[VPLUDVN] Thời gian qua, việc xác định hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính nhưng trốn tránh, trì hoãn thi hành quyết định xử phạt, sau đó lại tiếp tục vi phạm có bị xem xét xử lý hình sự hay không vẫn còn có một số vướng mắc do chưa có văn bản hướng dẫn về việc “cố tình trốn tránh, trì hoãn” của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong một số vụ án về tội trộm cắp tài sản, đánh bạc, vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản … mà các đối tượng thực hiện hành vi trước đây đã bị cơ quan quản lý Nhà nước ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền (về hành vi trộm cắp tài sản, hành vi đánh bạc trái phép, hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép…) và gửi các quyết định này cho các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật, nhưng các đối tượng này vẫn chưa chấp hành quyết định xử phạt hành chính đó. Người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt cũng không có các biện pháp nào buộc người bị xử phạt phải chấp hành quyết định. Đến nay, các đối tượng nói trên lại tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, đánh bạc, vận chuyển lâm sản trái phép nhưng chưa đến mức xử lý hình sự.
Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa. Khoản 2 của Điều luật quy định: Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
Vậy như thế nào là trốn tránh, trì hoãn theo quy định của điều luật trên?
Về vấn đề này có 2 quan điểm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã gửi quyết định xử phạt đúng theo quy định, người bị xử phạt phải có trách nhiệm chấp hành quyết định này trong thời hạn 10 ngày, hoặc thời hạn ghi trong quyết định kể từ khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, đến nay các đối tượng vẫn chưa nộp tiền phạt hoặc họ đã được xác minh là không có tài sản để thi hành nhưng không có đơn xin miễn, giảm thi hành quyết định xử phạt hành chính là do họ đã trốn tránh, trì hoãn việc thi hành quyết định. Do đó, vẫn xem xét các đối tượng này có tiền sự.
Quan điểm thứ hai cho rằng, người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương. Đồng thời để đảm bảo quyết định hành chính được thi hành nghiêm túc thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định cưỡng chế nếu người bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện thi hành theo Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, nếu hết thời hạn quy định mà người bị xử phạt không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và người hoặc cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không có bất kỳ biện pháp nào buộc người bị xử phạt phải chấp hành quyết định đó thì không thể nói người bị xử phạt cố ý trốn tránh, trì hoãn. Do đó, không có căn cứ để áp dụng khoản 2 điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính đối với họ để tính thời hiệu thi hành quyết định kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc “cố tình trốn tránh, trì hoãn” thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, dẫn đến việc xác định hành vi bị xử lý hình sự hay bị xử lý hành chính còn có nhiều quan điểm chưa thống nhất. Trong thời gian tới, liên ngành cấp trên cần ban hành hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để thống nhất trong áp dụng pháp luật./.