TANDTC: Công văn 55/TANDTC-PC ngày 20/03/2018 về tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành.

Ngày 03-10-2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 04/2017/CT-TA về việc tăng cường công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân, với Mục tiêu nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác hòa giải trong tố tụng dân sự. Đến ngày 22-01-2018, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Kế hoạch số 11/KH-TANDTC triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại Hải Phòng; tiến tới xây dựng Đề án tổng thể về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính.

Để thống nhất các tiêu chí xác định hòa giải thành, đối thoại thành trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:

1. Nguyên tắc chung về xác định hòa giải thành, đối thoại thành trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính

1.1. Sau khi thụ lý vụ án dân sự, vụ án hành chính, Thẩm phán tiến hành hòa giải, đối thoại mà sau khi hòa giải, đối thoại, người khởi kiện rút đơn khởi kiện hoặc các đương sự thống nhất được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án nên Tòa án không phải đưa vụ án ra xét xử thì được xác định là hòa giải thành, đối thoại thành.

1.2. Sau khi thụ lý việc dân sự về yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, Thẩm phán tiến hành hòa giải mà sau khi hòa giải, vợ chồng đoàn tụ thì được xác định là hòa giải thành.

1.3. Các trường hợp cụ thể để tính vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành như hướng dẫn tại Mục 2 dưới đây.

2. Cách tính vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành

2.1. Vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây được tính là vụ việc hòa giải thành

a) Các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án; Thm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 và Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

b) Sau khi hòa giải, nguyên đơn rút đơn khởi kiện; Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; dân sự với lý do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà sau khi hòa giải, vợ chồng thống nhất đoàn tụ cũng được xác định là trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện (theo hướng dẫn tại Mục 4 Phần II Giải đáp số 01/2018/TANDTC-GĐ ngày 05-01-2018 của Tòa án nhân dân tối cao).

c) Vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn được Thẩm phán tiến hành hòa giải mà sau khi hòa giải, vợ, chồng không đoàn tụ nhưng thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản chung; Tòa án quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại các Điều 212, 213 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

d) Việc dân sự về yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ; Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu theo quy định tại Khoản 3 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

2.2. Vụ án hành chính thuộc một trong các trường hợp sau đây được xác định là vụ việc đi thoại thành

a) Trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện; Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Khoản 2 Điều 140 Luật Tố tụng hành chính năm 2015;

b) Trường hợp sau khi đối thoại, người bị kiện ban hành quyết định hành chính mới hoặc thông báo về việc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện rút đơn khởi kiện như đã cam kết tại phiên họp đối thoại; Tòa án ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Khoản 3 Điều 140 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

Trên đây là hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về tiêu chí xác định hòa giải thành, đối thoại thành trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc đề xuất, kiến nghị thì phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung kịp thời.

KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN

Nguyễn Trí Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *