Vi phạm trong xác định yêu cầu phản tố khi Tòa án giải quyết vụ án dân sự

[VPLUDVN] Đây là một dạng vi phạm thường gặp của Tòa án để các Kiểm sát viên tham khảo, vận dụng trong quá trình kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự nhằm thực hiện tốt thẩm quyền kiến nghị của Viện kiểm sát.

Phản tố là một trong những quyền của bị đơn được quy định tại khoản 4  Điều 72 Bộ luật Tố tụng dân sự: “4. Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này”. Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Thủ tục Tòa án thụ lý giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn được thực hiện như thủ tục thụ lý giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Khoản 1 Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập”.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, không phải bất cứ yêu cầu nào của bị đơn cũng là yêu cầu phản tố. Chỉ những yêu cầu của bị đơn có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì Tòa án mới được xác định là yêu cầu phản tố và tiến hành thụ lý giải quyết.

Thông qua hoạt động kiểm sát giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp chia di sản thừa kế”, giữa: nguyên đơn bà Vũ Thị Là, sinh năm 1955, cư trú tại thôn Phụng Viện, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương và bị đơn ông Vũ Xuân Mùi, sinh năm 1949, cư trú tại tổ 40, Khu 4, phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Giang đã kịp thời phát hiện vi phạm của Tòa án trong xác định yêu cầu phản tố để thực hiện quyền kiến nghị của Viện kiểm sát. Cụ thể là:

Cụ Vũ Đình Đang kết hôn với cụ Vũ Thị Sen sinh được 03 người con: Bà Vũ Thị Chung, ông Vũ Văn Kiểng, ông Vũ Đức Tiêu, gia đình sinh sống trên mảnh đất của tổ tiên để lại. Năm 1948 cụ Sen chết, cụ Đang kết hôn với cụ Vũ Thị San sinh được 03 người con: Ông Vũ Xuân Mùi, bà Vũ Thị Là, bà Vũ Thị Na. Cụ Đang, cụ San cùng các con tiếp tục sinh sống trên mảnh đất của tổ tiên để lại. Đến năm 1982, khi đo đạc diện tích đất ở thì thửa đất của cụ Đang, cụ San là thửa số 316 diện tích 220m2 (nay là thửa 92 diện tích 280m2), còn thửa 101 diện tích 117m2 là gò đất ao nên không đưa vào bản đồ 299. Đến năm 1987 cụ Đang chết không để lại di chúc, cụ San và 03 con là ông Mùi, bà Là, bà Na sinh sống trên mảnh đất đó. Năm 1990, ông Mùi cùng vợ con ra tỉnh Quảng Ninh sinh sống, cụ San tiếp tục quản lý, sử dụng diện tích đất trên. Năm 1996, cụ San được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 02 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 06, gồm: Thửa đất số 92 diện tích 280m2 và thửa đất số 101 diện tích 117m2.

Năm 2017 cụ San mất, bà Là làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế đối với thửa đất số 92 diện tích 280m2 và thửa đất số 101 diện tích 117m2 của cụ San để lại.

Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông Vũ Xuân Mùi giao nộp cho Tòa án 01 bản di chúc đứng tên cụ Vũ Thị San và trình bày: Khi còn sống cụ San đã lập di chúc cho ông thửa đất số 92 diện tích 280m2, do vậy ông yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo di chúc. Tòa án xác định yêu cầu của ông Mùi là yêu cầu phản tố và đã ra Thông báo thụ lý yêu cầu phản tố số 01/2019/TB-TLVA ngày 12/3/2019.

Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Giang nhận thấy: Việc Tòa án xác định yêu cầu của ông Mùi là yêu cầu phản tố và tiến hành thụ lý để giải quyết là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và không đúng tinh thần hướng dẫn tại khoản 1, 2 Điều 12 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bởi lẽ:

Trong vụ án này, bị đơn ông Vũ Xuân Mùi không có nghĩa vụ đối với nguyên đơn bà Vũ Thị Là nên yêu cầu của ông Mùi không phải đền bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của bà Là. Bà Là yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế đối với thửa đất số 92 diện tích 280m2, ông Mùi cũng yêu cầu chia di sản thừa kế đối với thửa đất này. Như vậy, yêu cầu của ông Mùi cũng chính là yêu cầu của bà Là (cùng yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng 280 mđất). Yêu cầu của ông Mùi không độc lập với yêu cầu của bà Là. Do vậy, yêu cầu của ông Mùi không phải là yêu cầu phản tố, mà chỉ là ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Khoản 2 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

2. Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn…được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn…;

b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn… ”

Theo tinh thần hướng dẫn tại khoản 1, 2 Điều 12 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì:

1. Được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn…nếu yêu cầu đó độc lập, không cùng với yêu cầu mà nguyên đơn…yêu cầu Toà án giải quyết.

2. Chỉ coi là ý kiến của bị đơn mà không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn…nếu bị đơn có yêu cầu cùng với yêu cầu của nguyên đơn”.

Nguồn: Kiemsat.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *