Tổng hợp 50 vướng mắc về Hình sự từ năm 2016 đến 2021 được Tòa án nhân dân tối cao giải đáp

TỔNG HỢP GIÁI ĐÁP VƯỚNG MẮC CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

VỀ HÌNH SỰ

Xem thêm:

 

(Ghi chú: Số thứ tự được ghi dạng a/b, trong đó: a là số thứ tự câu hỏi trong bài viết này, b là số thứ tự trong văn bản tương ứng do TANDTC ban hành)

I. CÔNG VĂN 212/TANDTC-PC NGÀY 13/9/2019

1/1. Vướng mắc về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự).

– Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi thu được từ việc cho vay hay là khoản tiền lãi thu được sau khi trừ đi tiền lãi theo quy định của Bộ luật Dân sự?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự thì: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay…”. Do đó, khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là số tiền lãi thu được sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

– Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự trong vụ án là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay hay số tiền lãi thu được của từng người vay?

Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay, nếu hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội từ 100 triệu đồng trở lên, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

– Khoản tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được từ việc cho vay lãi nặng bị tịch thu sung công hay trả lại cho người vay?

Theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự thì: “Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Do đó, khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm là khoản tiền mà người phạm tội thu lợi bất chính của người vay nên được trả lại cho người vay tiền, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy…) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.

– Khoản tiền người phạm tội dùng để cho vay và khoản lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm có xác định là phương tiện phạm tội để tịch thu sung quỹ nhà nước hay trả cho người phạm tội?

Đối với khoản tiền cho vay (tiền gốc) được xác định là phương tiện phạm tội, nên bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.

Đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm tuy không bị tính khi xác định trách nhiệm hình sự, nhưng đây cũng là khoản tiền phát sinh từ tội phạm, đồng thời hoạt động cho vay lãi nặng thường gắn với các băng nhóm tội phạm. Do đó, để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì Tòa án phải tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước khoản tiền này.

– Người vay tiền trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tham gia tố tụng với tư cách là bị hại hay là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan?

Theo quy định tại Điều 65 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì người vay tiền trong trường hợp này tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

– Trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có bắt buộc phải trưng cầu giám định về tiền lãi không?

Tại Điều 4 của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BTP ngày 13-12-2017 quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế thì việc xác định tiền lãi, tiền lãi nặng trong vụ án này không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp.

2/2. Trường hợp người chấp hành án mới được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù (trong thời hạn 01 năm) thì có được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện hay không?

Theo các quy định của pháp luật về tha tù trước thời hạn có điều kiện thì không giới hạn thời gian từ khi được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đến khi xét tha tù trước thời hạn có điều kiện. Do đó, nếu người đang chấp hành án phạt tù có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 66 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24-4-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện thì có thể tha tù trước thời hạn có điều kiện.

3/3. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” có tương tự như tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” không?

Tình tiết “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” và tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” là hai tình tiết độc lập quy định tại điểm t và điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

Tình tiết “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” được hiểu là trường hợp người phạm tội có những hành vi, lời khai thể hiện sự hợp tác tích cực với cơ quan có trách nhiệm trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, giúp các cơ quan này phát hiện thêm tội phạm mới hoặc đồng phạm mới. Tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra.

4/4. Theo quy định tại khoản 2 Điều 168 của Bộ luật Hình sự thì tội cướp tài sản có mức hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Vậy có được xử bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mức hình phạt là 04 năm tù không?

Theo quy định tại Điều 101 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì mức phạt tù có thời hạn cao nhất được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định. Như vậy, luật chỉ khống chế mức phạt cao nhất áp dụng đối với đối tượng này mà không khống chế mức thấp nhất. Do đó, trong trường hợp nêu trên, Tòa án có thể áp dụng mức phạt 04 năm tù đối với bị cáo, nếu việc áp dụng hình phạt đó bảo đảm được mục đích của hình phạt và các nguyên tắc trong việc xử lý hình sự người chưa thành niên phạm tội.

5/5. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có được coi các tình tiết về nhân thân của bị cáo như trình độ học vấn thấp, là lao động chính, có con nhỏ, có ông bà là người có công Cách mạng… là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự hay không?

Hiện nay quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên trong quá trình xét xử, Tòa án có thể tham khảo quy định tại điểm c mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04-8-2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xác định tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể như sau:

– Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em một bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, bà mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước:

– Bị cáo có anh, chị, em ruột là liệt sỹ;

– Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;

– Người bị hại cũng có lỗi;

– Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;

– Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;

– Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;

– Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.

Ngoài ra, khi xét xử, tùy từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

6/6. Bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và lại xin giảm mức bồi thường thiệt hại. Tòa án cấp phúc thẩm có xem xét yêu cầu giảm mức bồi thường thiệt hại không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 342 của của Bộ luật Tố tụng hình sự thì: “Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo…”. Đồng thời, theo quy định tại Điều 345 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì “Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị”.

Theo quy định nêu trên, bị cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo trong quá trình xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, trường hợp trước khi bắt đầu phiên tòa vì bị cáo chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nên Tòa án đã không triệu tập bị hại, đương sự trong vụ án tham gia phiên tòa do phần kháng cáo không liên quan đến họ. Cho nên đối với trường hợp này, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm có quyền xem xét, quyết định phần kháng cáo bổ sung xin giảm mức bồi thường thiệt hại nhưng phải xem xét một cách thận trọng bảo đảm không được gây bất lợi cho bị hại, đương sự không có mặt tại phiên tòa.

7/7. Bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính hoặc bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt chính và đã nộp tiền thu lợi bất chính hoặc nộp tiền phạt thì có được coi là tình tiết giảm nhẹ mới ở Tòa án cấp phúc thẩm không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự thì việc bị cáo giao nộp tiền thu lợi bất chính hoặc tiền phạt bổ sung không được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trường hợp bị cáo tự nguyện giao nộp ít nhất 1/2 số tiền thu lợi bất chính hoặc tiền phạt bổ sung theo bản án, quyết định của Tòa án thì Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm có thể xem xét, áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo.

Tuy nhiên, khi xem xét quyết định hình phạt, Tòa án phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nếu Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định hình phạt chính nhẹ hơn so với trách nhiệm hình sự của bị cáo, thì khi xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ này Tòa án cấp phúc thẩm không nhất thiết phải giảm hình phạt chính, tuy nhiên, việc quyết định có giảm hay không giảm hình phạt chính thì Hội đồng xét xử vẫn phải nhận định rõ ràng trong bản án.

8/8. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự có đồng phạm được xác định như thế nào?

Khi xem xét, quyết định trách nhiệm bồi thường thiệt hại Tòa án căn cứ vào Điều 48 của Bộ luật Hình sự. Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án có đồng phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 587 của Bộ luật Dân sự, theo đó thì “Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”. Ngoài ra, để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự thì Tòa án có thể tham khảo thêm hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

9/9. Trường hợp sau khi bị khởi tố bị cáo mới có thai thì Tòa án có áp dụng tình tiết “Người phạm tội là phụ nữ có thai” không?

Quy định tại điểm n khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự không phân biệt người phạm tội là phụ nữ có thai tại thời điểm phạm tội hay trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, trường hợp sau khi bị khởi tố bị cáo mới có thai thì Tòa án vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội là phụ nữ có thai” đối với bị cáo.

10/10. Người thực hiện hành vi làm giả các giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức?

Hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xâm phạm vào 02 khách thể khác nhau được Bộ luật Hình sự bảo vệ (quy định tại Điều 174 và Điều 341 của Bộ luật Hình sự), nên nếu hành vi đó có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự cả về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341).

Xem thêm:

II. CÔNG VĂN 64/TANDTC-PC NGÀY 03/4/2019

11/1. Tình tiết “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật Hình sự được hiểu như thế nào?

Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự thì không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nếu sau khi bị kết án đã nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Tuy nhiên, đối với trường hợp bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn hoặc tù chung thân là loại hình phạt nhẹ hơn so với hình phạt tử hình, nên “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật Hình sự được hiểu là đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp, người bị kết án bồi thường được ít hơn một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng có văn bản miễn giảm một phần nghĩa vụ dân sự hoặc có thỏa thuận khác của phía bị hại (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) thể hiện người bị kết án đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự thì cũng được coi là “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”.

12/2. Tình tiết “chứa mại dâm 04 người trở lên” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 327 và “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 328 của Bộ luật Hình sự được hiếu như thế nào (người bán dâm hay bao gồm cả người mua dâm)?

Theo Từ điển Tiếng Việt thì “mại” là “bán”, “mãi” là “mua” và “chứa mại dâm” là “chứa bán dâm”. Như vậy, tình tiết định khung tăng nặng “chứa mại dâm 04 người trở lên” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 327 và “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 328 của Bộ luật Hình sự được hiểu là đối với người bán dâm. Cách hiểu này là phù hợp với các tình tiết định khung tăng nặng khác quy định tại tại Điều 327 và Điều 328 của Bộ luật Hình sự, đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn xử lý đối với hành vi chứa mại dâm mà có 01 người bán dâm với 03 người mua dâm trong cùng một khoảng thời gian thì bị xử lý theo quy định tại khoản 1 của điều luật này nếu không có tình tiết định khung tăng nặng.

13/3. Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần trị giá tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có xử lý về hình sự hay không?

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều quy định kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 về việc lấy trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự. Trước đây, nội dung này đã được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Hiện nay, chưa có Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn quy định này của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, vận dụng Thông tư liên tịch số 02 này thì trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần trị giá tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

14/4. Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu, mà trị giá tài sản của các lần phạm tội đã được cộng lại để xử lý trách nhiệm hình sự theo khung tăng nặng, thì họ có bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” hay không?

Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu (ví dụ: nhiều lần phạm tội trộm cắp tài sản), mà tổng trị giá tài sản của các lần phạm tội thỏa mãn dấu hiệu định khung tăng nặng, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Việc áp dụng khung hình phạt tăng nặng trong trường hợp này là căn cứ vào trị giá tài sản chiếm đoạt, còn việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” là căn cứ vào nhân thân và thái độ chấp hành pháp luật của người phạm tội, nên hoàn toàn không trái với quy định tại khoản 2 Điều 52 của Bộ luật Hình sự (các tình tiết đã được Bộ luật Hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng). Hơn nữa, việc áp dụng pháp luật như trên còn bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự (quy định tại Điều 3 của Bộ luật Hình sự), bảo đảm sự phân hóa tội phạm, cá thể hóa trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm sự công bằng trong việc xem xét cho hưởng án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện cũng như các chế định nhân đạo khác đối với người phạm tội.

Ví dụ: Một người trộm cắp 02 lần mỗi lần 2.000.000 đồng. Do thuộc trường hợp “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự nên theo quy định tại Điều 65 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP thì họ không được hưởng án treo. Tuy nhiên, giả sử hai lần trộm cắp đó có tổng trị giá tài sản là 50.000.000 đồng, nếu Tòa án chỉ căn cứ vào trị giá tài sản để áp dụng tình tiết định khung “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”, mà không căn cứ vào nhân thân và thái độ chấp hành pháp luật của người phạm tội để áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” thì họ vẫn có thể được hưởng án treo. Việc áp dụng như vậy sẽ không bảo đảm nguyên tắc công bằng và phù hợp trong việc xử lý.

15/5. Khi xem xét, áp dụng tình tiết định khung “sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự ngoài việc chứng minh, làm rõ các bị cáo sử dụng trang mạng đánh bạc trực tuyến không được phép hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội Việt Nam để đánh bạc thì có phải chứng minh các bị cáo nhận, trả tiền thắng, thua bạc qua tài khoản mạng hay không?

Khi xem xét, áp dụng tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự thì chỉ cần chứng minh các bị cáo sử dụng trang mạng đánh bạc trực tuyến không được phép hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội Việt Nam để đánh bạc là đã đủ điều kiện để áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này. Việc chứng minh các bị cáo nhận, trả tiền thắng, thua bạc bằng phương thức nào chỉ nhằm làm sáng tỏ các tình tiết khác của vụ án.

16/6. Trường hợp người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích vay vốn, tức là dùng vốn vay với mục đích ban đầu là đầu tư, kinh doanh, sản xuất nhưng sau đó tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại dẫn đến không trả được nợ thì có được coi là “sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản” và có bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 không?

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù cỏ điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. So với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 140 của Bộ luật Hình sự năm 1999, điểm a khoản 1 Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm tình tiết “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Như vậy, người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích xin vay vốn nhưng không sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp (buôn lậu, rửa tiền, sản xuất, buôn bán ma túy…) mà dùng vốn vay để tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại…) dẫn đến khi đến hạn họ không có điều kiện, khả năng trả nợ thì không coi là sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản để xử lý trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trường hợp đến thời hạn trả lại tài sản mà họ có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả (có nhà, đất đai, tài sản nhưng chây ì, tẩu tán hoặc có hành vi chống đối lại việc kê biên, thu hồi tài sản…) thì bị xử lí trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

17/7. Người chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt tù, đã đủ thời gian được xem là đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự nhưng chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án do không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp này có được đương nhiên xóa án tích không?

Điều 70 của Bộ luật Hình sự quy định về các điều kiện đương nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Như vậy, Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay.

Do vậy, trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự.

18/8. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì “người tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có” có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không?

Theo quy định tại Điều 323 của Bộ luật Hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì: “1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30-11-2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì: “1. “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua); 2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có ” là có cần cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội”.

Như vậy, theo quy định tại Điều 323 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn nêu trên thì mặt chủ quan của tội phạm này chỉ bắt buộc người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết tài sản đó do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa. Do vậy, trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng có đủ chứng cứ chứng minh được ý thức chủ quan của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ biết rõ các tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ là do người khác phạm tội mà có thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

19/9. Trường hợp xác định được ngày, giờ, phút sinh của người bị buộc tội thì tính tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội là theo ngày sinh hay theo ngày, giờ, phút sinh?

Theo quy định tại Điều 417 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì tuổi của người bị buộc tội được xác định theo ngày sinh mà không tính theo giờ, phút sinh. Mặt khác, theo nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội nên mặc dù xác định được ngày, giờ, phút sinh của người bị buộc tội nhưng việc tính tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội là theo ngày sinh.

III. CÔNG VĂN 01/2017/GĐ-TANDTC NGÀY 07/4/2017

20/1. Trường hợp 01 người bị kết án về tội đánh bạc với số tiền là 4.500.000 đồng. Sau đó, tuy chưa được xóa án tích nhưng người này lại tiếp tục đánh bạc với số tiền 262.000 đồng nên bị kết án 04 tháng tù về tội đánh bạc (cả hai lần bị kết án đều trước ngày 09-12-2015). Nếu người này chưa chấp hành hình phạt thì có được miễn chấp hành hình phạt hay không?

Khoản 1 Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: người có hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì vẫn bị xử lý hình sự. Như vậy, cấu thành tội phạm của tội đánh bạc trong trường hợp này theo quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015 không thay đổi so với Điều 248 Bộ luật hình sự năm 1999. Thời điểm bị xét xử lần hai về tội đánh bạc (trước ngày 09-12-2015), người phạm tội bị xác định là có tiền án về tội đánh bạc là đúng. Do đó, trong trường hợp này họ không được miễn chấp hành hình phạt.

21/2. Người bị kết án thuộc trường hợp được miễn chấp hành hình phạt nhưng sau ngày 01-8-2016 (ngày Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hiệu lực thi hành) họ đã chấp hành xong hình phạt chính nhưng chưa chấp hành hoặc đã chấp hành được một phần hình phạt bổ sung là phạt tiền thì có được ra quyết định miễn chấp hành riêng về phần hình phạt bổ sung là phạt tiền hay không?

Theo hướng dẫn tại điểm a khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì khi xem xét, quyết định việc miễn chấp hành hình phạt cần chú ý một số nội dung sau:

“a) Chỉ miễn chấp hành hình phạt (hình phạt chính và hình phạt bổ sung) đối với các trường hợp quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này; đối với các vấn đề khác, như: trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, xử lý vật chứng, án phí hình sự; án phí dân sự… thì người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải thi hành”,

Như vậy, nếu trường hợp chưa chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Nếu đã chấp hành xong hình phạt chính nhưng chưa chấp hành hình phạt bổ sung thì Tòa án ra quyết định miễn chấp hành hình phạt bổ sung. Lưu ý là các nghĩa vụ khác như trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, xử lý vật chứng, án phí hình sự, án phí dân sự… thì người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải thi hành.

22/3. Đối với tội “Buôn lậu”, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định số lượng vật phạm pháp làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng Bộ luật hình sự năm 2015 lại quy định giá trị bằng tiền. Vậy, đối với vụ án Viện kiểm sát đã truy tố theo điểm đ khoản 2 Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1999 và chuyển hồ sơ cho Tòa án giải quyết (trước thời điểm có Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13-9-2016 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo Bộ luật hình sự năm 2015) thì có phải định giá tài sản để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự không? Cơ quan nào yêu cầu định giá? Trong trường hợp không định giá được thì đường lối giải quyết vụ án như thế nào?

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27-11-2016 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự, các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, số lượng đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”; “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”; “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; “quy mô lớn’’ đã được áp dụng để khởi tố bị can trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội thì: lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự năm 2015 từ ngày 01-7-2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành; các quy định khác tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 có ghi thời điểm “ngày 01-7-2016” được lùi đến thời điểm “ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành”.

Như vậy, đối với vụ án mà Viện kiểm sát đã truy tố theo điểm đ khoản 2 Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1999 (hàng cấm có số lượng rất lớn) và hồ sơ vụ án đã chuyển cho Tòa án giải quyết trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành thì không định giá tài sản để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự mà phải xác định hàng cấm có số lượng rất lớn theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử.

23/4. Tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 được hiểu như thế nào?

Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu.

Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù;

– Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm.

Tòa án chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 khi có đủ 02 yếu tố “phạm tội lần đầu” và “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Nếu bị cáo phạm tội lần đầu mà không phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc ngược lại phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng lần phạm tội này không phải là phạm tội lần đầu thì không áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015) để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

24/5. Khi quyết định miễn chấp hành hình phạt chính (không phải là hình phạt tiền), Tòa án có được quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt bổ sung là hình phạt tiền chưa chấp hành hoặc phần hình phạt bổ sung là hình phạt tiền còn lại chưa chấp hành hay không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Bộ luật hình sự năm 1999 (khoản 5 Điều 62 Bộ luật hình sự năm 2015) thì: “Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ẩm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại”. Như vậy, mỗi loại hình phạt pháp luật đều có quy định các điều kiện miễn chấp hành hình phạt khác nhau. Do đó, đối với người bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền nhưng chưa chấp hành hoặc chưa chấp hành xong thì Tòa án phải căn cứ vào điều kiện miễn chấp hành hình phạt tiền để quyết định có cho miễn chấp hành hình phạt hay không chứ không căn cứ vào việc miễn chấp hành hình phạt chính.

25/6. Theo Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì số tiền của người chơi để, cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ (trong trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ) hoặc là tổng số tiền mà họ đã bõ ra để mua số đề, cá độ (trong trường hợp người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ), Tuy nhiên, thực tế các chủ đề thường thu hút con bạc bằng cách trừ tiền hoa hồng cho những người chơi đề khi họ ghi đề. Vì vậy, dẫn đến tình trạng số tiền ghi trên tờ phơi sẽ cao hơn số tiền mà người chơi đề phải bỏ ra để mua số đề; số tiền mà chủ đề nhận được từ người chơi sẽ thấp hơn số tiền ghi trên tờ phơi. Trong trường hợp này, xác định số tiền dùng để đánh bạc là số tiền ghi trên tờ phơi hay là số tiền mà người chơi đề thực tế đã bỏ ra?

Hiện nay, việc xác định số tiền dùng để đánh bạc (đánh đề hoặc cá độ) vẫn được thực hiện theo hướng dẫn tại các điểm a, b mục 5.1 khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, số tiền của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ (trong trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ) hoặc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ (trong trường hợp người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ). Như vậy, số tiền mà họ đã bỏ ra không chỉ là số tiền thực tế họ đưa cho người ghi đề, ghi cá độ mà phải là số tiền ghi trên tờ phơi hoặc giấy tờ khác chứng minh việc đánh bạc trái phép.

26/7. Trong vụ án có đồng phạm, sau khi chiếm đoạt được tài sản, các bị cáo đã bán để chia nhau. Trong quá trình điều tra, một bị cáo bồi thường toàn bộ cho người bị hại nhưng không yêu cầu các bị cáo khác hoàn trả thì Tòa án có tịch thu của các bị cáo khác số tiền đã chiếm đoạt để sung vào ngân sách nhà nước hay không? Trường hợp bị cáo đã bồi thường chưa yêu cầu giải quyết trách nhiệm liên đới bồi thường đối với các bị cáo khác trong cùng vụ án thì xử lý thế nào?

Theo quy định tại Điều 298 Bộ luật dân sự năm 2005 (Điều 288 Bộ luật dân sự năm 2015) thì những người gây thiệt hại trong vụ án có đồng phạm phải liên đới bồi thường. Một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

Trong trường hợp nêu trên, nếu một bị cáo đã tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra nhưng sau đó không yêu cầu các đồng phạm khác hoàn trả số tiền mà mình đã bồi thường thay thì khi xét xử Tòa án phải giải thích cho bị cáo biết quyền yêu cầu các bị cáo khác hoàn trả phần tài sản mà bị cáo đã bồi thường thay. Nếu bị cáo vẫn không thực hiện quyền yêu cầu thì Tòa án ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo, không buộc các bị cáo khác phải hoàn trả, đồng thời cũng không tịch thu sung vào ngân sách nhà nước khoản tiền thuộc trách nhiệm bồi thường của các bị cáo khác.

Trường hợp bị cáo đã bồi thường chưa yêu cầu giải quyết trong cùng vụ án thì sau này nếu có yêu cầu sẽ giải quyết thành vụ án dân sự khác.

27/8. Dấu hiệu “hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân” quy định tại Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1999 được hiểu như thế nào?

Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1999 (Điều 125 Bộ luật hình sự năm 2015) được tách ra từ khoản 3 Điều 101 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội “Giết người”, trong đó nội dung quy định không có nhiều thay đổi.

Tại Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP ngày 29-11-1986, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn:

“Giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó. Đây là khung hình phạt giảm nhẹ (khoản 3).

– Tình trạng tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.

Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó tuy làm cho người phạm tội bị kích động mạnh, nhưng nói chung chưa đến mức là tội phạm. Nếu hành vi trái pháp luật đó trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem xét là trường hợp phòng vệ chính đáng (theo Điều 13) hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đảng (theo Điều 102).

Trong trường hợp cá biệt hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân cấu thành tội phạm nhưng là tội phạm ít nghiêm trọng (như tội làm nhục người khác, tội vu khống) thì cũng được coi là giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh và được xử lý theo khoản 3 Điều 101. Thí dụ: hai anh em đồng hao ở chung nhà bố mẹ vợ, người anh thường xuyên làm nhục thô bạo và trắng trợn vu khống người em, đến thời điểm nào đó lại lăng nhục người em nên người anh bị em giết”.

Mặc dù Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP nêu trên là văn bản hướng dẫn Bộ luật hình sự năm 1985 nhưng cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào khác có nội dung hướng dẫn mới về quy định này. Do đó, các Tòa án vẫn có thể vận dụng hướng dẫn này để giải quyết cho đến khi có hướng dẫn mới của Tòa án nhân dân tối cao.

28/9. Theo nội dung tại mục 1 Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13-9-2016 của Tòa án nhân dân tối cao thì kể từ ngày 01-7-2016 mới được áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 và Điều 2 Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội thì những quy định có lợi cho người phạm tội theo Bộ luật hình sự năm 2015 là kể từ ngày Bộ luật hình sự năm 2015 được công bố (ngày 09-12-2015). Như vậy, thời điểm áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo nội dung tại mục 1 Công văn số 276/TANDTC-PC nêu trên có mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 không?

Nội dung này đã được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tại Công văn số 301/TANDTC-PC ngày 07-10-2016. Theo đó, chỉ có 08 trường hợp được áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015 (trong đó có 06 trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27-11-2015 của Quốc hội và 02 trường hợp hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao); các quy định khác có lợi cho người phạm tội theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và được thống kê tại Danh mục kèm theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13-9-2016 của Tòa án nhân dân tối cao được áp dụng kể từ ngày 01-7-2016.

29/10. Hiện nay, việc áp dụng quy định tại Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015 về đương nhiên được xóa án tích có hai quan điểm khác nhau.

– Quan điểm thứ nhất cho rằng: người bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính mà không phạm tội trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015, còn các hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án họ có thể thực hiện bất kỳ lúc nào, chỉ cần trước ngày phạm tội mới.

– Quan điểm thứ hai cho rằng: người bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu kể từ ngày chấp hành xong toàn bộ bản án mà không phạm tội mới trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015.

Trong hai quan điểm trên thì quan điểm nào đúng?

Khoản 2 Điều 64 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn…”. Từ khi chấp hành xong bản án ở đây được hiểu là chấp hành xong tất cả hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Tuy nhiên, quy định này đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó thời điểm để tính đương nhiên được xóa án tích là kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án.

So với quy định tại khoản 2 Điều 64 Bộ luật hình sự năm 1999, quy định tại khoản 1 Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015 là quy định mới có lợi cho người phạm tội, được áp dụng kể từ ngày 01-7-2016. Như vậy, trong hai quan điểm trên, quan điểm thứ nhất là đúng, người bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, cần lưu ý điều kiện để người bị kết án đương nhiên được xóa án tích quy định tại Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015 không thay đổi so với Điều 64 Bộ luật hình sự năm 1999.

IV. CÔNG VĂN SỐ 89/TANDTC-PC NGÀY 30/6/2020

30/1. Đối tượng có hành vi đưa ma túy cho người khác sử dụng, nhưng không phát hiện có người chỉ huy, phân công, điều hành đối tượng để đưa ma túy cho người khác sử dụng. Vậy trường hợp này có xử lý đối tượng là người trực tiếp đã cung cấp ma túy cho người khác về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” hay không?

Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không đồng nhất với khái niệm “phạm tội có tổ chức”. Theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật Hình sự thì “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.” Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Còn tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, điểm, phương tiện, dụng cụ… để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy[1]. Trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng có đồng phạm nhưng đồng phạm ở đây được hiểu là thực hiện theo sự chỉ huy, phân công điều hành (không có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, không bắt buộc phải có sự phân công, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ trong các đồng phạm).

Do đó, hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Người có hành vi này bị xử lý theo quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự.

31/2. Trường hợp rủ nhau sử dụng trái phép chất ma túy thì có được xác định là rủ rê, dụ dỗ người khác sử dụng trái phép chất ma túy để xử lý hình sự theo quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự hay không?

Khoản 1 Điều 258 của Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Như vậy, người có hành vi dụ dỗ, khêu gợi sự ham muốn của người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy với mình thì thuộc trường hợp rủ rê, lôi kéo theo quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đối với trường hợp các con nghiện cùng nhau góp tiền, cùng nhau sử dụng ma túy thì không xác định là rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma túy theo quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

Ví dụ:

– Nguyễn Văn A (không nghiện ma túy) nhưng A đã dụ dỗ, khêu gợi sự ham muốn của Nguyễn Văn B để B sử dụng trái phép chất ma túy với mình. Trường hợp này xác định là rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma túy theo quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

– Nguyễn Văn A (nghiện ma túy) đã dụ dỗ, khêu gợi sự ham muốn của Nguyễn Văn B (không nghiện ma túy) để B sử dụng trái phép chất ma túy với mình. Trường hợp này xác định là rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma túy theo quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

– Nguyễn Văn A (nghiện ma túy) rủ Nguyễn Văn B (nghiện ma túy) cùng nhau góp tiền, cùng nhau sử dụng trái phép chất ma túy, mặc dù A đã có hành vi dụ dỗ để B cùng sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng không xác định đây là rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma túy theo quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

32/3. Tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy) của Bộ luật Hình sự được hiểu là trong 01 lần phạm tội với 02 người trở lên hay bao gồm cả phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng mỗi lần là 01 người khác nhau?

Tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 Bộ luật Hình sự được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã mua bán trái phép chất ma túy đối với từ 02 người trở lên. Nội dung này cũng phù hợp với hướng dẫn tại tiểu mục 2.4 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24-12-2007 là “phạm tội đối với nhiều người” quy định tại khoản 2 các điều 197, 198 và 200 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên”.

Ví dụ:

– Trong một lần phạm tội, Nguyễn Văn A vừa bán ma túy cho Nguyễn Văn C, vừa bán ma túy cho Nguyễn Văn D. Trường hợp này, A bị áp dụng tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 của Bộ luật Hình sự.

– Ngày 12-8-2019, Nguyễn Văn A bán ma túy cho Nguyễn Văn C. Ngày 01-10-2019, A bán ma túy cho Nguyễn Văn D. Trường hợp này, A bị áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251 của Bộ luật Hình sự.

– Ngày 12-4-2020, Nguyễn Văn A vừa bán ma túy cho Nguyễn Văn C, vừa bán ma túy cho Nguyễn Văn D. Ngày 10-5-2020, A bán ma túy cho Nguyễn Thị H. Trường hợp này, A bị áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” và tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 251 của Bộ luật Hình sự.

33/4. Trường hợp thu giữ được chất ma túy tổng hợp (dạng viên nén), bên trong có chứa nhiều loại chất ma túy khác nhau và theo quy định của Bộ luật Hình sự các chất ma túy này bị xử lý ở các điểm khác nhau (Ví dụ: chất thu giữ được là ma túy tổng hợp có chứa MDMA, Methamphetamine và Methylphenidate, trong đó MDMA, Methamphetamine được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249, Methylphenidate là ma túy thể rắn được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 249), thì có phải giám định hàm lượng để phân tách khối lượng từng loại chất ma túy làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự hay không?

Điểm i khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội quy định: “Trường hợp chất thu giữ được nghi là chất ma túy ở thể rắn đã được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, xái thuốc phiện hoặc thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần quy định tại các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải xác định hàm lượng chất ma túy làm cơ sở để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy thu giữ được. Đối với các trường hợp khác thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13.”.

Điều 206 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

…5. Chất ma tuý…”.

Như vậy, trong trường hợp chất thu giữ đã được xác định là ma túy dạng MDMA, Methamphetamine và Methylphenidate thì không thuộc trường hợp phải giám định hàm lượng.

34/5. Trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy, các đối tượng đã trộn ma túy ở thể rắn vào chất rắn khác, sau đó dập thành viên nén để bán. Qua giám định xác định chất thu giữ là chất ma túy nhưng hàm lượng ma túy thấp. Trường hợp này để xử lý hình sự thì căn cứ vào khối lượng chất thu giữ hay phải giám định hàm lượng để xác định khối lượng ma túy trong chất thu giữ.

Về nguyên tắc việc giám định để xác định chất ma túy, khối lượng và hàm lượng chất ma túy phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 206 của Bộ luật Tố tụng hình sự và điểm i khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội.

Đối với trường hợp có căn cứ xác định đối tượng đã trộn ma túy với chất rắn khác để bán và qua giám định xác định chất thu giữ là chất ma túy nhưng hàm lượng ma túy thấp thì cần căn cứ và kết luận giám định về hàm lượng để xác định khối lượng chất ma túy làm cơ sở để xử lý hình sự.

Cũng cần lưu ý rằng, nếu theo kết luận giám định chất thu giữ ko phải là ma túy, nhưng người thực hiện hành vi mua bán, trao đổi… ý thức rằng đó là chất ma túy thì bị xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 251 của Bộ luật Hình sự, nếu ko có các tình tiết định khung tăng nặng khác.

Trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi… thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này.

35/6. Trường hợp thu được 02 chất ma túy trở lên, nhưng đều được quy định trong một điểm của điều luật (ví dụ Heroine và MDMA) thì có cộng tổng các chất ma túy và xử lý theo điểm đó hay xử lý theo điểm “có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ….khoản này”?

Trường hợp này đã được quy định tại Điều 4 và hướng dẫn tại Mục 1 Phụ lục của Nghị định số 19/2018/NĐ-CP ngày 02-2-2018, cụ thể:

“Trường hợp các chất ma túy đó đều được quy định trong cùng một điểm của khoản 2, 3, 4 Điều 248; hoặc trong cùng một điểm của khoản 1, 2, 3, 4 Điều 249; hoặc trong cùng một điểm của khoản 1, 2, 3, 4 Điều 250; hoặc trong cùng một điểm của khoản 2, 3, 4 Điều 251; hoặc trong cùng một điểm của khoản 1, 2, 3, 4 Điều 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015, thì cộng khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy lại với nhau và đối chiếu với quy định về khối lượng hoặc thể tích của nhóm chất ma túy đó trong các khoản của điều luật được áp dụng để xác định tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật được áp dụng.”

Ví dụ: Một người mua bán trái phép 03 gam Heroine, 03 gam Cocaine, 03 gam Methamphetamine, 20 gam Amphetamine và 20 gam MDMA. Tổng khối lượng các chất ma túy trong trường hợp này được xác định như sau:

Căn cứ quy định tại Điều 251 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Tội mua bán trái phép chất ma túy), thì Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine và MDMA là các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm tại các khoản của Điều 251 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (cụ thể gồm: điểm i khoản 2; điểm b khoản 3; điểm b khoản 4 Điều 251), vì vậy sẽ áp dụng quy định tại Điều 4 của Nghị định số 19 để tính tổng khối lượng của Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine và MDMA như sau:

– Cộng khối lượng của từng chất lại với nhau để xác định tổng khối lượng của 05 chất ma túy Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA là: 03 gam + 03 gam + 03 gam + 20 gam + 20 gam = 49 gam.

– Đối chiếu tổng khối lượng của 05 chất ma túy với quy định tại điểm i khoản 2; hoặc điểm b khoản 3; hoặc điểm b khoản 4 Điều 251 của Bộ luật Hình sự năm 2015, thì trong trường hợp này tổng khối lượng của 05 chất ma túy tương đương với khối lượng Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine hoặc MDMA được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 251 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

– Xác định điểm, khoản, điều luật: Như vậy trong trường hợp này tổng khối lượng của 05 chất ma túy Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine và MDMA thuộc trường hợp quy định tại điểm h khoản 3 Điều 251 của Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể: “h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này”.

Như vậy, trường hợp thu được 02 chất ma túy trở lên mà đều được quy định trong một điểm của điều luật thì áp dụng khoản tương ứng “có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm…”.

36/7. Trường hợp đối tượng bị bắt quả tang bán ma túy. Qua điều tra thu được một lượng ma túy khác mà đối tượng này cất giấu trong nhà, đối tượng khai vừa để sử dụng vừa để bán thì xử lý đối tượng này về tội mua bán trái phép chất ma túy hay tội tàng trữ trái phép chất ma túy?

Trường hợp này phải căn cứ vào hành vi và ý thức chủ quan của người phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự. Nếu các hành vi đủ yếu tố cấu thành của 02 tội thì xem xét xử lý cả về 02 tội theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trường hợp bắt được đối tượng mua bán trái phép chất ma túy, sau đó đối tượng khai có tàng trữ trái phép chất ma túy ở nhà để sử dụng thì xem xét xử lý đối tượng này về tội mua bán trái phép chất ma túy và tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Trường hợp bắt được đối tượng mua bán trái phép ma túy, sau đó đối tượng tiếp tục khai còn tàng trữ ma túy trái phép chất ma túy ở nhà để mua bán thì cộng tổng khối lượng ma túy để xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định của Bộ luật Hình sự.

37/8. Đối với tội buôn lậu, do hàng hóa buôn lậu đã tiêu thụ hết không thể thu hồi nên không định giá được. Trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng đã sử dụng kết luận của Cơ quan chuyên môn để kết luận giá trị hàng hóa làm căn cứ xem xét trách nhiệm của bị cáo có đúng không?

Trường hợp kết luận của cơ quan chuyên môn phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác thì có giá trị làm căn cứ chứng minh tội phạm.

38/9. Khoản 1 Điều 264 (Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ) của Bộ luật Hình sự quy định:

“1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đng đến 50.000.000 đng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tn thương cơ thể 61% trở lên;…”

Vậy người khác trong quy định này được hiểu là người nào? Có bao gồm người được giao điều khiển phương tiện giao thông hay không?

Người khác ở trong trường hợp này được hiểu là bất kỳ người nào, trừ người giao phương tiện giao thông.

39/10. Người có hành vi buôn bán pháo nổ đã bị kết án về tội buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (bản án có hiệu lực pháp luật trước ngày 01-7-2015) chưa chấp hành hình phạt tù có thời hạn, hiện đang được hoãn thi hành án. Hiện nay Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định pháo nổ là hàng cấm thì người này có được xem xét miễn toàn bộ hình phạt hay không?

Tại mục 1 của Công văn số 91/TANDTC-PC ngày 28-4-2017 hướng dẫn xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa như sau.

“1. Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2015, nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa và căn cứ vào Điều 25 Bộ luật hình sự năm 1999 miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội…

Trường hợp người bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án thì được miễn toàn bộ hình phạt; trường hợp người đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại. Khi miễn chấp hành hình phạt, Tòa án phải ghi rõ trong quyết định miễn chấp hành hình phạt lý do của việc miễn chấp hành hình phạt là do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; người được miễn chấp hành hình phạt không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước…”.

Theo hướng dẫn nêu thì mặc dù hiện nay Bộ luật Hình sự hiện hành đã quy định pháo nổ là hàng cấm nhưng do hành vi buôn bán pháo nổ xảy ra trước thời điểm Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành (ngày 01-7-2015) nên người bị kết án vẫn thuộc đối tượng được miễn toàn bộ hình phạt theo quy định của pháp luật.

40/11. Người có hành vi phạm tội xảy ra trước thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01-01-2018 (ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành) mà sau thời điểm này mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì khi xem xét cho hướng án treo, Tòa án căn cứ vào hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP hay Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP?

Đối chiếu các quy định Điều 60 của Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phạm vi áp dụng án treo của 02 điều luật này là không thay đổi. Do đó, đối với hành vi phạm tội xảy ra trước thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01-01-2018 mà sau thời điểm này mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì Tòa án căn cứ vào quy định tại Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn áp dụng quy định này (trong đó có Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP) để xem xét việc cho hưởng án treo.

Tuy nhiên, đối với quy định về người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên trong thời gian thử thách tại đoạn 2 khoản 1 và khoản 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là quy định mới không có lợi cho người phạm tội, nên quy định này không được áp dụng đối với hành vi phạm tội xảy ra trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự và điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41 của Quốc hội. Do đó, khi tuyên án Tòa án cũng không áp dụng hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết số 02/2018//NQ-HĐTP để tuyên hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách đối với hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01-01-2018 nếu cho hưởng án treo.

41/12. Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không quy định không cho hưởng án treo đối với trường hợp người phạm tội đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác hoặc người phạm tội họ còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác. Như vậy, trường hợp bị cáo có đủ điều kiện được hưởng án treo nhưng trong hồ sơ thể hiện bị cáo còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong vụ án khác thì có được hưởng án treo không?

Tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP đã hướng dẫn một trong những điều kiện để cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo là phải có nhân thân tốt. Trường hợp này, người phạm tội đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác hoặc người phạm tội còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác là không bảo đảm điều kiện có nhân thân tốt để cho hưởng án treo.

42/13. Đối với vụ án đánh bạc, Tòa án căn cứ vào tổng số tiền thu được hay số tiền mỗi bị cáo dùng đánh bạc để xem xét trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo. (Nội dung này đã được đính chính tại Công văn số 136/TANDTC-PC ngày 25/8/2020)

Trường hợp này, tùy vào vụ việc cụ thể mà xác định trách nhiệm hình sự và mức hình phạt của các bị cáo. Cụ thể: đối với trường hợp các bị cáo cùng đánh bạc với nhau (như đánh phỏm, đánh chắn, đánh liêng, đánh sâm…) thì căn cứ vào tổng số tiền thu trên chiếu bạc (tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc) để xem xét trách nhiệm hình sự; số tiền mỗi bị cáo dùng vào việc đánh bạc là một trong những căn cứ để Tòa án xem xét, đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm khi quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo; đối với trường hợp con bạc đánh với chủ bạc (như lô đề, cá độ bóng đá, đua ngựa, xóc đĩa…) thì việc xác định khung hình phạt và mức hình phạt phải căn cứ vào số tiền từng bị cáo dùng vào việc đánh bạc. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc chứng minh số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.

Công văn số 136/TANDTC-PC ngày 25/8/2020:

Ngày 30/6/2020, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 89/TANDTC-PC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử. Tuy nhiên, do sơ suất trong khâu rà soát văn bản nên đã có sai sót tại ví dụ ở mục 13 Phần I của Công văn.

Nay Tòa án nhân dân tối cao đính chính bỏ cụm từ “xóc đĩa” tại ví dụ ở mục 13 Phần I của Công văn và thể hiện lại như sau:

“13. Đối với vụ án đánh bạc, Tòa án căn cứ vào tổng số tiền thu được hay số tiền mỗi bị cáo dùng đánh bạc để xem xét trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo.

Trường hợp này, tùy vào vụ việc cụ thể mà xác định trách nhiệm hình sự và mức hình phạt của các bị cáo. Cụ thể: đối với trường hợp các bị cáo cùng đánh bạc với nhau (như đánh phỏm, đánh chắn, đánh liêng, đánh sâm…) thì căn cứ vào tổng số tiền thu trên chiếu bạc (tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc) để xem xét trách nhiệm hình sự; số tiền mỗi bị cáo dùng vào việc đánh bạc là một trong những căn cứ để Tòa án xem xét, đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm khi quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo; đối với trường hợp con bạc đánh với chủ bạc (như lô đề, cá độ bóng đá, đua ngựa…) thì việc xác định khung hình phạt và mức hình phạt phải căn cứ vào số tiền từng bị cáo dùng vào việc đánh bạc. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc chứng minh số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng”.

43/14. Do có mâu thuẫn từ trước nên một nhóm đối tượng bàn bạc chuẩn bị các loại hung khí như búa đinh, dao phay, kiếm, tuýt sắt dài nhằm mục đích tấn công gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Khi đang trên đường đi gây án thì bị phát hiện và được ngăn chặn kịp thời. Trường hợp này nhóm đối tượng trên có bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích không?

Khoản 6 Điều 134 của Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Quy định này không bắt buộc người phạm tội phải hoàn thành hành vi khách quan là gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác và cũng không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra. Người có hành vi chuẩn bị một trong các loại công cụ, phương tiện phạm tội như: vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì đã đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan để xử lý hình sự người phạm tội.

Do đó, đối với trường hợp nêu trên thì các đối tượng mặc dù chưa thực hiện hành vi gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng đã có sự bàn bạc thống nhất, câu kết chặt chẽ với nhau và đã hoàn thành việc chuẩn bị các loại hung khí nguy hiểm nhằm mục đích tấn công gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Do đó, các đối tượng này có đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan theo quy định tại khoản 6 Điều 134 của Bộ luật Hình sự.

44/15. Tại Công văn số 170/TANDTC-PC ngày 01-8-2018 của Tòa án nhân dân tối cao về thực hiện quy định của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24-04-2018 về tha tù trước thời hạn có điều kiện có hướng dẫn: “…thời điểm có hiệu lực pháp luật của Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện là sau 15 ngày kể từ ngày ký, ban hành và thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách kể từ ngày Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có hiệu lực pháp luật.”. Vậy xác định ngày đầu tiên trong thời hạn 15 ngày để xác định thời điểm có hiệu lực pháp luật của Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện được tính như thế nào?

Quy định về tính thời hạn của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cơ bản không thay đổi. Trước đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn xác định thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị tại tiểu mục 4.1 phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08-12-2005 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, thời hạn trong tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định hiện hành cũng được xác định định tượng tự. Cụ thể, ngày đầu tiên của thời hạn 15 ngày để xác định thời điểm có hiệu lực của Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện theo hướng dẫn tại Công văn số 170 nêu trên là ngày tiếp theo của ngày ký ban hành Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Ví dụ: ngày 01-4-2020, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh A ký, ban hành Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì ngày bắt đầu của thời hạn 15 ngày để xác định thời điểm có hiệu lực của Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện là 0 giờ ngày 02-4-2020, thời điểm kết thúc của thời hạn này là 24 giờ ngày 16-4-2020 và thời điểm có hiệu lực pháp luật của Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện là 0 giờ ngày 17-4-2020.

V. CÔNG VĂN SỐ 01/GĐ-TANDTC NGÀY 25/7/2016

45/1. Việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp khi phạm tội và bị kết án lần thứ nhất người bị kết án là người chưa thành niên, nhưng khi phạm tội và bị kết án lần thứ hai thì người bị kết án là người đã thành niên được thực hiện như thế nào?

Việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp khi phạm tội và bị kết án lần thứ nhất người bị kết án là người chưa thành niên, khi phạm tội và bị kết án lần thứ hai thì người bị kết án là người đã thành niên được thực hiện theo quy định tại Điều 56 BLHS năm 2015 (Điều 51 BLHS năm 1999) như đối với trường hợp người đã đủ 18 tuổi.

46/2. Việc giải quyết các vụ án buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu hiện nay được thực hiện như thế nào?

Theo quy định của Luật thương mại năm 2005 và các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật thương mại năm 2005 thì pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm, còn theo quy định của Luật đầu tư năm 2014 thì “các loại pháo” và “các sản phẩm thuốc lá” thuộc Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do có sự không thống nhất của các quy định nêu trên nên trong thời gian vừa qua các Tòa án gặp vướng mắc khi giải quyết các vụ án liên quan đến pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu.

Để tháo gỡ vướng mắc này, căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 74 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao đã gửi hồ sơ đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích quy định của các văn bản nêu trên, làm cơ sở để giải quyết các vụ án. Trong khi chưa có giải thích của Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc giải quyết các vụ án liên quan đến pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu tiếp tục được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 06/TANDTC-PC ngày 26-01-2016 của Tòa án nhân dân tối cao. Quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao là các vi phạm về trật tự quản lý kinh tế cần được tăng cường xử lý bằng hình phạt tiền và các chế tài khác về kinh tế để đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý các vi phạm này.

47/3. Việc xử lý các hành vi mà theo quy định của BLHS năm 1999 là tội phạm nhưng theo quy định của BLHS năm 2015 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm đó (ví dụ hành vi đánh bạc dưới 05 triệu đồng; hành vi tàng trữ trái phép dưới 0,1 gam hêrôin) được thực hiện như thế nào?

Nội dung này đã được quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội (trong đó có nội dung thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 của BLHS năm 2015 kể từ ngày 01-7-2016) và được hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

48/4. Tổ chức đánh bạc cho 10 người nhưng tổng số tiền thu trên chiếu bạc dưới 5 triệu đồng có bị xử lý hình sự không?

Theo quy định tại Điều 249 BLHS năm 1999 và hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì phạm tội Tổ chức đánh bạc thuộc trường hợp “với quy mô lớn” nếu:

“a) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên…;

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015 thì:

“1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đng đến 300.000.000 đng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho từ 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc…;

Như vậy, cấu thành tội phạm của tội “Tổ chức đánh bạc” theo quy định tại Điều 322 BLHS năm 2015 không thay đổi so với Điều 249 BLHS năm 1999. Do đó, người thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc cho 10 người nhưng tổng số tiền thu trên chiếu bạc dưới 05 triệu đồng thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức đánh bạc”.

49/5. Quy định “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng… đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được hiểu và áp dụng như thế nào?

Điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 quy định:

1. Người nào thực hiện một trong những hành vsau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng… đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;…”

So với BLHS năm 1999 thì đây là trường hợp điều luật bổ sung theo hướng bất lợi cho người phạm tội. Vì vậy, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành BLHS năm 2015 và khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội thì quy định này không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 có hiệu lực.

Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 được ban hành nếu quy định nêu trên được giữ nguyên, việc xác định thế nào là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng, đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả sẽ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết bằng Nghị quyết.

VI. CÔNG VĂN 306/TANDTC-PC NGÀY 12/10/2016

50. Trong thời gian vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao nhận được ý kiến phản ánhcủa một số Tòa án nhân dân về việc áp dụng tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” khi giải quyết vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Về vấn đề này, Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999 thì “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” là một trong những yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 không quy định cụ thể “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” là một trong những yếu tố cấu thành tội phạm này; tuy nhiên, có thể hiểu “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” cũng là một dạng hành vi khách quan phản ánh ý thức chủ quan của người phạm tội là “gian dối để chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 175. Bên cạnh đó, quá trình rà soát, sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2015, các cơ quan có thẩm quyền cũng đã thống nhất bổ sung lại dấu hiệu này vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 để làm rõ hơn cấu thành tội phạm của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, việc khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 không quy định cụ thể dấu hiệu “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” không phải là quy định có lợi cho người phạm tội để áp dụng từ ngày 01-7-2016.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *