[VPLUDVN] Điều kiện cần cho việc đánh giá chứng cứ được chính xác đó là phải có hiểu biết sâu sắc về pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung ứng với đối tượng đang được nghiên cứu (đó là quan hệ pháp luật đang có tranh chấp);
Phải có tích lũy kinh nghiệm, mà kinh nghiệm của mỗi người về đánh giá chứng cứ được tích lũy, được hình thành trong quá trình học tập kinh nghiệm (học trên lớp, học trong thực tiễn), quá trình tự rút kinh nghiệm trong mỗi lần nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ.
Điều kiện đủ cho việc đánh giá chứng cứ đó là phải nghiên cứu kỹ toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ một cách khách quan và toàn diện.
Đối với mỗi hồ sơ dân sự nếu bỏ qua, không đọc, không nghiên cứu có khi chỉ một tài liệu, có thể dẫn đến nhận định, đánh giá sai lầm, xét xử sai lầm. Đây cũng là một kinh nghiệm mà tác giả rút ra từ hoạt động thực tiễn.
Trên cơ sở tất cả các chứng cứ đã thu thập được, Tòa án phải tiến hành xem xét, phân tích, so sánh, phải tìm ra được các mối liên hệ, liên quan mật thiết giữa sự kiện, tình tiết này với sự kiện, tình tiết khác. Việc xác định được chính xác các mối liên quan giữa các tình tiết, sự kiện là điều kiện cần thiết đối với việc xác định sự thật khách quan của vụ việc mà Thẩm phán phải xử lý.
Đánh giá chứng cứ là quá trình nghiên cứu, xem xét, đối chiếu, so sánh giữa các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, xác định tài liệu nào chứa đựng các tình tiết, các sự kiện có thật phản ánh đúng bản chất của sự vật, của vụ án.
Chúng ta đều biết giá trị chứng minh của chứng cứ thể hiện ở chỗ dựa vào chứng cứ đó, Tòa án có thể xác định được có hay không có những tình tiết chứng minh cho yêu cầu của đương sự. Đối với những tình tiết, sự kiện không có giá trị chứng minh sẽ bị “loại” trong quá trình đánh giá chứng cứ.
Khi đánh giá chứng cứ trước hết phải xem xét, đánh giá riêng biệt từng tài liệu, chứng cứ để xem xét tính hợp pháp của tài liệu, chứng cứ đó; kết luận về độ chính xác, về giá trị chứng minh của tài liệu, chứng cứ đó.
Do đó, người Thẩm phán phải nắm được đặc điểm của từng loại chứng cứ, xác định đó là chứng cứ trực tiếp hay chứng cứ gián tiếp, chứng cứ gốc hay chứng cứ sao chép.v.v… Đồng thời phải xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ đó trong mối quan hệ tổng hợp của toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để xác định giá trị chứng minh của chứng cứ. Một tài liệu chỉ có giá trị cho việc xác định sự thật khi nó phù hợp với các tình tiết, diễn biến của vụ việc dân sự, phù hợp với thực tế khách quan. Qua các chứng cứ đó ta có thể xác định được chính xác sự kiện pháp lý nào mà đương sự đưa ra là có thật, yêu cầu nào mà đương sự đưa ra là yêu cầu chính đáng.v.v…
Đánh giá chứng cứ bắt đầu bằng việc xem xét đánh giá từng lời khai, tài liệu, vật chứng… cụ thể, sau đó mới xem xét , đối chiếu với tài liệu, chứng cứ khác. Trong những hồ sơ có nhiều tài liệu, nhiều lời khai mâu thuẫn, trái ngược, các kết luận giám định có nội dung khác nhau… có cảm giác hồ sơ như một “trận đồ bát quái”. Do đó, việc đánh giá chứng cứ sẽ vô cùng phức tạp, chỉ cần nghiêng về một số tài liệu, lời khai nào đó là có thể rút ra kết luận A, nhưng nếu nghiêng về một số lời khai, tài liệu khác thì có thể rút ra kết luận B. Trong những trường hợp các tài liệu, các lời khai mâu thuẫn nhau như thế việc xác định các tài liệu nào có nội dung chứa đựng sự thật của vụ án là không hề đơn giản. Các ý kiến trong quá trình đánh giá chứng cứ nhiều khi rất khác nhau, nên mới có câu ngạn ngữ “hai luật gia ba ý kiến”. Do đó, gặp những trường hợp này, khi nghiên cứu, đánh giá chứng cứ Thẩm phán không chỉ chú ý đơn thuần về nội dung của tài liệu mà còn phải xem xét về nguồn gốc, điều kiện, bối cảnh xuất hiên… của tài liệu, tài liệu đó do ai xuất trình, vì sao họ thay đổi lời khai, mối quan hệ của người khai với mỗi đương sự khác, nhân chứng khác…
Do đó, nếu là lời khai của đương sự không chỉ chú ý đánh giá về nội dung từng lời khai mà phải chú ý cả thời gian (lời khai trước, lời khai sau), diễn biến những thay đổi trong nội dung lời khai, cách lý giải của đương sự về sự thay đổi lời khai đó, so sánh giữa những nội dung trong lời khai của các đương sự, xem xét cả mối quan hệ (gia đình, bạn bè, họ hàng…) của các đương sự có chung một lợi ích. Đối với nhân chứng càng phải đánh giá xem xét mối quan hệ giữa họ với đương sự nhằm đánh giá tính khách quan trong lời khai của họ, ví dụ lời khai của cha, mẹ nguyên đơn lại phù hợp với lời khai của bị đơn, và lời khai này lại bất lợi cho nguyên đơn, trong khi cha, mẹ không mâu thuẫn với nguyên đơn thì nhiều khả năng lời khai của cha, mẹ nguyên đơn là đúng sự thật; đối với đương sự có sự thay đổi lời khai, kinh nghiệm cho thấy những lời khai đầu tiên của đương sự thường chứa nhiều sự thật, nhưng không phải trong mọi trường hợp đều đúng như thế. Do đó, về nguyên tắc không được phép khẳng định ngay mà vẫn phải có sự so sánh, đối chiếu với tài liệu, chứng cứ khác, xem lý do vì sao cha mẹ nguyên đơn lại khai khác với nguyên đơn? Vì sao đương sự lại thay đổi lời khai? Sự thay đổi lời khai có hợp lý không? Lý do thay đổi.v.v… Sau khi nghiên cứu toàn diện các tài liệu, chứng cứ thì việc đánh giá chứng cứ mới có khả năng tiếp cận sự thật. Để có thể đánh giá chứng cứ được chính xác, khi đánh giá chứng cứ rất cần tư duy khách quan, toàn diện và biện chứng để tìm ra mối liên hệ nội tại giữa các tình tiết, sự kiện từ đó sâu chuỗi các tình tiết, sự kiện lại mới có thể xác định đúng sự thật, đúng bản chất của vụ việc đang nghiên cứu giải quyết.
Đánh giá chứng cứ để tìm ra sự thật của vụ việc dân sự là một công việc khó khăn phức tạp, một loại hình lao động đặc thù của Thẩm phán, không chỉ đòi hỏi Thẩm phán phải lao tâm khổ tứ, không chỉ đòi hỏi phải có kiến thức xã hội, kiến thức pháp luật sâu sắc mà còn đòi hỏi một cái tâm trong sáng của người cầm cân nẩy mực. Đã là Thẩm phán phải lấy công bằng làm trọng, công lý là mục tiêu, là nơi để người dân gửi gắm niềm tin; với tâm nguyện phụng sự công lý là mục tiêu tối thượng, khi đó sẽ giúp Thẩm phán sáng suốt hơn trong đánh giá chứng cứ.