[VPLUDVN] Quyền kháng cáo bản án sơ thẩm là quyền cơ bản của đương sự, để tạo điều kiện cho đương sự có thể thực hiện quyền kháng cáo, BLTTDS còn quy định về thủ tục “kháng cáo quá hạn”. Tuy nhiên, do chưa quy định cụ thể về “Thời hạn kháng cáo quá hạn” nên trên thực tế quy định này dễ bị lợi dụng bởi những đương sự cố tình không chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp lu
1. Quyền kháng cáo quá hạn của đương sự và các trường hợp kháng cáo quá hạn.
Theo Điều 273 của BLTTDS 2015 về “Thời hạn kháng cáo” có quy định về thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án[1] và thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày[2]. Nếu trong thời hạn này mà đương sự không thực hiện quyền kháng cáo của mình mà sau thời hạn đó mới thực hiện quyền kháng cáo thì thuộc trường hợp kháng cáo quá hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 275 của BLTTDS 2015. Thực tiễn áp dụng quy định này sẽ nảy sinh một số trường hợp sau đây:
Trường hợp thứ nhất, bản án sơ thẩm đã hết thời hạn kháng cáo nhưng chưa hết thời hạn kháng nghị (còn trong thời hạn 30 ngày) hoặc đã hết thời hạn kháng nghị nhưng chưa được thi hành án (đã quá 30 ngày) và có đương sự kháng cáo quá hạn bản án sơ thẩm.
Ví dụ: Hết thời hạn kháng cáo hoặc hết thời hạn 01 tháng[3], Tòa án cấp sơ thẩm (và kể cả Tòa án cấp phúc thẩm) không nhận được bất kỳ đơn kháng cáo nào của đương sự, kháng nghị của Viện trưởng VKSND (cùng cấp và cấp trên trực tiếp) và theo đúng quy định thì bản án sơ thẩm có hiệu lực thi hành nhưng đương sự/người được thi hành án chưa làm đơn yêu cầu thi hành án ngay nên cơ quan thi hành án chưa tiến hành các thủ tục thi hành án. Đến khoảng 03 tháng, sau khi hết thời hạn kháng cáo/kháng nghị, đương sự (người phải thi hành án) đến Tòa án cấp sơ thẩm nộp đơn kháng cáo, sau khi nhận đơn kháng cáo thì Tòa án cấp sơ thẩm nhận thấy việc kháng cáo này thuộc trường hợp kháng cáo quá hạn và yêu cầu đương sự tường trình việc kháng cáo quá hạn, nêu rõ lý do của việc kháng cáo quá hạn[4]. Đương sự chấp hành và thực hiện như yêu cầu, Tòa án tiến hành thủ tục mở phiên họp xét kháng cáo quá hạn.
Giả sử, trường hợp kháng cáo quá hạn nêu trên không phải rơi vào trường hợp bất khả kháng mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ họ (người phải thi hành án) cố tình trì hoãn việc chấp hành bản án hoặc gây trở ngại cho việc thi hành án bằng việc kháng cáo quá hạn và sau đó xuất trình biên bản giao nhận đơn kháng cáo quá hạn với Tòa án, việc kháng cáo của họ là “làm cho có” vì biết chắc rằng dù lý do chính đáng hay không chính đáng thì Tòa án cấp sơ thẩm vẫn chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp phúc thẩm để mở thủ tục xem xét kháng cáo quá hạn. Rõ ràng, chúng ta thấy những bất cập trong các trường hợp này là BLTTDS không giải thích rõ thời hạn kháng cáo như thế nào được xem là kháng cáo quá hạn, hết thời hạn kháng cáo và còn trong thời hạn kháng nghị nếu kháng cáo mới được xem là kháng cáo quá hạn hay là bản án có hiệu lực trong thời hạn bao lâu nếu có đơn kháng cáo thì được xem là kháng cáo quá hạn? vv…
Trường hợp thứ hai, bản án có hiệu lực pháp luật và cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền đã tiến hành thi hành án xong thì đương sự (có nghĩa vụ trong bản án) mới có kháng cáo. Trong phạm vi bài viết này người viết chủ yếu nói về nguyên nhân của kháng cáo quá hạn là do đương sự cố tình trì hoãn[5] việc thi hành án, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự khác: Có trường hợp là đã hết thời hạn 01 năm để đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm/tái thẩm và thậm chí là bản án đã được thi hành được 3-4 năm sau đương sự mới làm đơn kháng cáo quá hạn gửi đến Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử, vậy trong trường hợp này sẽ xử lý như thế nào? Tòa án sẽ trả lại đơn kháng cáo? Căn cứ nào để trả lại đơn kháng cáo?
2. Đánh giá, phân tích các cơ sở pháp lý và giải pháp về thời hạn kháng cáo quá hạn.
Chính vì hiện nay, BLTTDS chưa quy định cụ thể thời hạn kháng cáo quá hạn là bao lâu dẫn đến tình trạng là đương sự (người phải thi hành án) cố tình kéo dài việc chấp hành bản án và làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự khác. Có ý kiến cho rằng không nên quy định về “thời hạn kháng cáo quá hạn” vì việc này sẽ tước đi quyền kháng cáo quá hạn của đương sự. Tuy nhiên, người viết cho rằng nếu chúng ta thiết lập nên quy định về “thời hạn kháng cáo quá hạn” chẳng những không tước đi quyền kháng cáo của người phải thi hành án mà ngược lại có còn tăng hiệu quả chấp hành bản án, tăng hiệu quả công tác thi hành án, buộc người phải thi hành án phải nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ của mình, đồng thời “thời hạn kháng cáo quá hạn” còn đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự/người được thi hành án.
Vấn đề cần xác định là chúng ta nên quy định thời hạn kháng cáo quá hạn bao lâu là hợp lý. Về vấn đề này người viết đưa ra những giải pháp về thời hạn kháng cáo quá hạn như sau:
Thứ nhất, “Thời hạn kháng cáo quá hạn” được ấn định dựa trên thời hạn xem xét giám đốc thẩm đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật. Theo quy định của BLTTDS 2015 thì “Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm” [6].
Nếu chúng ta lựa chọn giải pháp đồng nhất giữa thời hạn đề nghị xem xét giám đốc thẩm và thời hạn kháng cáo quá hạn là 01 năm, thì quá thời hạn này chẳng những đương sự không còn quyền đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm mà mặc nhiên cũng mất luôn quyền kháng cáo quá hạn[7]. Tuy nhiên, khi bản án đã có hiệu lực pháp luật mà chúng ta còn cho đương sự có quyền kháng cáo quá hạn với thời hạn 01 năm là không cần thiết, vì làm như vậy vô hình trung chúng ta đã tiếp tay cho việc chây ì, bất hợp tác từ đương sự có nghĩa vụ, làm cho người được thi hành án cảm thấy không tin tưởng vào hệ thống tư pháp, niềm tin vào công lý. Do vậy, “thời hạn kháng cáo quá hạn” là 01 năm kể từ ngày bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật nêu trên là không có cơ sở thực hiện.
Thứ hai, “Thời hạn kháng cáo quá hạn” được ấn định dựa trên thời hạn thi hành án được quy định tại Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014). Tuy nhiên, theo người viết thì quy định thời hạn kháng cáo quá hạn dựa trên thời hạn về thi hành án là không có cơ sở và khó thực hiện. Bởi vì hiện nay việc thi hành án được thực hiện nhanh hoặc chậm tùy vào nhiều điều kiện như: tự nguyện thi hành án, thỏa thuận thi hành án, chấm dứt bằng việc bán đấu giá tài sản, cưỡng chế thi hành án vv… cho nên chúng ta không thể quy định thời hạn kháng cáo quá hạn dựa vào thời hạn thi hành án. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Luật Thi hành án dân sự 2014, có một quy định của Luật Thi hành án dân sự có thể được sử dụng làm căn cứ tham khảo về quy định “thời hạn kháng cáo quá hạn”, đó là quy định về thời hạn chuyển giao bản án/quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đến cơ quan thi hành án.
Theo khoản 1 Điều 28 Luật Thi hành án dân sự quy định thời hạn Tòa án phải chuyển giao bản án, quyết định trên cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền là 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực và khoản 1 Điều 485 BLTTDS năm 2015 thì quy định thời hạn chuyển giao là 01 tháng kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Nếu lấy mốc thời gian cuối cùng của việc chuyển giao bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật từ Tòa án sang cơ quan thi hành án[8] để quy định về thời hạn cuối cùng của việc kháng cáo quá hạn sẽ có đảm bảo được quyền lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, còn đối với người phải thi hành án thì quy định này cũng buộc họ phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Tóm lại từ khi hết thời hạn kháng cáo của đương sự (không phải hết thời hạn kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát) đến khi hết thời hạn chuyển giao bản án cho thi hành án thì đương sự có 45 ngày để thực hiện việc kháng cáo quá hạn.
Từ những phân tích trên, người viết đề nghị bổ sung vào BLTTDS 2015 Điều 275a như sau: “Kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo đến ngày thứ 30 của ngày tiếp sau ngày hết thời hạn kháng cáo mà có đương sự hoặc người đại diện của đương sự (được ủy quyền kháng cáo) làm đơn kháng cáo thì Tòa án tiến hành thủ tục mở phiên họp xét kháng cáo quá hạn. Nếu quá thời hạn này mà có đương sự hoặc người đại diện kháng cáo bản án/quyết định sơ thẩm thì Tòa án trả lại đơn kháng cáo và tài liệu chứng cứ kèm theo (nếu có), Tòa án không tiến hành mở phiên họp xét cáo quá hạn”.
3. Kết luận.
Một khi BLTTDS quy định cụ thể về kháng cáo quá hạn thì sẽ hạn chế được tình trạng lợi dụng kháng cáo quá hạn trong việc trì hoãn, gây cản trở cho việc thi hành bản án, việc ấn định thời hạn kháng cáo quá hạn cũng góp phần giúp công lý được sớm thực thi, quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án được bảo vệ kịp thời và càng củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp.
[2] Kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.
[3] Điều 273 và Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự
[4] Điều 275 Bộ luật Tố tụng dân sự
[5] Thực tế còn có một số nguyên nhân khách quan đương sự không thể kháng cáo trong hạn như bệnh, trở ngại bất khả kháng và nếu chứng minh được thì vẫn được xem xét chấp nhận và xem như kháng cáo trong hạn.
[6] Khoản 1 Điều 327 Bộ luật Tố tụng dân sự
[7] Ở đây còn có vấn đề về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm của các cơ quan khác (Viện kiểm sát, Tòa án vv…) với thời hạn dài hơn nhưng chúng tôi muốn chú trọng vào quyền của đương sự gắn liền với việc kháng cáo quá hạn.
[8] Hiện nay thì việc chuyển giao bản án/quyết định từ Tòa án sang cơ quan thi hành án cũng nhanh và kịp thời, thông thường ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật thì Tòa án sẽ chuyển giao ngay bản án cho cơ quan thi hành án.
Nguồn: Tapchitoaan.gov.vn