[VPLUDVN] Sau khi đọc bài viết của tác giả Trương Thị Thanh, VKSND huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đăng ngày 27/02/2020, tác giả có một số quan điểm trao đổi.
Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ việc hòa giải thành là việc các bên đương sự trong vụ án dân sự đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án, bao gồm cả nội dung tranh chấp và các vấn đề liên quan đến vụ án như: các chi phí tố tụng, án phí. Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về nội dung vụ án mà không thống nhất được nghĩa vụ chịu các chi phí tố tụng thì cũng không được xem là hòa giải thành.
Quay trở lại tình huống tác giả Trương Thị Thanh đã nêu, cần xác định rõ nội dung được ghi nhận trong biên bản hòa giải thành bà Hoàng Thị C và bà Lê Thị T thỏa thuận với nhau có bao gồm thỏa thuận về án phí hay không? Nếu nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không bao gồm thỏa thuận về án phí thì việc Tòa án nhân dân huyện L ban hành Quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự khi các đương sự chưa thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án (chưa thỏa thuận được việc giải quyết về án phí) là trái quy định của pháp luật, vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 211 BLTTDS và không đúng mẫu quy định tại mẫu số 38-DS[1], được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng thẩm phán TANDTC.
Trường hợp trong biên bản hòa giải thành của các đương sự do TAND huyện L lập có nội dung thỏa thuận về án phí, theo đó, bà T là người được thỏa thuận có nghĩa vụ chịu án phí và thuộc trường hợp đối tượng được miễn nộp án phí theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Trên cơ sở sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án nhân dân huyện L ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là phù hợp, có căn cứ. Tuy nhiên, việc TAND huyện L tuyên miễn toàn bộ án phí sơ thẩm (án phí công nhận thỏa thuận) cho bà T vì bà T thuộc đối tượng được miễn chịu án phí là vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 12 của Nghị quyết 326.
Khoản 3 Điều 12 Nghị quyết 326 quy định: “Trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí thì Tòa án chỉ xem xét miễn án phí đối với phần mà người thuộc trường hợp được miễn phải chịu theo quy định, của Nghị quyết này. Phần án phí, lệ phí Tòa án mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được miễn nộp”.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 7 Điều 26 Nghị quyết 326 quy định: Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.
Như vậy, án phí trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa là nghĩa vụ mà các bên đương sự phải chịu, có nghĩa rằng pháp luật quy định cả nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nếu có) đều cùng nhau phải chịu mức án phí này. Trong tình huống tác giả Trương Thị Thanh nêu chỉ có bà T và bà C là đương sự thì bà T và bà C có nghĩa vụ ngang nhau trong việc phải chịu mức án phí này (mỗi bên theo quy định của pháp luật phải chịu 25% mức án phí công nhận thỏa thuận). Do đó, việc bà T thuộc đối tượng được miễn án phí thì bà T chỉ được miễn phần án phí thuộc về nghĩa vụ của bà T phải chịu theo quy định của pháp luật, còn phần án phí bà T tự nguyện thỏa thuận chịu cho bà C thì không được miễn và bà T có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
[1] Tại phần hướng dẫn số (5) Mẫu số 38 có quy định: Ghi đầy đủ lần lượt các thoả thuận của các đương sự về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án đã được thể hiện trong biên bản hoà giải thành (kể cả án phí).
Theo: Tapchitoaan.vn