[VPLUDVN] Thời gian qua, dư luận xã hội hoang mang trước việc nhiều cô gái người nước ngoài tố cáo bị tấn công, quấy rối tình dục tại khu vực Hồ Tây (Hà Nội), hiện lực lượng chức năng đang khẩn trương xác minh, xử lý những kẻ gây ra hành vi này. Những hành vi này được đánh giá là có tính chất, mức độ nghiêm trọng nhưng việc xem xét, xử phạt còn khó khăn, chưa tương xứng với hành vi vi phạm (xử lý vi phạm hành chính) do chưa được quy định trong luật hình sự.
Quấy rối tình dục (QRTD) là một trong những vấn đề xảy ra rất thường xuyên trong xã hội con người không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Cho đến nay, ở nước ta vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác về tình trạng này, một phần do chưa có một hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng để điều chỉnh; mặt khác do tâm lý của người Á Đông thường giấu kín, ngại công khai, không dám phản kháng hoặc tố cáo sự việc khi mình bị quấy rối.
QRTD là hành vi suy thoái về tư tưởng, đạo đức, nhận thức lệch lạc trong lối sống, gây ảnh hưởng lớn đến nền tảng văn hóa của dân tộc; nạn nhân của quấy rối tình dục phải hứng chịu tổn thương về tâm lý, bao gồm cảm giác bị xỉ nhục, giảm động lực phấn đấu, mất đi sự tôn trọng bản thân mình. Bên cạnh đó, nạn nhân có thể bị thay đổi các hành vi, như: Tự cô lập mình; huỷ hoại các mối quan hệ, có nguy cơ bị mắc những bệnh về thể chất và tinh thần liên quan đến trầm cảm, bao gồm lạm dụng đồ uống có cồn, thậm chí tự tử.
QRTD luôn là vấn đề được quan tâm và gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội; điển hình như vụ việc xảy ra năm 2019: Một nữ sinh 20 tuổi ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội) vào thang máy tại chung cư Golden Palm thì bị một người đàn ông tên ĐMH không quen biết buông lời tán tỉnh, xin số điện thoại nhưng nữ sinh này từ chối. Ngay sau đó, cô gái bị gã này dồn vào góc thang máy, ôm và hôn. Sau khi sự việc xảy ra, nữ sinh này đã tới trình báo tại cơ quan công an. Theo đó, ông ĐMH bị Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) xử phạt hành chính về hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, quy định điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP (mức phạt đối với hành vi này là từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng). Ông H bị lập biên bản xử phạt với số tiền 200 nghìn đồng. Ngay sau khi thông tin ông ĐMH chỉ bị xử phạt hành chính được công bố, rất nhiều người đã không đồng tình về quyết định này; nhiều ý kiến bày tỏ sự lo sợ vì nếu không có cơ sở xử lý nghiêm khắc thì sẽ dễ dẫn đến nhiều vụ việc tương tự trong tương lai. Theo họ, hành vi ngang nhiên sàm sỡ, gây thương tích cho nạn nhân của ông H là rất nghiêm trọng, cần phải có hình thức xử lý thích đáng hơn.
Hay như mới đây, có hiện tượng một số đối tượng đi trên xe máy che biển số quanh khu vực hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã có hành vi tấn công tình dục nhiều phụ nữ nước ngoài.Nhóm đối tượng trẻ tuổi, đi theo tốp khoảng 2-10 người, chủ yếu là thiếu niên khoảng 15-20 tuổi thường đi trên xe máy che biển hoặc tháo biển số thường xuyên xuất hiện quanh khu vực đường Tô Ngọc Vân, Quảng An, Quảng Bá, Đặng Thai Mai… nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống. Khi thấy những phụ nữ trẻ nước ngoài đi một mình hoặc theo nhóm, các đối tượng này vọt xe máy qua và có hành vi tấn công tình dục thô bạo vào các bộ phận nhạy cảm, thậm chí có nạn nhân còn tố cáo bị nhóm đối tượng bóp cổ, dùng dây thắt lưng vụt, ném gạch vào người… Hiện nhóm đối tượng này đang bị các cơ quan chức năng xác minh, truy tìm, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Có thể thấy rằng cùng với sự phát triển của đời sống xã hội; tính chất, mức độ nguy hiểm của các hành vi phạm tội nói chung và hành vi phạm tội về xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người nói riêng ngày càng tinh vi, phức tạp. Chính vì thế mà yêu cầu hệ thống Pháp luật nước ta phải ngày càng hoàn thiện tốt hơn để có thể phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các khách thể bị xâm phạm.
Trong hệthống pháp luật các nước trên thế giới đã có quy định rất khắt khe đối với hành vi QRTD: Tại bang California của Mỹ người phạm tội này có thể phải ngồi tù từ 24 cho tới 48 tháng và nộp phạt lên tới 10.000USD. Tại Canada, hình phạt nhẹ nhất dành cho tội tấn công tình dục là ngồi tù 6 tháng và hình phạt tối đa cho tội danh này là 14 năm tù. Còn tại Anh hành vi QRTD có thể đối mặt với hình phạt tối đa lên tới 10 năm tù. Ở Nhật Bản, hành động tấn công tình dục phải chịu mức án tối thiểu là 5 năm tù giam, mức án tối đa là 20 năm…
Tuy nhiên, hiện pháp luật hình sự nước ta chưa có chế tài đối với các hành vi QRTD. Một số ý kiến cho rằng pháp luật Việt Nam chưa đưa tội danh QRTD vào Bộ luật Hình sự, bởi lẽ đây là hành vi chưa đến mức phải xử lý hình sự; là hành vi khó chứng minh, hầu như không để lại sự thương tổn vật lý. Tuy nhiên theo bản thân tác giả nhận thấy, hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc lấy chứng cứ để chứng minh hành vi QRTD là hoàn toàn thực hiện được (thông qua ghi âm, tin nhắn, hình ảnh, camera…); bên cạnh đó các hành vi trên có thể làm cho các nạn nhân phải gánh chịu sự tổn thương rất lớn dẫn đến khủng hoảng về tinh thần và không loại trừ trường hợp bị tướt đoạt cả tính mạng, đặc biệt đối với trẻ em, phụ nữ và những người yếu thế khác.
Hiện nay, hành vi QRTD đã được quy định cụ thể hơn trong Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, cụ thể:
– Tại khoản 9 Điều 3 Bộluật Lao động năm 2019 quy định: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.”
– Tại Điều 84 Nghị định 145 ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động quy định: “1. Quấy rối tình dục quy định tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.
2. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:
a) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;
b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
c) Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
3) Nơi làm việc quy định tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định”.
Tuy nhiên, đây chỉ là quy định đối với những hành vi quấy rối tại “nơi làm việc” mà Bộluật Lao động nước ta quy định. Trong khi nạn nhân của các hành vi trên hiện nay phổ biến ở mọi đối tượng, mọi lúc, mọi nơi trong đời sống xã hội và đây còn là vấn đề bức xúc kéo dài của dư luận cả nước; hơn nữa hành vi QRTD hiện nay chỉ chịu trách nhiệm hành chính (quy định trong điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình) mà không chịu trách nhiệm hình sự; đồng thời đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các hành vi phạm tội nghiêm trọng hơn như: giết người, hiếp dâm, cưỡng dâm…
Như vậy, xét về hậu quả, tính chất và mức độnguy hiểm của hành vi QRTD gây ra, tác giả cho rằng đây là hành vi xâm hại nghiêm trọng đến quyền được bảo vệvề sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của con người; đồng thời, để đạt được mục đích “giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm”, giữ gìn môi trường xã hội an ninh, ổn định thì cần thiết phải bổ sung kịp thời hành vi QRTD vào pháp luật Hình sự Việt Nam. Từ đó, tác giả kiến nghị bổ sung tội danh này vào Chương XIV Bộluật Hình sự về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự của con người, cụ thể như sau:
“Điều 144. Tội quấy rối tình dục
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi quấy rối mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục với người từ đủ 16 tuổi trở lên trái với ý muốn của họ thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể trên 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”
Bên cạnh đó, để ngăn ngừa hiệu quả nhất vấn nạn này, mỗi công dân cần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, kiên quyết đấu tranh khi phát hiện các hành vi quấy rối xảy ra với bản thân cũng như trong cộng đồng.