Theo quy định tại Điều 66 của BLHS năm 2015, tha tù trước thời hạn có điều kiện được áp dụng cho người đang chấp hành án phạt tù thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, quá trình cải tạo có nhiều tiến bộ, đã chấp hành án được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì được xem xét, đề nghị tha tù trước thời hạn. Việc tha tù trước thời hạn có điều kiện chính là việc người bị kết án phạt tù được chuyển hình thức chấp hành hình phạt từ hình thức chấp hành án tại các cơ sở giam giữ sang chấp hành án tại cộng đồng song phải thực hiện các nghĩa vụ và chấp hành pháp luật trong suốt thời gian thử thách.
Để thực hiện chế định mới về tha tù trước thời hạn có điều kiện, trong thời gian qua, các bộ ngành trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện như: Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/02/2018 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TANDTC, VKSNDTC quy định phối hợp thực hiện quy định của BLTTHS năm 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện; Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC Hướng dẫn áp dụng Điều 66, Điều 106 của BLHS năm 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện… tạo điều kiện cho các cơ quan có chức năng nhiệm vụ áp dụng thực hiện công tác tha tù trước thời hạn có điều kiện đảm bảo đúng chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện công tác tha tù trước thời hạn có điều kiện chúng tôi thấy thực tiễn áp dụng các quy định này còn có một số vướng mắc, bất cập như sau:
1. Theo quy định tại khoản 4 Điều 66 BLHS năm 2015 “4. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên trong thời gian thử thách, thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành”; khoản 10 Điều 368 BLTTHS năm 2015 quy định “10. Trường hợp người được tha tù trước thời hạn vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 66 của Bộ luật hình sự thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được tha tù trước thời hạn về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó phải lập hồ sơ chuyển đến Viện kiểm sát và Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện để xem xét, hủy quyết định đã ban hành và buộc người đó phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành”.
Vấn đề đặt ra là “Phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành” trong các quy định nêu trên được hiểu như thế nào?
Ví dụ: Ngày 4/8/2020 Đinh Võ H. được Tòa án quân sự Quân khu X, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, thời gian thử thách của Đinh Võ H. là 08 tháng 10 ngày; giao UBND phường PT, quận PN, thành phố H có trách nhiệm giám sát, giáo dục Đinh Võ H. Sau khi nhận quyết định tha tù trước thời hạn, H. đã không đến UBND phường PT trình diện theo quy định, nên ngày 12/8/2020 UBND phường PT đã triệu tập H. lên làm việc và lập Biên bản vi phạm nghĩa vụ lần 1. Ngày 15/9/2020 H. lại tiếp tục vi phạm nghĩa vụ đi khỏi nơi cư trú không xin phép, ngày 01/10/2020 UBND phường PT triệu tập H. lên làm việc và lập Biên bản vi phạm nghĩa vụ lần 2. Sau đó Cơ quan thi hành án hình sự Công an quận PN lập hồ sơ vi phạm nghĩa vụ, kèm văn bản gửi Tòa án quân sự Quân khu X đề nghị hủy quyết định tha tù trước thơi hạn có điều kiện đối với Đinh Võ H.
Qua ví dụ nêu trên, hiện nay có hai quan điểm khác nhau xác định “phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành”:
– Quan điểm thứ nhất: Xác định phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành được tính từ ngày lập Biên bản vi phạm nghĩa vụ trở đi là ngày 12/8/2020, đây là cơ sở để xác định người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ.
– Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả): Việc người chấp hành án phạt có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 66 BLHS năm 2015, có thể được Tòa án xem xét, tha tù trước thời hạn đối với phần hình phạt tù còn lại (nhẽ ra bị cáo phải chấp hành trong trại giam, trại tạm giam). Đồng thời khi đã được Tòa án quyết định tha tù trước thời hạn, người được tha tù trước thời hạn sẽ được giao cho UBND xã, phường nơi cư trú thực hiện việc giám sát, giáo dục trong suốt thời gian thử thách, thông qua việc thực hiện các nghĩa vụ và chấp hành pháp luật.
Trường hợp người được tha tù trước thời hạn cố tình vi phạm nghĩa vụ 2 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 2 lần trở lên theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì có thể bị Tòa án hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành. Quy định này thể hiện rõ ràng về chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật của mọi công dân. Do đó trong suốt quá trình thử thách buộc người được tha tù trước thời hạn phải thể hiện được sự tiến bộ thông qua việc chấp hành các nghĩa vụ của mình đã cam kết, nếu vi phạm các nghĩa vụ ở bất kể thời điểm nào trong thời gian thử thách thì đều phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành, chính là phần thời gian thử thách ghi trong quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án, là 08 tháng 10 ngày như ví dụ đã nêu.
2. Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trước khi phạm tội không do quân đội trực tiếp quản lý hoặc do quân đội quản lý, giám sát và giáo dục nhưng sau đó không còn phục vụ trong quân đội nữa, thì việc lập hồ sơ thi hành quyết định do Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện lập, giao cho UBND cấp xã nơi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú giám sát, giáo dục, đồng thời VKSND sẽ kiểm sát việc thuân theo pháp luật đối với các trường hợp này. Nhưng khi thành lập Hội đồng phiên họp của TAQS cấp Quân khu xét hủy Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, thì VKSQS hay VKSND, cũng như Cơ quan thi hành hình sự Quân khu hay Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện sẽ tham gia phiên họp? Đây là những vấn đề chưa được quy định cụ thể, chi tiết trong luật cũng như văn bản hướng dẫn dưới luật dẫn đến quá trình áp dụng pháp luật còn lúng túng, chưa thống nhất.
Theo quan điểm của tác giả, đối với trường hợp nêu trên, khi người được tha tù trước thời hạn vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử trách, dẫn đến việc phải xem xét hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm lập hồ sơ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm, kèm văn bản chuyển hồ sơ đến cơ quan Thi hành án hình sự cấp Quân khu nơi đã lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn cho phạm nhân để nghiên cứu (đồng thời sẽ tham gia phiên họp xét hủy quyết định), đồng thời chuyển hồ sơ đến VKSQS Quân khu và TAQS Quân khu đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện để xem xét, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đã ban hành và buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù còn lại chưa chấp hành. Như vậy, mặc dù trong trường hợp này VKSND, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện không tham gia phiên họp xét hủy Quyết định tha tù trước thời hạn của TAQS cấp Quân khu là phù hợp mà vẫn đảm bảo nguyên tắc cơ bản quy định trong BLTTHS về trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Trên đây là một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các quy định về giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện, thiết nghĩ cần có văn bản hướng dẫn theo quan điểm của tác giả để tạo điều kiện thi hành thống nhất trong thực tiễn./.
Nguồn: Tapchitoaan.vn