[VPLUDVN] Trong thời gian vừa qua, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đang diễn ra phổ biến với nhiều mức độ và tính chất nghiêm trọng khác nhau. Tuy nhiên, việc đầu tranh, phòng chống loại tội phạm này đang gặp những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng luật trên thực tế.
Tại khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 quy định “Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.” Từ quy định trên, có thể phân tích cấu thành tội phạm (CTTP) của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như sau:
Khách thể của tội phạm
Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định trong chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, đây là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nền kinh tế quốc dân, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và của công dân qua việc vi phạm quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Trật tự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp không phải là khách thể trực tiếp của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhưng do tội phạm này nằm trong chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nên trật tự quản lý nhà nước là khách thể của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Điểm khác biệt giũa quyền sở hữu công nghiệp và quyền tác giả đó là quyền sở hữu công nghiệp muốn được bảo hộ thì chủ thể phải nộp đơn theo trình tự quy định của pháp luật, Nhà nước xác lập quyền sở hữu công nghiệp và thực thi quyền sở hữu công nghiệp. Như vậy, hành vi phạm tội đã xâm phạm, gây rối loạn trật tự quản lý nhà nước về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Đối tượng tác động của tội phạm: Trong số các hành vi xâm phạm đến đối tượng quyền sở hữu công nghiệp thì hành vi xâm phạm đến nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu hàng hóa vi phạm đến một mức nhất định thì mới được luật hình sự bảo vệ.
Như vậy, trong số các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp thì chỉ có nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mới là đối tượng tác động của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Theo tác giả, việc giới hạn nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mới là đối tượng tác động của tội này là chưa hợp lý. Bởi lẽ, các đối tượng còn lại của quyền sở hữu công nghiệp cũng là những đối tượng rất quan trọng của quyền sở hữu công nghiệp, các hành vi xâm hại đến các đối tượng này cũng gây hậu quả rất nghiêm trọng. Mặt khác việc đưa các đối tượng còn lại của quyền sở hữu công nghiệp vào làm đối tượng tác động của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cũng không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Mặt khách quan của tội phạm
Người phạm tội có một trong các hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam. Hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là người vi phạm có hành vi chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ví dụ như: đặt tên nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn, theo đó:
Hành vi chiếm đoạt là hành vi cố ý dịch chuyển một cách trái pháp luật các đối tượng sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu hợp pháp thành của mình bằng các thủ đoạn như trộm cắp, lừa đảo,…
Hành vi sử dụng bất hợp pháp là hành vi tự ý khai thác khai tác những lợi ích của các đối tượng sở hữu công nghiệp nói trên mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu công nghiệp.
Các thủ đoạn thường được thực hiện như:
Thực hiện các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ:
“a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.”
Thực hiện các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 3 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005: “a) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
b) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý;
c) Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;
d) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hóa hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy.”
Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam chỉ cấu thành tội phạm khi người phạm tội thực hiện hành vi với “quy mô thương mại”. Đây là thuật ngữ khá mới được sử dụng trong Bộ luật Hình sự và cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể thế nào là “quy mô thương mại”. Theo quy định tại hiệp định TRIPs và hiệp định Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) thì các nước thành vên có nghĩa vụ quy định áp dụng các thủ tục hình sự và các hình phạt để áp dụng ít nhất với các trường hợp cố ý làm giả nhãn hiệu nhằm mục đích thương mại (Điều 14 BTA) hoặc cố ý giả mạo nhãn hiệu với quy mô thương mại (Điều 61 hiệp định TRIPs). Quy mô thương mại là đặc điểm mang tính bắt buộc của các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đặc điểm này vừa đòi hỏi mức độ lớn của tầm cỡ hành vi, vừa đòi hỏi tính chất kinh tế của hành vi. Đặc điểm này vừa mang tính chất định tính và định lượng. Chính vì vậy, khi áp dụng dấu hiệu này cần dựa vào đặc điểm định tính và định lượng.
Hành vi nói trên chỉ bị coi là tội phạm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nếu hành vi đó được thực hiện với quy mô thương mại hoặc nhằm thu lợi bất chính hoặc nhằm mục đích gây thiệt hại cho chủ sở hữu. Quan trọng, các đối tượng nêu trên là các đối tượng được Nhà nước bảo hộ tức là đã được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Một số bất cập của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và hướng hoàn thiện
Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 quy định “Người nào cố ý xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ….”. Về thuật ngữ “quy mô thương mại”. Đây là thuật ngữ khoa học được sử dụng trong hiệp định TRIPS. Tại Điều 61 Hiệp định TRIPS quy định yêu cầu phải xử lý hình sự ít nhất đối với trường hợp cố tình giả mạo nhãn hiệu với quy mô thương mại. Bên cạnh đó khái niệm “giả mạo nhãn hiệu” cũng chưa được giải thích trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào mà phải suy luận từ khái niệm “giả mạo hàng hóa”. Tại Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định “Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hóa sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.
Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.” Đối chiếu với Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về những hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý có thể thấy rằng những hành vi được liệt kê tại Điều 129 được xem là những hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Thuật ngữ “dấu hiệu khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ” cũng cần phải xem xét vì về bản chất tất cả các dấu hiệu bị coi là xâm phạm nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nói chung đều khó phân biệt (không có khả năng phân biệt) với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ.
Trước tình hình trên, để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong thời gian tới, tác giả Hoàng Đình Dũng, Tòa án quân sự khu vực quân khu 4 đề xuất một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, cần phải ban hành văn bản giải thích yếu tố “quy mô thương mại”. Chính vì từ trước đến nay chưa có văn bản nào giải thích về yếu tố “quy mô thương mại” dẫn đến các vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp khi áp dụng khi xử lý hình sự thường nhẫm lẫn với tội sản xuất buôn bán hàng giả. Bộ Khoa học và công nghệ cần phối hợp với các cơ quan khác ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định về các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó lưu ý việc giải thích dấu hiệu “với quy mô thương mại”…dấu hiệu này có thể xác định dựa trên giá trị hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý hoặc thu lợi bất chính từ việc mua bán các loại mặt hàng này”.
Thứ hai, cần mở rộng đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp bị xâm phạm trong quy định về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
Năm 2012, Cơ quan quản lý thị trường các địa phương và trung ương đã tiến hành xử lý 9556 vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có 8999 vụ giả mạo nhãn hiệu, 67 vụ xâm phạm quyền nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, 422 vụ sử dụng tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả mạo và 07 vụ vi phạm giống cây trồng. Tổng số tiền xử phạt 5,8 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm bị phát hiện và xử lý là 3,8 tỷ đồng.
Chính vì vậy, mở rộng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp là phù hợp với tình hình vi phạm thực tế về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Thứ ba, thực tế khi đã xác định được có hành vi vi phạm và dấu hiệu của tội phạm được quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự nhưng cơ quan có thẩm quyền lại không xác định được chủ sở hữu của đối tượng bị xâm hại.
Tuy nhiên, tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, công tác đấu tranh với loại tội phạm này đạt hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy, tác giả đề xuất bỏ tội danh này ra khỏi các tội danh chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại ở Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự.