Lời nói đầu
Với bản chất là sự thỏa thuận giữa các bên ký kết hướng tới một đối tượng xác thực và hợp pháp nhằm xác lập, thay đổi chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên nên hợp đồng nói chung và hợp đồng kinh doanh thương mại nói riêng là một công cụ pháp lý đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về hợp đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong giao kết, thực hiện, thanh lý hợp đồng cũng như giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng. Do vậy, sự tư vấn, hỗ trợ của các luật sư cho các cá nhân, tổ chức để ký kết được một hợp đồng không trái với những quy định của pháp luật và có hiệu quả kinh tế cao là cần thiết. Muốn vậy, người hành nghề luật sư cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết trong quá trình tư vấn, soạn thảo và ký kết hợp đồng.
1. Vai trò của luật sư trong tư vấn đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng
1.1. Vai trò của luật sư
Hợp đồng được coi là căn cứ để tạo mối quan hệ với phía đối tác đồng thời là căn cứ ràng buộc nghĩa vụ của các bên, giải quyết tranh chấp phát sinh nếu có và là cơ sở để hạch toán tính thuế. Bởi vậy để một hợp đồng được ký kết thành công, vai trò của luật sư trong quá trình tư vấn cho khách hàng về việc đàm phán, soạn thảo và ký kết rất quan trọng.
Cụ thể, vai trò của luật sư được thể hiện qua việc:
– Nghiên cứu hồ sơ mà phía khách hàng cung cấp; trên cơ sở đó luật sư sẽ đánh giá tư cách pháp lý của đối tác và giá trị pháp lý cho khách hàng của mình.
– Trong quá trình đàm phán, luật sư có thể thay mặt thân chủ để tiến hành đàm phán với phía bên kia. Sự tham gia của luật sư có thể giúp hai bên thương lượng có hiệu quả hơn. Trên cơ sở những hiểu biết của mình, luật sư sẽ bảo vệ cho quyền lợi của thân chủ mình một cách tốt nhất, giúp khách hàng hiểu được các điều khoản của hợp đồng, nhất là đối với những điều khoản do phía đối tác đưa ra từ đó dự kiến trước những rủi ro pháp lý có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
– Kết thúc quá trình đàm phán, khi hai bên đã thỏa thuận, thống nhất với nhau được những nội dung cơ bản của hợp đồng, luật sư sẽ giúp khách hàng soạn thảo hợp đồng diễn tả rõ ràng, chính xác những vấn đề mà các bên đã thỏa thuận.
1.2. Hợp đồng kinh doanh thương mại
Để tư vấn giao kết một hợp đồng kinh doanh thương mại có hiệu quả, luật sư cần nắm vững khái niệm và những đặc trưng pháp lý của loại hợp đồng này.
a. Khái niệm
Về khái niệm hợp đồng kinh doanh thương mại là một khái niệm chung bao gồm các hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại khác của thương nhân, trong phạm vi bài viết này em xin tập trung đi vào hợp đồng “ Mua bán hàng hóa” một trong những hợp đồng chủ yếu của hoạt động “ Kinh doanh thương mại” Luật Thương mại năm 2005 có quy định : “Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.” Tuy nhiên, cũng như các hợp đồng dân sự khác, bản chất của hợp đồng mua bán nói riêng và hoạt động kinh doanh thương mại nói chung là sự thỏa thuận của các bên nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán.
b. Đặc điểm
– Chủ thể ký kết
Chủ yếu là thương nhân. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng kinh doanh thương mại nếu họ lựa chọn áp dụng Luật Thương mại năm 2005.
Các chủ thể này khi tham gia vào quan hệ hợp đồng có thể trực tiếp ký kết hoặc thông qua người đại diện hợp pháp của mình
– Hình thức hợp đồng
“Hợp đồng kinh doanh thương mại được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể” (Điều 24, Luật thương mại 2005). Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.
– Đối tượng hợp đồng
Là hàng hoá.
+ Hàng hoá được hiểu là sản phẩm lao động của con người, có thể là hàng hoá đang tồn tại hoặc hàng hoá sẽ có trong tương lai nhưng phải là hàng hoá được phép lưu thông thương mại.
+ Hàng hóa mua bán phải thuộc sở hữu của bên bán hoặc bên bán là người có thẩm quyết bán.
+ Chất lượng của hàng hóa do các bên thỏa thuận. Nếu hàng hóa được đăng ký chất lượng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì chất lượng của hàng hóa được xác định theo tiêu chuẩn đăng ký
+ Nếu các bên không thỏa thuận về chất lượng của hàng hóa, hàng hóa cũng không được đăng ký chất lượng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bên bán phải giao loại hàng hóa có chất lượng trung bình
– Nội dung hợp đồng
Thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán hàng hoá, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho bên mua và nhận tiền còn bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và trả tiền cho bên bán.
2. Kỹ năng của luật sư trong tư vấn đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng kinh doanh thương mại
Vụ việc minh họa: Ngày 01/01/2011 Công ty A có ký kết một hợp đồng mua bán hàng hóa ( Thép) với công ty B tại Quảng Ninh với khối lượng là 15 tấn. Bên A có tìm hiểu thông tin trên Internet và tìm tới văn phòng tư vấn, họ nhờ văn phòng luật sư cử người đi cùng họ xuống Quảng Ninh để đàm phán ký kết hợp đồng mua bán này. Văn phòng đã cử người xuống tư vấn, soạn thảo và đàm phán ký kết hợp đồng cùng bên A. Từ vụ việc cụ thể nêu trên Chúng tôi rút ra được nhiều kỹ năng trong quá trình tư vấn, soạn thảo, đàm phán ký kết hợp đồng mà mình đã được tích lũy.
2.1. Kỹ năng của luật sư trong tư vấn đàm phán
Đàm phán là bước quan trọng đầu tiên tạo cơ sở cho việc ký kết hợp đồng của các bên sau này. Do vậy, vai trò tư vấn của luật sư bắt đầu được thể hiện và ghi nhận trong giai đoạn đầu tiên này. Để thực hiện tốt vai trò của mình luật sư cần trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản cần thiết sau:
a. Kỹ năng chuẩn bị trước khi đàm phán
– Trước hết, hơn ai hết luật sư phải nắm vững những đặc trưng pháp lý cơ bản của loại hợp đồng kinh doanh thương mại, những quy định của pháp luật để hợp đồng ký kết có hiệu lực như quy định về chủ thể có thẩm quyền ký kết, về hình thức hợp đồng, về đối tượng hợp đồng…
– Trên cơ sở những quy định của pháp luật hiện hành về hợp đồng nói chung và hợp đồng kinh doanh thương mại nói riêng luật sư phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu mà khách hàng cung cấp. Hồ sơ, tài liệu này bao gồm các loại giấy tờ như: đơn đặt hàng, đơn chào hàng, dự thảo hợp đồng, những thông tin về thị trường, về xuất xứ, chủng loại, chất lượng, tính năng, công dụng, giá cả, tình trạng pháp lý của hàng hóa…Đồng thời tìm hiểu những thông tin về phía đối tác của khách hàng như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, năng lực tài chính và khả năng đảm bảo tài sản thanh toán, người đại diện và giấy ủy quyền,…Đó là những thông tin cơ bản mà luật sư cần tìm hiểu để tư vấn giúp khách hàng của mình thiết lập được một quan hệ hợp đồng an toàn, đúng pháp luật, hạn chế được những tranh chấp sau này.
– Sau khi đã tìm hiểu sơ bộ những thông tin cần thiết, luật sư nên lập một bản phương hướng đàm phán với những nội dung cụ thể cho công việc đàm phán. Rồi tiến hành trao đổi với khách hàng về những thông tin đã tìm hiểu và về bản phương hướng đàm phán, giúp khách hàng nắm được những quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng mà khách hàng đang thiết lập, nắm được những quyền lợi, và nghĩa vụ của mình khi hợp đồng được ký kết, tư vấn cho khách hàng về những rủi ro có thể gặp phải và những công việc tiếp theo cần thực hiện… Luật sư có thể thống nhất với khách hàng để bổ sung vào bản phương hướng đàm phán cho chặt chẽ, chi tiết.
– Cố gắng nắm được những mong muốn của phía đối tác, dự đoán những đề xuất, những điều khoản mà bên kia có thể đưa ra, đặc biệt là những điều khoản gây bất lợi cho khách hàng mình, cũng như những lý lẽ, lập luận có thể có để bảo vệ cho những đề xuất, những điều khoản đó để tìm ra những giải pháp nhằm hạn chế sự bất lợi đó cũng như tránh được sự bất ngờ, lúng túng trong quá trình đàm phán. Luật sư cũng có thể bàn bạc, tính toán với khách hàng rồi tư vấn cho khách hàng đến những lợi ích nào có thể nhượng bộ để đạt được kết quả cuối cùng với một ích lợi lớn hơn.
– Luật sư cũng cần nắm chắc ý đồ, mong muốn và phương hướng của khách hàng mình, tránh trường hợp luật sư đưa ra những cam kết ngoài phạm vi được uỷ quyền gây thiệt hại cho khách hàng.
– Ngoài ra, luật sư cũng cần phải chuẩn bị những thông tin, tài liệu cần thiết để mang theo tiện cho việc tra cứu khi cần. Chẳng hạn, khi đàm phán phía đối tác có thể đưa ra một căn cứ nào đó có lợi cho phía mình, mà căn cứ đó lại trái pháp luật, nếu luật sư có tài liệu chứng minh cho điều đó thì có thể bác bỏ được đề xuất của đối phương.
– Cuối cùng luật sư cũng phải chuẩn bị tâm lý cho mình, cũng như cho khách hàng là không phải quá trình đàm phán nào cũng diễn ra dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi. Do vậy cần phải thận trọng khi đưa ra các quyết định, không vội vàng để rồi chấp nhận những điều kiện gây bất lợi cho khách hang mình.
b. Kỹ năng khi tiến hành đàm phán
Chuẩn bị tốt trước khi đàm phán sẽ tạo sự tự tin và an tâm cho luật sư và khách hàng khi bước vào đàm phán. Quá trình đàm phán nhờ đó mà có thể diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và kết thúc thành công.
Trong quá trình đàm phán, luật sư cần lưu ý những điểm sau:
– Cần có tâm lý thoải mái, thiện chí và ôn hòa. Có thái độ hợp tác, tôn trọng phía đối tác, tránh gây không khí bất hòa, căng thẳng.
– Nên tiến hành đàm phán trên cơ sở một bản dự thảo hợp đồng và các bên cùng nhau điểm qua từng điều khoản. Việc đàm phán nhờ đó sẽ được tiến hành nhanh chóng hơn, dễ xác định các thoả thuận đã được cả hai bên chấp nhận cũng như những điều khoản cần xem xét lại.
Với những điều khoản mà bên đối tác không đồng ý, luật sư cần xem xét lý do:
+ Nếu đối tác không đồng ý về mặt ngôn từ, luật sư cần tìm những cụm từ, ngôn ngữ mà đối tác có thể chấp nhận.
+ Nếu đối tác không đồng ý về mặt nguyên tắc và hai bên cần tranh luận để đi đến thống nhất thì luật sư có thể thay mặt thân chủ, cố gắng giải thích quan điểm của phía bên mình để dần dần thuyết phục phía đối tác chấp nhận.
+ Nếu sau khi đã cố gắng giải thích và thuyết phục, mà hai bên vẫn không thể nhất trí về một điều khoản nào đó thì nên gác điều khoản đó lại để trao đổi và xin ý kiến của khách hàng rồi mới tiếp tục tiến hành đàm phán. Luật sư không được tự ý quyết định theo ý kiến của cá nhân mình nếu không có sự uỷ quyền rõ ràng của khách hàng.
– Trong khi đàm phán, nếu cảm thấy đề xuất của bên kia có thể chấp nhận được, luật sư có thể quyết định đồng ý ngay, sau đó chuyển tiếp sang vấn đề khác. Cũng có thể áp dụng chiến thuật tạm coi là chưa chấp nhận để dành sau này đổi điều này với một điều khác mà phía bên kia không sẵn sàng chấp nhận.
– Khi tiến hành đàm phán, khách hàng và luật sư có thể căn cứ vào đó để tránh việc đàm phán đi quá xa so với mục đích ban đầu, cố gắng dẫn dắt cuộc đàm phán tập trung vào lợi ích của khách hàng mình, nhưng nếu xét thấy một sự thay đổi nào đó là có lợi thì luật sư cần phải linh hoạt tư vấn cho khách hàng về lợi ích đó.
– Đối với hợp đồng kinh doanh thương mại, luật sư lưu ý phải tránh lối suy nghĩ điều khoản nào tỏ ra công bằng với cả hai bên là có thể chấp nhận được.
Ví dụ như điều khoản về bất khả kháng. Điều khoản bất khả kháng thường viện dẫn đến một sự kiện nào đó bất ngờ xảy ra mà một bên không thể lường trước, không thể kiểm soát và khắc phục được như thiên tai, lũ lụt…Khi đó bên này sẽ được miễn trách nhiệm nếu không thực hiện đúng hợp đồng đã được ký.
Tuy nhiên, trên thực tế, người mua rất ít khi phải tính đến trường hợp bất khả kháng, ngược lại, người bán lại cần phải chú ý quan tâm. Do vậy thường bên mua không muốn đưa vào hợp đồng điều khoản quy định về trường hợp bất khả kháng, hoặc nếu có thì điều khoản đó phải quy định rất cụ thể, chi tiết về những trường hợp như thế nào thì được coi là sự kiện bất khả kháng (thiên tai, địch hoạ, thay đổi chính sách của nhà nước,…)
Do vậy, luật sư cần xem xét mình đại diện cho quyền lợi của phía khách hàng nào để chú ý lưu tâm đến những trường hợp này.
– Một kỹ năng quan trọng nữa của luật sư khi tư vấn cho khách hàng trong quá trình đàm phán là không nên nóng vội muốn kết thúc đàm phán sớm mà vội vàng chấp nhận các điều khoản phía đối tác đưa ra, vì chỉ cần một sự thiếu thận trọng, một sai sót rất nhỏ cũng có thể đem đến sự thiệt hại lớn cho khách hàng. Tuy vậy, cũng cần lưu ý về vấn đề thời gian, bởi đối với hợp đồng mua bán hàng hoá, có thể tại thời điểm này với mức giá này, khách hàng bán ra sẽ thu được lợi nhuận lớn. Nhưng nếu chậm trễ, nhu cầu của thị trường thay đổi, nguồn cung vượt quá cầu thì… lợi thế đó sẽ mất đi.
Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà luật sư sẽ có những kỹ năng khác nhau để tư vấn cho khách hàng cho phù hợp. Như tư vấn để khách hàng sử dụng sức ép thời gian (đưa ra các thời hạn liên tục để đối tác phải chấp nhận), sử dụng sự cạnh tranh giả tạo (đưa ra thông tin là có bên thứ ba có thể bán với mức giá cạnh tranh hơn hoặc mua với những điều kiện có lợi hơn), sự dụng sự thăm dò (đưa ra các mức đề nghị thanh toán khác nhau để thăm dò thái độ của đối tác), v.v.Việc sử dụng các kỹ năng đó sẽ đem lại hiệu quả cho quá trình đàm phán.
– Kết thúc đàm phán, luật sư nên lập biên bản hoá quá trình đàm phán, và có thể coi đây là bằng chứng về những yêu cầu hay quan điểm mà hai bên đã cùng đồng ý để đưa vào hợp đồng sau này.
c. Kỹ năng kết thúc quá trình đàm phán
– Sau khi kết thúc quá trình đàm phán luật sư sẽ cùng với khách hàng tiến hành trao đổi. Luật sư sẽ dựa trên biên bản ghi nhận kết quả quá trình đàm phán để soạn thảo dự thảo hợp đồng mới. Những điều khoản nào đã được hai bên đồng ý thì chốt lại, những vấn đề chưa thỏa thuận được thì cần có sự bàn bạc thêm, luật sư nên tư vấn cho khách hàng về phương hướng giải quyết những vấn đề còn tồn đọng như những điều khoản nào có thể nhân nhượng, những lợi ích nào có thể từ bỏ để đổi lấy một lợi ích khác, những điều khoản, những lợi ích nào không nên từ bỏ. Sau đó, xin ý kiến của khách hàng.
– Luật sư lưu ý là đối với những điều khoản phía bên kia đưa ra, luật sư cảm thấy không có lợi cho khách hàng, mà khách hàng lại tỏ ra muốn nhân nhượng và đồng ý với điều khoản đó, thì luật sư cần phải có ý kiến tư vấn với khách hàng, chỉ rõ cho khách hàng những rủi ro, thiệt hại có thể xảy đến nếu như khách hàng đồng ý với điều khoản đó.
2.2. Kỹ năng của luật sư trong tư vấn soạn thảo hợp đồng kinh doanh thương mại
Soạn thảo hợp đồng là một giai đoạn quan trọng trong toàn bộ quá trình luật sư tư vấn cho khách hàng về hợp đồng nói chung và hợp đồng kinh doanh thương mại nói riêng. Bởi hợp đồng là kết quả sự thoả thuận ý chí của các bên, là căn cứ để các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đây cũng là căn cứ để giải quyết tranh chấp về sau nếu có. Do vậy, để soạn thảo một hợp đồng đúng pháp luật, ngắn gọn, rõ ràng luật sư phải có sự am hiểu pháp luật, đặc biệt là pháp luật hợp đồng và am hiểu về kinh tế xã hội để tư vấn cho khách hàng soạn thảo một bản hợp đồng tốt. Luật sư cũng có thể giúp khách hàng của mình soạn thảo hợp đồng. Muốn vậy, luật sư cần lưu ý đến những vấn đề và có những kỹ năng sau đây:
a. Những vần đề cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng
– Hợp đồng cần được trình bày một cách chuyên nghiệp về cấu trúc (hoàn chỉnh, hợp lý), về hình thức (tạo ấn tượng tốt và sự yên tâm cho khách hàng cũng như bên đối tác)
– Căn cứ ký kết hợp đồng bao gồm các căn cứ pháp luật, các căn cứ thực tế.
– Thông tin về chủ thể: Sự rõ ràng, đầy đủ thông tin về các bên của hợp đồng giúp chứng minh tư cách hợp pháp của chủ thể, đồng thời là cơ sở xác định bị đơn của vụ kiện nếu có.
Do vậy cần quy định cụ thể tên, địa chỉ, số giấy phép kinh doanh, đại diện có thẩm quyền và số tài khoản giao dịch của các bên tham gia hợp đồng. Đặc biệt cần lưu ý đến việc ký kết hợp đồng thông qua người đại diện cần xác định rõ người đó có thẩm quyền đại diện hay không?
– Hình thức hợp đồng
+ Do các bên lựa chọn theo quy định của pháp luật. Có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản.
+ Một số trường hợp như: Hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất thì luật quy định phải được lập thành văn bản và phải có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Nội dung hợp đồng
Là sự tự do thỏa thuận của các bên nhưng phải đặt trong khuôn khổ của pháp luật. Luật Thương mại 2005 không quy định các điều khoản bắt buộc phải có trong hợp đồng kinh doanh thương mại nhưng do tính chất đặc thù của từng loại hợp đồng trong các giao dịch khách nhau nên luật sư cần lưu ý đến các điều khoản sau: đối tượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn và địa điểm giao nhận hàng, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hoá.
+ Đối tượng của hợp đồng: Phải là những hàng hóa được phép lưu thông trên thị trường, phải được quy định trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh của bên đối tác.
+ Phải quy định rõ ràng, cụ thể chi tiết quyền và nghĩa vụ của các bên.
– Ngoài ra, việc soạn thảo hợp đồng cần lưu ý đến các điều khoản sau:
+ Điều khoản về các định nghĩa:
Điều khoản định nghĩa là rất cần thiết nhất là đối với các hợp đồng phức tạp có đối tượng là loại hàng hoá dễ bị nhầm lẫn.Các định nghĩa cụ thể sẽ làm cho văn phong của hợp đồng rõ ràng, dễ hiểu, không bị lặp lại những từ ngữ dài dòng.
Điều khoản về đối tượng hợp đồng:
Hàng hoá vốn rất đa dạng, phong phú về kiểu dáng, chủng loại, chất lượng, tính năng, công dụng, đặc tính kỹ thuật, và những tiêu chuẩn khác…nên trong hợp đồng cần có sự mô tả chi tiết về các đặc điểm này.
Điều khoản về giá cả (và hình thức thanh toán):
Giá cả có thể xác định theo giá cố định hoặc đưa ra cách xác định giá. Thường giá cố định áp dụng với hợp đồng kinh doanh thương mại có tính ổn định cao về giá và thời hạn giao hàng ngắn. Giá di động thường áp dụng với những hợp đồng kinh doanh loại hàng hóa nhạy cảm, dễ chịu biến động của thị trường và được thực hiện trong thời gian dài.
Khi soạn thảo điều khoản về giá cả, luật sư cần lưu ý đến giá cả đã thoả thuận khi đàm phán, không được quy định giá bằng ngoại tệ, rồi quy định vể phương thức thanh toán cụ thể (trả bằng tiền mặt, séc, chuyển khoản,…), thời hạn thanh toán, các trái vụ khi thanh toán chậm hoặc không thanh toán,…
Điều khoản về sự kiện bất khả kháng:
Sự kiện bất khả kháng thường xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của các bên và có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng. Do đó, khi soạn thảo hợp đồng luật sư cần lưu ý đến việc soạn thảo điều khoản này, luật sư cần xây dựng những quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thông báo về sự kiện bất khả kháng, cung cấp bằng chứng, tài liệu về việc khắc phục thiệt hại cũng như các hậu quả pháp lý khác có liên quan.
Điều khoản giải quyết tranh chấp:
Khi xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp nếu các bên lựa chọn trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp thì cần lưu ý nêu đích danh tên trung tâm trọng tài sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp của hai bên.
Điều khoản hiệu lực của hợp đồng:
Thông thường hợp đồng thường có hiệu lực kể từ ngày ký. Nhưng trong một số trường hợp nhất định mà luật quy định cần phải có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyết thì lúc đó hợp đồng sẽ có hiệu lực kể từ ngày có công chứng, chứng thực…nên soạn thảo điều khoản hiệu lực cần căn cứ vào từng loại hợp đồng mà quy định cho phù hợp.
Điều khoản về phụ lục hợp đồng:
Nếu hợp đồng có phụ lục thì các bên cần quy định rõ phụ lục là bộ phận không tách rời hợp đồng và các bên cần ký, đóng dấu vào tất cả các phụ lục hợp đồng.
b. Kỹ năng tư vấn soạn thảo hợp đồng
Trên cơ sở những lưu ý ở trên, khi soạn thảo hợp đồng thì luật sư cần tư vấn cho khách hàng:
– Ngôn ngữ diễn đạt của hợp đồng cần phải ngắn gọn, rõ ràng, chính xác. Tránh dùng các từ ngữ đa nghĩa, khó hiểu.
– Nên dùng các câu đơn, hạn chế sử dụng các câu ghép.
– Nêu rõ từng điều và tên gọi của từng điều trong hợp đồng
– Không nên diễn đạt quá dài dòng.
2.3. Kỹ năng của luật sư trong tư vấn ký kết hợp đồng kinh doanh thương mại
Đây là giai đoạn cuối cùng trong quá trình luật sư tư vấn đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đông kinh doanh thương mại. Giai đoạn này thường thuận lợi hơn so với giai đoạn đàm phán, và soạn thảo. Tuy vậy, luật sư cũng cần phải lưu ý khách hàng về những điểm sau
– Khách hàng cần kiểm tra kỹ lại hợp đồng nhiều lần trước khi đặt bút ký kết để chắc chắn là không có những sai sót trong nội dung, hình thức nhất là những sai sót nhỏ do lỗi đánh máy, in ấn như đánh sai mã số hàng, sai tên mặt hàng…
– Người ký kết hợp đồng phải là người có đủ thẩm quyền ký kết hợp đồng.
– Hợp đồng nên được ký nháy ở từng trang và ký đầy đủ, đóng dấu ở trang cuối cùng, tránh hiện tượng gian lận, đánh tráo trang có thể xảy ra.
– Luật sư nên phôtô lại bản hợp đồng đã ký kết để làm hồ sơ lưu trữ tại văn phòng.
– Luật sư cần lưu ý đến những yêu cầu pháp lý sau khi ký kết. Chẳng hạn như một số loại hợp đồng cần phải có sự công chứng chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mới hợp pháp và có hiệu lực thi hành.
Sưu tầm