Luật hình sự Việt Nam gồm 3 nhiệm vụ chính sau đây:
a) Nhiệm vụ bảo vệ của Luật Hình sự
– Đối tượng bảo vệ của ngành LHS được xác định cụ thể tại Điều 1 của BLHS 2015. Cụ thể đó là chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, lợi ích của Nhà nước, tổ chức, trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
– Luật Hình sự bảo vệ các QHXH trên bằng cách xác định đúng, đủ và kịp thời những hành vi có thể gây nguy hại cho các đối tượng bảo vệ để quy định là tội phạm.
b) Nhiệm vụ đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.
– Chống tội phạm: Là hoạt động trực diện đối với tội phạm – hoạt động phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm.
– Phòng ngừa tội phạm: Bao gồm nhiều hoạt động khác nhau nhằm ngăn ngừa không để cho tội phạm xảy ra và đều có quan hệ mật thiết với hoạt động chống tội phạm.
Mối quan hệ giữa phòng và chống tội phạm: Chống tội phạm có hiệu quả không chỉ có tác dụng răn đe, ngăn ngừa tội phạm mà còn có thể định hướng cho các hoạt động phòng ngừa khác.
c) Nhiệm vụ giáo dục của Luật Hình sự
– Ngành LHS không chỉ là công cụ răn đe những người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn răn đe cả những người khác.Qua đó nhằm giáo dục người phạm tội cũng như mọi người nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tránh các hành vi phạm tội xảy ra.
– Ngành LHS cũng là công cụ giáo dục ý thức tham gia chống và phòng ngừa tội phạm cho tất cả mọi người với vai trò là công dân cũng như với vai trò là thành viên của cơ quan hay tổ chức.