Khái niệm và đặc điểm của quyền liên quan

1. Khái niệm quyền liên quan

Quyền liên quan đến quyền tác giả (gọi tắt là quyền liên quan) được giải thích tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP là: “Quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá”. Trong Công ước Berne, quyền liên quan được đề cập với thuật ngữ “quyền kề cận” cũng nhằm để xác định quyền của các cá nhân, tổ chức đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng… Luật bản quyền của một số nước cũng xác định quyền liên quan (quyền kề cận) là quyền dành cho người biểu diễn, cá nhân, tổ chức ghi âm, ghi hình, phát sóng, truyền cáp.

Như vậy, bên cạnh việc xác định và bảo vệ các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với một tác phẩm, pháp luật của các quốc gia trên thế giới còn quy định việc bảo vệ các quyền của những chủ thể khác có liên quan đến tác phẩm. Để tác phẩm đến được với công chúng có thể chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là người trực tiếp thực hiện công việc chuyển tải tác phẩm của mình trước công chúng (tác giả của bản nhạc, ca khúc tự trình diễn). Để tác phẩm đến được với đông đảo công chúng thì vai trò của người biểu diễn, củạ các tổ chức sản xuất băng, đĩa ghi âm, ghi hình, các tổ chức thực hiện chương trình phát sóng là thật sự cần thiết. Hoạt động của các cá nhân, tổ chức này là phương thức chuyển tải tác phẩm tới công chúng, theo đó quyền của họ được pháp luật bảo hộ. Bất kì quốc gia nào cũng phải ghi nhận và bảo hộ quyền của các chủ thể này quyền liên quan đến quyền tác giả và được bảo hộ theo hai phương diện.

Thứ nhất, đó là các quyền nhân thân, quyền tài sản của các cá nhân, tổ chức thực hiện việc chuyển tải, truyền đạt tác phẩm tới công chúng thông qua việc biểu diễn tác phẩm, sản xuất bản ghi âm, ghi hình và phát sóng tác phẩm.

Thứ hai, đó là tổng hợp các quy định của pháp luật để xác định và bảo vệ các quyền nhân thân và quyền tài sản của cá nhân, tổ chức đối với cuộc biểu diễn tác phẩm, cá nhân, tổ chức sản xuất bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn hoặc ghi âm, ghi hình, phát sóng tác phẩm.

2. Đặc điểm của quyền liên quan

a. Hoạt động của các chủ thể quyền liên quan chính là hành vi sử dụng tác phẩm đã có

Là người tổ chức sản xuất băng đĩa ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn, tổ chức phát sóng buổi biểu diễn và các chủ thể khác sử dụng tác phẩm như ca sĩ biểu diễn ca khúc, nhạc công biểu diễn bản nhạc, nghệ sĩ trình bày bài thơ, cá nhân hay tổ chức sản xuất đĩa ghi hình để định hình một hoặc nhiều tác phẩm hội hoạ….Bên cạnh các quyền được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, các chủ thể sử dụng tác phẩm còn có các nghĩa vụ đối với tác giả,chủ sở hữu quyền tác giả.

b. Đối tượng được bảo hộ khi có tính nguyên gốc

Tính chất này của quyền liên quan được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, nó có thể là kết quả của lao động sáng tạo và mang dấu ấn cá nhân. Chẳng hạn, việc trình bày bài hát của ca sĩ, trình bày bản nhạc không lời của nghệ sĩ piano luôn mang tính sáng tạo và mang đậm dấu ấn cá nhân. Tính nguyên gốc của quyền liên quan còn được thể hiên ở việc quyền liên quan chỉ được xác định theo các đối tượng của quyền liên quan được tạo ra lần đầu tiên. Quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình chỉ được xác định cho người tạo ra bản định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác hoặc quyền liên quan đối với chương trình phát sóng chỉ xác định cho tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng. Tính nguyên gốc của quyền liên quan giúp chúng ta có thể xác định được ai là chủ thể của quyền liên quan và theo đó xác định được các hành vi xâm phạm quyền liên quan. Tất cả các bản ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn, chương trình phát sóng nếu không mang tính nguyên gốc đều bị coi là sự sao chép và không được thừa nhận các quyền liên quan đến đối tượng đó.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *