[VPLUDVN] Đối với vụ án cụ thể dưới đây, tác giả Lường Văn Thum nêu những quan điểm khác nhau trong việc xác định tội danh. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc để có ý kiến trao đổi.
TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ ÁN
Buổi tối ngày 07/9/2019, nhóm ba người Q (sinh 1996), P (sinh 2005- học sinh trường THCS huyện N), K (sinh 2001- học sinh Trường THPT huyện N) cùng tham gia uống rượu, đến khoảng 22 giờ thì Q đi về trước, khi về đến một quán nước bên đường thì gặp Nguyễn Văn V, T, H (đều là học sinh Trường THPT huyện N) đang mua nước uống, thấy vậy Q hỏi “các anh ở đâu đến” thì T trả lời “chúng em học sinh trường cấp 3 dưới này”; Q liền dùng tay tát V, T, H, nhưng H tránh được nên không trúng H, sau đó H dùng xe mô tô chở V, T đi về trường. Một lúc sau P và K về đến, Q nói với P và K là “Tao vừa bị mấy thằng học sinh cấp 3 đánh”, P bảo “thế thì đuổi đánh”, nghe thấy vậy nên K đi xe máy về phía Trường THPT huyện N trước để tìm V, T, H yêu cầu ra xin lỗi Q, còn P chở Q đi theo phía sau.
Khi K đi đến trước cổng khu nội trú Trường THPT huyện N thì thấy V và T; K bảo V, T ra xin lỗi Q, khi V và T đi ra ngoài cổng trường để xin lỗi thì lúc đó P chở Q đi đến nơi, V chưa kịp xin lỗi thì bị Q tát 01 phát vào mặt, T bị P dùng mũ bảo hiểm đánh vào má bên trái 01 phát; V và T chạy vào trong ký túc xá của trường. Q bảo P “mày về lấy đồ đi”, P đi xe máy về nhà lấy 01 con dao nhọn dài 49cm (lưỡi dài 34,4cm, rộng 2cm). Khi quay lại P thấy Q đang đứng ở ngoài cổng, tay cầm 01 con dao nhọn loại gọt hoa quả dài 26,5cm (lưỡi dài 15cm, rộng 2,5cm) đang chửi bới, thách thức các học sinh trong trường ra đánh nhau.
Đến khoảng 23 giờ 00 phút, Q rủ P trèo cổng vào trong ký túc xá của trường Trường THPT huyện N. Q cầm dao trèo vào trước, P cầm dao trèo vào sau, khi vào trong sân trường, P bị một số học sinh chửi và thách thức đánh nhau nên P ném con dao về phía một số học sinh trên nhưng không trúng ai, sau đó bị một số học sinh đuổi đánh nên P chạy ra phía ngoài cổng trường. Còn Q tiếp tục đi vào các phòng ở của học sinh trong ký túc xá, tay cầm dao liên tục đe dọa, thách thức như “Có phải mày không”; “Thằng nào muốn đánh nhau thì vào đây, tao vừa đi tù về tao không sợ chết” và cầm dao chỉ vào một số người. Lúc sau Q bị một học sinh ném cán chổi vào sau lưng nhưng không trúng, Q quay ra cầm dao chỉ về nhóm học sinh tiếp tục de dọa, thách thức, lúc này các học sinh trong ký túc xá thức dậy, ra xem, trong đó có S cầm sẵn cọc mắc màn loại hình trụ tròn có đường kính 1,5cm, dài từ 84cm đến 85cm đi theo, sau đó Q đuổi nhóm học sinh ra trước sảnh và phía trước sân ký túc xá. Tại khu vực này, Q dùng cán chổi đánh 01 phát vào lưng của một học sinh, thấy vậy S giật lấy cọc mắc màn từ tay N (đứng gần Q) vụt 01 phát vào cánh tay phải của Q, làm con dao rơi xuống sân, S tiếp tục vụt 01 phát vào lưng của Q, ngay sau đó nhóm học sinh khu vực trên sân và trong ký túc xá cùng xông vào đánh Q đến khi Q ngã nằm trên sân bê tông.
Đối với V khi thấy Q cầm dao vào trong trường đe dọa, thách thức, nghĩ rằng Q tiếp tục tìm mình để đánh, V sợ nên cầm 01 cọc màn chạy từ trên tầng 2 ký túc xá xuống tầng 1, gặp Q cầm dao đi vào nên anh V chạy vào 1 phòng ở tầng 1 của ký túc xá lấy thêm một cọc mắc màn chạy ra thì gặp Q chỉ dao về phía mình, V cầm gậy chạy quay lại vòng ra phía sau ký túc xá, quá trình chạy V bị vấp vào cột dây phơi quần áo nên bị ngã làm rơi hai chiếc gậy cầm theo, V không kịp nhặt, tiếp tục đứng dậy chạy, sau đó nhảy qua tường sang phía sau khu trường bên cạnh, là trường nội trú của huyện N đang xây dựng, sau khi nhảy qua tường V chạy được khoảng 90m thì quay lại về hướng tường ngăn cách giữa hai trường, chạy được khoảng 30m thì đến khu vực công trường xây dựng, tại vị trí này V nhặt 01 gậy gỗ (dạng cốt pha) có chiều dài khoảng 80-100cm, rộng khoảng 5cm, dày khoảng 2cm, với ý định nếu Q đuổi kịp thì sẽ dùng gậy đánh lại. V cầm gậy chạy quay về hướng tường ngăn giữa hai trường, lúc này Q bị nhóm học sinh đánh nằm trên sân, V trèo qua tường thấy Q bị đánh nằm trên sân trong tư thế nằm úp má bên trái xuống sân, hai tay buông xuôi, V chạy đến đứng bên hông trái của Q cầm gậy gỗ vụt 01 phát nhằm vào cùng cổ, vai bên phải của Q. Khi V vụt gậy xuống thì đúng lúc Q cựa quậy, ngẩng đầu lên sang bên phải nên phát vụt của V trúng vào vùng đầu phía sau bên phải của Q, V dùng chân phải đạp vào lưng trái của Q; sau đó V tiếp tục dùng gậy vụt 01 phát vào vùng cổ phía sau của Q và dùng chân phải đạp 01 phát vào chân phải của Q, rồi cầm gậy đi về phía trước lan can ký túc xá vụt gậy vào lan can làm gậy bị gẫy và vứt lại ở đó.
Hậu quả: Q bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu, điều trị tại bệnh viện, 3 ngày sau thì tử vong. Nguyên nhân tử vong theo kết luận giám định pháp y là do Chấn thương sọ não kín/ Vỡ vòm sọ, nền sọ; Cơ chế: Ngoại lực tác động dẫn đến vỡ vòm sọ, nền sọ dẫn đến tụ máu màng mềm hai bên bán cầu đại não.
Kết luận giám định về cơ chế hình thành thương tích: Tổn thương sưng nề, sây sát da, tụ máu, rách da vùng thái dương – đỉnh – chẩm phải kèm vỡ nhiều đường xương hộp sọ, xuất huyết màng mềm lan tỏa là tập hợp các tổn thương hình thành do tác động trực tiếp của vật tày, vật tày có cạnh gây nên. Yếu tố liên quan đến nguyên nhân chết: Các tác động vào vùng thái dương – đỉnh – chẩm phải là nguyên nhân gây vỡ xương sọ, xuất huyết màng mềm lan tỏa, phù não dẫn đến tử vong.
QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ ÁN
Kết quả điều tra xác định 36 đối tượng đều là học sinh của Trường THPT huyện N, tỉnh L khai nhận có hành vi tham gia đánh anh Q (có 3 đối tượng trên 18 tuổi, 03 đối tượng từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, còn lại 30 đối tượng từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi). Trong đó có 05 đối tượng khai dùng gậy sắt (cọc mắc màn); 02 đối tượng sử dụng gậy gỗ; 01 đối tượng sử dụng dép để đánh; 28 đối tượng khai nhận dùng tay, chân để đấm, đá đạp.
Qúa trình điều tra cũng xác định được 3 đối tượng khai nhận đánh vào vùng đầu của Q, gồm: anh C, Th khai nhận dùng tay đấm trúng vào vùng đầu phía sau bên phải của Q; còn anh V thì dung gậy gỗ đánh trúng vào vùng đầu phía sau bên phải của Q, các chứng cứ cũng xác định được V là người tham gia đánh cuối cùng khi Q đã bị đánh nằm trên sân.
Do vậy, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
QUAN ĐIỂM GIẢI QUYẾt VỤ ÁN
Đối với hành vi của V:
Quan điểm thứ nhất: Xuất phát từ hành vi trái pháp luật của Q vô cớ đánh V ở ngoài trường, sau đó tiếp tục vào đe dọa thách thức học sinh trong trường, nên anh V sợ và chạy trốn, quá trình chạy cho thấy diễn biến tâm lý bị hoảng loạn, không kiểm soát được hành vi của mình nên khi thấy anh Q bị đánh nằm trên sân, anh V đã tham gia đánh, cùng với tâm ý lứa tuổi vị thành niên nên anh V dễ bị kích động, do đó có căn cứ xác định V tham gia đánh Q trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, nên hành vi cấu thành tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái, tinh thần bị kích động mạnh” theo điểm b, khoản 2, Điều 135 Bộ luật Hình sự. Do đó phải thay đổi Quyết định khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích theo khoản 4, Điều 134 bằng Quyết định khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh theo điểm b, khoản 2, Điều 135 Bộ luật Hình sự để xử lý đối với V.
Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả bài viết: Trên cơ sở diễn biến của vụ án, xét về trạng thái tâm lý, lứa tuổi cho thấy hành vi của anh V được thực hiện trong trạng thái tinh thần bị kích động. Tuy nhiên, xét về thời điểm từ khi các đối tượng khác bắt đầu đánh anh Q bị ngã nằm trên sân đến khi V nhìn thấy Q bị đánh nằm trên sân và tham gia đánh thì có một khoảng thời gian nhất định đủ để V lựa chọn hành vi khác, bên cạnh đó, thời điểm V tham gia đánh thì lúc đó Q đã bị các đối tượng khác đánh nằm úp trên sân và không có khả năng chống cự, hành vi của V hoàn toàn thực hiện với lỗi cố ý. Do vậy, mặc dù hành vi của V được thực hiện trong trạng thái tinh thần bị kích động, nhưng vẫn là hành cố ý gây thương tích theo quy định điểm a khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự, yếu tố tinh thần bị kích động là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS.
Quan điểm thứ 3: Hành vi của 36 đối tượng đều cấu thành tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái, tinh thần bị kích động mạnh” theo điểm b, khoản 2, Điều 135 Bộ luật Hình sự, như vậy thì mới giải quyết được toàn diện vụ án, bảo đảm xử lý được tất cả 36 đối tượng.
Đối với hành vi của 35 đối tượng còn lại:
Không có mâu thuẫn, không có mối quan hệ quan biết trước đó đối với anh Q, việc tham gia đánh Q xuất phát từ sự bức xúc về việc Q có hành vi đe dọa, thách thức đánh nhau đối với học sinh trong trường, mặc dù không có sự bàn bạc, thống nhất trước khi hành động, nhưng ngay sau khi anh S dùng gậy sắt vụt vào tay làm rơi dao của Q thì các đối tượng đều xông vào đánh với mức độ khác nhau và đều với mục đích đánh gây thương tích cho Q. Hành vi của các đối tượng là có sự tiếp nhận ý chí của nhau một cách bột phát và thực hiện với lỗi cố ý, nên hành vi của các đối tượng là có tính chất đồng phạm giản đơn, có dấu hiệu tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự, tuy nhiên kết quả điều tra không chứng minh được hành vi của các đối tượng này phù hợp với nguyên nhân chết của anh Q theo như kết luận giám định. Vì Q đã chết nên Cơ quan giám định không xác định tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe đối với các vết thương trên cơ thể của Q nên không có căn cứ để xử lý về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Do đó hiện tại chỉ có thể chuyển xử lý hành chính đối với các đối tượng.
Trên đây là một số quan điểm về việc giải quyết vụ án, rất mong các đồng nghiệp và bạn đọc có ý kiến trao đổi./.