Kỹ năng của luật sư trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của thân chủ trong vụ việc tranh chấp thừa kế

1. Đặc điểm về các vụ việc về tranh chấp thừa kế

Đặc điểm thứ nhất: Đây là quan hệ tranh chấp liên quan đến những người thân thích, ruột thịt trong gia đình, dòng tộc. Tranh chấp xung quanh thừa kế di sản là loại tranh chấp nặng nề, phức tạp, ở một khía cạnh nào đó liên quan đến tình cảm thiêng liêng nhiều lúc sâu lắng trong tâm khảm không chỉ giữa những người đang tranh chấp mà vô hình chung nó liên quan đến quan hệ với người đã quá cố để lại di sản thừa kế…

Đặc điểm thứ hai: Quan hệ tranh chấp về thừa kế gắn liền với nhiều yếu tố truyền thống gia phong, gia tộc có những quan hệ gắn với gốc rễ, cội nguồn của một gia đình, họ tộc, thậm chí ở nhiều địa phương gắn với nhiều phong tục tập quán sắc tộc, quần cư… Yếu tố gốc gác cội nguồn thể hiện trong quan hệ thừa kế vừa cụ thể, vừa tế nhị – vì không chỉ là quan hệ pháp lý đơn thuần, mà còn mang nặng tình cảm của từng cá nhân tham gia vào quan hệ đó.

Đặc điểm thứ ba: Quan hệ tranh chấp về di sản thừa kế không chỉ liên quan chủ yếu đến quan hệ tài sản và quyền tài sản, mà còn liên quan đến quyền nhân thân của các đương sự tranh chấp thừa kế. Việc thừa nhận được hưởng di sản gắn với cội nguồn, quyền nhân thân của họ. Cũng từ đó nhiều lúc liên quan đến danh dự của từng cá nhân trong xã hội. Có nhiều trường hợp đương sự không chỉ đơn thuần được hưởng di sản của người để lại thừa kế, mà qua đó để khẳng định tính huyết thống, tình cảm của người quá cố đối với mình và ngược lại, bằng cách đó duy trì quan hệ gia đình với người khác…

Đặc điểm thứ tư: Quan hệ tranh chấp về thừa kế, bao giờ cũng liên quan đến tài sản và quyền tài sản, thường di sản là những tài sản có giá trị lớn hoặc di sản có ý nghĩa về tinh thần… Di sản càng có giá trị lớn về kinh tế, có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần thì tranh chấp càng gay gắt và đó là quy luật. Hơn nữa, do những hạn chế của hệ thống pháp luật nước ta trước đây còn thiếu hoặc chưa quy định đầy đủ về thủ tục đăng ký, quản lý tài sản của công dân (đặc biệt là bất động sản), nên việc xác định nguồn gốc của di sản thừa kế trở nên khá phức tạp, khó khăn. Vấn đề khó khăn nan giải của Luật sư là xác định đúng, chính xác có phải người để lại thừa kế là chủ sở hữu đích thực tài sản đó hay không, đặc biệt liên quan đến bất động sản.

Đặc điểm thứ năm: Liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ thừa kế. Thực tế hệ thống pháp luật của nước ta trong lĩnh vực thừa kế, giải quyết tranh chấp thừa kế chưa đồng bộ, thậm chí có chỗ còn chưa thống nhất, còn chồng chéo, mâu thuẫn. Do điều kiện khách quan của các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, chúng ta đã không dành sự quan tâm thích đáng đối với lĩnh vực pháp luật này. Hơn nữa, do chiến tranh kéo dài, những hồ sơ về gốc gác tài sản của công dân cũng thất lạc, mất mát… Sau khi thành lập nhà nước mới và sau khi giải phóng miền nam, những quy định pháp luật về chuyển dịch tài sản và quản lý tài sản (đặc biệt là bất động sản) từ chế độ cũ sang chế độ mới cũng thay đổi và khác biệt về bản chất.

Đặc điểm thứ sáu: Nói đến thừa kế là liên quan đến Luật Hôn nhân – Gia đình, Luật Hôn nhân – Gia đình của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mới có hiệu lực từ năm 1961 nhưng do đất nước bị kẻ thù chia cắt nên luật này chỉ mới có hiệu lực ở miền Bắc. Đến năm 1980, khi Quốc hội chung của cả nước thống nhất mới có Nghị quyết về áp dụng văn bản quy phạm luật thống nhất chung cho cả nước trong đó có Luật Hôn nhân – Gia đình. Do đặc thù lịch sử đó, quan hệ hôn nhân – gia đình ở nước ta trong các giai đoạn lịch sử vừa qua là phức tạp, cùng với sự chuyển dịch dân số, con người từ vùng này sang vùng khác trong điều kiện chiến tranh làm cho quan hệ hôn nhân – gia đình càng phức tạp hơn.

2. Kỹ năng cần thiết của Luật sư khi bảo vệ quyền, lợi ích cho thân chủ trong các án thừa kế.

2.1. Luật sư cần biết rõ về thân chủ: Do đòi hỏi nghề nghiệp Luật sư trước hết phải biết về thân chủ, đặc biệt trong các vụ việc tranh chấp về thừa kế. Bằng cách gì và như thế nào để có được những thông tin đầy đủ khách quan, chuẩn xác về thân chủ, điều đó phụ thuộc cách tiếp cận và khả năng khai thác của từng cá nhân Luật sư..Trước hết, trong vụ việc tranh chấp thừa kế, luật sư cần có đầy đủ thông tin về gốc gác, gia đình của chính thân chủ, những gì liên quan đến nhân thân của thân chủ. Xác định chuẩn xác quan hệ gia đình, dòng tộc của thân chủ với người để lại thừa kế… Xác định quan hệ của thân chủ với người hoặc số người đang có tranh chấp về di sản thừa kế là đương sự của vụ án.Tìm hiểu và có đánh giá chuẩn xác quan hệ giữa họ với nhau. Xác định quan hệ thân chủ của mình với những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc tranh chấp.Xác định chuẩn xác quan hệ thân chủ với người làm chứng (nếu có) trong vụ tranh chấp.Bằng cách nào đó xác định nét chữ, bút tích, thói quen, sở thích, ý muốn của thân chủ. Ngoài ra, Luật sư cần tìm hiểu, cần biết về đạo đức, lối sống, quan hệ xã hội, nghề nghiệp, vị trí công tác của thân chủ mình.Đồng thời, cần phải tìm hiểu quan hệ gia đình, thái độ đối xử của thân chủ với người thân, với những người khác mà thân chủ có quan hệ. Qua tìm hiểu, để Luật sư biết rõ mình đang bảo vệ quyền, lợi ích cho thân chủ mình là ai, tạo ra sức mạnh nội tâm trong công việc.

2.2. Luật sư cần nắm vững yêu cầu của thân chủ trong vụ việc tranh chấp tài sản:Tưởng đây là vấn đề đơn giản, nhưng qua thực tế hành nghề Luật sư, không phải Luật sư nào cũng nắm vững và hiểu yêu cầu đích thực của thân chủ.Hiểu yêu cầu của thân chủ, là nắm bắt được cốt lõi mục đích và giới hạn cuối cùng của yêu cầu có thể đạt được, đồng thời tìm hiểu khả năng thoả hiệp giải quyết tranh chấp bằng hoà giải.Để nắm được đầy đủ, chi tiết yêu cầu của thân chủ, Luật sư có thể tìm hiểu, nghiên cứu qua:

2.2.1. Tiếp xúc, gặp gỡ với thân chủ: Đây cũng là nghệ thuật, đòi hỏi Luật sư phải hiểu biết về khoa học tâm lý, và văn hoá giao tiếp. Bằng thái độ chân tình tìm hiểu xem thân chủ của mình mong muốn đạt được gì, qua tiếp xúc, gặp gỡ họ có thể bộc bạch tất cả. Cách tiếp xúc, gợi chuyện của Luật sư với thân chủ còn phụ thuộc vào thân chủ là bị đơn dân sự hay nguyên đơn dân sự. Nếu thân chủ là nguyên đơn dân sự trong vụ việc tranh chấp, thì cách đặt vấn đề, gợi mở phải phù hợp với yêu cầu của thân chủ, trường hợp thân chủ lại là bị đơn dân sự trong vụ việc tranh chấp, thì Luật sư phải tìm hiểu xem lý do tranh chấp, mức độ tranh chấp, giới hạn của tranh chấp, nội dung phần yêu cầu của thân chủ đối với nguyên đơn, thái độ và quan điểm chủ quan của thân chủ về hướng giải quyết tranh chấp.

2.2.2. Tìm hiểu yêu cầu của thân chủ qua đơn từ:Đối với thân chủ là nguyên đơn dân sự, Luật sư cần nghiên cứu kỹ đơn kiện của thân chủ. Qua nghiên cứu đơn khởi kiện để xác định xem thời hiệu khởi kiện còn không, yêu cầu cụ thể của thân chủ gồm những gì: Di sản, quyền tài sản, và tìm hiểu xem ngoài ra thân chủ có yêu cầu gì khác không. Qua tiếp xúc và qua đơn, Luật sư phải nắm vững được mục đích thực tế, mục đích sâu xa của thân chủ qua vụ kiện.Qua đơn của thân chủ, Luật sư có thể nắm bắt nỗi niềm, dự cảm của thân chủ mình. Từ đó để Luật sư hiểu thêm về các luận cứ mà thân chủ dựa vào đó đưa ra yêu cầu. Nghiên cứu đơn của thân chủ là nguyên đơn dân sự, để Luật sư có thể giúp thân chủ hoàn chỉnh lại đơn, mở rộng phạm vi, yêu cầu hoặc sơ bộ giới hạn yêu cầu… Việc nghiên cứu kỹ đơn của thân chủ nhằm xác định đúng yêu cầu của thân chủ, sẽ giúp cho Luật sư tìm những căn cứ pháp lý và căn cứ thực tế chứng minh cho yêu cầu chính đáng của thân chủ và sẽ không có những trục trặc khi phiên toà diễn ra. Tránh được tình trạng: ông nói gà, bà nói vịt giữa thân chủ và luật sư.Đối với thân chủ là bị đơn dân sự, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình, Luật sư phải nắm bắt căn cứ phản tố của thân chủ và những yêu cầu mà thân chủ có thể đưa ra độc lập đối với nguyên đơn. Tìm hiểu những trăn trở, băn khoăn của thân chủ, qua đơn phản tố, Luật sư có thể nắm bắt được tinh thần mà thân chủ mình muốn giải quyết trong vụ việc, mức độ thoả hiệp, những giới hạn không thể chấp nhận thoả hiệp, những vấn đề về nguyên tắc mang tính sống còn trong giải quyết tranh chấp và chủ định của thân chủ về hướng giải quyết vụ tranh chấp. Chuẩn bị tốt khâu này, tại phiên toà sẽ không có những trục trặc bất ngờ có thể xảy ra giữa luật sư và thân chủ là bị đơn dân sự.

2.2.3. Nghiên cứu và thu thập chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích cho thân chủ. Với trách nhiệm đầy trọng trách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình, trước khi mở phiên toà giải quyết các vụ việc tranh chấp về thừa kế, Luật sư theo quy định của luật tố tụng dân sự, có thẩm quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc, trong đó có việc nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có liên quan.Thân chủ (đương sự của vụ án) ngoài nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Thẩm phán, đồng thời để Luật sư có đủ điều kiện chứng minh, lập luận bảo vệ lợi ích cho mình, họ cần có nghĩa vụ cung cấp những chứng cứ, tài liệu của vụ việc cho luật sư của mình.Trong quá trình nghiên cứu tài liệu, chứng cứ, Luật sư cần chủ động đề xuất yêu cầu của mình đối với thân chủ trong việc cung cấp chứng cứ, phát hiện và chủ động đề nghị thân chủ thu thập thêm chứng cứ khách quan (nếu thấy chưa đủ hoặc chưa thuyết phục). Trong trường hợp hồ sơ có những chứng cứ không đảm bảo, thiếu tính trung thực, không thuyết phục, thì luật sư nên chủ động yêu cầu thân chủ cung cấp các chứng cứ bổ sung, thay thế bằng những chứng cứ, tài liệu có tính khách quan và thuyết phục hơn.Trong một vài trường hợp, xét thấy cần thiết, luật sư có thể tự mình giúp thân chủ thu thập và cung cấp chứng cứ, tài liệu cho Toà án và cho chính mình để có đủ căn cứ lập luận bảo vệ lợi ích cho thân chủ.Luật sư cần hệ thống một cách khoa học hồ sơ vụ án qua việc tổng hợp, phân tích khách quan các chứng cứ, đặc biệt là các chứng cứ quan trọng có thể làm thay đổi nội dung vụ án theo hướng có lợi cho thân chủ của mình.

2.2.4. Giúp đỡ, tiếp xúc với các nhân chứng và những người có quyền và lợi ích liên quan.Luật sư với trách nhiệm nghề nghiệp và bằng quyền hạn mà pháp luật cho phép có thể tiếp xúc với các nhân chứng và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của vụ việc tranh chấp thừa kế vì lợi ích của thân chủ. Bằng nghệ thuật giao tiếp, và trình độ chuyên môn, Luật sư có thể nắm bắt thêm những vấn đề liên quan đến vụ việc. Tìm hiểu quan hệ của họ với thân chủ của mình. Nắm bắt ý kiến của những người mình tiếp xúc, làm việc, để có thể định cho mình phương pháp, cách thức và đề xuất hướng giải quyết vụ việc vì quyền, lợi ích của thân chủ phù hợp với pháp luật, thấu tình đạt lý.

2.3. Luật sư cần xác định rõ di sản tranh chấp thừa kế:Như đã nêu ở đặc điểm thứ tư, mục I của bài này, quan hệ tranh chấp thừa kế liên quan trực tiếp đến tài sản thừa kế và thường là những tài sản vừa có giá trị kinh tế, vừa có ý nghĩa tinh thần. Nên để bảo vệ một cách có hiệu quả quyền và lợi ích của thân chủ, luật sư phải xác định rõ tài sản đang tranh chấp thừa kế. Di sản này là tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong tài sản chung của người khác – tính từ thời điểm mở thừa kế.Luật sư phải xác định được đó là di sản thừa kế hợp pháp của người để lại thừa kế.Trong trường hợp cần thiết phải tra tìm cội nguồn, tập hợp các chứng cứ, tài liệu cần thiết để chứng minh cho tài sản đó là di sản đang tranh chấp của thân chủ mình, thì Luật sư nên dành công sức, thời gian thích đáng cho xác minh điều đó.Đối với pháp luật nước ta, quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế và được để lại thừa kế. Ngoài ra, di sản thừa kế còn có thể là quyền tài sản (ví dụ: lợi ích từ bản quyền tác giả, tác phẩm, quyền phát minh, sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp…).Khi xác định di sản tranh chấp, luật sư cần xác định rõ: giá trị di sản tranh chấp, di sản là bất động sản hay động sản, nơi có di sản tranh chấp, người quản lý di sản, các loại di sản, số lượng, chủng loại (nếu là vật, hàng hoá, sản phẩm, cổ phiếu…). Nếu cần phải định giá di sản, thì nói rõ với thân chủ, đề nghị thẩm phán thụ lý vụ việc yêu cầu thành lập hội đồng định giá tài sản.Nếu di sản cần được giám định, thì tương tự như vậy, cần đề nghị trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền.Trong khi xác định giá trị, số lượng, địa điểm liên quan đến di sản tranh chấp, Luật sư không nên quên là xác định luôn nghĩa vụ (có thể có) của người để lại thừa kế. Vì vấn đề thực hiện nghĩa vụ của người để lại thừa kế sẽ liên quan đến trách nhiệm, lợi ích của thân chủ.

2.4. Luật sư cần xác định rõ quan hệ pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của thân chủ trong tranh chấp thừa kế:

1.4.1. Căn cứ vào quy định của pháp luật, Luật sư cần xác định rõ quyền của thân chủ trong quan hệ hưởng thừa kế đối với di sản tranh chấp.

1.4.2. Bảo vệ quyền, lợi ích cho thân chủ trong các vụ việc tranh chấp thừa kế theo di chúc

1.4.3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ trong vụ việc tranh chấp thừa kế theo pháp luật.

3. Kỹ năng của Luật sư tại phiên toà giải quyết vụ việc về tranh chấp thừa kế.

Do những đặc thù của quan hệ tranh chấp về thừa kế (như đã nêu phần một), Luật sư cần phải lập kế hoạch bảo vệ, dự kiến các tình huống, đặt trước những câu hỏi để làm sáng tỏ những vấn đề chính của vụ án. Tại các phiên toà giải quyết các vụ việc loại này Luật sư cần hết sức bình tĩnh, tự tin để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình. Hiển nhiên Luật sư có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhiều thân chủ trong một vụ án, miễn sao quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau.Để đạt được mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, trước hết Luật sư phải tuân thủ những quy định, thủ tục của phiên toà. Phải tôn trọng pháp luật và chỉ được phép sử dụng những biện pháp mà pháp luật cho phép để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.Khi tham gia phiên toà, Luật sư cần chứng tỏ mình là người có văn hoá pháp đình; phẩm chất đó được thể hiện một cách cụ thể trong tác phong đi đứng, tư thế ngồi, trong lời ăn tiếng nói, thậm chí từ ánh mắt nhìn. Luật sư cần nhã nhặn, khiêm nhường nhưng không khúm núm, kiên định giữ nguyên tắc nhưng không kiêu căng, ngạo mạn; lập luận hùng hồn có sức thuyết phục, phủ định những ý kiến khác, nhưng không gây căng thẳng.Đặc biệt do đặc thù của quan hệ tranh chấp thừa kế – thường là quan hệ giữa những người là bà con ruột thịt, cùng họ tộc, khi bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, Luật sư cần tránh làm tổn thương đến tình cảm của các đương sự có quyền lợi đối lập, mâu thuẫn với quyền, lợi ích của thân chủ mình. Ngay cả khi trong phần thẩm vấn, sau khi Hội đồng xét xử hoặc kiểm sát viên hỏi, đến lượt mình Luật sư cần phải bình tĩnh, khéo léo đặt ra các câu hỏi cho các đối tượng cần thiết phải thẩm vấn nhằm xác định một cách đầy đủ các tình tiết của vụ án và bình tĩnh lắng nghe sự trình bày của họ, tránh nôn nóng, phủ định và tránh đưa câu hỏi dồn ép một ai gây sự căng thẳng không cần thiết.Tuy nhiên, cũng như đối với bất kỳ một vụ án nào, với vụ việc tranh chấp thừa kế thì phần tranh luận tại phiên toà là hết sức quan trọng đặc biệt đối với Luật sư.Khi đã qua phần thẩm vấn tại phiên toà, ở phần tranh luận, Luật sư bằng kiến thức hiểu biết pháp luật, qua nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ, lập luận lôgíc bài bảo vệ sẽ có tính khoa học, có sức thuyết phục cao đóng góp những ý kiến của mình đánh giá chứng cứ, đặc biệt Luật sư cần phải đề xuất hướng giải quyết vụ án trên cơ sở khách quan, đúng pháp luật vì lợi ích cho thân chủ của mình.Hơn hết tất cả các giai đoạn tố tụng, phần tranh luận là thời điểm Luật sư thể hiện tài năng và bản lĩnh nghề nghiệp. Luật sư cần phải có chiến lược và sách lược đúng đắn trong một qui trình Hội đồng xét xử tiến hành xét xử. Sự bình tĩnh, tự tin, ứng biến mau lẹ, lập luận sắc bén là con đường đưa Luật sư đến chiến thắng. ở giai đoạn này, Luật sư phải sử dụng tất cả các kỹ năng như dự đoán, tổng hợp, phân tích và quyết định thì mới hoàn thành được sứ mạng của mình.Lưu ý, nếu trong giai đoạn tranh luận mà có tình huống mới, chưa được dự kiến trước hoặc tình tiết mới của vụ án xuất hiện thì Luật sư nên bàn bạc với thân chủ rồi sau đó mới phát biểu gợi ý, hướng dẫn hoặc giúp đỡ thân chủ bày tỏ ý kiến. Trường hợp cần thiết thì đề nghị Hội đồng xét xử cho thẩm vấn lại hoặc đề nghị hoãn phiên tòa để tiến hành điều tra lại hoặc điều tra bổ sung.Khi chủ toạ phiên toà tuyên án, Luật sư phải chú ý lắng nghe bản án, khi cần thiết thì hướng dẫn thân chủ kháng cáo đúng hạn.Với tư cách là người trợ giúp pháp lý đắc lực nhất, Luật sư đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý, ở đó Luật sư một mặt bảo vệ quyền lợi của thân chủ thông qua việc tham gia tích cực trong các giai đoạn tố tụng, mặt khác việc đưa ý kiến hợp lý, hợp tình của Luật sư sẽ tăng thêm niềm tin của các thành viên Hội đồng xét xử trong việc đưa ra các phán quyết để giải quyết tranh chấp phù hợp với pháp luật và hợp lẽ công bằng.Trong vụ việc tranh chấp thừa kế, sự tham gia của Luật sư không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho thân chủ của mình phù hợp với pháp luật và thuần phong mỹ tục của dân tộc mà còn từ đó góp phần ổn định và phát triển của xã hội.

4. Án lệ về “Tranh chấp thừa kế”

Án lệ số 06/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Án lệ số 06/2016/AL

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 100/2013/GĐT-DS ngày 12-8-2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp thừa kế” tại Hà Nội, giữa nguyên đơn là ông Vũ Đình Hưng với bị đơn là bà Vũ Thị Tiến (tức Hiền), bà Vũ Thị Hậu; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm các ông, bà Vũ Đình Đường, Vũ Thị Cẩm, Vũ Thị Thảo, Nguyễn Thị Kim Oanh, Hà Thùy Linh.

Khái quát nội dung của án lệ:

Trong vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nếu Tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người đó thì Tòa án vẫn giải quyết yêu cầu của nguyên đơn; nếu xác định được di sản thừa kế, diện hàng thừa kế và người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì giải quyết việc chia thừa kế cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật; phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt, không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những thừa kế vắng mặt.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

– Điều 93; điểm đ khoản 1 Điều 168 của Bộ luật tố tụng dân sự năm trước đấy;

– Điều 676 và 685 của Bộ luật dân sự năm trước.

Từ khóa của án lệ:

“Tranh chấp di sản thừa kế”; “Người thừa kế ở nước ngoài chưa rõ địa chỉ”; “Ủy thác tư pháp”; “Phân chia di sản”; “Quản lý di sản”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện tháng 7 năm 1993, nguyên đơn là ông Vũ Đình Hưng trình bày:

Cha mẹ ông là cụ Vũ Đình Quảng và cụ Nguyễn Thị Thênh sinh được 6 người con là ông Vũ Đình Đường, bà Vũ Thị Cẩm, bà Vũ Thị Thảo, ông Vũ Đình Hưng, bà Vũ Thị Tiến (tức Hiền) và bà Vũ Thị Hậu. Cụ Quảng và cụ Thênh tạo lập được căn nhà số 66 phố Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, diện tích 123m

2. Năm 1979, cụ Quảng chết không để lại di chúc, căn nhà do cụ Thênh và 3 con là ông Hưng, bà Hậu, bà Tiến ở; ông Đường, bà Thảo và bà Cẩm đều xuất cảnh đi nước ngoài. Tại biên bản họp gia đình ngày 28-10-1982, cụ Thênh và ông, bà Tiến, bà Hậu thỏa thuận tạm thời phân chia nhà thành 3 phần cho ông, bà Hậu và bà Tiến sử dụng. Năm 1987, cụ Thênh chết. Sau đó năm 1989, bà Tiến đã lén lút bán phần nhà được tạm chia cho bà Nguyễn Thị Kim Oanh. Khi ông đã có đơn khởi kiện chia thừa kế ra Tòa án rồi nhưng ngày 31-10-1993, bà Hậu đã bán tiếp phần nhà bà Hậu được tạm chia cho bà Hà Thùy Linh. Việc mua bán nhà này là sai. Ông xác định được 3 anh chị em đang ở nước ngoài (là ông Đường, bà Cẩm và bà Thảo) có văn bản cho ông hưởng phần thừa kế nên yêu cầu chia thừa kế di sản của cha mẹ ông theo pháp luật.

Ông Hưng xuất trình bản photocopy các giấy ủy quyền lập ngày 03-3-1992 của ông Vũ Đình Đường, ngày 1-5-1993 của bà Vũ Thị Cẩm, ngày 28-10-1991 của bà Vũ Thị Thảo đều có nội dung ủy quyền cho ông Hưng quản lý trông nom phần tài sản của mình trong nhà 66 Đồng Xuân là 1/6 nhà. Sau khi nộp đơn khởi kiện, ông Hưng xuất trình thêm các “Giấy chuyển hẳn cho quyền thừa kế” đề ngày 25-4-1995 của ông Vũ Đình Đường; “Giấy chuyển hẳn cho quyền thừa kế” đề ngày 10-5-1995 của bà Vũ Thị Cẩm; “Giấy cho hẳn quyền thừa kế” của bà Vũ Thị Thảo; các văn bản này đều ghi là lập tại nước ngoài, đều có nội dung xác nhận: cha mẹ để lại ngôi nhà 66 Đồng Xuân cho 6 người con nhưng bà Tiến (Hiền) và bà Hậu đã bán phần nhà của cha mẹ để lại là vi phạm lời dặn của mẹ (không được bán, cho người ngoài vào ở)… Ông Đường và bà Thảo, bà Cẩm làm giấy này cho hẳn ông Hưng 1/6 ngôi nhà 66 Đồng Xuân phần mỗi người được hưởng thừa kế để ông Hưng duy trì thờ cúng tổ tiên và cũng để ba gia đình con cháu người ở nước ngoài có nơi đi lại thờ cúng tổ tiên và đề nghị cho ông Hưng được hưởng thừa kế bằng hiện vật (các tài liệu ông Hưng xuất trình đều chỉ là bản photocopy).

Bị đơn trình bày:

Bà Vũ Thị Tiến trình bày: Xác nhận về quan hệ huyết thống và nguồn gốc căn nhà 66 Đồng Xuân như ông Hưng trình bày. Năm 1989, bà đã bán phần được chia cho bà Oanh, đã giao nhà và đã làm xong thủ tục mua bán nhà tại Sở Nhà đất Hà Nội cho người mua. Sau khi đến ở, bà Oanh còn có thỏa thuận với ông Hưng, bà Hậu hoán đổi một số công trình trong nhà để các bên sử dụng thuận tiện hơn. Sau đó do ông Hưng khiếu nại nên Sở Nhà đất đã thu hồi hồ sơ mua bán nhà giữa bà và bà Oanh. Bà Hậu cũng đã bán phần nhà được chia cho người khác. Bà xác định cụ Thênh đã cho tiền 3 người đi nước ngoài nên họ không có yêu cầu gì về nhà này. Bà đã bán phần nhà của mình cho bà Oanh, nay bà không có trách nhiệm gì về phần nhà đã bán.

Bà Vũ Thị Hậu trình bày: Xác nhận về quan hệ huyết thống và nguồn gốc căn nhà 66 Đồng Xuân như ông Hưng trình bày và việc phân chia nhà cũng như việc bà Tiến đã bán một phần như bà Tiến trình bày. Bà xác định khi bán có thông báo cho anh chị ở nước ngoài và họ đều đồng ý. Bà đề nghị chia cho bà vào phần nhà bà đã bán cho vợ chồng bà Linh, ông Khôi.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày:

Vợ chồng bà Hà Thùy Linh và ông Hoàng Mạnh Khôi trình bày: Khi ông bà mua nhà, bà Hậu có cho xem biên bản họp gia đình, nên ông bà mới nhất trí mua. Ông bà đã trả đủ tiền, dọn đến ở từ đó đến nay, yêu cầu được hợp pháp hóa phần nhà đã mua của bà Hậu.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh trình bày: Ngày 18-10-1992, bà có mua nhà của bà Tiến được chia, giá 30.000.000 đồng. Việc mua bán đã được chính quyền cho phép. Sau khi mua nhà, bà đã về ở, có thỏa thuận hoán đổi một số vị trí sử dụng nhà cho ông Hưng, đề nghị công nhận hợp đồng mua bán nhà giữa bà Tiến với bà.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 20/DSST ngày 23-5-1995, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp nhận yêu cầu xin chia thừa kế của ông Hưng, ông Đường, bà Cẩm, bà Thảo do ông Hưng đại diện xin chia di sản thừa kế của cụ Quảng và cụ Thênh. Chấp nhận một phần bản di chúc của cụ Thênh lập ngày 28-10-1982, xác định di sản thừa kế trị giá 1.228.151.520 đồng, chia thừa kế bằng hiện vật nhà, đất cho 3 người là ông Hưng, bà Hậu và bà Tiến. Việc mua bán giữa bà Tiến, bà Hậu với bà Oanh, bà Linh được thực hiện theo quy định của nhà nước.

Bà Tiến kháng cáo đề nghị xem xét lại cách tính diện tích di sản thừa kế. Ông Hưng kháng cáo cho rằng Tòa án xử không khách quan.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 115 ngày 10-10-1995, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định: Hủy Bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết sơ thẩm lại.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 50/DSST ngày 11-9-1996, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định chấp nhận yêu cầu xin chia thừa kế của ông Hưng, ông Đường, bà Cẩm, bà Thảo do ông Hưng làm đại diện xin chia di sản thừa kế của cụ Quảng và cụ Thênh; ghi nhận sự tự nguyện của ông Đường, bà Cẩm, bà Thảo ở nước ngoài nhường kỷ phần thừa kế cho ông Hưng và chia hiện vật cho ông Hưng, bà Hậu, bà Tiến (mỗi người 1/3 cửa hàng và phần nhà phía sau), bà Hậu, bà Tiến phải thanh toán chênh lệch cho ông Hưng (bà Hậu 156.824.381 đồng; bà Tiến 140.774.106 đồng). Việc mua bán nhà giữa bà Tiến, bà Hậu với bà Oanh, bà Linh là trái pháp luật.

Ông Hưng kháng cáo.

Tại Quyết định số 82/TĐC ngày 15-7-1997, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Sau khi có Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã tiếp tục giải quyết vụ án.Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 142/2007/DSPT ngày 03-7-2007, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã hủy Bản án sơ thẩm và giao Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết sơ thẩm lại vụ án với nhận định: Đơn khởi kiện chỉ có ông Hưng viết và ký, các giấy ủy quyền của ông Đường, bà Thảo, bà Cẩm đều không thể hiện là ủy quyền khởi kiện chia thừa kế (trừ giấy của bà Thảo), nay các đương sự thừa nhận ông Đường, bà Thảo đều đã chết, nên cần xác minh việc này và đưa người thừa kế của họ tham gia tố tụng; định giá lại nhà đất cho phù hợp.

Sau khi thụ lý lại vụ án, đương sự trình bày: ông Đường và bà Thảo đã chết vào khoảng năm 2002. Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu ông Hưng cung cấp giấy chứng tử của ông Đường và bà Thảo, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự (họ tên, địa chỉ, quốc tịch của các con ông Đường, bà Thảo; tên, địa chỉ của người đang ở tại phần nhà đất tranh chấp) nhưng ông Hưng không cung cấp được.

Tại Quyết định số 04/2008/QĐST-DS ngày 17-01-2008, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả tạm ứng án phí cho ông Hưng. Ngày 29-01-2008, ông Hưng kháng cáo cho rằng Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án là không đúng.

Tại Quyết định số 168/2008/DS-QĐPT ngày 04-9-2008, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã chấp nhận kháng cáo của ông Hưng, hủy quyết định sơ thẩm với lý do: cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 192 đình chỉ việc giải quyết vụ án là không đúng, làm mất quyền khởi kiện của đương sự.

Sau khi thụ lý lại vụ án, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu ông Hưng cung cấp các tài liệu là tên, tuổi, địa chỉ người thừa kế của ông Đường, bà Thảo; văn bản ủy quyền hoặc từ chối nhận thừa kế của những người này; tên và địa chỉ những người đang ở tại nhà đất của bà Oanh. Ông Hưng không cung cấp được các tài liệu trên.

Tại Quyết định số 54/DS-ST ngày 30-9-2009, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định: Đình chỉ giải quyết vụ án chia thừa kế, trả lại đơn kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo cho ông Hưng.

Ông Hưng kháng cáo.

Tại Quyết định số 44/2010/QĐ-PT ngày 09-3-2010, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định: Giữ nguyên quyết định sơ thẩm.

Ông Hưng có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Tại Quyết định số 35/2013/KN-DS ngày 22-01-2013, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị

Quyết định số 44/2010/QĐ-PT ngày 09-3-2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy Quyết định dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số 54/2009/DS-ST ngày 30/9/2009 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhận định:

Căn nhà số 66 phố Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội do cụ Vũ Đình Quảng (chết năm 1979) và Nguyễn Thị Thênh (chết năm 1987) tạo lập. Các cụ sinh được 6 người con thì 3 người là ông Vũ Đình Đường, bà Vũ Thị Cẩm, bà Vũ Thị Thảo định cư ở nước ngoài từ năm 1979, còn 3 người ở trong nước là ông Vũ Đình Hưng, bà Vũ Thị Tiến (Hiền), bà Vũ Thị Hậu. Sau khi cụ Quảng chết chỉ còn cụ Thênh, ông Hưng, bà Tiến, bà Hậu quản lý căn nhà này. Sau khi cụ Thênh chết, ông Hưng, bà Tiến và bà Hậu đã tự phân chia căn nhà thành 3 phần để ở. Ngày 18-10-1992, bà Tiến bán phần nhà đang sử dụng cho bà Nguyễn Thị Kim Oanh và ngày 31-10-1993 bà Hậu bán tiếp phần nhà bà đang ở cho bà Hà Thùy Linh.

Năm 1993, ông Hưng khởi kiện yêu cầu chia thừa kế nhà đất của cha mẹ nêu trên theo pháp luật. Việc giải quyết vụ án kéo dài từ năm 1993 đến 1996 và bị tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm năm 1997. Năm 2007, vụ án được thụ lý lại.

Khi giải quyết vụ án, trước giai đoạn tố tụng tạm đình chỉ (1997), ông Hưng đã cung cấp các đơn, giấy ủy quyền lập năm 1991, 1992, 1993, 1994 của ông Đường, bà Cẩm, bà Thảo có nội dung giao cho ông Hưng trông coi quản lý tài sản thừa kế phần của họ trong di sản thừa kế là nhà đất số 66 phố Đồng Xuân; sau đó ông Hưng lại cung cấp các văn bản lập năm 1995 của ông Đường, bà Thảo và bà Cẩm có nội dung cho hẳn ông Hưng phần thừa kế của mình trong tài sản tranh chấp. Các văn bản đều có tem và con dấu của nước sở tại (ông Đường ở Anh, bà Cẩm ở Pháp và bà Thảo ở Mỹ), nhưng chỉ là bản photocopy. Tuy nhiên, các đương sự đều ghi rõ số nhà, địa chỉ của người viết văn bản. Trong quá trình thụ lý giải quyết lại vụ án sau giai đoạn tạm đình chỉ, ông Hưng, bà Tiến, bà Hậu đều khai ông Đường, bà Thảo đã chết khoảng năm 2002, ông Hưng xác định địa chỉ của bà Cẩm, bà Thảo không thay đổi, còn ông đã liên lạc với con ông Đường nhưng không nhận được hồi âm (bút lục 376, 377, 382). Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu ông Hưng phải cung cấp chứng tử của ông Đường, bà Thảo; tên, địa chỉ của con ông Đường, bà Thảo. Ông Hưng khai không cung cấp được và đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ để giải quyết theo pháp luật (bút lục 390). Như vậy, trong hồ sơ đã có địa chỉ của những người đã sống ở nước ngoài, còn việc yêu cầu ông Hưng cung cấp chứng tử của ông Đường bà Thảo là không cần thiết, vì cả ba người ở trong nước đều xác nhận hai người này đã chết. Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp theo quy định, thu thập chứng cứ đối với ông Đường, bà Thảo để làm rõ thời điểm những người này chết và nếu hai người chết này còn có người thừa kế thì hỏi họ về quan điểm giải quyết vụ án. Tùy từng trường hợp căn cứ chứng cứ mới để giải quyết vụ án theo quy định. Nếu không thu thập được chứng cứ gì hơn thì vẫn phải giải quyết yêu cầu của ông Hưng để được hưởng thừa kế theo pháp luật, phần thừa kế của ông Đường bà Thảo sẽ tạm giao cho những người đang sống trong nước quản lý để sau này người thừa kế của họ có quyền hưởng theo pháp luật, như vậy mới giải quyết dứt điểm vụ án. Đối với những người đang sống tại phần nhà bà Tiến bán thì nghĩa vụ cung cấp tên tuổi của họ là của bà Tiến. Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu ông Hưng cung cấp tên tuổi của những người này là không đúng đối tượng. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng ông Hưng không cung cấp được tên, địa chỉ của con ông Đường, bà Thảo, người mua nhà của bà Oanh để đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm lẽ ra phải hủy quyết định sơ thẩm để giao giải quyết lại nhưng lại giữ nguyên quyết định sơ thẩm là không đúng. Ngoài ra, theo các tài liệu có trong hồ sơ và lời khai của ông Hoàng Mạnh Khôi ngày 17-10-2007 (bút lục 373) và “Giấy bán nhà” ngày 31-10-1993 (bút lục 18), thì bà Hậu bán phần nhà mà bà đang quản lý cho bà Hà Thùy Linh (chồng là ông Hoàng Mạnh Khôi). Quyết định sơ thẩm và phúc thẩm lại ghi là bà Nguyễn Thị Thùy Linh là không chính xác, cần điều chỉnh lại cho phù hợp.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH

1. Hủy Quyết định số 44/2010/QĐ-PT ngày 09-3-2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 54/2009/DS-ST ngày 30-9-2009 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án tranh chấp thừa kế, giữa nguyên đơn là ông Vũ Đình Hưng với bị đơn là bà Vũ Thị Tiến, bà Vũ Thị Hậu; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Vũ Đình Đường, bà Vũ Thị Cẩm, bà Vũ Thị Thảo, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, bà Hà Thùy Linh.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp theo quy định, thu thập chứng cứ đối với ông Đường, bà Thảo để làm rõ thời điểm những người này chết và nếu hai người chết này còn có người thừa kế thì hỏi họ về quan điểm giải quyết vụ án. Tùy từng trường hợp căn cứ chứng cứ mới để giải quyết vụ án theo quy định. Nếu không thu thập được chứng cứ gì hơn thì vẫn phải giải quyết yêu cầu của ông Hưng để được hưởng thừa kế theo pháp luật, phần thừa kế của ông Đường bà Thảo sẽ tạm giao cho những người đang sống trong nước quản lý để sau này người thừa kế của họ có quyền hưởng theo pháp luật, như vậy mới giải quyết dứt điểm vụ án. Đối với những người đang sống tại phần nhà bà Tiến bán thì nghĩa vụ cung cấp tên tuổi của họ là của bà Tiến. Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu ông Hưng cung cấp tên tuổi của những người này là không đúng đối tượng. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng ông Hưng không cung cấp được tên, địa chỉ của con ông Đường, bà Thảo, người mua nhà của bà Oanh để đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm lẽ ra phải hủy quyết định sơ thẩm để giao giải quyết lại nhưng lại giữ nguyên quyết định sơ thẩm là không đúng.”

5. Tranh chấp thừa kế đất đai thực hiện như thế nào ?

Đất đai mang lại hoa thơm quả ngọt cho đời. Đời người sinh ra từ đất, lớn lên trên mặt đất rồi khi chết cũng lại trở về với đất. Nhưng cũng từ đất, đã có biết bao nhiêu tấn bi kịch xảy ra. Trong những tấn bi kịch đầy đau đớn ấy, tất nhiên đất không có tội mà tội lỗi sinh ra từ lòng tham tự trong chính mỗi con người. Một câu chuyện đau lòng vừa xẩy ra ở ngay thủ đô Hà Nội, nguyên do phát sinh cũng từ đất mà hai chị em ruột suýt lâm cảnh “nồi da nấu thịt “…

Phán quyết chưa công bằng…

Theo tìm hiểu của ĐS &PL tại địa phương, thực hiện chính sách giãn dân, năm 1976, HTX nông nghiệp Đại Mỗ đã cấp cho 2 vợ chồng cụ là Nguyễn Văn Sửu và Lê Thị Mứt (ở xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm – Hà Nội) được 351m2 đất ở thuộc thửa 381, 383 tờ bản đồ số 3. Sau đó, vợ chồng cụ Sửu cùng các con đã xây dựng một căn nhà cấp 4. Tiếp theo đó, năm 1986, vợ chồng cụ Sửu đã cho người con trai thứ của mình là ông Nguyễn Gia Sơn đứng tên chủ sử dụng đất trong trích lục bản đồ của UBND xã Đại Mỗ. Từ năm 1992 tới 1997 hai vợ chồng cụ Sửu mất đột ngột nên không để lại di chúc. Tuy nhiên, để ổn định cuộc sống và mảnh đất của cha mẹ để lại, năm 2005, vợ chồng ông Sơn làm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hội đồng đăng ký đất đai xã Đại Mỗ đã tổ chức xét duyệt và ngày 19.5.2005, mảnh đất trên được UBND huyện Từ Liêm chính thức cấp sổ đỏ mang tên bà Nguyễn Thị Bảo (vợ ông Sơn).

Tuy nhiên, theo ông Sơn trình bày thì cuộc sống của gia đình đang bình yên, bất ngờ tháng 5.2007, không hiểu lý do gì bà Nguyễn Thị Tài (chị gái ruột của ông Sơn), đã đâm đơn khởi kiện em trai mình và yêu cầu chia thừa kế ngôi nhà và mảnh đất trên của ông Sơn.

Theo bản án sơ thẩm số 30/2007/DS-ST ngày 28.9.2007 của TAND huyện Từ Liêm, HĐXX chấp nhận “tuốt tuột” hầu hết yêu cầu của bà Tài. Tòa sơ thẩm còn nhận định bà Bảo đã tự ý kê khai cấp “sổ đỏ” và cho rằng việc bà Bảo làm “sổ đỏ” bà Tài không biết (?). Phán quyết cuối cùng của Tòa là nhà đất có diện tích 351m2 thuộc thửa 16, tờ bản đồ 6 tại thôn Chợ là tài sản chung của vợ chồng cụ Sửu nên phải chia đều cho 6 người con, trong đó có bà Tài và ông Sơn, mỗi kỷ phần là 43, 8m2. Ngoài ra ngôi nhà cấp 4 cũng là tài sản chung (trị giá khoảng 27, 5 triệu đồng) cũng được chia làm 6 phần.

Quá bất bình trước bản án sơ thẩm của TAND huyện Từ Liêm, vợ chồng ông Sơn đã làm đơn kháng án. Phần đông chị em ruột của ông Sơn đều quả quyết, mảnh đất trên thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông Sơn vì đã được bố mẹ cho riêng. Tuy nhiên, khi xét xử phúc thẩm, TAND TP.Hà Nội đã không xem xét thấu đáo những nội dung trên mà cho rằng việc tòa sơ thẩm xác định mảnh đất 351m2 và căn nhà cấp 4 mà vợ chồng ông Sơn đang sử dụng là tài sản chung của 2 vợ chồng cụ là Nguyễn Văn Sửu và LêThị Mứt là đúng.

Đất có “sổ đỏ”: Vẫn bị cưỡng chế?

Vì sao tòa án các cấp lại phủ nhận giá trị của Giấy CNQSDĐ mà UBND huyện Từ Liêm đã cấp cho gia đình ông Sơn? ông Nguyễn Viết Hùng (Phó chủ tịch UBND xã Đại Mỗ) khẳng định với ĐS &PL, trong quá trình lập hồ sơ xét duyệt cấp sổ đỏ, UBND xã đã làm đúng qui định của pháp luật. Theo đó, dựa trên tờ khai của hộ bà Nguyễn Thị Bảo, ngày 4.2.2005, Hội đồng đăng ký đất đai xã Đại Mỗ đã tổ chức xét duyệt và tuyệt nhiên từ đó tới nay không có khiếu kiện gì. Tháng 8.2005, xã có tờ trình gửi UBND huyện Từ Liêm và ngày 19.5.2005, mảnh đất trên được chính thức cấp sổ đỏ mang tên bà Nguyễn Thị Bảo (vợ ông Sơn). Bên cạnh đó, cũng theo tìm hiểu của ĐS &PL, ông Lê Văn Bi (cán bộ quản lý ruộng đất xã Đại Mỗ cũng thừa nhận: “Ban đầu mảnh đất trên là đất giãn dân được cấp cho cụ Nguyễn Văn Sửu, sau đó chuyển tên cho con trai là ông Nguyễn Gia Sơn đứng tên trong sổ địa chính của xã”.

Rõ ràng trong quá trình xét xử, các cấp tòa đã đưa ra những phán quyết chưa công bằng, thiếu khách quan, không xem xét đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng ông Sơn, người đã quản lý, sử dụng mảnh đất trên hàng chục năm trời. Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi nghi vấn: Liệu có gì uẩn khúc sau những bản án “nghiêng” về phía nguyên đơn?

Về vụ chia thừa kế trên, luật sư Vương Trọng Thế (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định: TAND huyện Từ Liêm chia thừa kế về đất như vậy là sai. Năm 1976, 351m2 đất giãn dân ở thửa 16, tờ bản đồ số 6 thôn Chợ được cấp cho cụ Sửu. Năm 1986 (thời điểm chưa có Luật Đất đai và Bộ Luật Dân sự) vợ chồng cụ Sửu vẫn còn sống nhưng đã để cho ông Nguyễn Gia Sơn đứng tên trong trích lục bản đồ là mặc nhiên thừa nhận chủ sử dụng đất là ông Sơn. Như vậy, kể từ năm 1986, mảnh đất không còn là tài sản của vợ chồng cụ Sửu nữa.

Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *