Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành không qui định bắt buộc Kiểm sát viên phải tham gia xét hỏi đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can trong vụ án ở các giai đoạn điều tra, truy tố, trừ một số trường hợp Luật có quy định cho Kiểm sát viên phải trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, trong đó có việc tiến hành hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị bắt, người bị tạm giữ, bị hại, đương sự, người làm chứng, người chứng kiến nếu phát hiện thấy có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được Cơ quan điều tra khắc phục. Thực tế trong thời gian qua, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện kiểm sát hai cấp ngành kiểm sát Hải Phòng đã đặt ra yêu cầu đảm bảo 100% các vụ án phải được Kiểm sát viên tham gia cùng Điều tra viên xét hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị tạm giữ và hỏi cung bị can trước khi báo cáo đề xuất Lãnh đạo viện phê chuẩn các Lệnh, Quyết định của Cơ quan điều tra. Đối với các vụ án có bị can không nhận tội hoặc đã bỏ trốn, Lãnh đạo viện còn quy định bắt buộc Kiểm sát viên phải tham gia hỏi bị hại, người làm chứng, đồng thời phối hợp với Cơ quan điều tra tiến hành việc ghi âm, ghi hình tránh việc bị hại và người làm chứng vì lý do nào đó có thể sẽ thay đổi lời khai hoặc không thể tiếp tục triệu tập ghi lời khai trong suốt thời gian điều tra tiếp theo. Đến nay, các quy định trên vẫn đang được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, theo đó vai trò trách nhiệm của Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự ngày càng được nâng cao, việc tham gia hỏi đối với một số người tham gia tố tụng đã trở thành hoạt động thường xuyên của mỗi Kiểm sát viên.
Do chức năng của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát khác nhau nên hoạt động xét hỏi của Điều tra viên và Kiểm sát viên cũng cơ bản khác nhau. Tại giai đoạn điều tra ban đầu, Điều tra viên hỏi để thu thập các thông tin và củng cố chứng cứ, Kiểm sát viên hỏi chủ yếu là để phục vụ cho việc xét phê chuẩn các Lệnh, Quyết định của Cơ quan điều tra. Theo đó, hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên là để kiểm tra tính xác thực của các thông tin có trong các tài liệu mà Cơ quan điều tra đã thu thập tính đến thời điểm đề nghị phê chuẩn. Nhiệm vụ của Kiểm sát viên là phải xác định được rõ ràng mục tiêu xét hỏi của mình để chuẩn bị tốt những nội dung cần hỏi, nhằm đảm bảo tính có căn cứ cho việc xét phê chuẩn các Lệnh, Quyết định của Cơ quan điều tra. Về phương pháp, cách thức xét hỏi như thế nào, còn phụ thuộc phần lớn vào trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, sự linh hoạt, nhạy bén và có một chút “năng khiếu” của Kiểm sát viên.
Tác dụng của việc tham gia xét hỏi đối với người bị bắt, bị can trước khi xét phê chuẩn sẽ giúp cho Kiểm sát viên có thêm niềm tin “nội tâm” cần thiết và nắm bắt được tâm lý của người bị bắt, bị can để làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án tiếp theo. Trước khi thực hiện việc xét hỏi, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ các tài liệu, chứng cứ mà Cơ quan điều tra đã thu thập để dự kiến các vấn đề cần xét hỏi, đồng thời nghiên cứu các thông tin cá nhân của người được hỏi, tìm hiểu trước về trạng thái tâm lý của họ qua các Điều tra viên (vì Điều tra viên là những người tiếp xúc với họ đầu tiên), từ đó lựa chọn cách thức tiếp cận, lựa chọn hệ thống các câu hỏi phù hợp với trình độ nhận thức, địa vị xã hội của người được hỏi, làm cho họ hiểu rằng sự có mặt của Kiểm sát viên tham gia xét hỏi là để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho mình. Tùy theo tính chất của mỗi vụ án, Kiểm sát viên có thể sử dụng cách đặt câu hỏi thẳng để họ trả lời thẳng vào vấn đề chính; cách đặt câu hỏi nhằm vào những thông tin cần kiểm tra để kiểm tra về tính xác thực cũng như nguồn gốc của thông tin, kết hợp với cách đặt câu hỏi bổ sung để thu thập thêm thông tin nhằm bổ sung cho các lời khai trước đó chưa đầy đủ, phục vụ cho việc củng cố chứng cứ. Đối với việc hỏi người làm chứng cần phải đảm bảo đầy đủ các nội dung thể hiện rõ lý do mà người làm chứng biết được sự việc phạm tội; có hay không có mối quan hệ, mâu thuẫn, thù oán cá nhân gì với những người có liên quan đến sự việc phạm tội đang bị điều tra; điều kiện, vị trí, khoảng cách mà họ quan sát được, nghe được…. Quá trình tham gia hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, người làm chứng, Kiểm sát viên phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo bí mật điều tra vụ án (không được để lộ các thông tin khác về vụ án).
Việc sử dụng các phương pháp, chiến thuật hỏi của Điều tra viên hay Kiểm sát viên không nằm ngoài mục tiêu buộc người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can phải tâm phục mà khai nhận trung thực diễn biến khách quan của hành vi phạm tội, cũng như động cơ, mục đích, nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, đây là một hoạt động mà ngay cả đối với Điều tra viên, người được đào tạo cơ bản về “kỹ năng xét hỏi” và là người chịu trách nhiệm chính điều tra vụ án đã là một việc làm khó. Do vậy, không thể đặt ra trách nhiệm cho Kiểm sát viên tham gia hỏi để làm rõ có hành vi phạm tội hay không. Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự (Điều 60 BLTTHS), việc hỏi cung bị can thông thường đã được các Điều tra viên tiến hành ngay sau khi khởi tố (Điều 183 BLTTHS). Khi nghiên cứu lời khai của người bị bắt, bị can và các tài liệu đã thu thập để phục vụ cho việc xét phê chuẩn, Kiểm sát viên không nên chủ quan, thỏa mãn với lời khai nhận tội của họ, mà phải thận trọng, xem xét lời khai này có phù hợp với các chứng cứ khác hay không. Thực tế cho thấy có những trường hợp người bị bắt, bị can chỉ khai nhận một phần hành vi phạm tội, khai “nhỏ giọt”, không ổn định; có trường hợp không khai nhận tội, giữ im lặng, không hợp tác hoặc nhận hết tội về mình vì muốn bao che cho đồng phạm khác…
Thực tiễn trong thời gian qua, hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên thuộc Viện kiểm sát hai cấp tại Hải Phòng chủ yếu là tham gia với Điều tra viên hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, người làm chứng tại giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; giai đoạn điều tra, theo đó các biên bản hỏi đều do Điều tra viên thiết lập. Trong khi đó, Luật còn quy định một số trường hợp Kiểm sát viên phải trực tiếp tiến hành triệu tập một số người tham gia tố tụng như đã nêu ở phần trên để hỏi và lập biên bản. Tuy nhiên trong thực tiễn, việc triệu tập bị hại, người làm chứng còn gặp không ít khó khăn, nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Để triệu tập được những người này không phải là việc làm dễ dàng, ngay cả đối với Điều tra viên cũng không ngoại lệ. Đối với bị hại, tùy thuộc vào thời điểm giải quyết vụ án có thể là do bị thương, bị mệt mà họ chưa thể khai báo, cũng có khi chính bị hại muốn né tránh việc khai báo do có mối quan hệ bạn bè, gia đình với người bị tố cáo, người bị bắt, bị can. Mong muốn của bị hại là giải quyết theo hướng bồi thường, có lợi cho mình (thường gặp ở các tội Cố ý gây thương tích; tội phạm về an toàn giao thông…). Đối với người làm chứng, có thể vì nhiều lý do như sợ bị trả thù; không thích dây dưa, sợ bị liên lụy; hoặc không biết được một cách chắc chắn…nên không muốn cung cấp thông tin. Có nhiều người còn né tránh việc khai báo hoặc khai báo không đầy đủ những thông tin mà mình biết được. Trong một số vụ án, người làm chứng còn từ chối việc đến trụ sở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để khai báo, lại càng không muốn khai báo tại nơi ở vì, sợ có người nhà bị can hoặc những người có liên quan khác biết được… Do đó, ngay cả việc lựa chọn địa điểm để lấy lời khai người làm chứng cũng đã gặp không ít khó khăn (thường hay gặp ở các vụ án về tội phạm ma túy). Mặt khác, người làm chứng trong các vụ án thuộc nhóm tội phạm rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng còn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm về tội không tố giác tội phạm, vì vậy họ luôn tìm cách tránh né…. Mặc dù Bộ luật Hình sự có quy định trừng trị tội phạm là người làm chứng có hành vi khai báo gian dối (Điều 383 BLHS), tuy vậy trong nhiều năm qua, trên địa bàn thành phố Hải Phòng, chưa có người làm chứng nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Có thể thấy, hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự nói chung là một trong những hoạt động thể hiện rõ nét nhất phẩm chất, năng lực thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên. Sau đây là một số nội dung cần trao đổi thêm về kinh nghiệm của Kiểm sát viên khi tham gia xét hỏi đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự:
Một là, Trước khi tham gia xét hỏi Kiểm sát viên cần phải thực hiện tốt công tác phối hợp với Điều tra viên, theo đó cùng nhau thống nhất một số nội dung cần xét hỏi nhằm phục vụ cho mục tiêu mà Kiểm sát viên hướng tới ở mỗi thời điểm cụ thể của vụ án từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra vụ án. Khi hỏi, Kiểm sát viên phải thể hiện thái độ tôn trọng Điều tra viên và những người tham gia tố tụng khác. Tuyệt đối không được thể hiện vị trí “người hỏi chính” khi tham gia hỏi cùng Điều tra viên ở các giai đoạn tố tụng này.
Hai là, Đối với trường hợp bị can nhận tội nhưng lời khai của họ không ổn định (thường hay gặp trong các vụ án có đồng phạm). Ở thời điểm này, các bị can trong vụ án chưa biết được các thông tin khai báo của đồng phạm, nên việc khai báo của họ luôn dè chừng, “nhỏ giọt”, không ổn định, vì muốn thăm dò các thông tin từ phía những người tiến hành tố tụng xem nội dung khai báo của các đồng phạm khác thế nào, về những vấn đề gì, ở mức độ nào… có phù hợp với lời khai của mình hay không, mình có bị bất lợi gì không hoặc ý định che giấu hành vi của người đồng phạm có bị những người tiến hành tố tụng phát hiện hay không? Để phòng ngừa việc bị can có thể phản cung, Kiểm sát viên cần chuẩn bị trước đề cương xét hỏi, sử dụng cách đặt câu hỏi thẳng, câu hỏi khẳng định, nhằm kiểm tra tính xác thực của thông tin và đặt các câu hỏi theo hướng để cho bị can này khai về hành vi phạm tội của bị can khác và ngược lại. Chú ý, khi hỏi xong vấn đề gì phải củng cố chặt chẽ trong bản cung rồi mới chuyển sang vấn đề khác. Sau khi kết thúc việc hỏi cung, nên cho bị can viết bản tự khai và tự mình viết xác nhận việc đã được đọc lại toàn bộ nội dung có trong biên bản rồi ký tên.
Ba là, Đối với trường hợp bị can có dấu hiệu nhận tội thay cho người khác, Kiểm sát viên cần phải chỉ ra được các mâu thuẫn có trong lời khai của các bị can để chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ sẽ phải sử dụng trong quá trình xét hỏi, như: Biên bản khám nghiệm hiện trường; giấy chứng thương; kết luận giám định, lời khai bị hại, người làm chứng; các tài liệu khác có liên quan đến nhân thân bị can, liên quan đến hành vi của bị can trước, trong, sau khi vụ án xảy ra … Theo đó, Kiểm sát viên có thể lựa chọn cách xét hỏi dẫn dắt vấn đề, để có thể phân tích, kiểm tra lời khai của bị can trong quá trình hỏi.
Bốn là, Đối với trường hợp bị can không nhận tội, tùy thuộc số lượng và chất lượng của các thông tin có trong các tài liệu điều tra đã thu thập, Kiểm sát viên lập kế hoạch xét hỏi cho phù hợp và đảm bảo đầy đủ nội dung cần phải hỏi. Theo đó, Kiểm sát viên nên lựa chọn cách đặt câu hỏi nhằm làm chi tiết hóa lời khai của bị can, đồng thời kết hợp với các thông tin có ý nghĩa đã được Kiểm sát viên chuẩn bị trước để đấu tranh, loại bỏ từng vấn đề gian dối, mâu thuẫn có trong lời khai chối tội của bị can trước đó.
Năm là, Khi gặp trường hợp người được hỏi khai khác với những nội dung đã được chuẩn bị (thay đổi lời khai), Kiểm sát viên cần phải bình tĩnh, lắng nghe họ trình bày hết các ý kiến rồi ghi lại những nội dung chính, đồng thời phải hỏi rõ lý do thay đổi lời khai. Ngay sau lần hỏi này, Kiểm sát viên phải tìm hiểu về nguyên nhân để có kế hoạch xét hỏi tiếp theo…
Sáu là, Quá trình tham gia xét hỏi, Kiểm sát viên phải luôn giữ được thái độ bình tĩnh và nghiêm túc, tuyệt đối không được có hành động, lời lẽ thể hiện sự bực bội, cáu gắt, thiếu chuẩn mực, xúc phạm người bị bắt, bị can, bị hại, người làm chứng. Trong khi xét hỏi, Kiểm sát viên cần quan sát thái độ người được hỏi xem họ có “tâm phục”, có trả lời đầy đủ các câu hỏi của mình hay không; Kiểm sát viên phải lựa chọn cách sử dụng câu, từ ngắn gọn, trọng tâm dễ hiểu. Sau mỗi khi hỏi xong, Kiểm sát viên nên tự mình rút kinh nghiệm bằng cách tự kiểm tra lại xem quá trình xét hỏi có khi nào phải dừng lại để giải thích nhiều lần cho người được hỏi về chính nội dung câu hỏi mà mình đã đặt ra hay không. Nếu để xảy ra tình trạng này, có nghĩa là cách thức đặt câu hỏi của Kiểm sát viên chưa đạt yêu cầu.
Như vậy, ở mỗi vụ án mà Kiểm sát viên tham gia xét hỏi, cho dù là thành công hay còn thiếu sót, hạn chế cũng sẽ là một bài học kinh nghiệm quý giá cần được chính Kiểm sát viên tự mình tích lũy, đúc kết lại. Quan trọng hơn cả, Kiểm sát viên phải tự thấy được những vấn đề còn hạn chế, thiếu sót của bản thân để mà khắc phục. Hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự là một trong các hoạt động cần được nâng lên thành “kỹ năng xét hỏi” của Kiểm sát viên. Do đó, đòi hỏi các Kiểm sát viên cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Cùng với việc nắm vững các quy định của pháp luật, Kiểm sát viên cần phải trau dồi, rèn luyện khả năng nói; khả năng ứng xử, giao tiếp; khả năng phán đoán, dự kiến tình huống; khả năng nhận biết, đoán được tâm lý của tội phạm cũng như những người tham gia tố tụng khác… có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chung của Ngành.
Lương Thị Thúy Dung, Phó Trưởng phòng 2 VKSND TP Hải Phòng