1. Quy định tại Điều 143
Tại điểm c khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính quy định:
“1. Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong các trường hợp sau đây:… c) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút đơn yêu cầu độc lập;”
Khoản 1 Điều 144 Luật Tố tụng hành chính quy định về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án như sau: “1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án đó, nếu việc khởi kiện này không có gì khác với vụ án đã bị đình chỉ về người khởi kiện, người bị kiện và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ các trường hợp bị đình chỉ theo quy định tại các điểm b, c và e khoản 1 Điều 123, điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 143 của Luật này và trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, trường hợp vụ án hành chính được Toà án đình chỉ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 143 đã nêu ở trên thì người khởi kiện không được khởi kiện lại.
Trái lại, trường hợp Toà án đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 143 “Người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong trường hợp không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…” thì người khởi kiện được quyền khởi kiện lại vụ án hành chính.
Trên thực tế, có những vụ án sau khi Toà án thụ lý, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Trong quá trình giải quyết vụ án, người khởi kiện vì lý do cá nhân chưa đến Toà án làm việc được nên rút đơn khởi kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu độc lập, Toà án đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính. Lúc này, quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị kiện vẫn còn, quyền lợi của người khởi kiện vẫn bị ảnh hưởng bởi quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó. Nhưng đối chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 144 của Luật Tố tụng hành chính thì người khởi kiện sẽ không được quyền khởi kiện lại vụ án này, quy định này còn phụ thuộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, điều này không đảm bảo được quyền lợi của người khởi kiện khi muốn khởi kiện lại vụ án hành chính.
2. Trả lại đơn khởi kiện
Tại khoản 1 Điều 123 Luật tố tụng hành chính quy định:
“1. Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong những trường hợp sau đây:
a) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện;
b) Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ;
c) Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;
d) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
đ) Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;
e) Người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật này;
g) Đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này mà không được người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 122 của Luật này;
h) Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 1 Điều 125 của Luật này mà người khởi kiện không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng.”
Luật Tố tụng hành chính 2015 không quy định thời hiệu khởi kiện đã hết là trường hợp trả lại đơn khởi kiện vụ án hành chính. Trong giai đoạn xem xét đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, Thẩm phán xác định thời hiệu khởi kiện đã hết đó không phải là căn cứ để trả lại đơn khởi kiện mà Thẩm phán thụ lý vụ án, sau đó đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 140 Luật Tố tụng hành chính quy định:
“2. Trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện thì Thẩm phán lập biên bản về việc người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện, ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện. Người khởi kiện được quyền khởi kiện lại vụ án nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn”. Nội dung này được hiểu, người khởi kiện chỉ được quyền khởi kiện lại vụ án khi còn thời hiệu. Điều này còn mâu thuẫn với các Điều 123 và Điều 143 Luật Tố tụng hành chính.
3. Kiến nghị
Tác giả kiến nghị, sửa đổi bổ sung những nội dung sau:
1. Bổ sung điểm c khoản 1 Điều 143 vào nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 144 Luật Tố tụng hành chính, cụ thể:
“1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án đó, nếu việc khởi kiện này không có gì khác với vụ án đã bị đình chỉ về người khởi kiện, người bị kiện và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ các trường hợp bị đình chỉ theo quy định tại các điểm b, c và e khoản 1 Điều 123, điểm b, c và điểm đ khoản 1 Điều 143 của Luật này và trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
2. Bãi bỏ điều kiện thời hiệu khởi kiện “nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn” được quy định tại khoản 2 Điều 140 Luật Tố tụng hành chính, cụ thể:
“2. Trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện thì Thẩm phán lập biên bản về việc người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện, ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện. Người khởi kiện được quyền khởi kiện lại vụ án”.
Nguồn: Tapchitoaan.vn