Vụ 2 tên nghiện sát hại nữ sinh Học viện ngân hàng dưới góc nhìn của chuyên gia về tội phạm học

[VPLUDVN] Những ngày vừa qua, dư luận bàng hoàng trước sự việc nữ sinh viên Học viện Ngân hàng bị 2 tên nghiện giết, cướp điện thoại và xe đạp điện để lấy tiền mua ma túy nhằm thỏa mãn cơn nghiện của mình. Kiemsat.vn đã trao đổi với chuyên gia về tội phạm học – Trung tá Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông CAND) để rõ hơn về hành vi của kẻ phạm tội và cảnh báo những nguy cơ có thể dẫn đến những hành vi tương tự nếu không sớm có biện pháp quản lý chặt chẽ người nghiện, người sau cai nghiện.

Tội ác man rợ của 2 tên nghiện

Ngày 26/10/2020, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều lời kêu gọi nhờ cộng đồng mạng chia sẻ, tìm kiếm thông tin về nữ sinh Trần Thúy Hiền (18 tuổi, trú xã Nguyễn Trãi, H.Thường Tín, Hà Nội; sinh viên Học viện Ngân hàng) bị mất liên lạc với gia đình từ chiều ngày 23/10/2020, sau khi đi xe đạp điện ra Thường Tín để từ đó đi xe buýt đến trường học, đây mới là ngày học chính thức thứ hai của cô bé tân sinh viên Khoa Kế toán Học viện Ngân hàng.

Cộng đồng mạng chia sẻ, tìm kiếm thông tin về nữ sinh Trần Thúy Hiền

Ngay sau khi nhận được đơn trình báo của gia đình nữ sinh, Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội và các đơn vị chức năng áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tổ chức điều tra, xác minh và tìm kiếm. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất với cô bé đã xảy ra, ngày 27/10/2020, sau hơn 4 ngày mất tích, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nữ sinh dưới sông Nhuệ.

Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ thu thập được, đến tối ngày 27/10, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã bắt được đối tượng Nguyễn Văn Quân (37 tuổi, trú tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội) khi đang lẩn trốn ở xã Hạ Hồi (huyện Thường Tín).

Trước đó, ngày 26-10, CQĐT đã xác định và thực hiện các biện pháp tố tụng đối với nghi can chính là Nguyễn Xuân Trung (SN 1985, ở xã Văn Phú, huyện Thường Tín). Trung là nghi phạm trực tiếp ra tay sát hại nữ sinh Hiền.

Được biết, cả Trung và Quân đều là hai đối tượng nghiện ma tuý.

Lời khai ban đầu của Nguyễn Xuân Trung thể hiện, chiều 23-10, Trung rủ Quân đi trộm cắp tài sản. Sau khi lấy được bộ cốp pha của 1 công trình xây dựng tại xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, hai tên đi tìm nơi tiêu thụ. Trên đường đi, Trung trông thấy em Hiền đang đứng gần bờ sông Nhuệ nghe điện thoại di động. Nguyễn Xuân Trung đã quay lại, bàn bạc với Quân việc cướp điện thoại của nữ sinh tội nghiệp.

Chính tên Trung đã đẩy nạn nhân xuống sông để thực hiện đến cùng hành vi tàn ác. Thậm chí khi bị Trung đẩy xuống sông, em Hiền đã van xin tha nhưng Trung vẫn dìm nạn nhân xuống nước cho tới khi thấy Hiền không còn cử động.

Ý kiến của chuyên gia về tội phạm học

Chuyên gia về tội phạm học – Trung tá Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông CAND) đã đưa ra một số phân tích về hành vi phạm tội, việc phòng ngừa những hành vi phạm tội từ khía cạnh nạn nhân và quản lý nhà nước đối với người nghiện, người sau cai nghiện qua vụ án này.

Chuyên gia Tội phạm học – Trung tá Đào Trung Hiếu

Trước hết, hành vi của hai đối tượng Nguyễn Xuân Trung và Nguyễn Văn Quân đồng thời xâm hại hai khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ, đó là quyền được sống (quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe) và quyền sở hữu.

Hành vi giết người của hai kẻ thủ ác thể hiện sự man rợ, ác tính cao, thể hiện sự ích kỷ cao độ, coi thường tính mạng của người khác nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất (lấy tiền để mua ma túy sử dụng); đồng thời, bị thúc đẩy bởi nỗi lo sợ nếu để nạn nhân sống thì hành vi phạm tội sẽ bị tố giác, vì vậy, đối tượng đã quyết tâm tước đoạt mạng sống của nạn nhân một cách man rợ, mặc dù nạn nhân đã cầu khẩn xin tha.

Đối với hành vi giết người, cướp tài sản với tính chất man rợ như vậy, các đối tượng sẽ phải nhận hình phạt nghiêm khắc của pháp luật; được quy định cụ thể tại các Điều 123 (Tội giết người), Điều 168 (Tội cướp tài sản) Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Về cơ chế hành vi phạm tội: Các nghi can là người nghiện ma tuý, đặc điểm tâm lý cá nhân chứa đựng sẵn những lệch lạc, lệch chuẩn, tiêu cực, như sự ích kỷ, độc ác, hành động theo bản năng hướng đến việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất thô thiển. Khi gặp phải tình huống thuận lợi (nạn nhân có tài sản, dễ tấn công, khống chế vì có một mình, trong điều kiện trời tối, vắng vẻ..), đã tác động trực tiếp đến người đã có sẵn trong nhân cách những đặc điểm tiêu cực, hình thành nên ý định phạm tội. Do vậy, để phòng ngừa tội phạm từ khía cạnh nạn nhân, cần phải nghiên cứu sâu vai trò (yếu tố lỗi) của nạn nhân trong các vụ án, rút ra những đặc điểm bị tội phạm lợi dụng, để chủ động triệt tiêu đi những sơ hở, sự chủ quan, mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin…

Ở trong vụ án này, nạn nhân có vai trò trong cơ chế hành vi phạm tội, thể hiện ở khâu làm nảy sinh ý định phạm tội và giúp cho tội phạm được thực hiện thuận lợi. Vì vậy, gia đình, nhà trường, các cơ quan pháp luật cần thường xuyên quan tâm, giáo dục ý thức pháp luật, ý thức cảnh giác, không xuất hiện tại khu vực vắng vẻ khi trời tối, không để lộ ra tài sản, những kỹ năng ứng phó (tri hô, kêu cứu, bỏ chạy, tự vệ) … thì có thể sẽ không xảy ra tội phạm hoặc giảm thiểu được hậu quả, tác hại.

Một vấn đề đặt ra trong công tác quản lý Nhà nước, đó là vấn đề quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện hay người tái nghiện.

Trước đây, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử lý hình sự (Điều 199). Thực tế cho thấy, khi xử lý hình sự về tội này đã có tác dụng răn đe tốt.

Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009 đã bỏ tội này. Do vậy, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng..

Theo quy định hiện nay, sau thời gian cai nghiện ở trung tâm, người nghiện được đưa về bàn giao cho địa phương cùng gia đình giám sát, quản lý, nhưng vẫn có nhiều người tái nghiện trong thời gian này vì nhiều lý do. Và cũng theo quy định của pháp luật hiện hành, người nghiện được coi là người bệnh nên không vi phạm pháp luật về hình sự, vì vậy cũng không có nhiều chế tài để quản lý chặt hơn. Mặt khác, chưa có nhiều những đánh giá, tổng kết về những biện pháp, hiệu quả trong quản lý người nghiện, người cai nghiện, người tái nghiện trong cộng đồng; tuy nhiên qua những vụ án do người nghiện gây ra thời gian qua, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành những biện pháp quản lý người nghiện, người sau cai nghiện, người tái nghiện chặt chẽ, hiệu quả hơn, từ đó có thể để ngăn chặn tội ác tương tự./.

Công Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *