Thực trạng lo ngại về ma túy, tội phạm ma túy- những hạn chế, nguyên nhân và một số kiến nghị

Thực trạng

Tinh trạng người nghiện và sử dụng đồng thời nhiều loại chất ma túy ngày càng phổ biến. Tình trạng lợi dụng các quán bar, vũ trường, nhà nghỉ để mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp ở các thành phố lớn. Thanh thiếu niên sử dụng nhiều chất gây nghiện, ma túy tại các quán bar, vũ trường và một số lễ hội âm nhạc tiếp tục diễn ra cũng khá phức tạp, khó kiểm soát và gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Như vụ ca sĩ Châu Việt Cường ngáo đá giết người; vụ 7 người chết tại lễ hội âm nhạc ở Tây Hồ do sử dụng ma túy.

Năm 2018, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện khá tốt, đã phát hiện 24.931 vụ, tăng so với trước đây. Tỷ lệ phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy là 28,58%. Cả nước hiện nay có 224.690 người nghiện có hồ sơ quản lý. Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên nghiệm ma túy chiếm khoảng 50% và gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Đây là vấn đề đáng báo động từ thực trạng .

Vướng mắc, hạn chế và nguyên nhân

Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành không quy định cụ thể về quy trình cai nghiện, điều trị nghiện ma túy, chế độ cai nghiện, các can thiệp cần thiết đối với người nghiện ma túy. Dẫn đến tình trạng ngoài quy định Luật Phòng, chống ma túy còn một hệ thống văn bản dưới luật quy định về vấn đề cai nghiện, phục hồi và hòa nhập cộng đồng khiến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy trở nên cồng kềnh, phức tạp, nhiều quy định không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau.

Một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành không đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định của một số luật được Quốc hội thông qua sau thời điểm Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực, như Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ví dụ, việc tổ chức cai nghiện bắt buộc đối với người đã cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà tái nghiện và với nghiện chưa thành niên, không có nơi cư trú nhất định thì không được thực hiện trên thực tế do vênh giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật Phòng, chống ma túy.

Việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy đủ 12 đến dưới 18 tuổi không được thực hiện. Do khoản 1 Điều 29 của Luật Phòng, chống ma túy quy định: Người nghiện ma túy từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ. Cai nghiện bắt buộc đối với trẻ em hiện nay là biện pháp cai nghiện bắt buộc tại trung tâm, cách ly ra khỏi cộng đồng hai năm. Đây không phải là biện pháp thích hợp để bảo vệ trẻ em, chống lại việc sử dụng bất hợp pháp ma túy.

Quy định về biện pháp quản lý sau cai nghiện bắt buộc tại cơ sở quản lý trong Luật Phòng, chống ma túy hiện nay cũng không phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và cần được bãi bỏ.

Các loại ma túy mới liên tục xuất hiện, trong đó nhiều loại mạnh, cực độc, gây tác hại nghiêm trọng cho người sử dụng và là nguyên nhân của nhiều loại vi phạm pháp luật. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 600 loại ma túy tổng hợp, hiện diện ở Việt Nam chúng ta trên 550 loại. Trong khi đó, các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, công cụ, nghiệp vụ của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm của ta chưa ngang tầm với yêu cầu này. Đề án đổi mới công tác cai nghiện đã thực hiện cách đây 5 năm. Đường hướng đổi mới rất tổng thể, trong đó mục tiêu là giảm dần cai nghiện bắt buộc xuống còn 6% vào năm 2020. Đề án tuy được đánh giá cao nhưng gần như hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Những đổi mới của đề án này còn hình thức, cơ học, nội dung và phương thức thực hiện chưa tốt, chưa tạo được mô hình tiêu biểu để nhân rộng. Nhiều địa phương cũng chưa quan tâm, bố trí kinh phí được duyệt để nâng cấp sửa chữa các cơ sở cai nghiện. Hiện nay mới chỉ có 5/38 tỉnh chi khoảng 35 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,8%.

Một số kiến nghị  

Từ những phân tích trên, tác giả đưa ra các kiến nghị:

Thứ nhất, tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy để sớm đề xuất với Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội.

Thứ hai, tiến hành rà soát, đánh giá các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống ma túy để kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung những mâu thuẫn chồng chéo hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội hiện nay và gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện.

Thứ ba, xác định rõ quan điểm, chủ động hơn trong việc huy động và bố trí nguồn lực phòng, chống ma túy. Trong đó, đảm bảo nguồn lực ngân sách nhà nước và huy động các nguồn xã hội hóa khác, đặc biệt nghiên cứu xây dựng đề án để đảm bảo nguồn lực trong công tác phòng, chống, cai nghiện ma túy.

Thứ tư, sơ kết thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo tương thích trong xây dựng pháp luật và xử lý những vấn đề ma túy và cai nghiện ma túy để đảm bảo khả thi hơn trong tương lai và xử lý những vấn đề bức xúc do ma túy gây ra.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *