Cơ chế giải quyết vụ việc dân sự bằng con đường hòa giải riêng tư

[VPLUDVN] Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến cơ chế giải quyết tranh chấp vụ việc dân sự bằng con đường hoà giải riêng tư. Qua đó, đề xuất xây dựng khung pháp lý cho cơ chế hoà giải riêng tư trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bên cạnh cơ chế hoà giải công khai hiện nay.

1. Tính cần thiết của việc xây dựng khung pháp lý cho cơ chế hòa giải riêng tư

1.1. Hòa giải là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất.

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp được khuyến khích[1] và chú trọng nâng cao chất lượng ở thời điểm hiện tại và trong tương lai bởi tính tiện ích của nó.

Có thể kể đến vai trò của quy định này trong giải quyết tranh chấp như sau:

– Các bên thỏa thuận trên sự thiện chí, thủ tục nhanh chóng, đơn giản, tăng hiệu quả giải quyết tranh chấp.[2]

– Tránh mất thời gian của chính các bên tranh chấp và tiết kiệm được tiền của chính bên tranh chấp và cho Nhà nước nếu lựa chọn con đường Tòa án.

– Các bên tự thiện chí thi hành án, bởi khi đó các bên đã tự nguyện thỏa thuận và khi thi hành án tính tự giác cũng được đưa ra.

Pháp luật dân sự phân loại thành 2 loại hòa giải: hòa giải trong tố tụng và hòa giải ngoài tố tụng. Nếu lựa chọn giải pháp ngoài tố tụng, tức việc hòa giải tiến hành cho các bên được tự do thỏa thuận. Tuy nhiên, khi hòa giải là một phần của quy trình tố tụng, tức lựa chọn giải pháp thứ nhất thì đòi hỏi phải có sự tham gia của bên thứ ba theo một trình tự thủ tục hợp pháp, đặc biệt là tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc trong hòa giải tố tụng quy định tại Điều 3 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng cần thiết được chú trọng, song vẫn chưa có những sự nghiên cứu chuyên sâu hay quy định cụ thể về vấn đề này đó chính là nguyên tắc giữ bí mật. Bí mật ở đây đặc biệt liên quan đến chủ thể là cá nhân, quyền riêng tư của mỗi người – điều mà ngày càng được chú ý và đề cao khi cuộc sống ngày một phát triển.

2.1. Quyền riêng tư đang ngày càng được chú trọng trong xã hội ngày một phát triển

Các quy định về bảo vệ quyền riêng tư được pháp luật dân sự ghi nhận tại Điều 38 BLDS 2015 – quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Theo đó, “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Như vậy, pháp luật quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm, không chủ thể nào được quyền tác động vào nó, kể cả nhà nước. Do đó, khi chủ thể yêu cầu được bảo vệ quyền riêng tư của mình, các chủ thể khác phải đáp ứng kể cả trong giai đoạn tố tụng.

Xã hội ngày càng phát triển, đòi hỏi về chất lượng cuộc sống của mỗi người ngày một được nâng cao, quyền cá nhân cũng ngày càng được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối nhất. Mỗi người có những góc riêng tư, câu chuyện của cá nhân mình mà không muốn bất cứ ai biết đến, xâm phạm đến. Do đó, một khi có tranh chấp, việc họ lựa chọn phương thức hòa giải cũng có thể xuất phát từ lý do muốn bảo vệ đời sống riêng tư của chính mình, thế nên không có lý do gì để từ chối khi một trong các bên đề nghị hòa giải theo cơ chế riêng tư. Tuy nhiên, pháp luật về hòa giải trong tố tụng vẫn chưa dành ra các quy định liên quan đến vấn đề này, vậy có đảm bảo tối ưu quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được Hiến pháp và pháp luật dân sự ghi nhận hay không, bởi khi có đương sự yêu cầu, Tòa sẽ căn cứ vào đâu, vào cơ chế nào để giải quyết.

2. Nguyên lý hòa giải riêng tư

Về xét xử kín, Hiến pháp 2013 cho phép việc xét xử kín nếu đương sự có yêu cầu chính đáng về giữ quyền riêng tư. Tuy nhiên, giai đoạn hòa giải lại không được nhắc đến, liệu trong trường hợp này một trong các bên đề nghị hòa giải kín thì có được chấp nhận hay không.

Định nghĩa về hòa giải không khó để tìm thấy. Đây là sự can thiệp của người thứ ba làm trung gian nhằm thuyết phục các bên tranh chấp dàn xếp các vấn đề pháp lý giữa họ. Tuy nhiên, hòa giải riêng tư thì chưa thấy được quy định hay nói cách khác là thừa nhận ở bất kỳ văn bản pháp luật nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Từ định nghĩa hòa giải và quyền riêng tư nêu trên, có thể thấy hòa giải riêng tư là việc một trong các bên tranh chấp đề nghị hòa giải viên tiến hành phiên họp hòa giải riêng tư, chỉ bao gồm các bên tranh chấp và hòa giải viên/thẩm phán làm người trung gian giải quyết hòa giải. Nhận thấy để áp dụng mô hình này cần có các điều kiện sau đây:

– Có yêu cầu của một trong các bên hoặc tất cả các bên về phiên họp hòa giải theo mô hình hòa giải riêng tư.

– Hòa giải viên/Thẩm phán áp dụng mô hình hòa giải riêng tư, giữ bí mật các thông tin liên quan đến phiên hòa giải, từ thời gian, địa điểm, nội dung đến tiến trình giải quyết tranh chấp (không cho biết về có việc hòa giải).

Bởi pháp luật chưa có sự ghi nhận mô hình này, nên việc xây dựng các cơ chế liên quan về quy định giữ bí mật, nội dung, thành phần phiên họp cũng như trình tự thực hiện mô hình cũng chưa được cụ thể hóa. Do đó, cần thiết có sự xem xét, đánh giá các vấn đề này để hiện thực hóa một cách tối ưu quy định của Hiến pháp, pháp luật dân sự về quyền bất khả xâm phạm đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

3. Ghi nhận về hòa giải riêng tư, xây dựng khung pháp lý cho cơ chế hòa giải riêng tư

Hòa giải riêng tư (Private mediation) không phải là thuật ngữ mới xuất hiện trong khoa học pháp lý các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, sự quy định chi tiết trong pháp luật hay chú trọng phát triển các quy định có liên quan ở các quốc gia vẫn chưa thực sự được rõ ràng, minh thị mà chỉ là những bước phác thảo nền móng.

Ở Ý, hòa giải riêng tư được ghi nhận, các bên có quyền lựa chọn phương thức này để bảo vệ quyền riêng tư[3]. Tuy nhiên, cơ chế như thế nào vẫn chưa được quy định rõ ràng, cụ thể.

Hòa giải riêng tư ở Hoa Kỳ cũng có sự ghi nhận, theo đó, trong hòa giải ly hôn riêng tư, luật sư/hòa giải viên không đại diện cho bên nào, cũng như không đại diện cho cả hai bên[4]. Chức năng của họ là xác định các vấn đề của cả hai bên và giúp họ đạt được giải quyết. Như vậy, thành phần hòa giải riêng tư chỉ đơn giản có 3 bên, và không nhất thiết phải được tiến hành tại cơ quan công quyền.

Hoà giải (Hoà giải riêng tư) với tư cách là một phương tiện pháp lý xã hội sẽ là công cụ để các bên lựa chọn trong việc giải quyết các tranh chấp một cách hiệu quả, đảm bảo sự riệng tư, tiết kiệm các chi phí liên quan. Đây có thể được xem là một xu thế trong tương lai về việc giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, để mô hình hoà giải riêng tư được thực thi hiệu quả thì vấn đề xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực này cần được đặt ra, song, trước mắt, cần ghi nhận về mô hình hòa giải riêng tư để đảm bảo được quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong pháp luật tố tụng. Từ đó, xây dựng cơ chế phù hợp, thiết lập các quy định riêng về yêu cầu của các bên, địa điểm hòa giải, nguyên tắc giữ bí mật trong thủ tục hòa giải …

[1] Chỉ thị số 04/2017/CT-CA ngày 03 tháng 10 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về tăng cường công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 21/2017, tr.43.

[2] Huỳnh Thị Nam Hải, Bình luận một số quy định về hòa giải tại Tòa án trong Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 02/2020, tr.32.

[3] De Palo, Giuseppe; Bernadini, Paola; and Cominelli, Luigi (2003), “Mediation in Italy: the legislative debate and the future,” ADR Bulletin: Vol. 6: No. 3, Article 5.

[4] David Scott-Macnab, “Mediation In The Family Context”, 105(4) South African Law Journal 709.

NCS TRẦN NGỌC TUẤN (Giảng viên Khoa Luật – Đại học Sài Gòn)

Nguồn: tapchitoaan.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *