; quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam trong phạm vi thẩm quyền của mình. Thống kê, tổng hợp đầy đủ số liệu tiếp nhận, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến hành vi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam; quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam để kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Nhận được Hướng dẫn này, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai, quán triệt trong cơ quan, đơn vị mình để bảo đảm thi hành đúng, đầy đủ các nội dung sửa đổi, bổ sung lớn liên quan đến việc bắt, tạm giữ, tạm giam trong BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015, Nghị quyết số 110/2015/QH13, Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội về việc thi hành BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc liên quan đến việc bắt, tạm giữ, tạm giam, phải kịp thời báo cáo về VKSND tối cao (Vụ 8) để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo, hướng dẫn (các văn bản gửi nhanh qua địa chỉ Email: VKSTC.V8@gmail.com)./.
KT. VIỆN TRƯỞNG PHÓ VIỆN TRƯỞNG Lê Hữu Thể |