Kiến thức và kinh nghiệm làm việc với cơ quan điều tra lần đầu

[VPLUDVN] Cơ quan điều tra (CQĐT) về lý thuyết được hiểu là một Cơ quan tiến hành tố tụng được giao nhiệm vụ áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để tiến hành điều tra tội phạm xảy ra theo thẩm quyền. CQĐT có nhiều cấp và được phân quyền rất cụ thể từ trung ương đến địa phương. Cơ quan điều tra gồm có Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên và Cán bộ điều tra. Cơ quan điều tra (tôi gọi chung là “Cơ quan điều tra/CQĐT”)

Bên cạnh CQĐT có thẩm quyền, thì công an cấp phường, xã, thị trấn và đồn công an cũng có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền (nên tôi cũng gọi chung là “Cơ quan điều tra/CQĐT”)

Vậy tại sao lần đầu tiên làm việc với các Cơ quan điều tra cần phải có kiến thức pháp luật và có kinh nghiệm? và tại sao lần đầu tiên làm việc với các Cơ quan điều tra là hết sức quan trọng đối với cả CQĐT và người được triệu tập đến làm việc? Tôi sẽ lần lượt giải thích, chia sẻ và phân tích như sau:

Mục đích của Cơ quan điều tra là điều tra và tìm ra sự thật khách quan liên quan đến tội phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Để điều tra và tìm ra sự thật khách quan, thì Cơ quan điều tra phải thực hiện đúng và tuân thủ mọi thủ tục được pháp luật quy định, trong đó có việc triệu tập người bị tố giác, người liên quan, người làm chứng hoặc bất kỳ người nào đến Cơ quan điều tra để làm việc. Việc triệu tập đến để viết bản tự khai và để lấy lời khai một lần hoặc nhiều lần, nhận dạng, hỏi cung, đối chất và thực hiện các hoạt động tố tụng khác.

Tuy nhiên, trong các hoạt động tố tụng nêu trên, thì việc viết bản tự khai, lấy lời khai hoặc lập biên bản làm việc lần đầu đối với người được triệu tập là quan trọng nhất. Bởi vì đây là chứng cứ, manh mối và là cơ sở đầu tiên để Cơ quan điều tra thực hiện hàng loạt các thủ tục tiếp theo của một vụ án hình sự đang điều tra nhằm để chứng minh tội phạm. Chính vì vậy, bản tự khai, biên bản lấy lời khai, biên bản làm việc lần đầu với Cơ quan điều tra là “nút thắt” và là “giới hạn sinh tử” của một vụ án cho cả Cơ quan điều tra, người được triệu tập làm việc và cả người phạm tội. Nếu lời trình bày lần đầu này không đúng ý chí của người khai/người bị lấy lười khai và không đúng sự thật khách quan, sẽ kéo theo một số hoạt động tố tụng có thể bị sai và dẫn đến hậu quả rất khó có thể được khắc phục.

Thực tế, sự thật chỉ có một và chỉ có người phạm tội mới biết, để chứng minh tội phạm Cơ quan điều tra phải thực hiện rất nhiều biện pháp xoay quanh chứng cứ, dấu vết tội phạm nhằm điều tra ra sự thật khách quan và chứng minh tội phạm. Vậy tại sao có trường hợp người phạm tội đã thừa nhận tội và ký nhận tội bằng văn bản, nhưng vẫn có hàng loạt những vụ án oan sai gần đây như báo chí đã phản ánh. Đó là tại vì người khai thiếu hiểu biết pháp luật và họ đã ký khống (ký giấy trắng không có nội dung) hoặc bị người khác tác động, bị ép buộc, bị dụ cung, bị mớm cung, bị tra tấn và dùng nhục hình để bắt ký nhận tội bằng văn bản và bị buộc phải khai trái với ý chí của họ và trái với sự thật khách quan ngay từ đầu.

Chính vì vậy, lần đầu lên làm việc với Cơ quan điều tra để viết bản tự khai, để lấy lời khai mang tính quyết định “sinh tử” cho người được triệu tập làm việc trong một vụ án hình sự từ đó về sau. Nên để bảo vệ chính mình, thì người bị triệu tập phải có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm khi lần đầu làm việc với Cơ quan điều tra.

Vậy thì bạn cần phải chuẩn bị những kiến thức pháp luật và kinh nghiệm gì khi lần đầu làm việc với Cơ quan điều tra?

Thứ nhất: Bạn phải biết được lý do bạn bị triệu tập làm việc với cơ quan điều tra

Luật quy định, Cơ quan điều tra muốn làm việc với bạn phải gửi giấy triệu tập bằng văn bản. Trên thực tế, Cơ quan điều tra có thể triệu tập bạn qua điện thoại hoặc phương tiện khác mà không phải hình thức bằng văn bản là không đúng quy định, nên bạn có quyền cân nhắc không đến làm việc hoặc yêu cầu CQĐT phải gửi lại giấy triệu tập bằng văn bản. Tuy nhiên, nếu bị triệu tập trong bất cứ trường hợp nào thì bạn cũng phải biết “lý do tại sao bạn bị triệu tập làm việc”, bạn có vai trò gì, liên quan gì trong vụ án mà lại bị triệu tập? Nếu bạn hoàn toàn không biết lý do, bạn có quyền hỏi trước và Cơ quan điều tra phải trả lời rõ lý do cho bạn biết trước rồi mới đến làm việc. Nếu không biết rõ lý do bị triệu tập làm việc, bạn có quyền không đến làm việc, bởi vì việc biết lý do bị triệu tập làm việc rất quan trọng để chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị tài liệu, chứng cứ kèm theo và sắp xếp/xử lý công việc gấp của bạn trước rồi mới lên làm việc.

Thứ hai: Phải trang bị những kiến thức cần thiết về pháp luật cơ bản khi làm việc với Cơ quan điều tra

Khi làm việc với Cơ quan điều tra, cho dù là với tư cách gì thì bạn cũng có quyền và nghĩa vụ cụ thể được pháp luật quy định. Theo đó, một số kiến thức pháp luật cơ bản để làm việc với Cơ quan điều tra như sau:

Kiến thức 1: Cơ quan điều tra không được phép tra tấn, bức cung, mớm cung, dụ cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người trong quá trình làm việc, lấy lời khai. Việc này đã được Bộ luật tố tụng hình sự cấm và Hiến pháp quy định.

Bức cung được hiểu là cách dùng cử chỉ, lời nói đe dọa, khủng bố uy hiếp tinh thần bị can/người được triệu tập một cách thô bạo hoặc dùng lời lẽ ngụy biện truy văn, dồn ép bị can/người bị triệu tập phải khai theo ý muốn chủ quan, thiếu căn cứ của Cơ quan điều tra.

Mớm cung được hiểu là hành động gián tiếp hay trực tiếp gợi để bị can/người bị triệu tập phải khai ra sự việc theo suy luận chủ quan của Cơ quan điều tra khi sự việc đó chưa rõ, chưa có căn cứ xác nhận có liên quan đến bị can/người bị triệu tập đó hay không hoặc bị can//người bị triệu tập đó có biết về sự việc đó hay không nhưng Cơ quan điều tra vẫn tìm mọi cách làm cho bị can/người bị triệu tập đó biết để khai theo.

Dụ cung được hiểu là dùng lời nói hưa hẹn sai quy định của pháp luật hoặc dung lợi ích vật chất, tinh thần để dụ dỗ, lừa phỉnh nhằm làm cho bị can/người bị triệu tập khai theo ý muốn chủ quan của Cơ quan điều tra.

Nhục hình được hiểu là hình thức đối xử tàn nhẫn bằng cách tra tấn , đánh đập, hành hạ làm cho bị can/người bị triệu tập đau đớn về thể xác, tinh thần buộc bị can/người bị triệu tập khai nhận theo ý muốn chủ quan của Cơ quan điều tra.

Vấn đề đặt ra là khi bạn làm việc với Cơ quan điều tra, mà bạn bị tra tấn, bị bức cung, bị mớm cung, bị dụ cung, bị dùng nhục, thì bạn phải làm gì để bảo vệ chính bạn lúc đó?

Đầu tiên phải nói cho Cơ quan điều tra biết về sự vi phạm pháp luật của họ để họ dừng lại. Tiếp theo bạn có quyền yêu cầu dừng buổi làm việc lại, nếu Cơ quan điều tra tiếp tục vi phạm, hoặc bạn có thể sử dụng quyền im lặng là “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Bạn có quyền không ký vào biên bản đó, còn nếu bị ép buộc phải ký thì phải tự mình ghi vào biên bản đó những hành vi vi phạm pháp luật của Cơ quan điều tra. Bạn cũng có quyền yêu cầu dừng buổi làm việc để mời luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho bạn và gián tiếp giám sát các hoạt động tố tụng của CQĐT đối với bạn. Đối với trường hợp bị đánh đập, tra tấn và bị dùng nhục hình, thì phải có yêu cầu ngay sự trợ giúp y tế, chụp lại những hình ảnh thương tích làm bằng chứng, thông báo cho người nhà biết để hỗ trợ và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị (nếu có thể). Sau đó, tố cáo ngay sự việc bị dùng nhục hình đến người có thẩm quyền như Thủ trưởng CQĐT và Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên để nhằm can thiệp, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Nếu bạn có đủ chứng cứ và cần thiết, thì bạn có quyền yêu cầu thay đổi Điều tra viên/cán bộ điều tra/ người trực tiếp làm việc.

Kiến thức 2: Nếu bạn là người bị tố giác hoặc là người lần đầu đến làm việc với CQĐT có một số quyền cơ bản được pháp luật quy định, nên phải đòi hỏi để được đáp ứng các quyền này.

Ví dụ đối với người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố có quyền được luật quy định là; a) Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến; d) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; đ) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; e) Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình (nhờ Luật sư); g) Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố; h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Kiến thức 3: Phải tìm hiểu hoặc nên nhờ tư vấn, đánh giá trước hành vi đã thực hiện của mình có phạm tội hay không, vai trò, mức độ và hậu quả như thế nào? Mình liên quan như thế nào?

Người tư vấn cho bạn phải là những người có chuyên môn thật sự như Luật sư hoặc người am hiểu pháp luật rất vững vàng, có kiến thức và kinh nghiệm xử lý vấn đề pháp luật, nếu người tư vấn cho bạn không có kiến thức pháp luật hoặc không có kinh nghiệm mà tư vấn đại khái hoặc chỉ cho bạn làm cái này, cái kia không dựa trên cơ sở pháp luật, thì khi đó rất nguy hại.

Việc biết trước những quy định của pháp luật và được tư vấn hỗ trợ đánh giá này nhằm để có định hướng về những lời khai ban đầu phù hợp, trên cơ sở đúng sự thật khách quan, không đẩy mình vào thế bất lợi và không làm khó Cơ quan điều tra hoặc cản trở việc điều tra.

Thứ ba: Chuẩn bị tâm lý và cần xử lý các công việc cần thiết trước khi làm việc với Cơ quan điều tra

Việc CQĐT làm việc lấy lời khai với người bị triệu tập không giống như trên phim ảnh. Thực tế khác rất nhiều, mỗi nơi một kiểu và tùy thuộc vào từng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra. Do vậy, việc cần nhất đó là tâm lý phải vững, ổn định, biết được lý do bị triệu tập và nắm được pháp luật cơ bản là đủ sự tự tin để làm việc với Cơ quan điều tra. Điều tra viên, Cán bộ điều tra đã được đào tạo bài bản về nghiệp vụ chuyên môn, nên họ rất có kinh nghiệm để làm tốt công việc của họ, mọi cử chỉ, hành động của bạn họ sẽ nắm bắt rất nhanh nhằm khai thác thông tin từ chính bạn.

Do vậy, trước khi làm việc với CQĐT, bạn phải vững tâm lý như trên đồng thời phải chuẩn bị và xử lý một số việc cần thiết sau đây: (1) Phải thông báo cho người nhà hoặc bạn bè của bạn biết về thời gian, địa điểm khi bạn lên làm việc với CQĐT để họ biết và hỗ trợ bạn khi cần thiết, ví dụ để họ đưa bạn đi khám nếu bị đánh đập, để mời Luật sư hoặc để nhận thông báo và thăm nuôi nếu bạn bị tạm giữ luôn để phục vụ điều tra. (2) Chuẩn bị tài liệu, chứng cứ liên quan có lợi cho mình để nộp cho cơ quan điều tra để chứng minh bạn vô tội hoặc chứng minh bạn không liên quan hoặc để chứng minh nội dung bạn cần nói, cần trình bày để làm sáng tỏ sự thật khách quan theo yêu cầu của CQĐT. (3) Phải sắp sếp công việc và xử lý các vấn đề quan trọng của cá nhân và gia đình cần thiết khác mà người khác không thay thế bạn được. Việc này để đảm bảo công việc của bạn không bị gián đoạn, ảnh hưởng và bị thiệt hại trong quá trình bạn làm việc với CQĐT.

Thứ tư: Biết được một số kinh nghiệm và kỹ năng khác khi bị lấy lời khai, viết bản tự khai lần đầu

Đây là những kiến thức và kinh nghiệm buộc bạn phải biết khi làm việc với CQĐT đặc biệt là lần đầu, cụ thể:

1) ‘Bút sa gà chết”, nên mỗi lời khai, lời trình bày của bạn là chứng cứ nhằm xác định và làm rõ một vấn đề nào đó, đồng thời sẽ được xác minh, điều tra và kết luận kỹ lưỡng. Do vậy, bạn có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan và phải khai theo đúng ý chí của chính bạn, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội hoặc phải khai theo yêu cầu của người khác, kể cả CQĐT. Và không có bất kỳ ai ai có quyền bắt bạn phải khai khác ý chí, khác mong muốn của bạn và khai khác sự thật khách quan.

2) Khai xong thì bạn phải tự mình đọc lại từng câu, từng chữ lời khai của mình, nếu chưa đúng thì có quyền yêu cầu Cơ quan điều tra sửa lại thì mới ký, nếu không sửa lại, thì có quyền từ chối ký. Nếu gạch bỏ chỗ nào, sửa chỗ nào, thì phải ký nháy vào chỗ đó. Nếu bạn không tự đọc lại mà vẫn ký, thì lời khai của bạn vẫn có thể không đúng ý chí của bạn. Nếu bạn không biết chữ, thì phải có một người khác mà bạn tin tưởng hoặc là một người ngoài khách quan biết chữ đọc kỹ cho bạn nghe rõ rồi mới ký. Đúng ý chí của bạn, rồi mới ký.

3) Trong biên bản ghi lời khai, biên bản làm việc, nếu chỗ nào còn trống ghi không hết thì phải yêu cầu Cơ quan điều tra gạch chéo trước khi ký, đồng thời hạn chế chừa dòng nhiều. Mục đích là không để người khác ghi thêm vào làm thay đổi lời khai của bạn.

4) Phải yêu cầu Cơ quan điều tra ghi đầy đủ thời gian, địa điểm và ngày tháng vào biên bản thì mới ký.

5) Không được ký khống, tức là không được ký tờ giấy trắng mà không có chữ, không có nội dung gì vì bất cứ lý do nào. Trong quá trình hành nghề, khi vào Trại tạm giam thăm bị can, tôi đã được bị can kể rằng, Cơ quan điều tra có nói em ký vào tờ giấy trắng, không có nội dung (ký khống), tôi (Luật sư) hỏi lý do tại sao lại ký khống như vậy vì có thể rất bất lợi cho mình? bị can trả lời rằng vì lúc đó Cán bộ điều tra nói “ký đi để chúng tôi có cơ sở làm thủ tục rồi cho về với gia đình, bị hại rút đơn tố cáo rồi”, nên em tin tưởng mới ký. Ký xong em không được thả về, nên em mới hiểu là mình đã bị lừa/dụ để ký khống, nhưng em không thể có chứng cứ chứng minh về việc mình bị lừa để ký khống này.

Cuối cùng, “Điều tra, truy tố và xét xử oan sai” để lại một nỗi đau dai dẳng cho cả các Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và đặc biệt là người dân bị điều tra, truy tố xét xử oan sai. Nên mỗi người dân phải hiểu biết pháp luật và thực hiện đúng pháp luật là góp phần thúc đẩy việc giải quyết vụ án, tránh được oan sai và góp phần làm cho xã hội công bằng, văn minh hơn.

Tác giả bài viết: Luật sư Vũ Văn Tiến  (Giám đốc Công ty Luật TNHH Olympic)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *