[VPLUDVN] Trong những năm qua cùng với những thành tựu của nền kinh tế thì trong xã hội cũng nảy sinh thêm nhiều quan hệ xã hội phức tạp nhất là trong lĩnh vực dân sự đòi hỏi phải có cơ chế xử lý bằng việc xét xử của Tòa án, bên cạnh đó Viện kiểm sát cũng tăng cường công tác kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án nhằm đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.
Công tác thụ lý vụ án dân sự là hành vi tố tụng đầu tiên của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, kể từ thời điểm thụ lý vụ án quyền và nghĩa vụ tố tụng của Tòa án cũng như những người tham gia tố tụng phát sinh. Thụ lý vụ án dân sự là căn cứ để xác định thời hạn tố tụng được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự và được tiến hành theo những trình tự thủ tục nhất định do pháp luật quy định. Trình tự, thủ tục này có ý nghĩa cho việc chuẩn bị tiến hành giải quyết vụ án dân sự.
+ Đầu tiên khi nhận đơn khởi kiện Tòa án phải cấp giấy báo nhận đơn khởi kiện theo mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự. Giấy báo nhận đơn khởi kiện là căn cứ để chứng minh người khởi kiện đã nộp đơn tại thời điểm được ghi trong giấy. Trường hợp Tòa án nhận đơn qua đường bưu điện cũng phải ghi ngày tháng năm và cần lưu ý là phong bì có dấu bưu điện phải được đính kèm theo đơn khởi kiện.
+ Để chứng minh cho những yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp thì người khởi kiện phải nộp kèm theo đơn khởi kiện các tài liệu, chứng cứ cần thiết theo quy định tại Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự. Chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện phải được lập thành văn bản, cụ thể là biên bản về việc giao nhận, tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 84 Bộ luật tố tụng dân sự. Mẫu biên bản được ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về chứng minh và chứng cứ. Biên bản này phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người nộp và người nhận.
+ Đơn khởi kiện về hình thức phải đúng theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 và về nội dung phải đầy đủ theo Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự. Cần lưu ý, trường hợp người khởi kiện là các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân có thể các đơn vị trực thuộc như chi nhánh hoặc văn phòng đại diện thì tranh chấp phát sinh từ các giao dịch do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập, thực hiện mà người đứng đầu chi nhánh hoặc văn phòng đại diện được ủy quyền khởi kiện thì tại phần cuối đơn có thể đóng dấu của chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.
Ngoài ra, luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự còn quy định bổ sung đối với trường hợp người khởi kiện không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì phải có người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Đây là một bổ sung quan trọng xuất phát từ thực tiễn giải quyết vụ việc dân sự, bảo đảm quyền khởi kiện của người không biết chữ, không nhìn được và không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ.
+ Về nội dung tên, địa chỉ của người khởi kiện: quyền khởi kiện vụ án dân sự có thể do chủ thể tranh chấp tự mình thực hiện hoặc thông qua người đại diện hợp pháp, trường hợp người bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo quy định pháp luật của họ là người khởi kiện. Cần lưu ý, việc xác định cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải bằng quyết định có hiệu lực của Tòa án.
+ Về tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, thì đơn khởi kiện phải ghi đầy đủ, cụ thể tên, địa chỉ người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Bởi vì, việc xác định chính xác người bị kiện và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi giai đoạn thụ lý vụ án là việc xác định có đủ điều kiện khởi kiện hay không và xác định thẩm quyền thụ lý vụ án theo lãnh thổ của Tòa án. Ngoài ra, còn phải kiểm tra yêu cầu về nội dung của đơn khởi kiện.
+ Về việc kiểm tra các tài liệu chứng cứ:
– Các giấy tờ, tài liệu nhằm xác định tư cách pháp lý của người khởi kiện và ký đơn khởi kiện, nếu là cá nhân thì thường có giấy chứng minh, giấy khai sinh, hộ khẩu… nếu là cơ quan tổ chức thì thường là quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, điều lệ hoạt động…
– Các giấy tờ, tài liệu chứng minh giữa các bên xác lập quan hệ pháp luật dẫn đến tranh chấp như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hợp đồng…
– Các giấy tờ, tài liệu chứng minh quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp như giấy biên nhận, hóa đơn, văn bản đối chiếu…
– Các giấy tờ, tài liệu về thủ tục tiền tố tụng như biên bản hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định…
+ Kiểm tra tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ: các tài liệu, chứng cứ được coi là hợp pháp nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Các giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc ở ngoài lãnh thổ Việt Nam được xác định là hợp pháp nếu giấy tờ, tài liệu đó đã được hợp pháp hóa lãnh sự.
+ Điều kiện về chủ thể khởi kiện: chủ thể khởi kiện vụ án dân sự phải có quyền khởi kiện và năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ. Hai yếu tố này tạo thành điều kiện cần và đủ đối với điều kiện về chủ thể khởi kiện. Quyền và lợi ích hợp pháp về dân sự của chủ thể khởi kiện bị xâm phạm hoặc có tranh chấp là điều kiện cần và đủ của quyền khởi kiện. Ngoài điều kiện về quyền khởi kiện người kiện còn phải có năng lực hành vi dân sự. Người khởi kiện trong vụ án dân sự là cá nhân phải đạt độ tuổi nhất định, sức khỏe bình thường, không bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình, đánh giá vấn đề này căn cứ vào Điều 57 Bộ luật tố tụng dân sự. Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ khởi kiện thông qua người đại diện hợp pháp theo tố tụng.
+ Về thẩm quyền của Tòa án: Xác định thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án là một trong những yêu cầu quan trọng khi kiểm tra điều kiện thụ lý vụ án dân sự, kiểm tra điều kiện này phải căn cứ quy định của luật tố tụng và luật nội dung:
– Thẩm quyền phân loại vụ việc: căn cứ vào các Điều 25, 27, 29, 31 Bộ luật tố tụng dân sự, ngoài ra cần lưu ý là luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự quy định bổ sung những vụ việc mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại các Điều 25, 26, 31, 32a.
– Thẩm quyền của Tòa án các cấp: theo các Điều 33, 34 Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012.
– Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ: căn cứ vào Điều 35, 36 và Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012. Đối với tranh chấp mà đối tượng tranh chấp là bất động sản thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là nơi có bất động sản. Lưu ý là bất động sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự. Đối với tranh chấp này các bên không có quyền thỏa thuận về việc yêu cầu Tòa án nơi không có bất động sản giải quyết. Đối với tranh chấp không phải là bất động sản thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc bị đơn có trụ sở. Ngoài ra, các bên có quyền thỏa thuận chọn Tòa án nơi nguyên đơn cư trú hoặc có trụ sở giải quyết hoặc theo Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự. Sự thỏa thuận của đương sự phải bằng văn bản và phù hợp với quy định của pháp luật.
Tác giả bài viết: Lê Thị Kim Loan
Nguồn tin: VKSND huyện Vĩnh Thạnh