[VPLUDVN] Luật tục Tây Nguyên định hướng hành vi của con người theo các chuẩn mực đạo đức xã hội bằng cách quy định cho các chủ thể những hành vi được phép làm, những hành vi phải làm và những hành vi bị ngăn cấm. Đồng thời kèm theo những quy định này là những chế tài cụ thể. Với những quy định cụ thể về các quyền con người trong luật tục sẽ giúp cho mỗi thành viên trong cộng đồng có những ứng xử phù hợp với luật tục và với buôn làng.
Luật tục các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là một trong những quy phạm có tính điều chỉnh cao đối với các vấn đề trong đời sống xã hội Tây Nguyên. Đó chính là những chuẩn mực của xã hội, xác định và điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi cá nhân và cộng đồng các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên.
Luật tục các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Diện tích tự nhiên 54.474 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước. Dân số gần 5,3 triệu người, dân cư sinh sống ở thành thị chiếm 28%, ở nông thôn chiếm 72%; có 12 dân tộc tại chỗ và 45 dân tộc từ các vùng, miền khác đến làm ăn sinh sống qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, trong đó Kinh chiếm 63,55%, các dân tộc thiểu số khác 36,45% (1,93 triệu người).
Là vùng đa dân tộc, nên Tây Nguyên cũng là nơi đa dạng về văn hóa, nơi cư trú của 54 dân tộc với rất nhiều đặc trưng: Có sắc thái văn hoá của người Kinh đủ cả ba miền Bắc, Trung, Nam; có sắc thái văn hoá của nhiều tộc người từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến sinh cơ lập nghiệp; nhưng nổi bật vẫn là văn hóa truyền thống của các DTTS tại chỗ như Ê đê, M’nông, J’rai, K’ho… Đặc biệt là Luật tục (tập quán pháp) của các dân tộc có thể coi là những di sản văn hóa tộc người đặc sắc, phản ánh những lề luật, tục lệ nghiêm ngặt của cộng đồng thị tộc cổ đại. Ngày nay luật tục còn tồn tại khá phổ biến ở các tộc người Tây Nguyên, nên có thể gọi đó là “Luật tục Tây Nguyên”. Tùy theo các tộc người mà loại luật tục này được gọi với những tên khác nhau: Phat kdí (hay Klei duê klei bheăn kđi – tập quán pháp bằng lời ca) của người Êđê, Phat ktuôi của người M’nông, Tơ lơi djuat hay Tơ lơi phian của người Giarai, Adat mu car của người Raglai, Dây tơ ronkđi của người Bana, N’ri của người Mạ,… Các luật tục này phần lớn do người Pháp như Guilleminet, J.Boulbet,… phát hiện và sưu tầm ở những mức độ khác nhau. Sau này được các tác giả người Việt sưu tầm, bổ sung thêm, như Ngô Đức Thịnh, Phan Đăng Nhật, Chu Thái Sơn, Nguyễn Thấu,…
Nội dung của luật tục Tây Nguyên rất phong phú, đa dạng. Luật tục Tây Nguyên dù trong các bộ luật đã sưu tầm khá đầy đủ như luật tục Êđê, M’nông, Raglai hay còn lẻ tẻ, rời rạc hơn như trong các văn bản đã công bố của luật tục Giarai, Bana, Mạ, Kơho, Stiêng, thì các điều khoản của những luật tục cổ truyền này đều đề cập đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa khác nhau của các tộc người. Nhưng nhìn chung các luật tục Tây Nguyên đều đề cập đến những nội dung cơ bản sau: Hệ thống tổ chức và quản lý cộng đồng; Trật tự và an ninh của cộng đồng; Phong tục tập quán; Quan hệ nam nữ, hôn nhân và gia đình; Sở hữu và thừa kế tài sản; Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên môi trường; Tội lỗi và các hình phạt.
Quyền con người trong luật tục các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Với nội dung các điều luật tục rất phong phú, điều chỉnh ở nhiều lĩnh vực, luật tục Tây Nguyên đã, đang và sẽ có những giá trị rất quan trọng đối với đời sống xã hội của các tộc người Tây Nguyên. Với tính phổ biếSn, tính quy phạm và tính cưỡng chế, luật tục Tây Nguyên chính là những chuẩn mực của xã hội, xác định và điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi cá nhân và cộng đồng các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. Luật tục Tây Nguyên có vai trò định hướng hành vi của con người theo các chuẩn mực đạo đức xã hội bằng cách quy định cho các chủ thể những hành vi được phép làm, những hành vi phải làm và những hành vi bị ngăn cấm. Đồng thời kèm theo những quy định này là những chế tài cụ thể.
Luật tục Tây Nguyên quy định rất nhiều hành vi con người được phép làm. Và những quyền được chú trọng phải kể đến các quyền về sở hữu, thừa kế tài sản và các quyền về hôn nhân gia đình.
Trước hết phải kể đến vấn đề sở hữu đối với tài nguyên thiên nhiên và các tài sản khác của cộng đồng.
Nhìn chung luật tục của các bộ tộc người khẳng định quyền sở hữu công cộng của cộng đồng làng buôn về đất canh tác, đất rừng, sông suối và các tài nguyên thuộc về “lãnh thổ” của làng buôn ấy… Trong các bản luật tục đều ghi rõ cột mốc làm ranh giới phân chia đất đai giữa các buôn làng. Đất đai và tài nguyên thuộc về sở hữu chung của buôn làng thì mọi người có quyền sử dụng. Luật tục sẽ đảm bảo quyền của mỗi thành viên của cộng đồng được khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, như khai thác nguồn nước, đánh bắt tôm cá, săn bắt thú rừng, khai thác gỗ để làm nhà và các vật dụng…
Lễ cúng bến nước của người Ê Đê |
Luật tục Êđê ghi rõ:
“Chúng ta ai ai cũng có quyền đốt rẫy, bắt cá ở bất cứ nơi nào.
Ai ai cũng có quyền trèo lên cây lấy mật ở bất cứ rừng thấp, bụi bờ nào” [1]
Đối với các tộc người khác cũng vậy:
Phần đất của cá nhân hoặc gia đình nhận được trong một thời gian nhất định sẽ thuộc quyền sử dụng của họ. Thành viên trong làng được quyền săn bắn, đánh bẫy thú rừng, được hái lượm các thứ lâm thổ sản như nấm, rau rừng, các quả rừng như chuối rừng, xoài rừng, ổi rừng,…
Tuy nhiên, với các tộc người theo chế độ mẫu hệ, thì quyền quản lý đất đai, tài nguyên thuộc về dòng họ của mẹ. Tuy mỗi dân tộc có sắc thái khác nhau, nhưng đều có đặc trưng chung về quyền sở hữu về đất đai và tài nguyên. Đó là quyền sở hữu công cộng của cộng đồng đi liền với quyền sử dụng, chiếm dụng của cá nhân mỗi thành viên trong cộng đồng.
Bên cạnh đó luật tục Tây Nguyên cũng quy định các chủ thể được hưởng quyền thừa kế.
Trong một số trường hợp nhất định, họ có thể để lại cho các con, hoặc người trong dòng họ tiếp tục canh tác cho đến hết kỳ hạn phân phối đất do làng quy định cho đợt phân phối đó.
Thừa kế của người dân tộc Êđê chủ yếu là để lại cho con gái trưởng, điều này là do ảnh hưởng của tập quán mẫu hệ, tuy không đảm bảo lợi ích của các thành viên trong gia đình song đều được họ thực hiện một cách tự nguyện.
Việc thừa kế tài sản trong cộng đồng dân tộc Ra Glai cũng chỉ dành cho con gái. Tuy nhiên không phải người vợ hay con gái trưởng mà khi chồng chết thì toànbộ tài sản, như: cái rìu, cái gùi, cái ná, cái ống tên, cong đeo tay hay vòng đeo cổ,.. phải trả về cho mẹ đẻ của người chồng, nếu mẹ đẻ chết thì chị em gái của người chồng được hưởng.
Tục trao vòng của người Jrai |
Nhưng đối với người Jrai mặc dù theo chế độ mẫu hệ nhưng con trai cũng có quyền thừa kế:
“Nếu chồng nó chết
Của cải của nó sẽ để lại cho ai
Để lại của cải
Cho con trai, con nuôi
Nếu cha mẹ qua đời”[2] (Luật tục Jrai)
Các tộc người còn được quyền tự do canh tác, sản xuất trong buôn làng của mình. Luật tục đưa ra rất nhiều điều luật quy định về việc làm rẫy, trồng tỉa lúa và hoa màu, tục lệ chăn nuôi, tục lệ săn bắn và chia thịt, tục lệ đánh bắt cá,… nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về sản xuất giúp cho cộng đồng có cuộc sống bình yên, tốt đẹp hơn.
Lễ cúng đầu mùa của người M’nông |
Đất thấp bằng ta trỉa bắp
Dọc bờ suối trồng chuối và mía
Trên đồi cao chỉ trồng cây gai.
Nuôi lợn, trâu phải làm chuồng
Nuôi voi phải có cọc” (Luật tục M’nông)[3]
Không chỉ trong lĩnh vực tài sản, mà đối với lĩnh vực hôn nhân gia đình, luật tục Tây Nguyên cũng quy định rất nhiều điều mà các chủ thể được phép làm. Đây là một lĩnh vực được đề cập nhiều nhất trong luật tục của các dân tộc thiểu số.
Lễ đính ước của người Ra Glai |
Luật tục Ra Glai cũng quy định nam nữ được tự do tìm hiểu, yêu thương nhau:
“Trai còn tơ, gái còn son họ đến gặp gỡ nhau
Có việc gì động chạm đến ai thì mới sợ
Chúng nó được phép bắt lấy nhau làm vợ chồng…”[4]
Ngay cả khi đã trao vòng cầu hôn sau đó một bên không ưng thuận thì cuộc hôn nhân cũng được hủy bỏ.
Tỏ tình Kơho |
Khi kết hôn họ cũng được hưởng của hồi môn:
“Ta mang về nhà người những cái rồng
Và tất cả y phục tư trang
Cả mười cái ché lùn” (Luật tục Kơho)[5]
Đa phần các dân tộc thiểu số theo chế độ mẫu hệ, nên sau khi cưới người chồng thường về sinh sống tại nhà vợ. Nhưng cho dù vợ chồng đã cưới thì nếu không muốn sống chung:
“Xét thấy vợ chồng không sống chung được nữa
Chừng đó mới tách ra ở riêng” (Luật tục M’nông)
Tới mức ấy rồi, ai có ý định ly hôn thì vẫn được phép ly hôn. Luật tục cũng quy định:
“Hãy tháo cái vòng ra khỏi tay
Hãy bỏ cái lược ra khỏi đầu
Người cùng chăn gối bây giờ xa nhau…” (Luật tục M’nông)[6]
Hay khi chồng chết, sau khi để tang chồng ba năm, người phụ nữ cũng có quyền đi lấy chồng khác. Đồng thời luật tục của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đều cho phép họ được quyền ly hôn và lấy người khác.
Bên cạnh những quyền được làm trong lĩnh vực tài sản và hôn nhân gia đình, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cũng được thực hiện rất nhiều quyền, như: được Thủ lĩnh chăm lo đời sống vật chất, tâm linh; được bảo vệ về mọi mặt của đời sống, được dân làng chia sẻ giúp đỡ nhau chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống hàng ngày, như Luật tục Mơ Nông chia sẻ:
“Đất thấp lặng gió ta trồng dưa
Đất thấp bằng ta trỉa bắp
Dọc bờ suối trồng chuối và mía
Trên đồi cao chỉ trồng cây gai
Bầu và bí trỉa chung với lúa
Ớt và cà ta trồng rẫy cũ” (Luật tục Mơ Nông)[7]
Hay được chia sẻ những thành quả lao động chung của cộng đồng, như: “thịt thú rừng săn về được chia đều cho mọi người, kể cả thai trong bụng mẹ, một người bị đói cả làng mang gạo đến cho, gặp năm mất mùa, nhà giàu sẵn sàng mở kho lúa chia cho dân làng” (Luật tục Kơ ho)[8].
Chính những quy định về các quyền đó đã làm cho tính cố kết trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên càng ngày càng được khẳng định. Tính đoàn kết trong cộng đồng, sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ vật chất cũng như tinh thần cho nhau, có ý thức và trách nhiệm xây dựng cộng đồng, giáo dục cách ứng xử với người khác, giáo dục ý thức tôn trọng kỷ cương phép nước làm đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên càng ngày càng khởi khắc về mọi mặt.
[1] Ngô Đức Thịnh – Ngô Văn Lý, Tìm hiểu luật tục các tộc người ở nam Tây Nguyên, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội 2004, tr284.
[2]Phan Đăng Nhật, Luật tục Jrai, Sở Văn hóa – Thông tin Gia Lai xuất bản, 1999, tr260.
[3] Ngô Đức Thịnh, Tìm hiểu luật tục các tộc người ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2003, tr174.
[4] Phan Đăng Nhật (chủ biên), Luật tục các dân tộc thiểu số Việt Nam (quyển 2), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2010, tr40.
[5]Ngô Đức Thịnh – Ngô Văn Lý, Tìm hiểu luật tục các tộc người ở nam Tây Nguyên, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội 2004, tr212.
[6] Ngô Đức Thịnh – Ngô Văn Lý, Tìm hiểu luật tục các tộc người ở nam Tây Nguyên, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội 2004, tr219.
[7] Phan Đăng Nhật (chủ biên), Luật tục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (Quyền 4), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2014, tr553.
[8] Phan Ngọc Chiến (Chủ biên) và nhiều tác giả , Người KơHo ở Lâm Đồng, Nxb Trẻ, Hà Nội 2003, tr80.