TỔNG HỢP GIÁI ĐÁP VƯỚNG MẮC CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
VỀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ VÀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ
Xem thêm:
- Tổng hợp giải đáp 50 vướng mắc của TANDTC về Hình sự từ 2016 – 2021
- Tổng hợp giải đáp 34 vướng mắc của TANDTC về Dân sự từ 2016 – 2021
- Tổng hợp giải đáp 47 vướng mắc của TANDTC về Tố tụng dân sự và thi hành án dân sự từ 2016 – 2021
- Tổng hợp giải đáp 61 vướng mắc của TANDTC về Tố tụng hành chính từ 2016 – 2021
- Tổng hợp giải đáp 49 vướng mắc của TANDTC về Kinh doanh thương mại từ 2016 – 2021
(Ghi chú: Số thứ tự được ghi dạng a/b, trong đó: a là số thứ tự câu hỏi trong bài viết này, b là số thứ tự trong văn bản tương ứng do TANDTC ban hành)
I. CÔNG VĂN 01/2017/GĐ-TANDTC NGÀY 07/4/2017
1/1. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát nhưng thời hạn tạm giam bị cáo theo Lệnh tạm giam ở giai đoạn chuẩn bị xét xử đã hết, trong khi hồ sơ vụ án rất dày, có nhiều tài liệu, cần phải có thời gian kiểm đếm mới có thể bàn giao cho Viện kiểm sát. Vậy trong trường hợp này, Hội đồng xét xử có được ra Lệnh tạm giam mới đối với bị cáo không? Nếu được thì thời hạn tạm giam là bao nhiêu ngày?
Theo quy định tại Điều 177 và khoản 1 Điều 228 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì: “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của Bộ luật này.
Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết; nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì Tòa án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa”
“Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà bị phạt tù nhưng đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 227 của Bộ luật này”.
Như vậy, Hội đồng xét xử chỉ được ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa hoặc ra quyết định bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án để bảo đảm việc thi hành án. Đối với trường hợp Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung là đã kết thúc phiên tòa nên Hội đồng xét xử không có quyền tạm giam bị cáo để hoàn thành việc xét xử. Hội đồng xét xử cũng không có quyền bắt tạm giam bị cáo để phục vụ cho việc trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau khi Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung thì quyết định này (kèm hồ sơ vụ án) phải được gửi cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Cho nên, việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn sau khi Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung là thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.
Để tránh bị động trong việc kiểm đếm hồ sơ trả cho Viện kiểm sát, khi xây dựng kế hoạch xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải dự kiến được những công việc cần phải làm và chủ động phối hợp với Viện kiểm sát để giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
2/2. Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về giới hạn của việc xét xử có quy định Tòa án có quyền xét xử khoản khác nặng hơn với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật Vậy trong quyết định đưa vụ án ra xét xử có phải ghi rõ khoản nặng hơn mà Tòa án sẽ xét xử không? Nếu không ghi rõ thì có bị xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì ảnh hưởng đến quyền bào chữa của bị cáo không?
Trường hợp nêu trên, Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết. Nếu Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về khoản nặng hơn. Trong trường hợp này, Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ tội danh, điều, khoản của Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát truy tố và điều, khoản của Bộ luật hình sự mà Tòa án sẽ xét xử để bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo; nếu Quyết định đưa vụ án ra xét xử không ghi rõ tội danh, điều, khoản của Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát truy tố và điều, khoản của Bộ luật hình sự mà Tòa án sẽ xét xử là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Cần lưu ý thêm, theo quy định tại Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì “Trường hợp thấy cần xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.” Do đó, khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành thì trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử Tòa án phải ghi rõ tội danh, điều, khoản của Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát truy tố và tội danh, điều, khoản của Bộ luật hình sự mà Tòa án sẽ xét xử.
3/3. Trường hợp Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì thủ tục đề nghị xem xét lại quyết định này được thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì: “Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra”.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (khoản 1 Điều 161 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015) thì: “Trong trường hợp quyết định khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử không có căn cứ thì Viện kiểm sát kháng nghị lên Tòa án cấp trên”. Bộ luật tố tụng hình sự không có quy định về việc kháng cáo đối với quyết định khởi tố vụ án hình sự. Do đó, trường hợp cá nhân, tổ chức cho rằng quyết định khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì có thể đề nghị Viện kiểm sát kháng nghị lên Tòa án cấp trên.
4/4. Đối với người bị kết án là phụ nữ mà sau khi bị kết án họ liên tục có thai và sinh con để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù thì Tòa án có cho họ hoãn chấp hành hình phạt tù không?
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 61 Bộ luật hình sự năm 1999 (điểm b khoản 1 Điều 67 Bộ luật hình sự năm 2015) thì người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong trường hợp “Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi”.
Như vậy, nếu người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không.
5/5. Sau khi ra quyết định thi hành án hình sự mới nhận được thông báo sửa chữa bản án liên quan đến thi hành án. Vậy, trong công tác thi hành án hình sự có quyền đính chính quyết định thi hành án hình sự không?
Trường hợp sau khi ra quyết định thi hành án hình sự mới nhận được thông báo sửa chữa bản án thì Tòa án phải đính chính quyết định thi hành án hình sự cho phù hợp. Khi thực hiện việc đính chính, Tòa án căn cứ vào quy định về sửa chữa, bổ sung bản án; quy định về việc ra quyết định thi hành án và thông báo sửa chữa bản án để đính chính quyết định thi hành án.
6/6. Người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại có đơn xin hoãn thi hành án do bị bệnh nặng. Kết quả giám định sức khỏe kết luận tỷ lệ tổn thương do bệnh là 25%. Vậy, Tòa án có căn cứ vào tỷ lệ tổn thương sức khỏe do bệnh để quyết định cho người phải thi hành án hoãn thi hành án không?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 61 Bộ luật hình sự năm 1999 (điểm a khoản 1 Điều 67 Bộ luật hình sự năm 2015), người bị xử phạt tù bị bệnh nặng có thể được hoãn chấp hành hình phạt cho đến khi sức khỏe được hồi phục. Việc xác định người bị bệnh nặng được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, cụ thể: “người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu… Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ”.
Như vậy, việc xác định bệnh nặng phải trên cơ sở hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP nêu trên. Khi xem xét cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng, Tòa án phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên là bị bệnh nặng mà không căn cứ vào tỷ lệ tổn thương sức khỏe.
Xem thêm:
- Phần 1: Các câu hỏi trắc nghiệm về hình sự và Tố tụng hình sự
- Phần 2: Các câu hỏi trắc nghiệm về hình sự và Tố tụng hình sự (tiếp theo)
- Phần 3: Các câu hỏi trắc nghiệm về Dân sự và Tố tụng dân sự
- Phần 4: Các câu hỏi trắc nghiệm về Dân sự và Tố tụng dân sự (tiếp theo)
- Phần 5: Các câu hỏi trắc nghiệm về hành chính và Tố tụng hành chính
- Phần 6: Các câu hỏi trắc nghiệm về hành chính và Tố tụng hành chính (tiếp theo)
- Phần 7: Các câu hỏi trắc nghiệm về kinh doanh thương mại
II. CÔNG VĂN SỐ 89/TANDTC-PC NGÀY 30/6/2020
7/1. Trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện nhưng khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì thẩm quyền giải quyết sơ thẩm vụ án hình sự được thực hiện như thế nào?
Về vấn đề này, trước đây đã được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tuy nhiên hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có thay đổi, bổ sung so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Do đó, trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện mà khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình tại một bản án khác và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật thì Toà án nhân dân cấp huyện phải báo cáo với Toà án nhân dân cấp tỉnh để Toà án nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh.
8/2. Căn cứ khoản 3 Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự về giới hạn xét xử: Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về 01 tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết nếu Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử tội danh nặng hơn. Tuy nhiên, đối với các tội phạm khác nhau về khách thể thì có được áp dụng quy định trên không?
Ví dụ: Trong vụ án hình sự có 02 bị cáo, bị cáo A bị Viện kiểm sát truy tố về tội: “Che dấu tội phạm”, bị cáo B bị truy tố về tội: “Giết người”. Tòa án nhận thấy bị cáo A có dấu hiệu phạm tội: “Giết người” với vai trò đồng phạm. Tòa án tiến hành trả hồ sơ để viện kiểm sát truy tố lại nhưng Viện kiểm sát không thực hiện. Vậy, Tòa án xét xử bị cáo A về tội gì?
Khoản 3 Điều 298 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn, quy định này được hiểu là bất kể tội danh gì mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm nếu hành vi phạm tội của bị cáo có đủ căn cứ kết tội họ. Do đó, trường hợp này Tòa án có thể xét xử tội danh nặng hơn đối với các tội phạm khác nhau về khách thể như nêu trên. Tuy nhiên, các Tòa án cần lưu ý bảo đảm quyền bào chữa, thành phần Hội đồng xét xử và các quy định khác theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
9/3. Trong vụ án hình sự, có bị can, bị cáo đang thi hành án hình phạt tù ở một vụ án trước hoặc có bị can, bị cáo đang thi hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, khi trích xuất bị can, bị cáo để phục vụ việc xét xử Tòa án có phải ra Quyết định tạm giam để làm căn cứ trích xuất được bị cáo đến phiên tòa không? (Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 30-5-2013 và Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23-01-2018 không nêu rõ trường hợp này).
– Đối với bị can, bị cáo đang thi hành án hình phạt tù ở một vụ án trước thì không ra quyết định tạm giam mà chỉ ra quyết định trích xuất để phục vụ công tác xét xử vụ án. Vì không có căn cứ tạm giam theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Hiện nay, liên ngành trung ương đang soạn thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 04 nêu trên, trong đó đã hướng dẫn trường hợp này khi phạm nhân được trích xuất phục vụ điều tra, truy tố, xét xử thì chế độ quản lý giam giữ, chế độ ăn, ở, sinh hoạt đối với phạm nhân được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
– Đối với bị can, bị cáo đang thi hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì Tòa án có thể yêu cầu Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đó theo quy định tại Điều 117 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Sau đó, tùy trường hợp căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để xem xét áp dụng biện pháp tạm giam hay biện pháp ngăn chặn khác đối với bị can, bị cáo đó.
10/4. Viện kiểm sát rút một phần truy tố tại phiên tòa thì bản án có phải xem xét, đánh giá tính có căn cứ của việc rút truy tố của Viện kiểm sát hay không?
Về vấn đề này, trước đây Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 8-12-1988 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao “Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự” và Công văn số 328/NCPL ngày 22-6-1993 của Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn. Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có thay đổi, bổ sung so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Do đó, nếu tại phiên toà, sau khi xét hỏi, Kiểm sát viên chỉ rút quyết định truy tố đối với một tội hoặc một số tội và giữ nguyên quyết định truy tố đối với các tội khác hay Kiểm sát viên chỉ rút quyết định truy tố đối với một hoặc một số các bị cáo và giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo hoặc các bị cáo còn lại thì đây là các trường hợp Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố. Vì vậy trong trường hợp này, Hội đồng xét xử vẫn xét xử toàn bộ vụ án và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận việc rút truy tố đó. Căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận được ghi trong bản án.
11/5. Sau khi Tòa án tuyên án nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật, chưa có quyết định thi hành án thì người được hưởng án treo không có mặt tại nơi cư trú hoặc vi phạm nội quy, quy chế tại nơi cư trú có được xác định là vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 87 của Luật Thi hành án hình sự hay không?
Trường hợp này xác định là vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 87 của Luật Thi hành án hình sự. Vì thời gian thử thách của người được hưởng án treo tính từ ngày tuyên án sơ thẩm và căn cứ vào khoản 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự để xử lý.
12/6. Người được Tòa án quyết định hoãn chấp hành án phạt tù (đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc mang thai), chưa hết thời gian hoãn nhưng người bị kết án tự nguyện xin đi chấp hành án thì cơ quan có thẩm quyền có chấp nhận không?
Trường hợp này, người đang được hoãn chấp hành án phạt tù phải có đơn gửi Chánh án Tòa án đã ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù để Chánh án ra quyết định thi hành án trong đó có ghi rõ nội dung quyết định này thay thế quyết định hoãn chấp hành án phạt tù.
III. CÔNG VĂN 58/TANDTC-PC NGÀY 06/5/2021
13. Tòa án nhân dân tối cao nhận được phản ánh của các Tòa án về vướng mắc có được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Về vấn đề này, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao tổ chức thực hiện đúng quy định tại Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và hướng dẫn tại Điều 4 của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo, theo đó thời gian tạm giữ, tạm giam không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Trường hợp trong thời gian thử thách nếu họ phạm tội mới hoặc vi phạm nghĩa vụ buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì khi giải quyết Tòa án trừ thời gian họ đã bị tạm giữ, tạm giam này vào bản án đã cho hưởng án treo hoặc bản án mới.
IV. CÔNG VĂN SỐ 01/GĐ-TANDTC NGÀY 25/7/2016
14/1. Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 2 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì: “khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của BLTTHS”. Vậy, trong vụ án hình sự, Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ trong những trường hợp nào?
Việc Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ được quy định cụ thể tại Điều 252 BLTTHS năm 2015. Theo đó, để xác định sự thật khách quan của vụ án, Tòa án thực hiện một trong các hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ quy định tại Điều này; trong đó có quy định trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được, nếu Tòa án xét thấy cần thiết thì có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, để bảo đảm áp dụng thống nhất trong thực tiễn, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới đây.
15/2. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự việc xác định người đại diện hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 BLDS năm 2015 thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật đối với con chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi). Do đó, Tòa án có thể xác định cha hoặc mẹ của người chưa đủ 18 tuổi là người đại diện tham gia tố tụng. Tuy nhiên, việc xác định người đại diện tham gia tố tụng cho người chưa đủ 18 tuổi phải bảo đảm nguyên tắc “bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi’’ quy định tại khoản 1 Điều 414 BLTTHS năm 2015. Do vậy, trường hợp có căn cứ cho rằng việc xác định cha, mẹ của người chưa đủ 18 tuổi là người đại diện tham gia tố tụng không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa đủ 18 tuổi thì Tòa án có thể xác định người thân thích khác của người chưa đủ 18 tuổi (như anh, chị ruột) có đủ điều kiện làm người giám hộ tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của người chưa đủ 18 tuổi. Việc xác định người đại diện tham gia tố tụng trong trường hợp này phải căn cứ vào quy định tại các điều 48, 49 và 136 BLDS năm 2015.
16/3. Theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì Viện trưởng Viện kiểm sát có được kháng nghị đối với Quyết định của Tòa án về việc trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố không?
Khoản 1 Điều 274 BLTTHS năm 2015 về chuyển vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử quy định:
“1. Khi vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát đã truy tố phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố để giải quyết theo thẩm quyền. Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu thực hiện theo quy định tại Điều 239 của Bộ luật này.
Khi xét thấy vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án đã trả hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển lại hồ sơ vụ án đến Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do; nếu Tòa án xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử thực hiện theo Điều 275 của Bộ luật này. Viện kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền”.
Theo quy định nêu trên thì khi xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình, Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố. Nếu Viện kiểm sát thấy việc chuyển vụ án chưa đúng thẩm quyền thì chuyển lại hồ sơ vụ án đến Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do. Trường hợp xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử được thực hiện theo Điều 275 BLTTHS năm 2015. Trong trường hợp này, Viện kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền mà không được kháng nghị đối với quyết định của Tòa án về việc trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố.
17/4. Trong vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy, Kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh thể hiện: “03 gói nhỏ bên trong có chất bột màu trắng thu giữ của Nguyễn Văn A gửi đến giám định có trọng lượng 0,122 gam là Hêrôin”. Vậy Tòa án có cần phải trưng cầu giám định hàm lượng nữa không hay đưa vụ án ra xét xử?
Trong các vụ án tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, nếu Kết luận giám định đã khẳng định: “03 gói nhỏ bên trong có chất bột màu trắng thu giữ của Nguyễn Văn A gửi đến giám định có trọng lượng 0,122 gam là Hêrôin” thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử, mà không phải giám định hàm lượng nữa. Việc giám định hàm lượng chỉ đặt ra nếu Kết luận giám định thể hiện chất thu giữ là chế phẩm hoặc có chứa thành phần Hêrôin, bởi giám định hàm lượng trong trường hợp này cũng chỉ nhằm xác định đúng trọng lượng (khối lượng) chất ma túy, làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội theo đúng quy định của BLHS, bảo đảm đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật…”.