Thứ nhất, mỗi ngành luật được hình thành và phát triển trong những hoàn cảnh khác nhau, theo những cách thức khác nhau. Cụ thể, luật nhân đạo quốc tế được hình thành và phát triển từ giữa thập kỷ 60 của thế kỷ XIX bởi những nỗ lực của Hiệp hội Chữ Thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế – một tổ chức có tư cách phi chính phủ. Các văn kiện của ngành luật này chủ yếu được thông qua tại các Hội nghị ngoại giao quốc tế. Trong khi đó, luật nhân quyền quốc tế mới được hình thành và phát triển sau khi Liên hợp quốc ra đời (1945), chủ yếu do những nỗ lực của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc – một tổ chức có tư cách liên chính phủ.
-Thứ hai, luật nhân đạo quốc tế chỉ áp dụng trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ ttrang (có hoặc không có tính chất quốc tế), trong khi luật nhân quyền quốc tế được áp dụng trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong bối cảnh hòa bình hoặc chiến tranh.
-Thứ ba, một số nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế liên quan đến những vấn đề nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật nhân quyền quốc tế. Ví dụ, những khía cạnh về hành vi thù địch, hành động tham chiến, địa vị của tù binh chiến tranh và của thường dân, quy chế bảo vệ của biểu tượng chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ…Tương tự, một số nội dung của luật nhân quyền quốc tế không thuộc về phạm vi điều chỉnh của luật nhân đạo quốc tế. Ví dụ, các quyền tự do báo chí, quyền lập hội, quyền bầu cử hay quyền đình công…
-Thứ tư, luật nhân đạo quốc tế bảo vệ các nạn nhân chiến tranh bằng cách cố gắng giảm thiểu những tổn hại và đau đớn do chiến tranh gây ra với con người; trong khi đó, luật nhân quyền quốc tế bảo vệ mọi con người bằng cách thúc đẩy sự phát triển và sự tham gia của họ vào mọi mặt của đời sống xã hội.
-Thứ năm, luật nhân đạo quốc tế quan tâm trước hết tới việc đối xử với những người nằm trong vòng kiểm soát của đối phương và việc giới hạn những phương pháp, phương tiện tiến hành chiến tranh của các bên tham chiến. Trong khi đó, luật nhân quyền quốc tế quan tâm trước hết đến việc hạn chế quyền tự do hành động vô nguyên tắc của các nhà nước đối với các công dân của họ và những người khác đang sinh sống trên lãnh thổ hay thuộc quyền tài phán của nước họ.
-Thứ sáu, luật nhân đạo quốc tế bảo vệ những thường dân bị kẹt trong hoàn cảnh xung đột vũ trang, thông qua các nguyên tắc về tiến hành chiến tranh (nguyên tắc phân biệt giữa chiến binh và dân thường, giữa các mục tiêu quân sự và mục tiêu dân sự; nguyên tắc cấm tấn công dân thường và các mục tiêu dân sự, cấm tấn công các mục tiêu quân sự nếu có thể gây ra những tổn hại không cân xứng đối với dân thường hay các mục tiêu dân sự..). Trong khi đó, luật nhân quyền quốc tế bảo vệ tất cả mọi cá nhân trong mọi hoàn cảnh thông qua những tiêu chuẩn quốc tế về các quyền và tự do của con người.