Khái niệm
“Giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế” là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi quốc gia – thành viên của cộng đồng quốc tế. Các bên có quyền tự do lựa chọn các biện pháp phù hợp nhất, sao cho mọi tranh chấp đều được giải quyết trên cơ sở Luật quốc tế và nguyên tắc công bằng.
Phân loại:
Các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước Luật Biển năm 1982 có thể được phân loại thành các tranh chấp cụ thể dưới đây:
– Tranh chấp liên quan tới việc phân định các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển;
– Các tranh chấp liên quan đến việc thực thi các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trên vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia ven biển, bao gồm:
+ Các tranh chấp liên quan đến việc thực thi các quyền của quốc gia ven biển trong việc đánh bắt cá và bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật, đặc biệt là nguồn tài nguyên cá ở vùng đặc quyền kinh tế, kể cả việc bắt giữ tàu thuyền vi phạm các quy định về đánh bắt cá của quốc gia ven biển;
+ Các tranh chấp liên quan đến quyền tự do hàng hải, tự do lắp đặt dây cáp, ống dẫn ngầm ở các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa;
+ Các tranh chấp liên quan đến việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường biển;
+ Các tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự, kể cả hoạt động quân sự của tàu thuyền và phương tiện bay của nhà nước được sử dụng cho một dịch vụ không có tính chất thương mại, việc thực hiện tập trận ở vùng đặc quyền kinh tế;
+ Các tranh chấp liên quan đến việc thực hiện các quy định về nghiên cứu khoa học biển…
– Các tranh chấp liên quan đến việc thực thi các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trên vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia.
– Các tranh chấp liên quan tới các hoạt động ở khu vực vùng, khu vực đáy biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia.