[VPLUDVN] Đối với vụ án cụ thể dưới đây, tác giả Vàng Văn Vượng nêu những quan điểm khác nhau và quan điểm của mình trong việc xác định tội danh. Đây là vụ án có vướng mắc trong việc xác định tỷ lệ thương tật làm căn cứ để cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong trường hợp người bị hại bị gây thương tích bởi nhiều người trong một vụ án.
Nội dung vụ án.
Khoảng 22 giờ ngày 07/9/2019, Trần Văn X và Nguyễn Văn T đang “nhậu” ở quán của bà Lê Thị A. Trong trạng thái say rượu X và T gặp M và N đang mua thuốc lá ở quán bà A. X hỏi M và N: chúng mày ở đâu đến đây? M nói: Chúng em sinh viên trường Cao đẳng R trên kia. Sau đó X vô cớ tát vào mặt M khiến M bị đau, X còn chửi bới, xúc phạm M và N. Sự việc được mọi người can ngăn, M và N rời quán bà A đi về trường. Sau đó cả X và T đi xe vào ký túc xá của trường Cao đẳng R tìm M, khi đến gần cổng X xuống xe xông vào dùng tay tát M 02 phát, dùng mũ bảo hiểm đánh nhưng trượt. M và N về phòng. X và T vẫn không bỏ về, X bảo T chạy về nhà lấy “đồ” (đồ ở đây là con dao) rồi cả hai trèo cổng vào, gây rối, đe dọa thách thức đánh nhau. Thấy vậy, cả nhóm học sinh gồm khoảng 15 sinh viên (trong đó có cả M) xuống đánh X, sự việc sau đó được bảo vệ trường phát hiện, gọi xe cấp cứu, trên đường đưa đi cấp cứu X đã tử vong. Tại kết quả giám định của Trung tâm pháp y tỉnh B kết luận: nguyên nhân gây tử vong do tác động của vật có cạnh, chấn thương sọ não, xuất huyết não, phù não dẫn đến tử vong.
Quá trình điều tra, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường xác định được M là đối tượng sử dụng gạch đập vào vùng phía sau đầu của X. Cơ quan điều tra đã củng cố lời khai, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Đối với 14 đối tượng còn lại (có 08 người dùng chân đạp, 06 người dùng tay đấm từ 01 phát đến 02 phát). Cơ quan điều tra yêu cầu giám định tỷ lệ phần trăm từng tổn thương trên cơ thể bị hại. Tuy nhiên, phía Trung tâm pháp y từ chối giám định với lý do không có cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học để xác định tỷ lệ tổn thương trên cơ thể bị hại đối với các tổn thương khác, vì tổn thương vỡ xương sọ, xuất huyết não, phù não dẫn đến tử vong (là nguyên nhân chết đã tương ứng 100% tổn thương cơ thể).
Xung quanh vấn đề này có 02 quan điểm khác nhau về việc xác định tội danh
Quan điểm một: Hành vi của 15 đối tượng đã đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý gây thương tích, trong đó được xác định hành vi của M là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho X. Còn 14 đối tượng còn lại (dùng chân đạp, tay đấm…) là đồng phạm đơn giản về tội Cố ý gây thương thích theo điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS 2015.
Quan điểm hai: Truy tố M về tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo điểm b khoản 2 Điều 135 BLHS 2015 vì hành vi của M là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho bị hại. Còn đối với 14 đối tượng còn lại, do bị hại đã chết, không xác định được tỷ lệ từng tổn thương trên cơ thể nên không đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích, chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính.
Quan điểm của tác giả
Đồng tình với quan điểm thứ hai, xác định M phạm tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo điểm b khoản 2 Điều 135 BLHS 2015, căn cứ vào các dấu hiệu cơ bản, đặc trưng của hành vi phạm tội như sau:
“Trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” là dấu hiệu cơ bản của tội này. Trạng thái tinh thần của người phạm tội phải ở dạng “bất bình thường”, là sự biến đổi theo chiều hướng tiêu cực ở dạng “bị kích động mạnh” dẫn đến không làm chủ được hành vi, lời nói và hành động của mình. Người phạm tội ở trạng thái này lý trí sẽ không kiểm soát được hành vi phạm tội xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Việc đánh giá mức độ tinh thần bị kích động mạnh hay chưa đủ mạnh là một vấn đề phức tạp. Bởi vì trạng thái tâm lý của mỗi người khác nhau, cùng một sự việc nhưng người này xử sự khác người kia; có người bị kích động về tinh thần, thậm chí “điên lên”, nhưng cũng có người vẫn bình thường, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra; cách xử sự của mỗi người cũng rất khác nhau.
Nạn nhân có lỗi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội là dấu hiệu thứ hai của tội này. Lỗi vi phạm nghiêm trọng đã thực hiện của người bị hại có thể là một hoặc nhiều hành vi cụ thể, nhưng phải có mối quan hệ nhân quả với hành vi phạm tội của người phạm tội, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi phạm tội của bị can.
Trong vụ án nêu trên, bị hại Trần Văn X là người có lỗi trước với bị can M. Ban đầu, hành vi của X tát 01 phát vào mặt của M đã gây thương tích nhẹ cho M, không những không xin lỗi mà còn mắng chửi M. Đến khi bị tát lần thứ hai ở trường, tinh thần của M bị kích động mạnh do chuỗi hành vi của X gây ra, đã xâm phạm đến sức khỏe của M. Trạng thái của M diễn ra từ bực bội, bực tức, rồi căm giận do bị đánh, không kiểm soát được hành vi của mình, dẫn đến việc sử dụng gạch để đánh vào đầu của X.
Với các phân tích trên đây, tác giả cho rằng có đủ căn cứ xác định M phạm tội: “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo điểm b khoản 2 Điều 135 BLHS 2015.
Còn đối với 14 người còn lại, vấn đề này còn nhiều quan điểm. Bởi lẽ, việc không xác định được tỷ lệ từng tổn thương trên cơ thể bị hại, mặc dù đã trưng cầu giám định nhưng vẫn không phân hóa được trách nhiệm hình sự đối với nhóm đối tượng này.
Trên đây là tình huống pháp lý và quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự quan tâm, trao đổi ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc.