Thứ nhất: Các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước 1982
Điều 279 Công ước Luật Biển năm 1982 quy định: “Các quốc gia thành viên sẽ giải quyết bất cứ tranh chấp nào giữa họ liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng biện pháp hòa bình phù hợp với Điều 2, khoản 3 của Hiến chương Liên hợp quốc và vì mục đích này, cần tìm ra giải pháp bằng các biện pháp đã được nêu ra tại Điều 33 của Hiến chương”.
Thứ hai: Thủ tục bắt buộc đưa đến các quyết định mang tính ràng buộc
Đây là đặc trưng cơ bản của cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước 1982 và đươc coi như là một bước phát triển mới của luật pháp quốc tế nói chung và trong lĩnh vực luật biển quốc tế nói riêng, do hầu hết các điều ước quốc tế liên quan đến luật biển đều không quy định nghĩa vụ bắt buộc giải quyết tranh chấp bằng bên thứ ba.
Thứ ba: Giới hạn và ngoại lệ đối với việc áp dụng thủ tục bắt buộc đưa đến các quyết định mang tính ràng buộc
Bản chất của những quy định này là hạn chế quốc gia thành viên sử dụng và áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc trong Công ước 1982 trong những điều kiện và hoàn cảnh nhất định. Nếu như các quy định tại Mục 2 của phần XV Công ước 1982 cho phép quốc gia thành viên đơn phương đưa tranh chấp ra giải quyết tại một trong bốn thiết chế giải quyết tranh chấp được nêu trên thì Mục 3 được xây dựng trên cơ sở là một số loại tranh chấp nhất định sẽ không phải là đối tượng điều chỉnh của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc.
Nói cách khác, trong một số điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc giải thích hoặc áp dụng Công ước của các thiết chế xét xử được nêu tại Điều 287 của Công ước 1982 bị “triệt tiêu”. Việc loại bỏ một số loại tranh chấp nhất định ra khỏi thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc là điều kiện tiên quyết để các quốc gia thành viên tham gia Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 chấp nhận các quy định về giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật Biển năm 1982.