Kỹ năng thu thập các đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa
Trong quá trình tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra, nếu luật sư thấy cần thiết phải thu thập những tài liệu, chứng cứ để bảo vệ cho người bị tạm giữ, bị can thì tự luật sư có thể đi thu thập và cung cấp cho Cơ quan điều tra (CQĐT).
Theo quy định của pháp luật thì những tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ án được người bào chữa thu thập được có giá trị như những tài liệu đồ vật, tình tiết do CQĐT thu thập. Vì vậy, việc luật sư có kế hoạch chủ động “tự điều tra, thu thập chứng cứ là rất cần thiết”. Khi cung cấp những tài liệu, đồ vật, tình tiết này cho CQĐT thì luật sư có quyền yêu cầu CQĐT lập biên bản về việc cung cấp tài liệu đó. Những tài liệu, đồ vật này sẽ được coi là chứng cứ trong vụ án nếu nó phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 64 BLTTHS.Ngay sau khi thu thập được những tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án, luật sư cần cung cấp ngay cho CQĐT bởi trong nhiều trường hợp những tài liệu, đồ vật mà luật sư cung cấp cho CQĐT có thể làm thay đổi toàn bộ nội dung vụ án (chứng minh được người bị tạm giữ, bị can) hoặc là căn cứ để CQĐT có thể ra những quyết định có lợi cho thân chủ của mình như quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang các biện pháp ngăn chặn khác, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án. Khi luật sư cung cấp tài liệu cho CQĐT cần thiết phải yêu cầu người nhận tài liệu (ĐTV hoặc văn thư của CQĐT) lập biên bản về việc giao nhận tài liệu vật chứng đó và yêu cầu ho phải cung cấp chomình một bản.
Kỹ năng phát hiện các sai phạm của ĐTV và đưa ra yêu cầu đề xuất
Trong quá trình thực hiện công việc bào chữa của mình, việc luật sư phát hiện ra những sai phạm của Điều tra viên (ĐTV) trong quá trình giải quyết vụ án là điều kiện vô cùng quan trọng để việc giải quyết vụ án được khách quan và đúng với quy định của pháp luật đó. Do đó, khi tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra, luật sư cần trang bị cho mình những kỹ năng để có thể phát hiện ra những sai phạm của ĐTV trong quá trìh điều tra vụ án.
Việc phát hiện sai phạm của ĐTV có thể được luật sư thực hiện ngay khi luật sư gặp gỡ và trao đổi với người bị tạm giữ, bị can. Khi trao đổi với bị can, người bị tạm giữ, luật sư cần hỏi xem họ đã được ĐTV trao quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can chưa? Đã được ĐTV giải thích đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can hay chưa? Có bị ĐTV đặt các câu hỏi mớm hay không? Có bị ĐTV bức cung hoặc dùng nhục hình hay không khi lấy lời khai, hỏi cung không? Người bị tạm giữ, bị can có được ký vào mỗi trang của biên bản hỏi cung mình hay không? Có ký vào sát dòng cuối cùng của biên bản hay không? Trong nhiều trường hợp, người bị tạm giữ, bị can chỉ ký vào trang cuối cùng của biên bản cung lại không sát vào dòng cuối cùng của trang nên sau này ĐTV có thể viết thêm những nội dung bất lợi cho họ vào phần đầu của bản cung hoặc phần trống được tạo ra khi người bị tạm giữ, bị can ký không sát vào dòng cuối cùng.
Đối với người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên, luật sư cần hỏi ra xem họ có người giám hộ hay không? Người giám hộ của họ có mặt khi hỏi cung họ và có được ký vào các biên bản hỏi cung đó không bởi theo quy định của BLTTHS thì khi hỏi cung người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần thì phải có mặt người giám hộ của họ và người giám hộ này được quyền ký vào các bản cung.
Khi nghiên cứu các tài liệu trong hồ sơ vụ án, luật sư cần chú ý đến ngày tháng năm của các biên bản xem chúng có trùng lập hoặc mâu thuẫn nhau về mặt thời gian hay không? Trong nhiều vụ án, trong cùng một thời gian, địa điểm mà một ĐTV lại có thể hỏi cung nhiều bị can khác nhau thậm chí tại nhiều địa điểm khác nhau. Điều đó chứng tỏ những bản cung đó là do ĐTV tự viết bản cung và người bị tạm giữ, bị can phải ký vào. Việc làm này của ĐTV sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính khách quan của hồ sơ vụ án. Trong khi nghiên cứu hồ sơ, luật sư cũng cần chú ý tới phần tẩy xóa của bản cung. Về nguyên tắc khi tẩy xóa các ký tự trong bản cung thì phải có chữ ký xác nhận của người bị tạm giữ, bị can vào bản cung đó. Nếu bản cung bị tẩy xóa mà không có chữ ký của người bị tạm giữ, bị can thì đó là sự vi phạm thủ tục tố tụng. Trong nhiều trường hợp đây là căn cứ để VKS hoặc tòa án yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Ngay sau khi phát hiện ra những sai phạm của ĐTV, luật sư cần gặp trực tiếp để trao đổi với ĐTV (yêu cầu lập biên bản về buổi làm việc này). Trong trường hợp cần thiết, Luật sư gửi văn bản đến thủ trưởng CQĐT cấp trên hoặc VKS để thông báo về sai phạm của ĐTV.
Sưu tầm