Trao đổi bài viết: H có phải là đồng phạm trong vụ án cướp giật tài sản hay không? – TG: Nguyễn Thị Cẩm Tú

[VPLUDVN] Sau khi đọc nội dung bài viết “H có phải là đồng phạm trong vụ án cướp giật tài sản hay không?” của tác giả Văn Linh đăng ngày 19/02/2020, tôi cho rằng H là đồng phạm trong tội cướp giật với T với vai trò là người giúp sức là phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 quy định: Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

Đối với đồng phạm, việc xác định mục đích phạm tội là nội dung quan trọng. Mục đích trong đồng phạm có thể diễn ra ở giai đoạn trước, trong và sau khi  thực hiện hành vi phạm tội. Đồng thời, hành vi của người đồng phạm này liên kết chặt chẽ với hành vi của người đồng phạm kia. Hành vi của những người đồng phạm phải hướng về một tội phạm, phải tạo điều kiện, hỗ trợ cho nhau để thực hiện một tội phạm thuận lợi, nói cách khác hành vi của đồng phạm này là tiền đề cho hành vi của đồng phạm kia.

Mỗi người đồng phạm đều thấy trước hành vi của mình và hành vi của người đồng phạm khác trong vụ án đồng phạm là nguy hiểm, thấy trước hành vi của tất cả những người đòng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại.

Người giúp sức trong vụ án đồng phạm là người tạo những điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm, hứa hẹn trước sẽ che giấu người phạm tội và các tang vật chứng hoặc hứa sẽ tiêu thụ các tài sản do phạm tội mà có

Hành vi của người giúp sức thường được thực hiện trước khi người thực hành bắt tay vào hành động nhưng có khi được thực hiện ngay lúc thực hiện tội phạm. Hành vi của người giúp sức là yếu tố góp phần cho tội phạm của người thực hành được hoàn thành. Và nếu không có hành vi của người giúp sức thì tội phạm khó thực hiện và nếu thực hiện thì khó hoàn thành. Vai trò của người giúp sức được thể hiện trước trong và sau khi người thực hành thực hiện hành vi phạm tội.

Trong tình huống nêu trong bài viết, ban đầu H không chung mục đích với T khi T thực hiện hành vi cướp giật tài sản. Tuy nhiên, sau khi T giật được tài sản thì H đã có hành vi cầm túi xách cho T. H phải hiểu được rằng hành vi cầm túi xách đó là nguy hiểm và gây ra hậu quả, nhưng H vẫn thực hiện như vậy trong nhận thức của H thì lúc này mục đích thực hiện tội phạm đã có sự chuyển đổi, điểu này còn khẳng định qua hành vi H cùng T mở túi xách ra kiểm tra tại bãi đất trống.

Với vai trò là người giúp sức, có thể hiểu hành vi của H góp phần rất lớn cho việc T thực hiện hành vi cướp tài sản mặc dù nó diễn ra sau khi T đã hoàn thành hành vi cướp tài sản.

Từ những sự phân tích như trên, có thể nhận thấy hành vi của H thỏa mãn các yếu tố của đồng phạm quy định trong BLHS nên việc xử lý H là đồng phạm trong tội cướp giật với T với vai trò là người giúp sức là hoàn toàn có cơ sở.

Trên đây là ý kiến củ tôi đối với nội dung bài viết của tác giả Văn Linh, rất mong nhận được ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

NGUYỄN THỊ CẨM TÚ (TAQS khu vực- Quân khu 4)

Theo: Tapchitoaan.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *