Một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự

[VPLUDVN] Trong phạm vi bài viết này, tác giả Nguyễn Nhật Hoàng Tân giới thiệu đến bạn đọc một số nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Kiểm sát số 06/2019.

Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (viết tắt là TTLT số 04/2018), gồm 39 điều, đã làm rõ các quy định về điều tra, truy tố, mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, tạo thuận lợi cho hai cơ quan này trong quá trình khởi tố, điều tra, giải quyết vụ án hình sự. Một số nội dung cơ bản của TTLT số 04/2018 cần lưu ý như sau:

Các quy định hướng dẫn cụ thể về khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 có những quy định mới về việc thu thập chứng cứ. Một trong những điểm mới đó là bổ sung trình tự mới để Viện kiểm sát thực hiện việc kiểm sát toàn bộ các tài liệu thu thập được, tránh những sai sót trong việc thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự.

Theo đó, Điều 34 TTLT số 04/2018 đã có một số quy định về chuyển, giao nhận biên bản, tài liệu trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015 như sau:

Về cách thức chuyển giao tài liệu:

Việc chuyển biên bản, tài liệu về hoạt động điều tra mà Viện kiểm sát không trực tiếp kiểm sát giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015 được chuyển giao trực tiếp hoặc được gửi bảo đảm qua dịch vụ bưu chính; trường hợp do trở ngại khách quan, Điều tra viên không thể chuyển giao biên bản, tài liệu cho Viện kiểm sát thì có thể chuyển giao bằng hình thức fax.

Việc giao nhận biên bản, tài liệu phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 BLTTHS năm 2015.

Việc xác định ngày chuyển, cách xử lý khi gửi bảo đảm qua dịch vụ bưu chính hoặc chuyển giao bằng hình thức fax được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 34 TTLT số 04/2018.

Về cách thức đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát:

Kiểm sát viên đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát (không phải đánh số bút lục) vào góc dưới bên phải của từng trang biên bản, tài liệu về hoạt động điều tra mà Viện kiểm sát không trực tiếp kiểm sát, biên bản, tài liệu điều tra để Viện kiểm sát kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án (điểm b khoản 1 Điều 35 TTLT số 04/2018) và đảm bảo Điều tra viên phải thống kê đầy đủ tên biên bản, tài liệu, ghi số thứ tự trong bản thống kê biên bản, tài liệu và đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra (nhưng chưa đánh số bút lục) vào góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu (điểm a khoản 1 Điều 35 TTLT số 04/2018). Ngoài ra, các biên bản, tài liệu do Kiểm sát viên thu thập trong quá trình điều tra trước khi chuyển cho Cơ quan điều tra cũng phải thực hiện việc đóng dấu bút lục như trên.

Tại Điều 13 TTLT số 04/2018 cũng quy định các trường hợp Kiểm sát viên không tham gia kiểm sát các hoạt động điều tra, thì sau khi kết thúc hoạt động điều tra, Điều tra viên phải chuyển biên bản, tài liệu về các hoạt động điều tra này cho Kiểm sát viên theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS gồm: Đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét.

Áp dụng một số biện pháp ngăn chặn

Áp dụng một số biện pháp ngăn chặn khi gia hạn thời hạn điều tra, gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố (Điều 23 TTLT số 04/2018):

Khi gia hạn thời hạn điều tra, gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố mà thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm của bị can đã hết thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra lệnh, quyết định mới. Cơ quan điều tra đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn đối với quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh và quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm trước khi thi hành. Thời hạn áp dụng các lệnh, quyết định mới của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đối với các bị can không quá thời hạn gia hạn điều tra, gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố.

Viện kiểm sát tiếp tục sử dụng lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra nếu thời hạn của Cơ quan điều tra vẫn còn mà bằng hoặc dài hơn thời hạn quyết định việc truy tố theo quy định tại khoản 1 Điều 240 BLTTHS năm 2015, mà xét thấy cần tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn đó.

Viện kiểm sát phải ra lệnh, quyết định mới nếu thời hạn của Cơ quan điều tra vẫn còn nhưng không đủ thời hạn để hoàn thành việc truy tố, mà xét thấy cần tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn đó (khoản 2 Điều 23 TTLT số 04/2018).

Về áp dụng đối với biện pháp bảo lĩnh, biện pháp đặt tiền để bảo đảm:

Trường hợp Cơ quan điều tra quyết định cho bị can được bảo lĩnh, cho bị can hoặc người thân thích của bị can được đặt tiền để bảo đảm, thì ngay sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh, áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, Cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ, tài liệu gửi Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị xét phê chuẩn (khoản 1 Điều 21, khoản 1 Điều 22 TTLT số 04/2018).

Khi có căn cứ xác định bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản 3 Điều 121, khoản 2 Điều 122 BLTTHS năm 2015, thì Cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo các tài liệu xác định vi phạm của bị can và đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ biện pháp bảo lĩnh, hủy bỏ biện pháp đặt tiền để bảo đảm. Cơ quan điều tra phải ra lệnh bắt bị can để tạm giam và có văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn; thời hạn tạm giam trong trường hợp này không được quá thời hạn điều tra vụ án (khoản 4 Điều 21, khoản 4 Điều 22 TTLT số 04/2018).

Trường hợp đã kết thúc điều tra, chuyển sang giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát thấy cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp bảo lĩnh, biện pháp đặt tiền để bảo đảm đối với bị can thì Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng các biện pháp này. Thời hạn bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm không quá thời hạn quyết định việc truy tố, tính từ ngày kế tiếp của ngày cuối cùng ghi trong quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh, biện pháp đặt tiền để bảo đảm của Cơ quan điều tra (khoản 6 Điều 21, khoản 6 Điều 22 TTLT số 04/2018).

Về áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp:

Việc ra quyết định tạm giữ người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được thực hiện trong thời hạn 12 giờ kể từ khi Cơ quan điều tra giữ người hoặc nhận người bị giữ (chưa cần có quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp của Viện kiểm sát). Quyết định tạm giữ người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được ra trước hoặc cùng với lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (khoản 3 Điều 15 TTLT số 04/2018).

Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Điều tra viên phải lập biên bản bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp tại cơ sở giam giữ. Người chứng kiến việc lập biên bản là cán bộ của cơ sở giam giữ (khoản 4 Điều 15 TTLT số 04/2018).

Về sự phối hợp giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên khi chuẩn bị kết thúc điều tra vụ án

Chậm nhất 10 ngày đối với vụ án ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, 15 ngày đối với vụ án rất nghiêm trọng, 20 ngày đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng trước khi kết thúc điều tra hoặc hết thời hạn điều tra vụ án, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp để đánh giá toàn bộ chứng cứ, tài liệu và các thủ tục tố tụng của vụ án, nếu thấy có đủ căn cứ kết thúc điều tra thì thống nhất để Điều tra viên báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra kết thúc điều tra vụ án; nếu thấy cần phải tiếp tục điều tra thì báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát để gia hạn thời hạn điều tra, tạm giam bị can theo quy định của BLTTHS (khoản 1 Điều 31 TTLT số 04/2018).

Điều tra viên, Kiểm sát viên phải lập biên bản thống nhất nội dung đánh giá chứng cứ, tài liệu và lưu hồ sơ nghiệp vụ của Cơ quan điều tra, hồ sơ kiểm sát (khoản 2 Điều 31 TTLT số 04/2018).

Tính thời hạn tố tụng trong trường hợp nhập vụ án hình sự, bị can phạm vào tội nặng hơn hoặc nhẹ hơn, khởi tố, điều tra bổ sung về một tội phạm khác

Trường hợp nhập vụ án hình sự để điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 170 BLTTHS năm 2015, thì thời hạn điều tra của vụ án và thời hạn tạm giam bị can được tính theo tội nặng nhất đã khởi tố. Thời hạn điều tra được tính từ ngày khởi tố vụ án đầu tiên (khoản 1 Điều 14 TTLT số 04/2018).

Trường hợp đang điều tra vụ án mà quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về một tội phạm khác, thì thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam được tính theo tội nặng nhất. Tổng thời hạn điều tra không vượt quá thời hạn quy định tại Điều 172 BLTTHS năm 2015; tổng thời hạn tạm giam theo quy định tại Điều 173 BLTTHS năm 2015 nhưng không vượt quá thời hạn điều tra (khoản 3 Điều 14 TTLT số 04/2018). Quy định này là điểm mới so với quy định tại TTLT số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005.

Trường hợp thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội nặng hơn sang tội nhẹ hơn hoặc xác định được hành vi của bị can phạm vào khoản có khung hình phạt nhẹ hơn trong cùng tội danh, thì thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam được tính theo tội nhẹ hơn. Ngay sau khi thay đổi quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát để xem xét, quyết định về việc áp dụng hoặc hủy bỏ, thay thế biện pháp ngăn chặn đối với bị can phù hợp với tội nhẹ hơn (khoản 4 Điều 14 TTLT số 04/2018).

Về thủ tục chuyển vụ án để điều tra, truy tố theo thẩm quyền

Tại khoản 1 Điều 29 TTLT số 04/2018 quy định: Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra, Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát cùng cấp để có văn bản gửi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền, kèm theo các tài liệu xác định thẩm quyền điều tra để trao đổi về việc chuyển hồ sơ vụ án để điều tra theo thẩm quyền. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trao đổi, Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra phải trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp để có văn bản trả lời. Tùy từng trường hợp, việc chuyển vụ án sẽ có hướng xử lý cụ thể./.

TCKS
Nguồn: kiemsat.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *