1. Khái niệm nhân thân
Nhân thân được hiểu chủ yếu là các yếu tố nói đến con người với tính cách là thành viên của xã hội, là người tham gia vào quan hệ xã hội, là thực thể xã hội. Khái niệm này chỉ bao gồm những đặc điểm về tâm lý, xã hội và có thể có một số đặc điểm về sinh học có ý nghĩa về mặt xã hội như giới tính, tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, trình độ giáo dục, hệ thống giá trị, thái độ, cách cư xử…..
Như vậy, ta có thể thấy việc xác nhận các yếu tố liên quan đến nhân thân là các yếu tố rất quan trọng. Có thể nói các yếu tố nhân thân có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của con người, ảnh hưởng đến nhận thức của chủ thể. Việc các yếu tố đánh giá nhân thân nêu trên như giới tính, tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, trình độ giáo dục, hệ thống giá trị, thái độ, cách cư xử…..có ảnh hưởng đến hành vi. Chính vì vậy, nói ngược lại khi đánh giá hành vi của một chủ thể ta cũng cần xem xét đến các yếu tố nhân thân gây ra ảnh hưởng.
2. Khái niệm nhân thân người phạm tội
Nhân thân người phạm tội là một phạm trù thuộc về con người được đề cập trong các ngành khoa học tội phạm học, khoa học luật hình sự, khoa học điều tra tội phạm, tâm lý học tư pháp… Trong hoạt động thực tiễn các cơ quan điều tra, tòa án, cơ quan thi hành án, các cơ quan khác của Nhà nước, các tổ chức xã hội cần nắm được vấn đề nhân thân người phạ tội trong quá trình tiến hành công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giáo dục và cải tạo người phạm tội. Do đó, vấn đề nhân thân người phạm tội là một vấn đề của nhiều ngành khoa học nghiên cứu. Ở mỗi ngành khoa học có những góc độ tiếp cận khác nhau. Trước hết để tìm hiểu về nhân thân người phạm tội cần tiếp cận ở khái niệm.
Khái niệm về nhân thân người phạm tội liên quan mật thiết với khái niệm chung của xã hội học Mác – Lê Nin về nhân thân con người.Theo đó, nhân thân có thể hiểu đó là bản chất xã hội của con người được thể hiện thông qua vị trí của con người trong các quan hệ xã hội. Nhân thân là một phạm trù lịch sử. Đối với với quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê Nin, quan điểm về nhân thân đối với các nhà tư sản là nhân thân tách rời với quá trình phát triển xã hội. Theo đó, nhân thân phải là cá nhân có đặc điểm riêng giữa các cá thể trong xã hội, có khả năng điều khiển được chính con người mình và điều khiển được người khác, có khả năng quyết định tiến trình phát triển của lịch sử.
Đặc điểm nhân thân của người phạm tội được tội phạm học nghiên cứu là những đặc điểm mang tính đặc trưng, phổ biến điển hình và có vai trò quan trọng trong cơ chế tâm lý xã hội của hành vi phạm tội. Các đặc điểm nhân thân của người phạm tội được tội phạm học nghiên cứu ở một số khía cạnh cụ thể, như: Đặc điểm sinh học tuổi tác, giới tính, đặc điểm xã hội trình độ học vấn, nơi cư trú, nghề nghiệp, đặc điểm tâm lý phản ánh nhận thức xã hội tiêu cực của người phạm tội, đặc điểm nhân thân mang tính pháp lý hình sự.
Nhân thân người phạm tội là những đặc điểm dấu hiệu đặc trưng nhất phản ánh bản chất của người phạm tội, những đặc điểm dấu hiệu này tác động với những tình huống và hoàn cảnh khách quan khác đã tạo ra xử sự phạm tội của người đó.
Nhân thân của người phạm tội trong luật hình sự được hiểu là tổng hợp những đặc điểm riêng biệt của người phạm tội có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự của họ.
Những đặc điểm đó có thể là tuổi, nghề nghiệp, thái độ làm việc, thái độ trong quan hệ với những người khác, trình độ văn hóa, lối sống, hoàn cảnh gia đình và đời sống kinh tế, thái độ chính trị, ý thức pháp luật, tôn giáo, tiền án, tiền sự…
3. Đặc điểm nhân thân người phạm tội
Những đặc điểm của nhân thân tội phạm có thể là tuổi, nghề nghiệp, thái độ làm việc, thái độ trong quan hệ với những người khác, trình độ văn hóa, lối sống, hoàn cảnh gia đình và đời sống kinh tế, thái độ chính trị, ý thức pháp luật, tôn giáo, tiền án, tiền sự…
Không phải ngẫu nhiên mà các yếu tố nhân thân tội phạm được liệt kê bao gồm độ tuổi, nghề nghiệp, thái độ làm việc, thái độ trong quan hệ với những người khác, trình độ văn hóa, lối sống , hoàn cảnh gia đình và đời sống kinh tế, thái độ chính trị, ý thức pháp luật, tôn giáo hay tiền án tiền sự là các đặc điểm của nhân thân tội phạm. Bởi lẽ, đây đều là những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và hành vi của người phạm tội.
Thứ nhất, yếu tố về độ tuổi ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và hành vi thực hiện của người phạm tội.
Không bởi tự nhiên mà pháp luật nước ta lại chia độ tuổi của con người thành các giao đoạn thiếu nhi, thiếu niên và người đủ năng lực hành vi dân sự, đủ năng lực nhận thức. Bởi ở mỗi độ tuổi thì khả năng nhận thức và hiểu biết là khác nhau hoàn toàn. Việc kiến thức được học và được tiếp cận cũng sẽ bị hạn chế bởi độ tuổi. Chính vì vậy so sánh giữa việc người phạm tội là người chưa đủ khả năng nhận thức và năng lực hành vi sẽ được đánh giá theo khía cạnh pháp luật khác so với chủ thể đã đủ năng lực hành vi dân sự, năng lực nhận thức
Thứ hai, yếu tố về môi trường học tập và làm việc của người phạm tội
Đối với các tối tượng phạm tội dưới 18 tuổi thì hầu như môi trường sinh sống của các bạn là trong môi trường nhà trường, mối quan hệ chỉ dừng lại là người thân trong gia đình và bạn bè thầy cô, khi đã qua độ tuổi học tập tại nhà trường, chủ thể đã đủ 18 tuổi trở lên, các mối quan hệ bắt đầu mở rộng. Môi trường sống lúc này cũng sẽ trở nên đa dạng hơn. Việc môi trường tốt hay xấu ảnh hưởng đến hành vi và nhận thức của chủ thể cũng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng gây ra những tác động tới người phạm tội. Do vậy, nếu xem xét mức độ phạm tội, trong trường hợp người phạm tội được sinh ra và lớn lên trong môi trường nhiều tệ nạn, không được giáo dục tốt thì sẽ được xem xét trên một khía cạnh pháp luật khác so với chủ thể phạm tội được sinh ra trong môi trường giáo dục tốt nhưng vẫn phạm tội, biết được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện
Thứ ba, yếu tối về trình độ văn hóa và lối sống của người phạm tội
Trình độ văn hóa hay còn được hiểu là trình độ học tập của người phạm tội. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên khi xem xét về hành vi phạm tội đối với người phạm tội. Bởi lẽ, trong trường hợp trình độ văn hóa thấp kém, việc hiểu biết và tuân thủ pháp luật thường sẽ bị hạn chế dẫn đến việc người phạm tội dễ dàng thực hiện hành vi vi phạm mà không lường trước được hậu quả sẽ xảy ra nghiêm trọng.
Về lối sống của người phạm tội cũng là một trong những yếu tố quan trọng của người phạm tội. Việc người phạm tội bị ảnh hưởng từ môi trường xấu đẫn đến lối sống bê tha, không quy chuẩn cũng khiến cho hành vi của người phạm tội bị ảnh hưởng theo lối sống và hành vi đó. Ngày nay, như chúng ta đã biết việc giới trẻ có lối sống buông thả, không được sự giám sát chu đáo tận tình từ bố mẹ và thầy cô. Chính vì lý do như vậy, nên một bộ phận giới trẻ do không có sự giáo dục tận tình, quan tâm sát sao từ phía thầy cô và nhà trường dẫn đến việc có những tội phạm mới ở độ tuổi học sinh đã vi phạm quy định pháp luật nghiêm trọng dẫn đến những hậu quả khôn lường và những kết cục đau buồn. Chính vì lý do đó, sự quan tâm và giáo dục từ phía nhà trường luôn là những yếu tố quan trọng và cần thiết để giáo dục các bạn trẻ để có lối sống tích cực và lành mạnh.
4. Quyết định hình phạt dựa trên căn cứ nhân thân người phạm tội
Nhân thân người phạm tội là toàn bộ các yếu tố về tự nhiên và xã hội có liên quan đến người phạm tội, bao gồm: tuổi đời, tình trạng sức khỏe, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, quá trình công tác, thành tích, kỷ luật, lịch sử bản thân, hoàn cảnh gia đình … Các yếu tố về nhân thân người phạm tội được thể hiện trong lý lịch bị can và các tài liệu khác có liên quan đến nhân thân người phạm tội. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì các yếu tố về nhân thân của người phạm tội phải được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập đầy đủ hồ sơ vụ án như là một tài liệu chính thức. Bản kết luận điều tra của cơ quan điều tra, bản cáo trạng của Viện kiểm sát và bản án của Tòa án phải ghi đầy đủ các yếu tố về nhân thân của người phạm tội,vì đây là một trong những căn cứ quyết định hình phạt, thiếu nó thì việc quyết định hình phạt sẽ không được chính xác, không đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Trong một số trường hợp, các yếu tố về nhân thân người phạm tội đã được nhà làm luật quy định là yếu tố loại trừ trách nhiệm hình sự, yếu tố miễn hình phạt, yếu tố định tội, định khung hình phạt hoặc quy định là tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, trong trường hợp các yếu tố về nhân thân người phạm tội chưa được quy định là yếu tố định tội, định khung hình phạt hoặc quy định là tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thì khi quyết định hình phạt, Tòa án phải xem xét để áp dụng một hình phạt cho tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Xem xét, cân nhắc nhân thân người phạm tội để làm căn cứ quyết định hình phạt, chủ yếu xem xét các yếu tố về nhân thân không phải là tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ, không phải là yếu tố định tội hay định khung hình phạt. Vì vậy, khi xem xét nhân thân người phạm tội với ý nghĩa là một căn cứ để quyết định hình phạt, Tòa án phải xem xét cả mặt tốt, mặt xấu, đồng thời phải đánh giá được khả năng phát triển nhân cách của họ, khả năng cải tạo cũng như các vấn đề ảnh hưởng đến quá trình cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội.
5. Ý nghĩa việc nghiên cứu nhân thân người phạm tội
Thứ nhất, việc nghiên cứu nhân thân người pham tội có ý nghĩa đối với việc đinh tội cũng như đối với việc định khung hình phạt. Đó là những tội phạm mà cấu thành tội phạm cơ bản hoặc cấu thành tội phạm tăng nặng hay giảm nhẹ của những tội này có dấu hiệu phản ảnh đặc điểm nào đó về nhân thân của người phạm tội.Ví dụ: Cấu thành tội phạm cơ bản của tội giết con mới đẻ đòi hỏi chủ thể phải là người mẹ sinh ra đứa trẻ đó.
Thứ hai, việc nghiên cứu nhân thân người phạm tội có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt. Qua nghiên cứu nhân thân người phạm tội không chỉ đánh giá được khả năng giáo dục cải tạo của người phạm tội mà còn giúp đánh giá được tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để có hình phạt phù hợp. Cùng một hành vi nhưng ở người này là biểu hiện ngẫu nhiên đột xuất nhưng ở người khác là hành vi có tính toán, có ý thức sâu sắc biểu hiện bản chất của người pham tội. Hành vi và con người luôn có quan hệ với nhau cho nên tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng phụ thuộc vào tính chất của con người.
Thứ ba, do mối liên hệ giữa nhân thân người phạm tội với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cho nên luật hình sự đã coi nhân thân người phạm tội là một trong những căn cứ quyết định hình phạt. Mặt khác, luật cũng có quy định coi nhiều tình tiết thuộc về nhân thân của người phạm tội là những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.Ví dụ: Khi xem xét nhân thân người phạm tội của A cho thấy A tuy chưa bị kết án, chưa bị xử lý vi phạm hành chính, nhưng luôn có hành vi gây rối trật tự công cộng, không có công ăn việc làm…Khi xem xét nhân thân người phạm tội của B cho thấy B cũng chưa bị kết án, chưa bị xử lý vi phạm hành chính, nhưng không có bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào, có công ăn, việc làm ổn định, luôn chấp hành tốt các nghĩa vụ công dân… Cân nhắc nhân thân người phạm tội của A và của B cho thấy nhân thân của A xấu hơn nhân thân của B, do đó, việc quyết định hình phạt đối với A phải nặng hơn đối với B, nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau.
Thứ tư, việc nghiên cứu nhân thân người phạm tội có vai trò rất lớn trong việc làm sáng tỏ động cơ, mục đích của người phạm tội.Ví dụ: A thất nghiệp, lúc nào cũng thiếu tiền tiêu nên đã đi ăn trộm và B có công ăn việc làm đàng hoàng nhưng cũng đi ăn trộm.Vậy động cơ mục đích của A và B là không giống nhau. Đây cũng chính là đầu mối để cơ quan điều tra xác định đúng phương hướng điều tra, phá án và quyết định hình phạt.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.