Phân tích đặc điểm thứ nhất của tội phạm. Hành vi nguy hiểm cho xã hội (tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm)?
Hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm được hiểu dưới 2 góc độ: Gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho xã hội về khách quan và có lỗi về chủ quan.
* Về khách quan:
– Đặc điểm nguy hiểm cho xã hội là gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được LHS bảo vệ (trong đó các QHXH quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS).
+ Gây ra thiệt hại đáng kể: Là làm biến đổi tình trạng của QHXH hoặc đối tượng bị tác động được LHS bảo vệ ở mức độ đáng kể.
(-) Có loại hành vi khi thực hiện luôn gây ra thiệt hại đáng kể và luôn bị coi là tội phạm mà không thể là VPPL khác.
Ví dụ: Hành vi giết người, hành vi hiếp dâm, hành vi cướp tài sản… (Điều 123, Điều 141, Điều 168 BLHS).
(-) Có loại hành vi khi thực hiện chưa gây ra thiệt hại đáng kể, chưa phải là tội phạm nhưng nếu có thêm các dấu hiệu khác (dấu hiệu về định tính và định lượng) thì lại gây ra thiệt hại đáng kể và là tội phạm.
Ví dụ: Hành vi trồng cây thuốc phiện. Riêng hành vi này chưa có đặc điểm nguy hiểm đáng kể, phải có thêm dấu hiệu khác là “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bi kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì hành vi lại có đặc điểm nguy hiểm đáng kể (Điều 247 BLHS).
+ Đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể: Là chưa làm biến đổi tình trạng của QHXH hoặc đối tượng bị tác động được LHS bảo vệ nhưng đã đặt chúng ở trong tình trạng nguy hiểm đáng kể.
(-) Có loại hành vi khi thực hiện luôn đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể, luôn là tội phạm mà không thể là vi phạm pháp luật khác.
Ví dụ: Hành vi thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109 BLHS). Hành vi này tuy chưa lật đổ được chính quyền nhân dân, nhưng đã đe dọa đến sự tồn tai, an toàn của chính quyền nhân dân đã đặt QHXH này trong sự nguy hiểm đáng kể.
(-) Có loại hành vi khi thực hiện chưa đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể, chưa phải là tội phạm nhưng có thêm các dấu hiệu khác (dấu hiệu về định tính và định lượng) thì lại đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể và là tội phạm.
Ví dụ: Hành vi đe dọa giết người. Riêng hành vi này thì chưa đe dọa gây thiệt hại đáng kể nhưng nếu có thêm dấu hiệu “có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện” thì hành vi này lại đe dọa gây thiệt hại đáng kể (Điều 133 BLHS).
Các QHXH bị gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể (được coi là đối tượng tác động của tội phạm) phải là những QHXH được LHS bảo vệ (được xác định ở Điều 1 và Điều 8 BLHS).
+ Về chủ quan: Đặc điểm nguy hiểm cho xã hội còn bao gồm cả yếu tố lỗi. (Như chúng ta đã biết, xử sự của con người bao giờ cũng là sự thống nhất giữa mặt khách quan và mặt chủ quan; hai mặt này bao giờ cũng có quan hệ chặt chẽ với nhau). Đặc điểm có lỗi là bộ phận hợp thành của đặc điểm nguy hiểm cho xã hội, không thể có hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm mà không có lỗi. Tuy nhiên, để nhấn mạnh nguyên tắc có lỗi, LHS Việt Nam tách đặc điểm có lỗi là dấu hiệu độc lập của tội phạm.
+ Những tình tiết là căn cứ đánh giá đặc điểm nguy hiểm cho xã hội của hành vi
- Tính chất của QHXH bị xâm hại
Ví dụ: Hành vi cắt đứt đường dây thông tin liên lạc của Quốc gia.
Nếu nhằm chống chính quyền nhân dân thì sẽ xâm hại đến an ninh Quốc gia và có tính nguy hiểm cao (Điều 114 Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam); nếu để bán lấy tiền thì sẽ xâm hại đến trật tự an toàn xã hội và có tính nguy hiểm thấp hơn (Điều 303 Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh Quốc gia).
- Tính chất của hành vi khách quan, trong đó bao gồm cả tính chất của phương pháp, thủ đoạn, công cụ và phương tiện phạm tội
Ví dụ: Hành vi giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người, hoặc bằng cách lợi dụng nghề nghiệp thì nguy hiểm hơn không sử dụng các phương pháp, thủ đoạn đó (Điều 123 BLHS).
- Mức độ thiệt hại gây ra hoặc đe dọa gây ra cho QHXH bị xâm hại (biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như mức độ gây thương tật, giá trị tài sản bị xâm hại, giá trị hàng hóa phạm pháp…)
Ví dụ: Hành vi hủy hoại tài sản, nhưng tài sản có giá trị tái sản càng lớn thì tính chất nguy hiểm cho xã hội càng lớn (Điều 178 BLHS).
- Tính chất và mức độ lỗi
Ví dụ: Cũng là hành vi làm lộ bí mật Nhà nước nếu với lỗi cố ý thì bao giờ cũng nguy hiểm hơn với lỗi vô ý (Điều 337, 338 BLHS).
- Động cơ, mục đích của người có hành vi phạm tội
Ví dụ: Hành vi mua bán người vì động cơ đê hèn (điểm b khoản 2), hoặc để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân (điểm b khoản 3) có tính nguy hiểm hơn so với hành vi mua bán trẻ em vì động cơ vô lí đơn thuần (khoản 1, Điều 150).
- Hoàn cảnh chính trị – xã hội lúc và nơi hành vi phạm tội xảy ra
Ví dụ: Hành vi chống mệnh lệnh trong chiến đấu (điểm a khoản 3) có tính nguy hiểm cao hơn so với hành vi chống mệnh lệnh trong huấn luyện, thường trực sẵn sàng chiến đấu trong thời bình (khoản 1) (Điều 394 BLHS Tội chống mệnh lệnh).
- Nhân thân của người có hành vi phạm tội
Nhân thân là tổng hợp các đặc điểm riêng của người phạm tội có ý nghĩa đối với việc giải quyết TNHS của họ như: độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, hoàn cảnh gia đình, tiền án, tiền sự…
Ví dụ: Hành vi cướp tài sản của người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp (điểm b khoản 2) thì nguy hiểm hơn đối với người không có tính chất chuyên nghiệp (Điều 168 BLHS)
* Vị trí, ý nghĩa của đặc điểm nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội:
+ Là đặc điểm (dấu hiệu) cơ bản, quan trọng nhất, quyết định những đặc điểm (dấu hiệu) khác của tội phạm.
+ Là căn cứ để phân biệt hành vi là tội phạm với những hành vi vi phạm khác.
+ Là cơ sở để đánh giá mức độ nghiêm trọng nhiều hay ít của hành vi phạm tội và qua đó giúp cho việc phân hóa TNHS được chính xác.