Các trường hợp trả lại đơn khởi kiện trong vụ án hành chính

[VPLUDVN] Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, Tòa án chỉ nhận đơn khởi kiện khi vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Vì vậy, nếu Tòa án có căn cứ xác định rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì sẽ từ chối thụ lý bằng cách trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Việc trả lại đơn khởi kiện được quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính 2015, Tòa án trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:

1. Người khởi kiện không có quyền khởi kiện.

Quyền khởi kiện vụ án hành chính là quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo thủ tục do pháp luật quy định. Khoản 8, điều 3, Luật Tố tụng hành chính quy định như sau: “Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân (sau đây gọi chung là danh sách cử tri).”

2. Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ.

Để Tòa án thụ lý vụ án thì người khởi kiện phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 54 Luật Tố tụng hành chính như sau: “Năng lực hành vi tố tụng hành chính là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ trong tố tụng hành chính hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng hành chính”.

3. Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.

Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính bao gồm:

– Chủ thể khởi kiện: Là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị ảnh hưởng bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính. Người khởi kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, việc lập danh sách cử tri.

– Đối tượng khởi kiện: Bao gồm quyết định hành chính; Hành vi hành chính; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Các quyết định hành chính, hành vi hành chính phải là các quyết định hành chính cá biệt.

– Thẩm quyền giải quyết việc khởi kiện: Chính là thẩm quyền của các cấp tòa án.

– Thời hiệu khởi kiện: Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

4. Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, nếu sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án rồi thì các đương sự chỉ có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm chứ không được quyền tiếp tục khởi kiện vụ án hành chính.

5. Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Thẩm quyền giải quyết của Toà án là một trong các điều kiện để khởi kiện vụ án hành chính. Nghĩa là nếu sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án thì sẽ không được Tòa án thụ lý giải quyết. Điều 30 Luật tố tụng Hành chính 2015 quy định về những trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của Tòa án trừ các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:

– Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;

– Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;

– Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức;

– Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống;

– Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

– Khiếu kiện danh sách cử tri.

Ngoài phải đảm bảo không thuộc các trường hợp nêu trên việc khởi kiện còn phải đúng trình tự, thủ tục của Luật Khiếu nại 2011 và đảm bảo đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo điều 31-32 Luật tố tụng Hành chính 2015.

6. Người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật Tố tụng hành chính 2015.

Hiện nay, Luật tố tụng hành chính 2015 quy định trường hợp người khởi kiện vừa khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại vừa nộp đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án thì thẩm quyền giải quyết sẽ theo sự lựa chọn của người khởi kiện. Việc quy định như vậy đã tạo điều kiện cho người khởi kiện tự do lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhằm bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

7. Đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật tố tụng hành chính 2015 mà không được người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 122 của Luật tố tụng Hành chính 2015.

Nếu đơn khởi kiện không có đủ các nội dung theo quy định thì Toà án sẽ thông báo cho người khởi kiện biết để họ sửa đổi, bổ sung và thời hạn sửa đổi, bổ sung là 10 ngày làm việc, kể từ ngày người khởi kiện nhận được thông báo của Toà án. Trong trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng nội dung quy định trên thì Toà án tiếp tục việc thụ lý vụ án. Còn trường hợp, không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Toà án thì Toà án trả lại đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo cho người khởi kiện.

8. Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 1 Điều 125 của Luật Tố tụng Hành chính 2015 mà người khởi kiện không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng.

Sau khi nhận đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, nếu Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện xét thấy vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thì thông báo cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí Sau khi nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí. nếu hết thời hạn trên mà người khởi kiện không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí thì Toà án trả lại đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo cho người khởi kiện.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *