Trong thực tế, khi được giao nghiên cứu hồ sơ án dân sự Kiểm sát viên thường nghiên cứu thông qua các bước:
Bước 1: Nghiên cứu về trình tự thủ tục tố tụng mà Toà án tiến hành xem đã đảm bảo đúng theo trình tự quy định của BLTTDS năm 2015 không thông qua việc nghiên cứu các biên bản như: Biên bản giao nhận đơn khởi kiện giữa đương sự với Toà án; biên bản toà án thông báo cho đương sự nộp tiền tạm ứng án phí; thông báo thụ lý vụ án của Toà án, biên bản hòa giải, biên bản tiếp cận, công khai chứng cứ, biên bản niêm yết,…Việc nghiên cứu này giúp đánh giá được việc toà án thụ lý giải quyết vụ án có đúng thẩm quyền không, thời kiệu khởi kiện vụ án còn hay đã hết (đối với những vụ án dân sự có thời hiệu khởi kiện), trình tự thủ tục toà án tiếp nhận đơn khởi kiện có đúng quy định của pháp luật không…
Bước 2: Tiến hành nghiên cứu việc thu thập tài liệu, chứng cứ có trong vụ án của Thẩm phán đã đảm bảo đúng trình tự theo quy định của Điều 97 BLTTDS năm 2015 không thông qua việc nghiên cứu các bản tự khai, biên bản lấy lời khai đương sự của Thẩm phán; các quyết định định giá, thẩm định tại chỗ…từ đó, giúp cho KSV đánh giá được nguồn gốc các loại chứng cứ, tính có căn cứ, tính hợp pháp của từng loại chứng cứ.
Bước 3: Tiến hành nghiên cứu các yêu cầu của đương sự trong vụ án như: Yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về các vấn đề họ yêu cầu Toà án cần giải quyết trong vụ án thông qua đơn khởi kiện, bản khai, biên bản lấy lời khai và các tài liệu liên quan đến vụ án mà đương sự đã cung cấp.
Bước 4: Trích cứu tóm tắt nội dung các phần mà mình đã nghiên cứu sau đó tổng hợp đánh giá lại các tài liệu, chứng cứ có trong vụ án đặt chúng trong mối liên hệ với nhau để dễ dàng xâu chuỗi các vấn đề có trong vụ án giúp cho việc dự kiến đường lối giải quyết vụ án; bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên toà đúng theo quy định của pháp luật, không mang tính phiến diện, thiếu khách quan.
Tuy nhiên,vấn đề đặt ra ở đây lại phải nghiên cứu “kỹ” hồ sơ vụ án. Vậy thế nào là nghiên cứu “kỹ”? Chưa có định nghĩa về khái niệm này. Nhưng qua thực tiễn công tác nhận thấy nghiên cứu “kỹ” hồ sơ vụ án là nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, cụ thể, chi tiết tài liệu có trong hồ sơ. Sau khi nghiên cứu Kiểm sát viên phải ghi chép lại theo một trình tự và phương pháp khoa học. Có thể khái quát lại nghiên cứu “kỹ” hồ sơ vụ án nghĩa là yêu cầu Kiểm sát viên phải “thuộc án”, không chỉ nắm được toàn bộ nội dung vụ án như đơn khởi kiện, bản tự khai, các tài liệu chứng cứ mà các đương sự cung cấp mà yêu cầu còn nắm rõ, đầy đủ, cụ thể tình tiết của hồ sơ vụ án như từ bút lục nào đến bút lục nào của hồ sơ phản ánh cái gì, nội dung ra sao… Khi cần thiết Kiểm sát viên có thể chỉ ra ngay bút lục, chứng cứ, lời khai của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, lời khai của nhân chứng và các tài liệu xem xét, thẩm định và kết luận giám định khác (nếu có)…
Hiện nay, chưa có giáo trình hướng dẫn cách thức, phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự và không đề ra một phương pháp nào có thể ứng dụng và giải mã cho tất cả các loại án. Tuỳ vào tính chất hồ sơ vụ án như phức tạp hay đơn giản, án nhiều chứng cứ và cả phương pháp, sở trường, năng khiếu của KSV mà đề ra phương pháp nghiên cứu khác nhau. Tuy vậy, qua thực tiễn công tác nghiên cứu hồ sơ, các KSV đúc rút kinh nghiệm và cố gắng khái quát hoá để đề ra một số phương pháp nghiên cứu hồ sơ có thể dựa vào các tiêu chí: Từ tổng thể đến chi tiết, từ nội dung đến hình thức và phân chia dựa theo các giai đoạn tố tụng: chuẩn bị thụ lý, thụ lý vụ án, chuẩn bị xét xử.
Phương pháp thứ nhất: Nếu dựa vào tiêu chí “từ tổng thể đến chi tiết” tức là nghiên cứu để nắm nội dung cơ bản của vụ án bao gồm đơn khởi kiện, bản tự khai của nguyên đơn và bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có). Sau khi nắm được các nội dung cơ bản nêu trên thì đi sâu nghiên cứu từng phần, từng chi tiết để minh chứng nội dung đơn khởi kiện của nguyên đơn. Cụ thể đi sâu xem xét các chứng cứ, quy trình thu thập chứng cứ của Tòa để khẳng định nội dung khởi kiện của đương sự. Phương pháp nghiên cứu này gần như trở thành “truyền thống”, thường được KSV sử dụng hàng ngày, nhất là các vụ án phức tạp về chứng cứ, có đông người tham gia…
Phương pháp thứ hai: Nếu dựa vào tiêu chí “nội dung và hình thức” thì có thể hình thành phương pháp nghiên cứu nội dung trước, tức là nghiên cứu về chứng cứ, sau đó nghiên cứu về thủ tục tố tụng. Nhưng cũng có những trường hợp, những vụ án có thể làm song song hai nhiệm vụ này, vừa nghiên cứu về chứng cứ đồng thời nghiên cứu cả thủ tục tố tụng cùng một lúc. Thường áp dụng phương pháp nghiên cứu này cho các loại án đơn giản, rõ ràng, án chỉ một yêu cầu khởi kiện.
Phương pháp thứ ba: Dựa vào giai đoạn tố tụng có thể phân chia nghiên cứu hồ sơ ở giai đoạn thụ lý; chuẩn bị xét xử và giai đoạn kiểm sát xét xử. Cách phân chia này có ý nghĩa tương đối vì về mặt lý luận và thực tiễn ít khi phân giai đoạn, khi thụ lý vụ án, nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ vụ án là việc thường xuyên, liên tục, không thể ngắt quãng. Thông thường khi chuẩn bị cho việc xét xử, KSV nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện để làm nhiệm vụ thực hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật.
Phương pháp thứ tư: Nghiên cứu theo từng loại án tranh chấp như: Án tranh chấp quyền sử đụng đất, tranh chấp hợp đồng vay tài sản, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tranh chấp về chia tài sản thừa kế….
Trong thực tiễn có nhiều phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án nhưng chủ yểu là phương pháp nghiên cứu thứ nhất được Kiểm sát viên sử dụng rộng rãi, thường xuyên, có khả năng áp dụng cho mọi loại án. Nghiên cứu nắm nội dung vụ án, nắm những điểm chính, điểm chung nhất của vụ án và nắm được thủ tục tố tụng của Tòa án.
Khi nghiên cứu hồ sơ, nếu nhận thấy hồ sơ không đủ tài liệu, chứng cứ để làm căn cứ giải quyết vụ án, Kiểm sát viên có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án và tự thu thập tài liệu chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (trong trường hợp Viện kiểm sát thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm).
Nhìn chung do Kiểm sát viên nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa nên đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để thực hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật và tham gia phiên tòa do vậy chất lượng tham gia phiên tòa của Kiểm sát viên đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, còn nhiều trường hợp do không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án nên nhiều vụ Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đạt chất lượng thấp, lúng túng khi tham gia hỏi; nhiều trường hợp không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án nên khi diễn biến tại phiên toà khác với hồ sơ vụ án và luật sư lên tiếng về nội dung này thì Kiểm sát viên không nhận biết cụ thể khác ở chỗ nào, tài liệu nào, chứng cứ nào. Không ít vụ do không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án nên khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật còn nhiều thiếu xót dẫn tới tình trạng án bị sửa và hủy ở cấp phúc thẩm còn tương đối nhiều. /.
Phạm Thu Hà, Phòng 9, VKSND tỉnh Sơn La
(Theo Trang tin điện tử VKSND tỉnh Sơn La)