1. Bầu cử lại và bầu cử thêm đại biểu quốc hội
Do quy mô lớn nên cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội cũng có thể xảy ra những trường hợp không mong muốn, dẫn tới việc bầu cử ở một số đơn vị bầu cử không thành công ngay trong ngày bầu cử đã định. Có một số trường hợp có thể xảy ra mà pháp luật đã dự liệu các thủ tục tương ứng để xử lý.
Trường hợp thứ nhất là khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội tại một đơn vị bầu cử không đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách của đơn vị bầu cử. Với số lượng cử tri thấp như vậy thì không chứng tỏ được rằng những người được chọn có thể đại diện cho ý chí, nguyên vọng của đa so cử tri của đơn vị bầu cử. Chính vì vậy, pháp luật quy định trong trường hợp này Ban bầu cử tại đơn vị bầu cử phải báo cáo ngay cho Uỷ ban bầu cử cấp tỉnh tương ứng để Uỷ ban bầu cử đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét áp dụng thủ tục bầu cử lại. Trường hợp quyết định bầu cừ lại thì cuộc bầu cử lại được tổ chức chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Danh sách ứng cử viên và danh sách cử tri vẫn giữ nguyên như cũ. Nếu trong cuộc bầu cử lại mà số cử tri đi bầu của đơn vị bầu cử đó vẫn thấp hơn 50% thì vẫn tiến hành kiểm phiếu và xác định kết quả như bình thường mà không tiến hành bầu cử lại lần 2 (Theo Điều 80 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015).
Bầu cử lại được áp dụng khi cuộc bầu cử có thiếu sót hoặc vỉ phạm pháp luật.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ở một khu vực bỏ phiếu hoặc đơn vị bầu cử cũng có thể phải bầu cử lại nếu có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Pháp luật bầu cử hiện hành không quy định rõ những trường họp cụ thể nào được coi là vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong bầu cử. Song, từ những phân tích lý luận về bầu cử trên đây có thể hiểu vi phạm các nguyên tắc bầu cử hoặc các vi phạm có thể dẫn tới kết quả bầu cử không phản ánh đúng sự lựa chọn khách quan của cử tri là các vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong bầu cử. Đối với trường họp này, tầm ảnh hưởng của vi phạm tới đâu thì tổ chức bầu cử lại tới đó, nghĩa là bầu cử lại có thể tổ chức ở một khu vực bỏ phiếu hoặc đơn vị bầu cử. về mặt thủ tục, Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan tự mình quyết định hoặc quyết định bầu cử lại theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi có vi phạm (Theo Điều 81 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015).
Bầu cử thêm được áp dụng khi chưa bầu được đủ số đại biểu.
Trường hợp khác là khi cuộc bầu cử tại một đơn vị bầu cử đã có quá nửa tổng số cử tri đi bầu song số lượng ứng cử viên trúng cử thấp hơn số ghế đại biểu Quốc hội mà đơn vị bầu cử được bầu, ví dụ đơn vị bầu cử được bầu 3 đại biểu Quốc hội song chỉ có 1 ứng cử viên đạt được quá nửa số phiếu bầu, như vậy là còn thiếu 2 đại biểu Quốc hội. Vấn đề đặt ra trong trường họp này là với quy mô của đơn vị bầu cử thì người dân ở đây đã được dự kiến có tới 3 đại biểu Quốc hội trong khi đó chỉ bầu được 1. Nếu kết quả cuối cùng như vậy thì tiếng nói của người dân tại đơn vị bầu cử trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất sẽ quá thấp so với quy mô của đơn vị bầu cử. Chính vì vậy pháp luật bầu cử của Việt Nam quy định trong trường hợp này có thể tiến hành áp dụng thêm thủ tục bầu cử thêm đại biểu Quốc hội cho đủ số.
Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định tiến hành bầu cử thêm theo đề nghị của Uỷ ban bầu cử noi có đơn vị bầu cử bầu thiếu đại biểu. Trong cuộc bầu cử thêm, danh sách ứng cử viên sẽ giống nhu danh sách bầu cử lần đầu đã lược bớt những đại biểu đã trúng cử ở lần bầu đầu tiên (Điều 79 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015).
2. Bầu cử bổ sung đại biểu quốc hội
Khác với thủ tục bầu cử lại và bầu cử thêm, thủ tục bầu cử bổ sung được đặt ra để xử lý sự thiếu hụt đại biểu Quốc hội sau khi cuộc bầu cử đã hoàn tất và Quốc hội đang hoạt động. Lý do đặt ra thủ tục này là sự thiếu hụt ở một mức độ nào đó số lượng đại biểu Quốc hội đang trong nhiệm kì có thể ảnh hưởng tới tính chất đại diện cao nhất của Quốc hội và do đó việc bổ sung đại biểu Quốc hội là điều cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành cũng quy định chỉ tiến hành bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội khi có hai điều kiện xảy ra:
– Thứ nhất, thời gian còn lại của nhiệm kì Quốc hội còn hơn 02 năm; và
– Số đại biểu Quốc hội khuyết hơn 10% tổng số đại biểu Quốc hội đã được bầu ở đầu nhiệm kì.
Bầu cử bổ sung được áp dụng khi sổ lượng đại biểu Quốc hội khuyết quá lớn trong nhiệm kì.
Theo các điều kiện trên, nếu tổng số đại biểu Quốc hội được bầu ở đầu nhiệm kì là 496 người thì chỉ khi nào bị khuyết từ 50 đại biểu Quốc hội trở lên và thời gian còn lại của nhiệm kì Quốc hội còn trên 2 năm mới có thể xem xét việc bầu cử bổ sung. Như vậy là thủ tục bầu cử bổ sung thực ra là một “dự phòng xa” bởi lẽ rất hiếm khi số lượng đại biểu Quốc hội bị thiếu hụt nhiều đến như vậy. Cuộc bầu cử bổ sung do Quốc hội quyết định. Thủ tục bầu cử bổ sung về cơ bản giống với bầu cử chính thức, ví dụ về việc lập danh sách cử tri, quyết định danh sách ứng cử viên, tổ chức ngày bầu cử, xác định kết quả bầu cử… Tuy nhiên, có một số công đoạn được rút gọn hơn, ví dụ ngày bầu cử bố sung chỉ cần công bố trước 30 ngày thay vì 115 ngày, các tổ chức phụ trách bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội chỉ có Hội đồng bầu cử bổ sung, Ban bầu cử bổ sung ở các đơn vị bầu cử và Tổ bầu cử bổ sung ở các khu vực bỏ phiếu; không có Uỷ ban bầu cử ở cấp tỉnh như cuộc bầu cử chính thức (Điều 89 đến Điều 94 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015).
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.