[VPLUDVN] Nghĩa vụ hoàn lại là một quan hệ nghĩa vụ,trong đó một bên có quyền yêu cầu bên kia (người có nghĩa vụ) thanh toán lại khoản tiền hoặc lợi ích vật chất khác mà người có quyền đã thay người có nghĩa vụ thực hiện cho người khác hoặc một bên có nghĩa vụ phải hoàn trả cho bên có quyền khoản tiền hoặc lợi ích vật chất mà họ đã nhận được từ người khác trên cơ sở quyền yêu cầu của bên có quyền.
Nghĩa vụ dân sự bổ sung có chức năng thực hiện phần nội dung của nghĩa vụ dân sự chính trước đó khi đến thời hạn mà nghĩa vụ chính không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ. Nghĩa vụ bổ sung bao giờ cũng có mối liên quan đối với một nghĩa vụ chính, làm cho quyền và nghĩa vụ dân sự không chỉ là mối liên hệ giữa hai bên trong một quan hệ nghĩa vụ mà còn liên quan đến cả người thứ ba.
So sánh nghĩa vụ dân sự bổ sung và nghĩa vụ dân sự hoàn lại:
Giống nhau.
- Nghĩa vụ dân sự bổ sung và nghĩa vụ dân sự hoàn lại đều không tồn tại độc lập, không thể phát sinh với ý nghĩa là nghĩa vụ đầu tiên.
Nghĩa vụ bổ sung bao giờ cũng phát sinh và tồn tại bên cạnh một nghĩa vụ khác trước đó nhằm hoàn tất phần nghĩa vụ (trong quan hệ nghĩa vụ trước) bị vi phạm. Chẳng hạn, nghĩa vụ của bên cầm cố tài sản (trong quan hệ cầm cố tài sản) chỉ phát sinh khi có một nghĩa vụ trả nợ (trong quan hệ vay tài sản) phát sinh, theo đó, bên cầm cố tài sản phải bằng tài sản cầm cố để thực hiện việc trả nợ nếu đến hạn mà khoản nợ đó không được trả hoặc trả còn thiếu.
Là một nghĩa vụ phái sinh, nghĩa vụ hoàn lại bao giờ cũng phái sinh từ một nghĩa vụ cơ bản khác. Nó không thể phát sinh với ý nghĩa là nghĩa vụ cơ bản đều tiên. Chẳng hạn trong trường hợp người bảo lãnh đã thay người được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ của người này trước người nhận bảo lãnh thì người được bảo lãnh phải hoàn lại cho bên bảo lãnh khoản tiền hoặc lợi ích vật chất khác mà người bảo lãnh đã thay họ thực hiện cho bên nhận bảo lãnh.
- Trong cả 2 nghĩa vụ bao giờ cũng có một người liên quan đến cả 2 quan hệ nghĩa vụ.
Trong nghĩa vụ bổ sung, chẳng hạn trong quan hệ bảo lãnh, bên cạnh quan hệ nghĩa vụ giữa người có quyền với người có nghĩa vụ còn có mối quan hệ nghĩa vụ giữa người có quyền với người bảo lãnh. Như vậy, người có quyền luôn xuất hiện trong cả hai quan hệ nghĩa vụ, trong quan hệ cầm cố tài sản cũng vậy, nghĩa vụ của bên cầm cố tài sản sẽ phát sinh đối với người có quyền khi có một nghĩa vụ trả nợ trong quan hệ vay tài sản phát sinh.
Với nghĩa vụ hoàn lại, người đó, nếu là người đã thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ trước, thì trong quan hệ nghĩa vụ hoàn lại họ là người có quyền. Chẳng hạn trong nghĩa vụ liên đới có nhiều người bên phía chủ thể có nghĩa vụ mà một trong số họ đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trước bên có quyền thì phát sinh một quan hệ nghĩa vụ hoàn lại giữa người đó với những người có nghĩa vụ khác, trong đó người đã thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ liên đới trước đó có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ khác hoàn lại cho mình khoản tiền hoặc lợi ích vật chất khác mà người đó đã thay họ thực hiện cho bên có quyền.
- Nghĩa vụ bổ sung và nghĩa vụ hoàn lại đều có liên quan đến các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh, tín chấp.
Khác nhau giữa nghĩa vụ bổ sung và nghĩa vụ hoàn lại.
a. Về căn cứ phát sinh.
Nghĩa vụ bổ sung phát sinh theo hai căn cứ sau đây:
- Theo thỏa thuận giữa các bên
Trong các quan hệ nghĩa vụ, để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ, bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ đó có thể thỏa thuận với chính người có nghĩa vụ hoặc người thứ ba về việc xác lập một quan hệ khác để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ trước bên có quyền. Chẳng hạn, sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng vay tài sản để xác lập một quan hệ bảo đảm. Trong trường hợp này, bên cạnh quan hệ nghĩa vụ giữa bên cho vay và bên vay (được gọi là nghĩa vụ chính) còn có mối quan hệ nghĩa vụ giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm (gọi là nghĩa vụ bổ sung).
- Theo quy định của pháp luật
Ngoài việc phát sinh theo thỏa thuận giữa các bên,nghĩa vụ bổ sung còn phát sinh theo quy định của luật trong trường hợp trách nhiệm của cha, mẹ trong việc bồi thường thiệt hại do con từ đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi gây ra cho người khác.
Nghĩa vụ hoàn lại phát sinh theo hai căn cứ sau đây:
- Nghĩa vụ hoàn lại phát sinh từ một nghĩa vụ liên đới trước đó
Thông thường, từ một nghĩa vụ dân sự liên đới có thể làm phát sinh nghĩa vụ dân sự hoàn lại theo một trong hai trường hợp sau đây:
- Khi một trong số những người có nghĩa vụ liên đới đã thự hiện toàn bộ nghĩa vụ, thì người đó trở thành người có quyền trong quan hệ nghĩa vụ hoàn lại, có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thanh toán cho mình khoản tiền hoặc lợi ích vật chất mà người đó đã bỏ ra để thay họ thực hiện cho người có quyền trong quan hệ nghĩa vụ liên đới trước đó.
- Khi một trong số những người có quyền liên đới đã nhận việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của người có nghĩa vụ, thì người đó trở thành người có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ hoàn lại. Người đã nhận việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ có nghĩa vụ hoàn lại cho những người có quyền liên đới khác khoản lợi ích vật chất mà người này đã thay họ để nhận từ người có nghĩa vụ trong nghĩa vụ dân sự liên đới trước đó.
Ngoài ra, theo quy định của BLDS, nghĩa vụ hoàn lại còn phát sinh trong các trường hợp sau:
- Nghĩa vụ hoàn lại phát sinh từ một nghĩa vụ trước trong trường hợp nghĩa vụ trước có thỏa thuận biện pháp bảo lãnh và người bảo lãnh đã thay người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đó trước người nhận bảo lãnh.
- Nghĩa vụ hoàn lại phát sinh từ một nghĩa vụ trước trong trường hợp nghĩa vụ trước có thỏa thuận biện pháp cầm cố hoặc thế chấp bằng tài sản của người thứ ba và người thứ ba đã thay người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đó trước người nhận cầm cố hoặc thế chấp.
- Nghĩa vụ hoàn lại phát sinh giữa người của pháp nhân với pháp nhân sau khi pháp nhân đã bồi thường cho người bị thiệt hại do người của pháp nhân gây ra.
- Nghĩa vụ hoàn lại phát sinh giữa cán bộ, công chức với cơ quan, tổ chức nơi cán bộ, công chức làm việc sau khi tổ chức đó đã bồi thường cho người bị cán bộ, công chức gây thiệt hại trong khi thi hành công vụ (được quy đinh tại Điều 619 BLDS). Trong đó, cán bộ, công chức gây thiệt hại phải hoàn lại cho cơ quan, tổ chức một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức có lỗi trong khi thi hành công vụ.
- Nghĩa vụ hoàn lại phát sinh giữa người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng với cơ quan tiến hành tố tụng nơi họ làm việc sau khi cơ quan tiến hành tố tụng đã bồi thường cho người bị người có thẩm quyền gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ trong quá trình tiến hành tố tụng.
- Nghĩa vụ hoàn lại phát sinh giữa người làm công, học nghề với chủ làm công, dạy nghề đã bồi thường cho người bị thiệt hại do người làm công gây ra trong khi thực hiện công việc được giao (được quy định tại điều 600 Bộ luật dân sự năm 2015).
b.Về mối quan hệ với nghĩa vụ trước đó.
Xét về mối liên quan giữa nghĩa vụ dân sự bổ sung với nghĩa vụ trước đó là một nghĩa vụ phụ. Vì rằng người có quan hệ nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ bổ sung chỉ phải thực hiện đối với phần nghĩa vụ mà người có nghĩa vụ trước đó không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ. Mặt khác, hiệu lực của loại nghĩa vụ này phụ thuộc vào hiệu lực của nghĩa vụ trước đó. Ví dụ: nếu hợp đồng cho vay bị coi là vô hiệu, thì vấn đề bảo lãnh cũng bị coi là vô hiệu (trừ trường hợp hợp đồng vay tài sản đã được thực hiện).
Nghĩa vụ hoàn lại là nghĩa vụ phái sinh phát sinh từ 1 nghĩa vụ trước đó mà theo đó chủ thể nghĩa vụ được người khác nghĩa vụ của mình phải hoàn lại những lợi ích vật chất mà chủ thể nghĩa vụ đã thực hiện thay trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Không có quy định cụ thể trong pháp luật, ví dụ trong trường hợp A đốt căn nhà có chủ sở hữu là B,C,D, A phải bồi thường thiệt hại cho B,C,D. Chẳng hạn A bồi thường hết cho B thì mối quan hệ dân sự giữa A & B,C,D chấm dứt nhưng B phải có nghĩa vụ hoàn lại cho C,D.
c. Về chủ thể.
Trong nghĩa vụ bổ sung, người thứ ba là bên mang nghĩa vụ, để chỉ nghĩa vụ của người thứ ba đối với người có quyền trong quan hệ nghĩa vụ chính. Người thứ ba chỉ có nghĩa vụ khi có sự thỏa thuận giữa họ với người có quyền hoặc trong những trường hợp mà pháp luật quy định. Chẳng hạn, sự thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ bảo lãnh là căn cứ làm xuất hiện một nghĩa vụ bổ sung. Trong trường hợp này, bên cạnh quan hệ nghĩa vụ giữa người có quyền với người có nghĩa vụ (được gọi là nghĩa vụ chính) còn có mối quan hệ giữa người có quyền với người bảo lãnh (gọi là nghĩa vụ bổ sung).
Còn trong nghĩa vụ hoàn lại, người thứ ba là bên mang quyền, để chỉ quyền của bên thứ ba đối với người có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ chính. Ví dụ trong nghĩa vụ hoàn lại phát sinh từ một nghĩa vụ trước trong trường hợp nghĩa vụ trước có thỏa thuận biện pháp cầm cố hoặc thế chấp bằng tài sản của người thứ ba và người thứ ba đã thay người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đó trước người nhận cầm cố hoặc thế chấp. Khi đó, người thứ ba có quyềnyêu cầu người có nghĩa vụ trong quan hệ chính phải thanh toán cho mình khoản tiền hoặc lợi ích vật chất mà người đó đã thay bên có nghĩa vụ trả cho người có quyền. Chẳng hạn, B vay tiền của A được C bằng tài sản của mình thế chấp trước A để bảo đảm việc trả nợ của B. Đến thời hạn, B không trả được nợ nên C trả thay. Theo đó, nghĩa vụ hoàn lại được phát sinh giữa B và C sau khi C đã thay B trả nợ cho A.
d. Về nguyên tắc thực hiện.
Thuật ngữ “bổ sung” cho thấy chức năng của nghĩa vụ bổ sung là thực hiện phần nội dung của nghĩa vụ chính trước đó khi đến thời hạn mà nghĩa vụ chính không được thực hiện hoặc thực iện không đúng, không đầy đủ. Nói cách khác, người có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi nghĩa vụ chính không được thực hiện. Mặc dù quan hệ nghĩa vụ bổ sung đã được xác lập và có hiệu lực nhưng bên có nghĩa vụ trong quan hệ này vẫn không phải thực hiện nghĩa vụ nếu bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ trước đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của họ khi đến thời hạn. chẳng hạn, người bảo lãnh sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ trước bên cho vay nếu người vay đã trả đầy đủ khoản nợ vay cùng lãi vay (nếu có) khi đến thời hạn.
Trong quan hệ nghĩa vụ hoàn lại, người có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi nghĩa vụ chính đã được hoàn thành. Ví dụ, tại khoản 2 Điều 288 BLDS đã quy định: “Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình”.Theo đó, nghĩa vụ nghĩa vụ giữa người được bảo lãnh với người bảo lãnh là nghĩa vụ hoàn lại và chỉ xuất hiện sau khi người bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Vì vậy, nghĩa vụ hoàn lại bao giờ cũng phát sinh khi một nghĩa vụ cơ bản khác đã được hoàn thành.
e. Bản chất nghĩa vụ.
Nếu nghĩa vụ bổ sung là nghĩa vụ nhiều người, thì theo nguyên tắc, nghĩa vụ đó được xác định là nghĩa vụ liên đới.
Còn ngược lại, đối với nghĩa vụ hoàn lại, nghĩa vụ đó được xác định là nghĩa vụ riêng rẽ. Người có quyền trong quan hệ nghĩa vụ hoàn lại chỉ có thể đòi từng người có nghĩa vụ hoàn lại cho mình phần mà mình đã thực hiện thay cho người đó. Nếu một người đã hưởng quyền dân sự trên cơ sở quyền yêu cầu của nhiều người thì mỗi người trong số họ chỉ có quyền yêu cầu người đó hoàn lại cho phần quyền của riêng mình.
Kết luận: Qua việc phân tích từ các vấn đề của lý luận và thực tiễn của nghĩa vụ hoàn lại và nghĩa vụ bổ sung đã giúp ta hiểu rõ hơn pháp luật quy định về hai loại nghĩa vụ dân sự này. Bên cạnh đó thì cũng còn tồn tại nhiều vấn đề vướng mắc, những khoản luật chưa quy định rõ ràng, còn bất cập như một người có thể phải chịu toàn bộ nghĩa vụ dân sự liên đới… cần được nhanh chóng khắc phục, sửa đổi.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.