Kính gửi: Đồng chí Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương
Ngày 05 tháng 11 năm 2015, Tổng cục Cảnh sát- Bộ Công an nhận được công văn số 2572/CV-PC45, ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh Quảng Ninh, về việc: Báo cáo, thỉnh thị xin đường lối xử lý đối với 07 đối tượng có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định tại Điều 250 BLHS trong vụ án “Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” xảy ra tại Quảng Ninh.
Theo báo cáo kết quả điều tra của Công an Quảng Ninh, thì tài liệu điều tra thu thập được, có đủ căn cứ chứng minh ý thức chủ quan của các đối tượng nhận thức rõ, biết rõ số xe máy mua bán, vận chuyển, chứa chấp là xe do người khác phạm tội mà có, trong số 13 xe mô tô cơ quan điều tra Công an Quảng ninh đã thu giữ của các đối tượng có 07 xe mô tô đã được chứng minh là vật chứng của các vụ án trộm cắp xảy ra trên địa bàn các tỉnh, thành phố nên Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC45)- Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 07 đối tượng này theo tội danh quy định tại điều 250 BLHS. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can với lý do: Tại khoản 1, khoản 2 Điều 1 thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 quy định:
Điều 1. Giải thích từ ngữ quy định tại Điều 250, Điều 251 Bộ luật hình sự
1. “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).
2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được tiếp người thực hiện hành vi phạm tội.
Vì vậy, theo quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh, căn cứ theo hướng dẫn này thì chưa đủ căn cứ khởi tố vì trong vụ án này chưa xác định/ được đối tượng trộm cắp, chưa biết có đủ cơ sở để truy cứu TNHS đối tượng này về tội trộm cắp hay không (do độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự của đối tượng chưa được làm rõ), nên tài sản tiêu thụ đó có phải do phạm tội mà có hay không cũng chưa được xác định, do vậy không đủ điều kiện truy cứu TNHS được đối với các đối tượng này.
Ngày 06 tháng 01 năm 2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an do đồng chí: Trung tướng Trần Trọng Lượng- Phó Tổng Cục trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an chủ trì đã tổ chức cuộc họp liên ngành để thống nhất về đường lối giải quyết vụ án. Các chuyên viên tham gia họp Liên ngành của Trung ương gồm: Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an (C44, C45), Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 2), Tòa án nhân dân Tối cao cùng ba ngành tư pháp của tỉnh Quảng Ninh tham dự họp), đã phân tích tài liệu, hành vi, bản chất chuyên nghiệp của đối tượng (thể hiện qua tài liệu chuyên án) và các chứng cứ thu thập được nên thống nhất kết luận đủ căn cứ để khởi tố, truy tố, xét xử đối với 07 đối tượng này về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” quy định tại Điều 250 BLHS.
Căn cứ kết luận tại cuộc họp, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã có văn bản báo cáo xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn xử lý của lãnh đạo ba ngành tư pháp Trung ương.
Ngày 12 tháng 4 năm 2016 và ngày 05 tháng 5 năm 2016, Lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 2) đã đồng nhất quan điểm và có văn bản phúc đáp với nội dung:
1/. Theo quy định tại điều 250 BLHS năm 1999 và Khoản 1, Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2011 thì cấu thành cơ bản tội phạm này về ý thức chủ quan thì chỉ bắt buộc người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết sản đó do người khác phạm tội hành vi phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa. Do đó, nếu có đủ chứng cứ chứng minh được ý thức chủ quan của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ biết rõ các tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ do phạm tội mà có thì có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm mà có” theo điều 250 Bộ luật hình sự năm 1999 (Điều 323 Bộ luật hình sự năm 2015).
2./. Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 Thông tư 09/2011 có những vướng mắc, bất cập gây khó khăn cho áp dụng trong thực tiễn cần phải sửa đổi. Nên thống nhất với Tổng cục Cảnh sát- Bộ Công an giao cơ quan soạn thảo Thông tư liên tịch 09/2011 (V9-Bộ Công an) chủ trì để sửa đổi.
Căn cứ ý kiến của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao như đã nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra ( C45) – Bộ Công an đề nghị đồng chí Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an các tỉnh, thành phố vận dụng hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (có bản sao y kèm theo), thống nhất với Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân cùng cấp để điều tra, xử lý đối với các đối tượng có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định tại Điều 250 BLHS, mà không buộc các đối tượng phải biết rõ ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa?
Đề nghị các đồng chí quan tâm chỉ đạo để công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm trộm cắp, tiêu thụ đạt hiệu quả./.
Nơi nhận: – Như trên: – Đ/c TT Phan Văn Vĩnh-TT.CQCSĐT để “báo cáo”; – Đ/c TT Trần Trọng Lượng – PTCT để “báo cáo”; – Lưu hồ sơ |
PHÓ THỦ TRƯỞNG |