Luật sư không chỉ là một chuyên viên luật, mà còn phải là một partner (đối tác) của thân chủ trong các kế hoạch kinh tế thưong mại cũng như kế hoạch tranh tụng. Hiểu đựợc partner của mình, hiểu được công việc của partner, hiểu luật và dùng luật để giúp partner hoạch định công việc một cách hợp pháp và hiệu quả, đó chính là công việc của luật sư.
1. Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ
Nghiên cứu hồ sơ là một trong những công việc quan trọng của luật sư khi tham gia tố tụng. Kết quả nghiên cứu hồ sơ là cơ sở để luật sư xác định những vấn đề cần trao đổi, đề xuất với cơ quan tiến hành tố tụng cũng như chuẩn bị kế hoạch xét hỏi, xác định phương án bào chữa cho bị cáo.
Khi nghiên cứu hồ sơ, luật sư phải nghiên cứu toàn diện và đầy đủ các tài liệu. Chứng cứ của vụ án có liên quan đến việc bảo vệ cho bị cáo hoặc đương sự. Luật sư cần tránh tư tưởng chủ quan, chỉ nghiên cứu những tài liệu mà mình cho là quan trọng còn không nghiên cứu các tài liệu tố tụng khác. Luật sư cần nghiên cứu hồ sơ theo một thứ tự hợp lý. Tùy từng hồ sơ vụ án cụ thể, luật sư có thể nghiên cứu hồ sơ theo thứ tự thời gian xảy ra việc hoặc nghiên cứu hồ sơ theo thứ tự thời gian xảy ra sự việc hoặc nghiên cứu theo từng tập tài liệu liên quan đến từng người tham gia tố tụng. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, luật sư phải lập được hệ thống chứng cứ của vụ án để làm tiền đề xây dựng đề cương bào chữa cho bị cáo hoặc bảo vệ quyền lợi cho đương sự.
Căn cứ vào nhiệm vụ bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong từng vụ án vụ thể mà Luật sư nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc bảo vệ cho bị cáo hoặc đương sự. Thông thường, luật sư bắt đầu nghiên cứu bản cáo trạng trước rồi mới nghiên cứu các tài liệu thuộc về nội dung của vụ án. Khi nghiên cứu các tài liệu này, Luật sư phải kiểm tra cả về thủ tục tố tụng và làm rõ những vấn đề về chứng cứ, đối chiếu với bản cáo trạng để xác định quyết định truy tố có đúng hay không. Luật sư cần chú ý nghiên cứu các tài liệu sau đây:
– Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;
– Kết luận giám định;
– Biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và các tài liệu khác;
– Xem xét vật chứng.
Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, đối với bất kỳ một nguồn chứng cứ nào, luật sư đều phải kiểm tra tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp của chứng cứ. Sau khi kiểm tra xong thì đánh giá sơ bộ chứng cứ còn việc đánh giá tổng hợp các chứng cứ sẽ được thực hiện sau khi nghiên cứu hồ sơ một cách toàn diện, đầy đủ.
Trong khi nghiên cứu hồ sơ, kết hợp với việc đọc tài liệu, luật sư phải ghi chép những vấn đề cần thiết để sử dụng khi bảo vệ cho bị cáo hoặc đương sự. Luật sư nên ghi tóm tắt nội dung tài liệu, nếu cần thiết có thể trích nguyên văn một đoạn nào đó, ghi rõ số bút lục để tiện viện dẫn.
Khi nghiên cứu từng loại tài liệu trong hồ sơ, luật sư cần lưu ý những điểm cụ thể sau đây:
* Nghiên cứu các biên bản về hoạt động tố tụng
Khi kiểm tra thủ tục tố tụng, luật sư phải xem hồ sơ có đảm bảo các thủ tục tố tụng theo quy định của BLTTHS hay không. Luật sư cần chú ý kiểm tra quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, biên bản giao quyết định khởi tố bị can để xác định ngày khởi tố vụ án, ngày khởi tố bị can, ngày bị can nhận được quyết định khởi tố; kiểm tra các giấy tờ, thủ tục trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn; kiểm tra về hình thức cách lập biên bản, thẩm quyền ký các biên bản hoạt động tố tụng… Luật sư có thể kiểm tra ngay các tài liệu trong tập tài liệu tố tụng của vụ án hoặc kết hợp trong lúc đọc từng tài liệu cũng kiểm tra về tố tụng để phát hiện có sự vi phạm thủ tục tố tụng hay không. Nếu phát hiện có vi phạm thủ tục tố tụng, luật sư phải xem sự vi phạm do có ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án hay không, có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người mà mình bảo vệ hay không. Nếu sự vi phạm thủ tục tố tụng có ảnh hưởng đến những vấn đề trên thì đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và luật sư cần đề nghị TA trả hồ sơ điều tra bổ sung.
* Nghiên cứu bản cáo trạng
Luật sư đọc bản cáo trạng để hiểu nội dung vụ án, các hành vi phạm tội của bị can, yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại (nếu có) và quan điểm truy tố của VKS. Khi đọc bản cáo trạng, luật sư cần ghi lại hành vi phạm tội của bị can; tội danh, điều khoản BLHS mà viện dẫn để truy tố; các chứng cứ được VKS dùng làm căn cứ xác định tội phạm, người phạm tội; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại…
Đọc xong bản cáo trạng, Luật sư cần rút ra những điểm quan trọng liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ cần tập trung làm rõ khi nghiên cứu các tài liệu khác trong hồ sơ vụ án.
* Nghiên cứu bản kết luận điều tra
Luật sư nghiên cứu bản kết luận điều tra để hiểu rõ về diễn biến của tội phạm, các chứng cứ mà CQĐT dùng để chứng minh tội phạm, ý kiến đề nghị giải quyết vụ án của CQĐT. Luật sư cần ghi lại những hành vi có nêu trong cáo trạng nhưng không đề cập trong kết luận điều tra; ý kiến đề nghị giải quyết vụ án của CQĐT có lợi cho mình bào chữa, bảo vệ.
* Nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can và các biên bản ghi lời khai của người tham gia tố tụng, biên bản đối chất
– Đọc biên bản hỏi cung bị can
Luật sư đọc biên bản hỏi cung bị can xem bị can có nhận những hành vi nêu trong cáo trạng hay không; tư tưởng, động cơ, mục đích, việc thực hiện hành vi phạm tội, sự ăn năng hối cải của bị can như thế nào (nếu bị can nhận tội). Trường hợp bị can không nhận tội, Luật sư nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can để nắm được các ý lẽ, chứng cứ mà bị can đưa ra để bào chữa cho mình.
Luật sư đọc các biên bản hỏi cung bị can theo thứ tự thời gian và ghi lại:
+ Hành vi nào bị can nhận như cáo trạng (bút lục nào);
+ Hành vi nào cáo trạng nêu nhưng bị can không thừa nhận; các lý lẽ bào chữa của bị can chứng minh mình không có hành vi đó;
+ Hành vi nào ban đầu bị can nhận tội nhưng sau đó không nhận nữa (ghi rõ nhận tội ở lời khai nào, bút mục bao nhiêu);
+ Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo như hoàn cảnh phạm tội, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, nhân thân bị can;
Khi đọc biên bản hỏi cung, Luật sư cũng cần kiểm tra về thủ tục tố tụng, tập trung vào những điểm sau:
+ Biên bản hỏi cung có bị tẩy xóa, sữa chữa hay không. Nếu bị sửa chữa thì có chữ ký xác nhận của bị can hay không;
Trường hợp trong biên bản hỏi cung bị can ghi cả thái độ của bị can trong lúc trả lời như bị can cúi đầu không trả lời, lý do bị can không ký biên bản… luật sư cũng cần lưu ý vì qua những nội dung này có thể hình dung bị can đã có sự đấu tranh trong khi khai báo hoặc bị can phản ứng việc làm sai của ĐTV.
– Đọc biên bản ghi lời khai của người làm chứng để hiểu rõ sự việc phạm tội xảy ra có những người nào biết; họ xác nhận về các tình tiết của những sự việc như thế nào. Trên cơ sở đó, luật sư sử dụng những lời khai của người làm chứng để bảo vệ cho bị cáo hoặc đương sự. Luật sư cần lưu ý một số điểm sau:
+ Phải xác định xem người làm chứng trực tiếp hay gián tiếp biết được các tình tiết của vụ án;
+ Mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, người bị hại;
+ Điều kiện chủ quan (tinh thần, tuổi tác, nghề nghiệp…) và điều kiện khách quan (không gian, thời gian, thời tiết, ánh sáng, âm thanh…) khi người làm chứng tiếp nhận tin tức.
+ Những tình tiết trong lời khai cần sử dụng khi bảo vệ cho thân chủ; những điểm mâu thuẫn trong lời khai giữa các lần khai khác nhau.
Thông thường, những lời khai ban đầu thường chính xác về sự việc; những lời khai sau nếu bổ sung thêm các tình tiết làm rõ lời khai ban đầu thì đáng tin cậy. Nếu lời khai sau lại có nội dung khác hẳn lời khai ban đầu thì có thể người làm chứng bị mua chuộc hoặc do nhiều nguyên nhân khác làm lời khai không chính xác. Tuy nhiên, cũng có trường hợp lời khai sau lại chính xác hơn vì người làm chứng đã nhớ lại được thực chất sự việc xảy ra. Do đó, muốn xác định tính chính xác trong lời khai của người làm chứng thì phải đối chiếu với các chứng cứ khác trong vụ án.
– Đọc biên bản ghi lời khai của người bị hại
Luật sư đọc biên bản ghi lời khai của người bị hại để nắm vững diễn biến của tội phạm, các hành vi thực hiện tội phạm của bị can, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, quan điểm của người bị hại yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại. Khi đọc biên bản ghi lời khai của người bị hại cần lưu ý đối chiếu giữa lời khai của các lần với nhau xem phù hợp hay mâu thuẫn; đối chiếu giữa lời khai của người bị hại với lời khai của bị can, lời khai của người làm chứng xem có điểm nào phù hợp hay mâu thuẫn. Nếu bào chữa cho bị can, luật sư phải ghi lại những điểm mâu thuẫn trong lời khai của người bị hại với thực tế khách quan, với các chứng cứ khác của vụ án để đề nghị TA bác bỏ. Nếu bảo vệ cho người bị hại, luật sư cần ghi lại những tình tiết xác định hành vi phạm tội của bị can và các chứng cứ xác định việc bồi thường thiệt hại là có cơ sở.
– Đọc biên bản đối chất
Trong hồ sơ vụ án có thể có nhiều biên bản đối chất như biên bản đối chất giữa các bị can với nhau, biên bản đối chất giữa bị can với người làm chứng, người bị hại, giữa người bị hại với người làm chứng… Luật sư cần đọc những biên bản này để có cơ sở đánh giá những lời khai còn mâu thuẫn. Nếu biên bản đối chất ghi lời khai của người đối chất có lợi cho người mình bảo vệ thì luật sư cần ghi lại để sử dụng trong quá trình bào chữa, bảo vệ.
* Nghiên cứu các biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, thu thập vật chứng, biên bản nhận dạng, biên bản thực nghiệm điều tra…
Luật sư cần kiểm tra thủ tục tố tụng đối với các loại biên bản xem có đúng quy định của pháp luật hay không như có ghi người làm chứng kiến hay không, những đồ vật cần niêm phong có chữ ký của chủ đồ vật hay không…
Đối với các hoạt động điều tra có mục đích thu thập vật chứng, luật sư phải chú ý nơi và cách thức thu thập vật chứng, các đặc điểm riêng của vật chứng, quá trình thu thập vật chứng (qua khám xét, khám nghiệm hiện trường hay do người nào mang đến nộp). Luật sư cũng cần so sánh vật chứng với các chứng cứ khác xem có phù hợp hay không để xác định giá trị chứng minh của nguồn chứng cứ này.
* Nghiên cứu kết luận giám định
Luật sư kiểm tra xem các điều kiện để ra kết luận giám định có bảo đảm không (số lượng, chất lượng các đồ vật, tài liệu gửi đi giám định…); các phương pháp được sử dụng để giám định có cơ sở khoa học hay không. Luật sư so sánh kết luận giám định với các chứng cứ khác của vụ án để đánh giá độ chính xác của kết luận giám định. Nếu thấy kết luận giám định không có cơ sở tin cậy thì ghi lại và đề nghị với TA yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại.
* Kiểm tra giấy tờ về lý lịch của bị can, bị cáo
Luật sư đọc lý lịch bị can, bị cáo để hiểu về nhân thân của họ; cần ghi tóm tắt hoàn cảnh gia đình, điều kiện sống của bị can, bị cáo. Đặc biệt, phải chú ý ghi lại những điểm về nhân thân bị can, bị cáo mà luật sư sẽ đề nghị TA chấp nhận là tình tiết giảm nhẹ hoặc xem xét khi quyết định hình phạt nếu bào chữa cho bị cáo. Trường hợp luật sư bảo vệ cho người bị hại thì cần ghi lại những đặc điểm nhân thân bất lợi cho bị cáo như những lần vi phạm pháp luật…
* Đọc biên bản giao nhận cáo trạng
Luật sư cần chú ý xem bị can có đồng ý với nội dung bản cáo trạng hay không; nếu không đồng ý thì ý kiến của bị can như thế nào, bị can có đưa ra được những chứng cứ để bác bỏ một phần hay toàn bộ nội dung quyết định truy tố hay không. Thông thường, những bị can đồng ý với nội dung bản cáo trạng thì khi ra phiên tòa sẽ nhân tội, ít phản cung; những bị can không chấp nhận nội dung bản cáo trạng thì sẽ không nhận tội và thay đổi lơi khai. Trường hợp bị can không đồng ý các chứng cứ khác để xác định sư thật của vụ án và trao đổi với họ.
* Nghiên cứu các loại giấy tờ, tài liệu khác
Tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể sẽ có các loại giấy tờ, tài liệu khác để làm rõ các tình tiết của vụ án như: các biên bản xác minh của CQĐT, VKS; các nhận xét và đề nghị của các cơ quan, đoàn thể; các đơn từ khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng… Luật sư cần nghiên cứu kỹ các tài liệu này nhằm tìm ra những chứng cứ có lợi cho người mình bảo vệ, bác bỏ những điểm mâu thuẫn, bất hợp lý trong các chứng cứ bất lợi để đề nghị TA bác bỏ.
Sưu tầm