TANDTC: Giải đáp vướng mắc tại Công văn số 87/1999/KHXX ngày 6/8/1999 về thẩm quyền và thủ tục giải quyết việc tuyên bố một người là đã chết

Sau khi nghiên cứu Công văn số 176/TA ngày 15-6-1999 và tài liệu gửi kèm theo Công văn của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh hỏi về thủ tục giải quyết việc tuyên bố một người là đã chết, Toà án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:

Đối với trường hợp quý Toà nêu trong Công văn số 176/TA ngày 15-6-1999 và tài liệu gửi kèm theo thì Toà án phải tách yêu cầu của bà Trần Thị Lý thành hai vụ kiện riêng biệt, bởi vì việc tuyên bố một người là đã chết là việc xác định một sự kiện pháp lý nên phải được giải quyết riêng.

1) Về thẩm quyền và thủ tục giải quyết việc tuyên bố một người đã chết:

Theo hướng dẫn tại Mục III Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự”, thì Toà án có thẩm quyền giải quyết việc tuyên bố một người là đã chết là “Toà án cấp huyện nơi thường trú của người khởi kiện hoặc nơi thường trú cuối cùng của người mà người khởi kiện yêu cầu Toà án xác định là đã chết” (Khoản 1 Mục III Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19-10-1990). Trong trường hợp cụ thể của quý Toà nêu tại Công văn số 176/TA ngày 15-6-1999, thì Toà án nhân dân huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh có thẩm quyền giải quyết việc tuyên bố chị Trần Thị Minh là người đã chết.

(Đề nghị quý Toà xem Cuốn Các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng; năm 1992; trang 293).

Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Mục IV Công văn số 16/1999/KHXX ngày 1-2-1999 của Toà án nhân dân tối cao “Giải đáp một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng” (câu 23), thì Toà án cần lưu ý: “Việc tuyên bố mất tích, tuyên bố một người là đã chết là việc xác định một sự kiện pháp lý nên không thể coi người mà người có yêu cầu tuyên bố mất tích, tuyên bố là đã chết là bị đơn”. Sau khi ra quyết định tuyên bố chị Trần Thị Minh là đã chết mà không có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, thì Toà án cần hướng dẫn cho bà Trần Thị Lý mang quyết định của Toà án đến Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký khai tử theo quy định tại Điều 63 Bộ luật Dân sự.

2) Đối với yêu cầu của bà Trần Thị Lý về việc giải quyết chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước cho chị Trần Thị Minh sau khi bị Toà án tuyên bố là đã chết.

Việc giải quyết chế độ chính sách cho chị Trần Thị Minh sau khi Toà án ra quyết định tuyên bố là đã chết thuộc thẩm quyền của Công ty 475 (thuộc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4) theo chính sách bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp Công ty 475 không giải quyết hoặc tuy có giải quyết nhưng bà Trần Thị Lý không đồng ý và yêu cầu Toà án giải quyết, thì Toà án thụ lý để giải quyết theo thủ tục chung.

Trên đây là trao đổi về thủ tục giải quyết việc tuyên bố một người là đã chết của Toà án nhân dân tối cao để Toà án Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu và hướng dẫn cho Toà án cấp huyện giải quyết tốt loại việc này.

Trịnh Hồng Dương

(Đã ký)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *