[VPLUDVN] Trong giai đoạn truy tố vụ án hình sự, khi phát hiện những mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng mà trong giai đoạn điều tra chưa được phát hiện hoặc làm rõ, sau khi đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng vẫn chưa giải quyết được mâu thuẫn, Kiểm sát viên sẽ tiến hành hoạt động đối chất để xác minh, làm rõ. Bài viết này dưới đây nêu một số lưu ý đối với Kiểm sát viên khi tiến hành hoạt động đối chất.
Trong giai đoạn truy tố của vụ án hình sự, hoạt động đối chất của Kiểm sát viên được quy định chi tiết, chặt chẽ tại Điều 189 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS). Ngoài ra, hoạt động này còn được quy định tại Khoản 3 Điều 236, Khoản 5 Điều 189, Khoản 2 Điều 12 Thông tư liên tịch số 04/2018 ngày 19/10/2018 của Liên ngành Trung ương Quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (sau đây gọi tắt là TTLT 04/2018); Khoản 4 Điều 52 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố được ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (sau đây gọi tắt là Quy chế 111).
Điều kiện tiến hành đối chất: Kiểm sát viên cần đảm bảo điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 189 là “đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn” để xác định điều kiện để thực hiện hoạt động đối chất; mặc dù Khoản 4 Điều 52 Quy chế 111 quy định “Khi đã yêu cầu đối chất mà Điều tra viên không thực hiện hoặc kết quả đối chất chưa rõ hoặc sau khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát đã nhận hồ sơ vụ án, nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng hoặc trường hợp cần thiết thì Kiểm sát viên tiến hành đối chất”.
Sự có mặt của Điều tra viên khi đối chất: BLTTHS không quy định Điều tra viên phải có mặt trong buổi đối chất do Kiểm sát viên tiến hành trong giai đoạn truy tố. Tuy nhiên theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 TTLT 04/2018 thì “Trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại khoản 3 Điều 236, khoản 1 Điều 246 Bộ luật Tố tụng hình sự mà thấy cần phối hợp với Cơ quan điều tra thì chậm nhất 24 giờ trước khi tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát thông báo cho Cơ quan điều tra thời gian, địa điểm tiến hành một số hoạt động điều tra để phân công Điều tra viên cùng phối hợp thực hiện; trường hợp Điều tra viên vắng mặt thì chậm nhất 02 giờ trước khi Kiểm sát viên tiến hành một số hoạt động điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên biết”.
Tuy nhiên, từ thực tiễn giải quyết vụ án hình sự cho thấy, trước khi tiến hành hoạt động đối chất, Kiểm sát viên nên phối hợp với Điều tra viên để cùng tham gia đối chất vì trong một số vụ án Kiểm sát viên không có điều kiện trực tiếp tham gia ghi lời khai bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nên khi có sự phối hợp với Điều tra viên, Kiểm sát viên có thể nắm bắt thông tin, tâm lý, thái độ khai báo của người tham gia đối chất cũng như việc mời họ tham gia đối chất nhanh chóng, kịp thời tránh việc phải mời nhiều lần ảnh hưởng đến thời gian truy tố.
Kiểm sát viên cần phải nghiên cứu kỹ hồ sơ trước khi tiến hành đối chất: Nhằm xác định chính xác các mâu thuẫn, nguyên nhân của những mâu thuẫn đó để có hướng giải quyết; lựa chọn các chứng cứ, tài liệu cần sử dụng khi đối chất; nghiên cứu đặc điểm tâm lý của những người tham gia đối chất … Khi đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên cần xây dựng kế hoạch đối chất cụ thể, rõ ràng, chuẩn bị các phương tiện để trình chiếu nếu chứng cứ là file ghi âm, hình ảnh thu giữ được từ camera tại hiện trường …
Thực tiễn cho thấy, cách đặt câu hỏi, định hướng người nào trả lời câu hỏi đối chất trước, người nào trả lời câu hỏi sau, việc đưa ra các tài liệu chứng cứ để đấu tranh là rất quan trọng, ngăn ngừa nguy cơ các bị can thông cung, thay đổi lời khai gây khó khăn cho quá trình truy tố.
Về trình tự tiến hành đối chất: Cần thực hiện đúng theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 189 BLTTHS. Lưu ý khi tiến hành đối chất nên sắp xếp vị trí ngồi cho những người tham gia đối chất phù hợp, đảm bảo an toàn, tránh việc người tham gia đối chất xâm phạm đến sức khỏe của nhau. Trường hợp tiến hành đối chất trong Nhà tạm giữ cần mời Cán bộ quản giáo chứng kiến. Nhằm đảm bảo tính khách quan; đồng thời cán bộ quản giáo sẽ có sự quan sát tránh việc bị can có cử chỉ, ánh mắt đe dọa người tham gia đối chất khi Kiểm sát viên ghi biên bản.
Việc ghi biên bản đối chất: Thực hiện theo đúng mẫu số 127 ban hành kèm theo quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao. Biên bản đối chất phải được đưa vào hồ sơ vụ án, hồ sơ kiểm sát theo quy định.
Khi tiến hành đối chất tại Nhà tạm giữ thì Kiểm sát viên nên thực hiện việc ghi âm, ghi hình. Việc ghi âm ghi hình cần đảm bảo đúng trình tự theo quy trình được ban hành kèm theo Quyết định 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao. Khi ghi biên bản đối chất, Kiểm sát viên không nên vừa đặt câu hỏi vừa ghi biên bản mà nên đặt cho người tham gia tố tụng lần lượt trả lời hết các câu hỏi, sau đó đưa ra các tài liệu chứng cứ Kiểm sát viên đã chuẩn bị để đấu tranh, khi làm rõ các vấn đề Kiểm sát viên mới chốt lại từng câu hỏi để ghi vào biên bản. Điều này sẽ giúp biên bản có tính tổng hợp cao, thứ hai việc đặt câu hỏi liên tục sẽ không tạo khoảng trống về thời gian để bị can, người tham gia đối chất suy nghĩ tìm cách đối phó, khai báo gian dối.
Sau khi đối chất, Kiểm sát viên cần nghiên cứu đánh giá biên bản đối chất đã giải quyết được những vấn đề gì, đánh giá tổng hợp với những chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án để báo cáo đề nghị truy tố hoặc báo cáo Lãnh đạo viện tiếp tục các hoạt động tiếp theo nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ quyết định việc truy tố.