Giá: 270.000 Đồng
|
Trong những năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở nước ta đã đạt được những kết quả rõ rệt, tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn đã từng bước được khắc phục.
Nếu cách đây 10 năm, mỗi năm có tới 12.000 người thiệt mạng do tai nạn giao thông thì năm 2019, số người chết do tai nạn giao thông giảm còn 7.624 người, 13.624 người bị thương và 8.528 người bị thương nhẹ. Số vụ tai nạn giao thông năm 2019 giảm 5,1% so với năm 2018. Nguyên nhân chính nhờ ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân được nâng lên và các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông được thực hiện tích cực.
Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Những hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông vẫn xảy ra hàng ngày; tình trạng lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích, nồng độ cồn vẫn còn và không chấp hành Luật Giao thông đường bộ; việc xử phạt, giám sát điều hành giao thông còn yếu kém. Tai nạn đường sắt lại chủ yếu là do lỗi của phương tiện giao thông đường bộ và người đi bộ đã cố tình băng qua đường ray khi tàu hỏa đến gần; tình trạng xuống cấp của các công trình giao thông, kể cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không vẫn còn, có nơi rất nghiêm trọng. Trong năm 2019 đã xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng: xe tải đâm 8 người đi viếng nghĩa trang tử vong tại Hải Dương; xe tải chở nước bị lật, đè chết 5 người trên quốc lộ 5; xe khách tông đoàn người đi đưa tang tại Vĩnh Phúc làm 5 người chết; xe container gây tai nạn kinh hoàng ở Long An khiến 6 người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương…Nhận thức của người tham gia giao thông, người điều khiển các phương tiện giao thông còn hạn chế. Việc xử lý hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông có nơi, có lúc còn chưa nghiêm, chưa đúng với quy định của pháp luật.Hệ thống pháp luật về an toàn giao thông tương đối đầy đủ; các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, còn thiếu những văn bản hướng dẫn của các ngành, các cấp, trong đó có việc hướng dẫn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, trong khi các tội xâm phạm an toàn giao thông quy định tại Mục 1 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều điểm mới so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Vì vậy, việc hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật đối với các tội xâm phạm an toàn giao thông trong việc đấu tranh và phòng ngừa tội phạm là rất quan trọng.Với ý nghĩa trên, tiếp theo các cuốn “Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015…”, tác giả Đinh Văn Quế, nguyên thành viên Hội đồng Thẩm phán, Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao, phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn “Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 (Phần thứ hai – Các tội phạm), Chương XXI, Mục 1: Các tội xâm phạm an toàn giao thông”.Dựa vào các quy định tại Mục 1, Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015*, đối chiếu với thực tiễn, tác giả đã giải thích một cách khoa học về các dấu hiệu cấu thành các tội xâm phạm an toàn giao thông, đồng thời nêu ra một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn áp dụng cần tiếp tục hoàn thiện.Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách đến tất cả bạn đọc!