[VPLUDVN] Sau khi đọc nội dung bài viết “Nhiều người cùng đánh một người gây thương tích thì xử lý như thế nào?” của tác giả Vàng Văn Vượng đăng trên Tạp chí Kiểm sát điện tử ngày 22/12/2020, tác giả Trần Văn Hùng có ý kiến trao đổi về các quan điểm trong vụ án.
Thứ nhất: Đối với quan điểm thứ hai cho rằng truy tố M về tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo điểm b khoản 2 Điều 135 BLHS 2015, trước hết cần phải hiểu thế nào là “Tinh thần bị kích động mạnh” đây là một khái niệm rất khó xác định mà chủ yếu dựa trên yếu tố tâm lý học để phân tích kết hợp với hành vi phạm tội để đánh giá.
Vấn đề trạng thái tinh thần bị kích động mạnh trong BLHS năm 1985 đã được hướng dẫn lần đầu tiên tại Điểm b Mục 1 Chương 2 Nghị quyết số 04/HĐTP/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự, theo đó:
“Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh”.
Nghiên cứu quy định trên có thể thấy việc xác định tinh thần bị kích động mạnh là hành vi diễn ra một cách tức thời hoặc nó xảy ra sau một thời gian dài người phạm tội bị đè nén, áp bức thì lúc này người phạm tội không còn tự chủ được suy nghĩ và hành động của mình và không còn sự lựa chọn nào khác, buộc phải thực hiện hành vi phạm tội.
Trong vụ án nêu trên, có thể nhận thấy rằng mặc dù M bị Trần Văn X và Nguyễn Văn T đánh nhiều lần và tìm đến tận nơi ở để tiếp tục tìm đánh. Khi vào trong kí túc xá thì tiếp tục thách thức đánh nhau và cả nhóm học sinh, trong đó có cả M xuống đánh X. Như vậy, việc M và các bạn cùng xuống đánh X thể hiện sự chuẩn bị và hoàn toàn tự chủ trong việc thực hiện hành vi phạm tội của mình, rõ ràng M hoàn toàn có thể có sự lựa chọn khác mà không gây ra cái chết cho Trần Văn X nhưng M lại lựa chọn việc đánh nhau để gây hậu quả chết người. Sự tự chủ của bản thân chính là một trong những yếu tố quan trọng để xác định trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, đồng thời M đã có hành vi dùng gạch đập vào đầu Trần Văn X đây cũng chính là sự chủ động của M. Như vậy, rõ ràng M không xác định là tinh thần bị kích động mạnh.
Thứ hai: Tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng hành vi của 15 đối tượng đã đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích, trong đó được xác định hành vi của M là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho X. Còn 14 đối tượng còn lại (dùng chân đạp, tay đấm…) là đồng phạm đơn giản về tội Cố ý gây thương thích theo điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS 2015. Khái niệm đồng phạm được quy định tại khoản 1 Điều 17 BLHS “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Đồng phạm là giữa những người phạm tội có sự bàn bạc thống nhất hành động hoặc giữa những người này tuy chưa có sự bàn bạc, thống nhất nhưng đã hiểu và tiếp nhận ý chí, mục đích của nhau. Vấn đề có cần phải cùng một tội danh không nên đặt ra, chỉ cần cùng hành vi phạm tội và cùng mong muốn hậu quả chung xảy ra tức là cố ý cùng thực hiện tội phạm là đã thoả mãn yếu tố đồng phạm.
Trong vụ án trên khi X đến kí túc xá tìm M để đánh thì có 14 sinh viên cùng với M kéo xuống sân để đánh nhau với X, 14 sinh viên đó đã có sự tiếp nhận ý chí từ M để cùng nhau thực hiện mục đích là đánh nhau với X và đã có hậu quả xảy ra. 14 sinh viên đó biết rằng việc kéo nhau xuống đánh nhau đó sẽ gây ra hậu quả nhưng vẫn cùng với M xuống thực hiện thì thỏa mãn cấu thành đồng phạm trong BLHS. Việc xử lý 14 sinh viên này đồng phạm với M về tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS là phù hợp.
Trên đây là quan điểm về bài viết của tác giả Vàng Văn Vượng rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ bạn đọc ./.