Ngày 11/ 01/2019, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm. Như vậy, kể từ ngày 15/3/2019 ngày Nghị quyết này có hiệu lực, đồng nghĩa với việc án lệ số 08/2016/AL cũng bị đương nhiên bãi bỏ do nội dung án lệ đã có quy phạm pháp luật điều chỉnh.
Ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Ngày 18/ 6/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP. Theo đó, án lệ được lựa chọn phải đáp ứng ba tiêu chí:
“1. Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể;
2. Có tính chuẩn mực;
3. Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Điều kiện áp dụng án lệ trong giải quyết các vụ việc dân sự được quy định tại khoản 3 Điều 45 BLTTDS năm 2015 như sau: “Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 của Bộ luật dân sự, khoản 1 và khoản 2 Điều này”.
Hiện nay hệ thống án lệ đã được xây dựng tạo nên một nguồn áp dụng pháp luật và được áp dụng để xét xử, giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng. Hiện nay đã có tổng số 29 án lệ (tính đến ngày 12/11/2019) được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua làm cơ sở cho việc thực hiện áp dụng pháp luật; trong đó có 21 án lệ hướng dẫn áp dụng pháp luật trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự; 06 án lệ về hình sự; 02 án lệ hành chính. Theo thống kê không chính thức thì kể từ năm 2016 cho đến nay, có tổng cộng 598 vụ việc dân sự có áp dụng án lệ [1]; (trong đó có 313 vụ việc dân sự; 47 vụ việc hôn nhân và gia đình; 238 vụ kinh doanh thương mại). Vụ việc dân sự được áp dụng án lệ đã góp phần giải quyết vụ việc được chính xác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.
Bên cạnh các quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/ 6 /2019 cũng có quy định về việc bãi bỏ án lệ. Cụ thể Điều 8 quy định 02 trường hợp án lệ bị bãi bỏ đó là trường hợp đương nhiên bị bãi bỏ trong trường hợp án lệ không còn phù hợp do có sự thay đổi của pháp luật và trường hợp án lệ bị bãi bỏ theo quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC – đây cũng là chủ thể có quyền quyết định thông qua án lệ để áp dụng. Quá trình áp dụng, chúng tôi cho rằng Án lệ số 08/2016/AL thuộc trường hợp đương nhiên bị bãi bỏ, bởi:
Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm được xác định 02 nội dung áp dụng đó là về tính liên tục trong thời gian tính lãi (“Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án còn phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án” cũng là không đúng. Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này và mức lãi chậm trả (Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay).
Có thể thấy nội dung án lệ đã giải quyết được nhiều vấn đề bất cập trong thời gian qua khi pháp luật để trống khoảng thời gian tính lãi từ khi tuyên án sơ thẩm cho tới khi ban hành bản án phúc thẩm (trường hợp có kháng cáo, kháng nghị). Đây là một khoảng thời gian tương đối dài, bởi sau khi án sơ thẩm tuyên phải trải qua khoảng thời gian chờ tối thiểu 30 ngày thời hạn kháng cáo, kháng nghị, thời gian chuyển hồ sơ, thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm, thời gian hoãn phiên tòa… Do đó, khoảng thời gian này sẽ gây thiệt hại đáng kể cho các tổ chức tín dụng đối với khoản vay đang có lãi lại không được tính lãi. Ngoài ra, nội dung án lệ đã có sự điều chỉnh thống nhất mức lãi suất xuyên xuốt từ thời điểm giao kết hợp đồng đến khi thực hiện xong nghĩa vụ, mà không có sự thay đổi hay phụ thuộc vào thời điểm xét xử sơ thẩm của Tòa án.
Bên cạnh những điểm tiến bộ, tích cực nêu trên, án lệ 08/2016/AL cũng cho thấy sự hạn chế trong việc giới hạn quan hệ áp dụng là quan hệ hợp đồng đồng tín dụng giữa một bên chủ thể là tổ chức tín dụng và một bên chủ thể là khách hàng, theo đó đối với quan hệ vay tài sản có thỏa thuận lãi giữa các cá nhân với nhau lại không thuộc trường hợp áp dụng án lệ.
Ngày 11/ 01/2019, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 / 3 /2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm. Theo đó, trên cơ sở kế thừa nội dung của án lệ số 08/2016/AL, điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết quy định: “Điều 13. Quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án
1. Khi giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án thì Tòa án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định (Phần quyết định) như sau: a) Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015”.
Quy định trên ghi nhận 02 nội dung án lệ 08/2016/AL đó là tính liên tục trong thời gian tính lãi và mức lãi chậm trả, đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng đối với các trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận trả lãi chứ không chỉ được giới hạn trong quan hệ hợp đồng tín dụng. Như vậy, kể từ ngày 15 / 3/ 2019 (Ngày nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực) đồng nghĩa với việc án lệ số 08/2016/AL cũng bị đương nhiên bãi bỏ do nội dung án lệ đã có quy phạm pháp luật điều chỉnh.
Thiết nghĩ, để việc áp dụng pháp luật thống nhất, mặc dù thuộc trường hợp đương nhiên bãi bỏ, nhưng việc bãi bỏ án lệ số 08/2016/AL nên được thông tin tới các Tòa án dưới hình thức văn bản để tránh những sai sót đáng tiếc dẫn đến bản án bị hủy, sửa.
Nguyễn Xuân Bình (TAND tỉnh Bắc Ninh)
Nguyễn Đức Tâm (Ngân hàng nhà nước Việt Nam)
Theo Tapchitoaan.vn